Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Bàn về hội nhập khoa học
Trong thời kỳ hội nhập, chủ nghĩa kinh viện sẽ dần mờ nhạt trong nền khoa học thế giới đương đại. Chia tay với chủ nghĩa kinh viện sẽ tạo nên một cuộc cách mạng khoa học cho chính chúng ta để hội nhập vào dòng chảy phát triển khoa học của thế giới văn minh.

 

 

Truyền thống kinh viện

Trường ÐH Tổng hợp, nay là ÐHQGHN được thành lập năm 1956. Ðó là thời kỳ thế giới vừa thoát khỏi hai cuộc đại chiến, Thế chiến I (1914 – 1918) và Thế chiến II (1939 – 1945) và bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, về cơ bản chưa thoát thai khỏi khung mẫu (Paradigm) của xã hội công nghiệp, khởi đầu từ các cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XVII – XVIII. Hệ thống khoa học và giáo dục của thế giới giai đoạn này mang hai đặc trưng cơ bản:

Trước hết, đó là hệ thống giáo dục được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XIX theo khung mẫu của nền văn minh cơ học, mà chúng ta có thể thấy rất rõ, chẳng hạn, trong chương trình toán học của trung học. Chương trình toán trung học của ta có lẽ nặng nhất thế giới, rất nặng về khảo sát hàm số với những điểm uốn cực kỳ phức tạp, và những bài tập hình học thật cao siêu lấy từ các đề thi tú tài từ đầu thế kỷ XX ở Montpellier, Strasbourg, Lyon, Marseille… mà các thầy cô giáo của tôi đã lấy từ các sách bài tập toán học ở các trường trung học từ thời thuộc Pháp. Ðó là chương trình toán học theo khung mẫu của văn minh cơ học, mà thế giới lại đang chuyển sang nền văn minh thông tin, trong đó, đáng ra toán học phải dạy cho học sinh ngay từ bậc trung học những cơ sở của toán học rời rạc (discrete mathematics) là đảm bảo toán học cho nền văn minh số hóa.

Thứ hai, đó là hệ thống khoa học chưa thoát khỏi khung mẫu cổ điển được Kedrov phát triển và công bố trong một hội thảo quốc tế về phân loại khoa học tại Genève năm 1954. Cuối cùng đã trở thành hệ phân loại khoa học chính thống, được UNESCO sử dụng trong hệ thống thống kê khoa học và chính sách khoa học suốt từ đó đến nay. Nói điều này có nghĩa, năm 1956, khi thành lập Trường ÐH Tổng hợp và một số trường khác ở Hà Nội, những tư tưởng phân ngành đào tạo của các trường này đã dựa trên một hệ phân loại khoa học được xem là rất hiện đại trong thập niên 1950.

Những bất cập xét từ đặc điểm của hệ thống phân loại của Kedrov là, chưa có chỗ để sắp xếp các lĩnh vực khoa học liên bộ môn (inter-disciplinary science) và sự khuyết vắng hoàn toàn các lĩnh vực khoa học mới xuất hiện, mà tôi tạm gọi là các khoa học về phương pháp (science of methods). Chúng ta có thể lấy một số ví dụ để minh họa điều này.

Trong hệ thống phân loại của Kedrov được UNESCO sử dụng, các khoa học được quy về 7 nhóm: (1) Toán học và các khoa học chính xác; (2) Khoa học tự nhiên; (3) Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; (4) Khoa học nông nghiệp (theo nghĩa rộng bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp); (5) Khoa học sức khỏe; (6) Khoa học xã hội và nhân văn; (7) Các khoa học triết học.

Trong hệ phân loại này, người ta xếp hóa học đứng sau vật lý học và đứng trước sinh học trong cùng nhóm các khoa học tự nhiên, như vậy hoàn toàn có chỗ để xếp cho các khoa học tích hợp liên bộ môn (inter-disciplinary integration) “gần nhau”, ví dụ, hóa – lý xếp giữa vật lý học và hóa học; sinh – hóa xếp giữa hóa học và sinh học. Nhưng chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi tìm chỗ cho những bộ môn khoa học tích hợp liên bộ môn “xa nhau”, như địa – chính trị, toán – ngôn ngữ; còn khó khăn hơn nữa khi gặp phải những khoa học tích hợp từ nhiều bộ môn khoa học xa nhau, chẳng hạn, toán kinh tế là một bộ môn khoa học tích hợp từ toán học (mathematics), kinh tế học (economics), lý thuyết hệ thống (systems theory) và điều khiển học (cybernetics).

Phân ngành đào tạo đại học và sau đại học luôn gắn với phân loại khoa học. Như vậy, không rõ, một người muốn bảo vệ một luận án tiến sỹ về Lý thuyết hệ thống, nhưng theo tiếp cận phi toán hóa (Non-mathematic Systems Theory) thì bảo vệ ở hội đồng nào đây? Kinh tế học? Toán học? Quản lý học? Triết học? Vô số câu hỏi như thế có thể đặt ra cho hàng loạt ngành khoa học hiện đại. Ðiều này chứng tỏ cái hệ thống “xét” để “cấp” mã ngành đào tạo hiện nay đã rất khô cứng và lỗi thời.

Hệ thống giáo dục của thế giới đang thay đổi

Một lần tò mò, tôi vào mạng xem trong các tổng thống của Hoa Kỳ, có vị nào được đào tạo… “đúng ngành nghề” không, thì có một phát hiện thú vị: Trong 44 vị tổng thống, chỉ mỗi Franklin Roosevelt (1882-1945) được đào tạo “đúng ngành nghề”. Ông tốt nghiệp ngành Lịch sử chính trị và Nhà nước của Ðại học Havard. Tôi phỏng vấn TS. Trần Ngọc Ca, hiện là Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN, thì được biết, ông tốt nghiệp ngành Tổ chức và Quản lý tại Trường ÐH Mỏ Mạc tư khoa, làm master về Chính sách KH&CN ở ÐH Lund (Thụy Ðiển), sau đó bảo vệ tiến sỹ Kinh tế và Xã hội về Khoa học ở ÐH Edinbourg (Vương Quốc Anh). Tôi hỏi ông: “Khi đến Lund và Edinbourg để bảo vệ luận văn thạc sỹ và tiến sỹ, anh có phải theo học một chương trình “chuyển đổi” nào không? hoặc… Anh có phải “thi đầu vào” một môn nào theo chương trình “chuyển đổi” nào không?”. Thì TS.Trần Ngọc Ca tỏ ra chẳng hiểu tôi nói gì cả (!).

Hỏi ra thì mới biết, ở các nước người ta mở rất rộng cửa cho sự di động xã hội (social mobility) giữa các ngành khoa học. Trong một công trình nghiên cứu của mình, Ðào Thanh Trường, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý KH&CN của Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, đã đưa ra được một thống kê thú vị của Hàn Quốc, sự di động xã hội trong khoa học xã hội là 35%, trong khi trong khoa học tự nhiên chỉ là 5%. Xét theo quan điểm khoa học luận (Theory of Science), thì sự di động xã hội trong khoa học chính là con đường mở ra những ngành khoa học mới. Suy ra: Khống chế quá chặt chẽ “mã ngành đào tạo” chính là ngăn chặn sự di động xã hội trong khoa học, nói cách khác, đó là một cách kìm hãm sự phát triển khoa học.

Những vấn đề trên con đường hội nhập

Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đương nhiệm, tôi được làm việc trong nhóm giúp việc Chính phủ chuẩn bị phương án “tổ chức lại các viện và các trường đại học”. Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh (hiện còn rất khỏe mạnh và minh mẫn) là người chỉ đạo trực tiếp chúng tôi làm công việc này. Ông là người có nhiều tư tưởng rất cởi mở về quyền tự chủ của các trường đại học. Tôi nhớ một lần ông hỏi tôi: “Vì sao một số viện và trường đại học của ta cứ muốn có con dấu quốc huy?” . Tôi trả lời: “Có dấu quốc huy ở Việt Nam để được quyền “quyết” nhiều thứ, khỏi chịu sự ràng buộc của các bộ”. Ông lại hỏi tiếp: “Có cách nào không cần cái “đẳng cấp” ấy không?” Tôi trả lời: “Sẽ không còn cần con dấu quốc huy, nếu các trường đại học có quyền “autonomie”. Tôi dùng tiếng Pháp để nói với ông, để lảng tránh khỏi phải nói cái từ “tự trị”… được hiểu là “nhạy cảm” trong tiếng Việt. Ở các nước văn minh, người ta thực hiện quyền tự trị (autonomie) của đại học chính là xuất phát từ quan điểm về quyền tự quyết định các chương trình phát triển khoa học một cách rộng rãi, không chịu một sự ràng buộc nào.

Trong thời kỳ hội nhập, chủ nghĩa kinh viện sẽ dần mờ nhạt trong nền khoa học đương đại thế giới. Chia tay với chủ nghĩa kinh viện sẽ tạo nên một cuộc cách mạng khoa học cho chính chúng ta để hội nhập vào dòng chảy phát triển khoa học của thế giới văn minh.

GS. Vũ Cao Đàm

Tôi đã được làm việc với GS. Mai Trọng Nhuận đôi lần và rất mừng thấy ông là người có những quan điểm về tổ chức khoa học cập nhật với trình độ phát triển của nền khoa học đương đại trên thế giới, chia sẻ với chúng tôi những vấn đề của chủ nghĩa kinh viện. Ông còn đặt cho tôi câu hỏi về một số vấn đề khác của ÐHQGHN. Tôi vẫn còn nợ ông câu trả lời. Tuy nhiên, bài báo này có thể thay tôi gửi đến ông vài ý tưởng nhân dịp đầu xuân.

 GS. Vũ Cao Đàm - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, tháng 2/2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :