VNU & báo chí
Trang chủ   >  Tin tức  >   VNU & báo chí  >  
Những lầm tưởng đối với ngành hạt nhân
Theo các trường đại học, công tác "chiêu mộ" sinh viên lựa chọn ngành học liên quan đến lĩnh vực hạt nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 Ngành học về hạt nhân trên cơ sở máy móc thiết bị hiện đại được xem là một trong những giải pháp cho sự phát triển nguồn năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, trong công tác tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thử thách và cần có sự tính toán kỹ lưỡng.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu - Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (sau đây gọi là Trường Đại học khoa học Tự nhiên Hà Nội); Tiến sĩ Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Đà Lạt về ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực hạt nhân.

Theo tìm hiểu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội hiện đang đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân. Còn Trường Đại học Đà Lạt tuyển sinh ngành Kỹ thuật hạt nhân.

Ngành học liên quan lĩnh vực hạt nhân có gì đặc biệt?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu - Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: "Công nghệ kỹ thuật hạt nhân có rất nhiều ứng dụng trong đời sống kinh tế kỹ thuật.

Có thể kể đến các ứng dụng trong công nghiệp như: Kiểm tra chất lượng vật liệu công nghiệp bằng các phương pháp phân tích kích hoạt neutron, phân tích PIXE…;

Ứng dụng trong sản xuất vật liệu mới, xử lý chất thải, xử lý nước, kiểm tra mối hàn công nghiệp, kiểm tra chất lượng bê tông;

Các ứng dụng trong nông nghiệp như: Phân tích hoá học đất, tạo giống cây mới nhờ bức xạ hạt nhân, kiểm tra chất lượng nước, kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chiếu xạ bảo quản sản phẩm nông nghiệp;

Ứng dụng trong y tế như: chẩn đoán hình ảnh, điều trị ung thư, sản xuất dược chất phóng xạ, chiếu xạ tiệt trùng y tế, nghiên cứu y khoa bằng các thuốc chứa đồng vị phóng xạ để hiểu về cơ chế hấp thụ thuốc, xét nghiệm y tế, xạ trị, xạ phẫu… hay ứng dụng trong nghiên cứu môi trường như: quan trắc ô nhiễm không khí, quan trắc ô nhiễm nước".

 

Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thầy Hiếu cũng nhấn mạnh, theo học ngành này sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về Kỹ thuật hạt nhân như Vật lý phóng xạ, an toàn bức xạ, công nghệ bức xạ, máy gia tốc,... Năm cuối, sinh viên sẽ được đào tạo theo một trong ba hướng chuyên sâu: Kỹ thuật hạt nhân; Năng lượng và điện hạt nhân hạt nhân; Vật lý ý khoa. Sinh viên sẽ được đi thực tập nghề nghiệp tại các bệnh viện, các cơ quan có ứng dụng công nghệ kỹ thuật hạt nhân.

Tiến sĩ Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ về lý do mở ngành đào tạo Kỹ thuật hạt nhân: Từ lúc mới thành lập nhà trường đã đào tạo ngành Vật lý với các chuyên ngành về Vật lý hạt nhân, Kỹ thuật điện tử. Trường đã cung cấp hàng trăm cán bộ cho việc khôi phục và vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt một cách an toàn và hiệu quả cho đến ngày nay. Hàng loạt cán bộ cốt cán của Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đều được đào tạo từ Khoa Vật lý của Trường Đại học Đà Lạt.

Với những thành quả và kinh nghiệm, lợi thế của mình, ngày 18/8/2010, Trường Đại học Đà Lạt là một trong 5 cơ sở được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực hạt nhân nhằm thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của cả nước tại Ninh Thuận cũng như Dự án lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành Kỹ thuật hạt nhân trình độ đại học vào năm 2011 và tổ chức đào tạo cho đến ngày nay".

Sinh viên học ngành Kỹ thuật hạt nhân tại Trường Đại học Đà Lạt sẽ được trang bị kiến thức theo 3 chuyên ngành chính gồm: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, vật liệu, môi trường; Tính toán, mô phỏng Lò phản ứng hạt nhân; và An toàn hạt nhân.

Công tác tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt, lúc mới đào tạo, công tác tuyển sinh ngành Kỹ thuật hạt nhân có nhiều thuận lợi do hiệu ứng của dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới.

Tuy nhiên hiện nay do nhà nước tạm dừng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên nên công tác tuyển sinh ngành học gặp phải những khó khăn nhất định, số lượng tuyển sinh không còn nhiều như trước mặc dù kể cả việc tạm dừng nhà máy điện nguyên tử thì nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn rất cần thiết. Trong giai đoạn tới khi dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới với công suất gấp 40 lần lò phản ứng hạt nhân hiện tại với nhu cầu nguồn nhân lực hàng ngàn cán bộ, tin chắc rằng công tác tuyển sinh sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.

Thầy Duy cũng nhấn mạnh, do đặc thù của ngành Kỹ thuật hạt nhân vừa nghiên cứu cơ bản, vừa ứng dụng trong thực tiễn, liên quan đến rất nhiều nền tảng về Toán, Vật lý do đó đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng kiến thức tốt về khoa học tự nhiên, có tư duy và khả năng nghiên cứu, sáng tạo, đồng thời cũng phải có tư duy về đo đạc và xử lý số liệu, năng lực về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Đặc biệt ngoại ngữ là một trong những đòi hỏi hết sức quan trọng vì sinh viên đa số phải tương tác với các nguồn tài liệu tiếng Anh và làm việc với các chuyên gia nước ngoài.

"Hai năm gần đây, trường luôn dành khoảng 30 chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành Kỹ thuật hạt nhân. Tuy không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng năm nào nhà trường cũng tuyển được số lượng sinh viên đủ mở lớp. Số lượng tuyển sinh ít nhưng lại là cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo do các giảng viên sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm và cùng với sinh viên thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, thông qua đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học", thầy Duy nói.

Về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa Vật lý và Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt, thầy Duy cho biết, hiện nay gồm 17 giảng viên, trong đó có 3 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 7 thạc sĩ. Ngoài ra còn có đội ngũ thỉnh giảng có chuyên môn cao trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ thỉnh giảng từ Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cũng như Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Về thiết bị, ngoài các thiết bị được đầu tư từ Bộ Giáo dục và Đào tạo như các hệ phổ kế alpha, beta, gamma, huỳnh quang tia X phản xạ toàn phần, nhà trường cũng được tài trợ hệ mô phỏng thông số thực lõi lò phản ứng hạt nhân OPR1000 (Cosi OPR1000) từ Hàn Quốc. Đặc biệt, thuận lợi của sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân là được sử dụng các thiết bị từ Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt - nơi có lò phản ứng hạt nhân duy nhất tại Việt Nam.

"Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hạt nhân không chỉ có cơ hội việc làm trong các nhà máy điện nguyên tử mà còn có thể làm việc trong lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, các trung tâm ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp, các trung tâm phân tích, chiếu xạ, trong y học hạt nhân và các trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về cơ bản sinh viên làm việc trong ngành này có mức thu nhập tốt do nhà nước đang triển khai rất nhiều các đề tài, dự án khác nhau trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho các lĩnh vực khác nhau", thầy Duy nhận định.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo ngành này tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu cho hay: Do công tác truyền thông của nhà trường chưa được tốt nên học sinh, phụ huynh ít biết đến ngành học. Thêm vào đó nhiều người hiểu nhầm lĩnh vực này nguy hiểm do tiếp xúc phóng xạ hay như chế tạo bom nguyên tử.

Còn về mặt thuận lợi, thầy Hiếu cho biết, đây là ngành đặc thù, ở miền Bắc chỉ có Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội đào tạo do đó tỷ lệ cạnh tranh công việc khá thấp. Sinh viên được tiếp xúc với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao được đào tạo ở nước ngoài, sinh viên xuất sắc sẽ được giới thiệu đi du học thạc sĩ, tiến sĩ.

Thầy Hiếu cho biết thêm, chỉ tiêu tuyển sinh ngành này tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội trong hai năm gần đây là 40 sinh viên. Điểm trúng tuyển năm 2022 là 23,5/30 và năm 2023 là 21,3/30.

Về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của ngành này tại trường, thầy Hiếu cho hay: "Nhà trường đã trang bị các thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ cho đào tạo công nghệ kỹ thuật hạt nhân như các hệ phổ kế gamma, các hệ ghi nhận bức xạ hạt nhân. Đặc biệt là hệ thống máy gia tốc tĩnh điện kép hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Đội ngũ giảng viên của nhà trường đều có trình độ chuyên môn cao, hầu hết được đào tạo nước ngoài. Ngoài ra nhà trường cũng mời giảng các chuyên gia hàng đầu ở Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bệnh viện 108, bệnh viện K,... để giảng dạy các môn đặc thù nghề nghiệp.

Sinh viên sau khi ra trường có thể làm kỹ thuật viên tại các bệnh viện, công ty dầu khí, công ty công nghệ, viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng bức xạ... Mức lương của sinh viên tốt nghiệp ngành này tùy theo đơn vị tuyển dụng cũng như vị trí công việc, có thể đạt được 25 triệu đồng/tháng".

Ngành học "nóng" nhưng không bền?

Trước ý kiến cho rằng ngành học về hạt nhân là ngành "nóng" nhưng không bền, Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội bày tỏ: "Nóng hay không là tuỳ đánh giá của mỗi người, nhưng nói không bền thì không đúng. Công nghệ kỹ thuật hạt nhân hiện diện khắp mọi nơi trong đời sống kinh tế kỹ thuật, từ chụp X-quang trong y tế, xạ trị ung thư, chiếu xạ bảo quản thực phẩm, bất cứ công trình bê tông (nhà cao tầng, cầu cống) hay các ống dẫn nước thuỷ điện, dẫn dầu khí cũng cần đến kỹ thuật hạt nhân để kiểm tra... nói tóm lại công nghệ kỹ thuật hạt nhân có ở khắp nơi và song hành với cuộc sống, vậy thì sao nói nó không bền được? Chưa kể hiện nay một trào lưu điện hạt nhân đang bùng nổ trên thế giới, vì điện hạt nhân là điện sạch, không gây khí nhà kính".

Còn Tiến sĩ Trần Hữu Duy bày tỏ quan điểm: "Nếu so sánh với nhiều ngành nghề được xem là "hot" hiện nay trong xã hội thì Kỹ thuật hạt nhân chưa hẳn là một ngành "hot" bởi vì khi theo học ngành này đòi hỏi sinh viên có nhiều kỹ năng đặc thù và khó học hơn so với các ngành khác, việc làm sau ra trường cũng vất vả hơn nên hiệu ứng thu hút người học thấp hơn.

Tuy nhiên, khác với một số ngành nghề khác có thể mất theo thời gian thì lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống là một tất yếu lâu dài kể cả khi không xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đó là nguyên nhân nhà nước sẽ sớm triển khai xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới tại Đồng Nai với công suất gấp 40 lần lò phản ứng hiện tại. Do đó quan điểm ngành Kỹ thuật hạt nhân không bền là hoàn toàn không chính xác".

Nguồn: Báo Giáo dục

 Hoài Thu - Báo giáo dục
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :