Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Để Tạp chí Khoa học thực sự là diễn đàn của các nhà khoa học
Trích bài phát biểu của GS. Vũ Dương Ninh - Trưởng ban biên tập Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Khoa học ĐHQGHN (1985-2005).

Chúng tôi rất vui mừng được tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Tạp chí Khoa học ĐHQGHN. Ngay từ những số đầu tiên ra mắt bạn đọc từ giữa những năm 1980, chúng tôi đã tham gia với tư cách cộng tác viên, thường gửi các bài nghiên cứu đến Tạp chí. Cho đến năm 2001, khi Tạp chí phát triển theo hướng các chuyên san, chúng tôi tham gia với tư cách Ban biên tập, đến nay đã được 5 năm.

Trong 5 năm qua, Chuyên san Khoa học Xã hội - Nhân văn luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà khoa học ở trong và ngoài trường, nhận được nhiều bài nghiên cứu trên các lĩnh vực Văn học, Ngôn ngữ, Lịch sử, xã hội, du lịch và nhiều ngành khoa học khác. Chúng tôi hết sức cố gắng để Chuyên san trở thành diễn đàn của giới nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn công bố những thành tựu của các nhà khoa học. Nhiều giáo sư có tên tuổi, nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu, nhiều học giả nước ngoài đã gửi bài cho Chuyên san, góp phần nâng cao hàm lượng khoa học của Tạp chí. Chuyên san cũng cố gắng công bố những thành tựu nghiên cứu theo các đề tài của ĐHQGHN, những bài viết từ các luận văn, luận án của các thạc sĩ, nghiên cứu sinh… Qua đó giới thiệu được tính đa ngành, đa lĩnh vực của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN. Hầu hết các bài viết đều được gửi đến các nhà khoa học thẩm định chất lượng, được gợi ý để tác giả sửa chữa cho đến khi đủ điều kiện công bố. Chuyên san cũng giới thiệu những hoạt động học thuật, các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về những vấn đề khoa học quan trọng, cung cấp những thông tin khoa học cần thiết. Do đó, Chuyên san đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tuy vậy, trong bước đường phát triển tới đây chúng tôi thấy điều quan trọng nhất là phải không ngừng nâng cao chất lượng của Chuyên san thông qua việc mở rộng mạng lưới cộng tác viên, các bài viết phải được thẩm định kỹ hơn theo đúng các tiêu chuẩn cơ bản của một bài báo khoa học. Đây là yêu cầu quan trọng nhất mang tính chiến lược nhằm đảm bảo sức sống và uy tín của một tạp chí khoa học thuộc ĐHQGHN. Đồng thời phải làm sao cho Chuyên san thực sự trở thành một diễn đàn đối thoại khoa học, ở đó có sự trao đổi về quan điểm và ý kiến của các nhà nghiên cứu về những vấn đề khoa học đang được quan tâm. Việc gợi mở đề tài và nuôi dưỡng cuộc tranh luận là một yêu cầu rất cao, một công việc rất khó, cần được sự hỗ trợ, sự hưởng ứng của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành.

Về một mặt khác, cần tổ chức cho các số Tạp chí đến tay bạn đọc rộng rãi, đến các thư viện, các phòng tư liệu của từng khoa, từng trường, đến các trung tâm nghiên cứu. Việc gửi Tạp chí đến các cá nhân thủ trưởng là rất cần thiết song nếu chỉ như vậy thì rất hạn chế bởi Tạp chí sẽ không được sinh viên cũng như một bộ phận cán bộ giảng dạy sử dụng như là một tài liệu tham khảo thường xuyên và cần thiết.

Cuối cùng, ngoài bộ phận chuyên trách của Tạp chí, các ban biên tập chuyên san đều hoạt động mang tính nghiệp dư, thiếu thời gian, thiếu kinh nghiệm về làm báo, thiếu nhân lực để thực hiện các khâu cơ bản như làm việc với các nhà khoa học, tiếp xúc với các cộng tác viên để đặt bài và hoàn thiện bản thảo. Những khó khăn đó làm cho chậm tiến độ, có số Chuyên san ra muộn so với thời hạn.Với các vấn đề trên, chúng tôi thấy Tạp chí Khoa học cùng các ban biên tập chuyên san cần tìm các biện pháp hữu hiệu để khắc phục.

Dẫu sao, nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng ta phấn khởi, tin tưởng và cố gắng để Tạp chí Khoa học nói chung và các chuyên san nói riêng ngày càng có chất lượng cao, ngày càng được phổ biến rộng rãi trong giới khoa học, góp phần vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu của ĐHQGHN.

 Vũ Dương Ninh
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :