Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Tuổi trẻ ĐHKHXH&NV Khởi động mùa hè tình nguyện mang đậm chất Nhân văn
7h30 tối 25/4/2005, Đặng Thị Ngọc Sương, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Tâm Lý học, ĐHKHXH&NV, cùng một số sinh viên trong Khoa Tâm lý đi gõ cửa từng phòng ký túc xá Mễ Trì (ĐHQGHN) quyên góp sách vở đồ dùng cũ cho trẻ em nghèo.

Đây là hoạt động chuẩn bị cho đợt tình nguyện hè sắp tới. Vừa xách một túi sách vở, áo quần quyên góp được, Sương hồ hởi: "Hè năm nay, Khoa bọn mình sẽ vào Quảng Bình, đến với đồng bào dân tộc Mã Liềng ở Bố Trạch để hoạt động. Dải đất nắng gió này còn nghèo khó lắm. Nhân dân đang cần sức trẻ của tụi mình. Số sách vở và áo quần này sẽ được giành cho trẻ em nghèo trong đó. Đây là tấm lòng của sinh viên ĐHKHXH&NV nói chung và sinh viên Khoa Tâm lý nói riêng đối với đồng bào dân tộc".

Không khí tình nguyện trong Trường ĐHKHXH&NV khởi động từ đầu tháng tư, khi Ban chấp hành Đoàn, Hội sinh viên soạn kế hoạch cụ thể gửi đến từng khoa.

Hè 2004, các đội thanh niên tình nguyện của trường đã hoạt động rất thành công đặc biệt là với mô hình tình nguyện "Về nguồn" tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên (là nơi di tán trong chiến tranh của Trường Đại học Tổng hợp HN cũ). 566 tình nguyện viên đã hoạt động hết mình và thu được nhiều kết quả đáng kể: 11km kênh mương được nạo vét, 1070 buổi ôn tập văn hoá hè, 2006 cuốn sách, vở được tặng cho các em học sinh, 4.016 cuốn sách báo tạp chí đóng góp để xây dựng thư viện…Chương trình "cải thiện môi trường xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới” đã tuyên truyền được cho134.905 người, 65 buổi phát thanh tuyên truyền, 15 buổi vệ sinh môi trường. Hoạt động “tiếp sức mùa thi 2004” tham gia hướng dẫn thí sinh tại 11 điểm, hướng dẫn cho 9000 thí sinh và người nhà, 434 người được giới thiệu nhà ở… Tổng giá trị thực hiện chiến dịch hè 2004 là 11.790.000 đ chưa kể các hiện vật được tài trợ.

Phương châm hoạt động tình nguyện hè năm nay của Trường ĐHKHXH&NV là: "sáng tạo, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả", ưu tiên cho các hoạt động tình nguyện gắn với chuyên môn, đồng thời đề cao tinh thần tự nguyện của sinh viên và sự chủ động của liên chi đoàn, liên chi hội trong việc tổ chức, triển khai hoạt động. Anh Trần Văn Kham, bí thư đoàn trường cho biết: “Đây là dịp để sinh viên phát huy năng lực chuyên môn, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở một số địa phương. Thông qua mùa hè thanh niên tình nguyện để rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn và Hội. Đồng thời, chương trình năm nay cũng tạo cơ hội để sinh viên tiếp xúc với thực tế cuộc sống, giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác Đoàn và phong trào sinh viên với thanh niên một số địa phương".

Sinh viên KTX Mễ Trì. Ảnh: Bùi Tuấn

Các hoạt động năm nay tập trung vào 3 mô hình chính: hoạt động phục vụ kỳ tuyển sinh đại học, tiếp sức mùa thi. Hoạt động tình nguyện tại trung tâm chăm sóc thương bệnh binh Hà Nội. Và đặc biệt là chương trình hoạt động theo đội hình chuyên của Thành đoàn Hà Nội. Ban chấp hành Đoàn trường đã xây dựng đề án “đội hình tuyên truyền về văn hoá Thăng Long - Hà Nội " góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Chương trình dự kiến sẽ có 3 đội: Đội sưu tầm, đội sinh hoạt hè và đội tuyên truyền với sự tham gia của sinh viên các khoa Văn học, Lịch sử, Đông phương học, Triết học, Xã hội học, Ngôn ngữ, Du lịch.

Để tạo điều kiện cho các sinh viên không có điều kiện tham gia các chương trình hoạt động trên, Đoàn trường ĐHKHXH&NV tổ chức phát phiếu sinh hoạt hè cho các bạn có thể tham gia các chương trình sinh hoạt tại địa phương. Hoạt động của mùa tình nguyện năm nay đã được Lê Thanh Uyên (K49 Báo chí) xác định từ đầu năm: “Mình sẽ về quê mở lớp học tình thương cho trẻ em. Bọn trẻ quê mình còn vất vả lắm, nhiều em đến tuổi mà vẫn chưa được đến trường. Mình sẽ vận động thêm một số bạn bè cùng giúp sức. Hy vọng mùa hè năm nay mình sẽ làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho bọn trẻ quê mình", Uyên tâm sự.

 Phan Văn Kiền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :