Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Phóng viên tương lai: thiếu kiến thức nên yếu tay nghề
Sinh viên Khoa Báo chí & Truyền thông vẫn thường truyền tai nhau công thức “học tập - đọc - tích lũy - đi - viết” để phấn đấu trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Nhiều bạn còn đúc rút cụ thể hơn về “con đường hiện thực hóa ước mơ”của mình theo tỷ lệ: 20% kiến thức thu nạp từ nhà trường, 30% từ đọc sách vở và 50% phải lao ra đường mà học. Nhưng trong thực tế, liệu có bao nhiêu “phóng viên tương lai” trang bị cho mình đủ những kiến thức này...

 

 

Điệp khúc “ngại giảng đường”

Hiện nay, rất nhiều trường đại học trong đó có Trường ĐHKHXH&NV đã áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ nên việc tự đọc, tự học của sinh viên trở nên đặc biệt quan trọng. Nói như vậy không có nghĩa là những giờ lên giảng đường của sinh viên ta thành “vô nghĩa”. Vậy mà khi chúng tôi “nhảy dù” vào một số buổi học của Khoa Báo chí & Truyền thông vẫn bắt gặp những giảng đường thiếu vắng tới gần 20 sinh viên. Một số bạn chỉ coi bàn học là chốn “dừng chân ngủ tạm”, một số khác thì coi đó là “giang sơn” để buôn chuyện... Thực trạng này được lý giải là do “bài giảng không hấp dẫn”. Thế nhưng ngay cả trong những giờ học “đổi gió” theo phong cách hiện đại của giảng viên Vũ Quang Hào thì không ít sinh viên vẫn lặng lẽ ra về, kèm theo một tiếng thở dài: “Kiến thức mênh mông quá, mình không nắm bắt được!”. Chúng ta không khỏi băn khoăn rằng với cách học trên giảng đường như vậy, liệu một số sinh viên báo chí sẽ tự học ra sao?

Sinh viên ngành báo chí phải chịu khó đọc báo đó là điều cần thiết. Nhưng mấy người bạn của tôi lại thừa nhận rằng, hầu như rất ít khi họ chạm tay đến một tờ báo, trừ khi nghe thấy những thông tin gây “sốc”. Bạn Đ.H.Giang (sinh viên năm thứ 3) tâm sự: “Mình ít đọc báo mà nếu có thì chủ yếu là xem trên mạng internet kết hợp với đi chat. Đôi khi đọc xong một bài báo trên mạng, mình chẳng thể hình dung nổi tác giả triển khai nội dung đó như thế nào?”.

Nói như vậy không có nghĩa là tất cả sinh viên báo chí đều chỉ biết đọc “gạo”. Với H.Thủy, cô thường mua báo đọc rồi từ đó học hỏi cách khai thác đề tài, triển khai bài viết. Cô cũng không ngần ngại đưa ra ý kiến mà theo cô, nó sẽ đem đến hiệu quả cao hơn cho bài viết. Thủy chia sẻ: “Ban đầu nghe các giảng viên gợi ý cách đọc này có thể rèn luyện tay nghề, mình thấy nghi ngờ. Bây giờ mới thấm thía học trực tiếp trên từng bài báo cụ thể sẽ hiệu quả như thế nào...”.

1001 lý do bao biện

Thay vì nhìn thẳng vào thực tế đang diễn ra, không hiếm sinh viên báo chí đã lấy cớ thiếu thời gian, phải xử lý nhiều mối quan hệ xã hội, phải đi làm để thực hành... nên không có điều kiện đầu tư cho việc đọc. Người viết bài này chơi thân với không ít sinh viên đang học ngành báo chí và cũng phần nào hiểu được về những quan niệm của họ. Đa phần họ có đi, có viết, có lao ra đường để học rồi vô tình quên đi việc nạp kiến thức từ sách vở, thay vào đó là “xả ra” liên tục bằng những bài viết lên trang, những thước phim được lên hình... Họ đã coi trọng việc hành và xem nhẹ yếu tố học... Bước vào đời, có phải hành trang của sinh viên báo chí nhọc nhằn hơn sinh viên các ngành khác? Ngoài vốn kiến thức về báo chí, họ còn cần một phông kiến thức chung làm nền tảng cộng với kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Không đọc, không học, những “phóng viên tương lai” sẽ phải lăn lộn ra sao để trụ được với nghề? Chẳng thế mà trong nhiều cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, các nhà báo đi trước đã thấm thía rút ra rằng: Chỉ ở giảng đường đại học, bạn mới có cơ hội tích lũy nhiều nhất. Hãy đọc đi, đừng chần chờ gì nữa!

 Lê Thị Thùy Linh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, tháng 2/2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :