1. Mở đầu
Ở Nhật Bản, cứ mỗi năm một lần, tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học cơ sở lại diễn ra “Đại hội thể thao” với tính chất là một ngày hội của trường. Học sinh được chia thành 2 đội trắng và đỏ để thi đấu đối kháng, tranh tài ở một số môn thể thao. Đại hội thể thao thường được tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu. Ngày diễn ra đại hội thể thao cũng là dịp để phụ huynh học sinh, những người dân địa phương đến tham quan và cảm nhận những thành quả của nhà trường. Hướng đến ngày này, các giáo viên thì tất bận chuẩn bị, còn học sinh thì luyện tập hăng say. Còn ở các trường trung học phổ thông cũng diễn ra các cuộc thi đấu thể thao đối kháng giống như “Đại hội thể thao” nhưng có tên gọi riêng, như là “Thi đấu giữa các lớp” và một số hoạt động thể thao khác theo phong cách riêng của từng trường.
Gần đây ở Nhật Bản, có một bộ phim nhan đề “Cuộc dã ngoại đêm” được chuyển thể từ tiểu thuyết đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Bộ phim miêu tả sự kiện toàn bộ học sinh của một trường học tiến hành một cuộc đi bộ mấy chục cây số, xuất phát từ trường và kéo dài trong suốt một đêm. Cũng tương tự như vậy, hoạt động nhà trường mà tôi xin được trình bày hôm nay là câu chuyện về cuộc đua xe đạp cự li 40km của toàn bộ học sinh một trường trung học phổ thông, xuất phát từ chính ngôi trường đó. Những hoạt động như vậy thường là hoạt động mang tính đặc trưng riêng biệt và cũng là một trong những niềm tự hào của nhà trường, bởi nó được kế tục lâu dài như là một nét truyền thống của trường.
2. Sơ lược về “ cuộc đua xe đạp Johoku” của trường trung học phổ thông Johoku, tỉnh Ibaraki
2.1. Lịch sử
Cuộc đua xe đạp năm nay là năm thứ 14 và là một cuộc đua đường trường. Đây là sự kiện được tổ chức đều đặn hàng năm nhằm mục đích giúp các em học sinh tăng cường thể lực và gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt, cuộc đua cũng là một hoạt động nằm trong chương trình “Xây dựng bản sắc nhà trường”. Cuộc đua đầu tiên được tổ chức vào năm 1993, xuất phát từ ý tưởng của một giáo viên dạy môn thể dục. Giáo viên đó đã kêu gọi các học sinh tổ chức một cuộc đua xe để góp vui trong một lễ hội văn hoá của trường. Nhưng đến nay, toàn bộ học sinh của trường đã tham gia và cuộc đua đã được tổ chức liên tục trong 13 năm và trở thành một hoạt động truyền thống của trường. Từ năm ngoái, trường đã bắt đầu mở rộng thêm đối tượng tham gia và đến cuộc đua năm nay, sau khi đưa thông báo trên các phương tiện truyền thông như đài, báo...thì cuộc đua xe của trường đã thực sự được nhiều người ở ngoài phạm vi nhà trường biết đến, và đã có rất nhiều người yêu thích môn xe đạp từ các tỉnh ngoài tham gia. Những thông tin và hình ảnh trong ngày diễn ra cuộc đua đã được đài truyền hình đưa tin và được đăng trên 3 tờ báo, nhờ đó, đại hội ngày càng được nhiều người biết đến.
2.2. Nội dung
Các học sinh của chúng tôi xuất phát từ trường, đạp xe với cự li 40km, trên trục đường các thị xã, thị trấn thuộc địa phương rồi lại quay trở về trường. Các em sẽ được trải qua khoảng 4 tiếng đồng hồ đạp xe đầy thú vị. Qua việc tham gia cuộc thi này, các em học sinh được tận hưởng thiên nhiên mùa thu khi đạp xe ngang qua những khu vườn, những cánh rừng giữa các ngọn núi. Các em nghỉ ăn trưa giữa chặng rồi tiếp tục chặng về, hướng về trường. Dù phải cố gắng rất nhiều trên những đoạn đường dốc gấp đồi núi, nhưng các em học sinh của chúng tôi đều hết sức nỗ lực trên đường đua của mình và năm nay, tất cả các học sinh đã theo cuộc đua đến cùng. Chặng sau của cuộc đua diễn ra sau bữa ăn trưa là chặng đua tự do và tranh thắng bại bằng cách đo thời gian. Năm nay, kỉ lục của giải nhất nam là 37 phút 3 giây 84, giải nhất nữ là 56 phút 45 giây 45. Mười em đứng đầu bảng thành tích được trao huy chương.
2.3. Công tác chuẩn bị
Xác định đây là một cuộc đua có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm trên đường nên nhà trường đã gửi đề nghị đến 2 trạm cảnh sát phụ trách những trục đường của cuộc đua. Nếu chẳng may có một tai nạn xảy ra thì cuộc đua sẽ khó có thể tiếp tục được. Chính vì thế nên công tác chuẩn bị đòi hỏi sự cẩn trọng cũng như rất nhiều thời gian và công sức. Cũng chính vì vậy mà đã có không ít ý kiến cho rằng nên chăng khi bỏ cuộc thi này. Nhưng rất may mắn là cuộc đua vẫn được duy trì cho đến thời điểm này và không hề xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào.
Công tác chuẩn bị đã được tiến hành với 7 thầy cô phụ trách “hoạt động đặc biệt” chuyên trách về các ngày lễ hội của học sinh, 6 em cán bộ hội học sinh, 8 em hội viên ban thể dục thể thao (cả hội học sinh và hội thể dục thể thao đều được hình thành từ các em học sinh). Trước tiên, nhóm chuẩn bị đã tiến hành công tác điều tra sức khỏe của toàn bộ học sinh bao gồm cả các học sinh có bệnh đặc biệt, và lập ra các hạng mục công việc cần thực thi. Phần việc kiểm tra sức khoẻ chủ yếu do giáo viên đảm nhiệm. Tiếp theo là lên danh sách các hạng mục công việc thực thi. Trong đó, nêu cụ thể lịch trình thời gian, phân chia khu vực xuất phát, phân công nhiệm vụ cho các cán bộ trong trường, sơ đồ phân bố người phụ trách 38 điểm thuộc chặng đua, cảnh báo về những nơi nguy hiểm, lịch trình, các lưu ý, các đoàn xe hộ tống,... Việc chuẩn bị phạm vi bên ngoài trường chủ yếu là công tác tuyên truyền quảng cáo. Giáo viên và học sinh của trường đem những tấm áp phích “Hoan nghênh tham gia cuộc đua xe đạp Johoku” đến các cửa hàng, các cơ quan trong địa phương để quảng cáo, đến cảm ơn và tặng quà những cơ sở đã cho mượn trụ sở để làm chặng nghỉ...Ngoài ra, nhóm chuẩn bị cũng tiến hành dựng biển đánh số, cắm cờ hiệu “cuộc đua xe đạp Johoku”, kẻ vạch tại 38 điểm của chặng đua. Để đảm bảo sự an toàn cho những người tham gia cuộc đua, nhóm chuẩn bị cũng đã kêu gọi sự hợp tác của hiệp hội xe đạp, nhờ hội cử tới 4 thợ sửa chữa xe đạp để kiểm tra, sửa chữa và túc trực trên suốt chặng đua vào ngày cuộc đua diễn ra.
Như vậy, đối với các sự kiện được tổ chức bên ngoài phạm vi nhà trường, sự liên kết phối hợp với địa phương là điều kiện đầu tiên không thể thiếu và đòi hỏi rất nhiều công sức trong công tác chuẩn bị với tính chất là một hoạt động thường niên. Đây cũng là những hoạt động chỉ có thể thực hiện được khi có sự giúp sức của địa phương và những người dân trong vùng.
3. Về các em học sinh tham gia cuộc đua
Vào ngày diễn ra cuộc đua hầu như không có em học sinh nào vắng mặt. Như thường lệ, các em có mặt tại trường vào lúc 8h30, tiến hành kiểm tra xe đạp và xuất phát vào lúc 9h40 sau khi kết thúc lễ khai mạc. Theo quy định của trường, học sinh nào không có mặt trong ngày này sẽ phải học bù môn thể dục, nhưng lý do các em tham gia đầy đủ không phải chỉ vì điều đó. Đối với các em học sinh, cuộc đua xe đạp này là một trong những hoạt động của trường mà tất cả các em đều háo hức mong chờ. Cũng vào dịp này năm ngoái, học sinh của trường trung học phổ thông Saipan đã đến cùng tham gia. Để đảm bảo an toàn, nhà trường đã quyết đinh chặng sau của cuộc đua sẽ không đua tự do nữa mà chỉ là chặng để các em đạp xe vui chơi cùng nhau, quyết định đó đã khiến các em tỏ ra thất vọng. Năm nay, tất cả các em đều cố gắng hết mình để hoàn thành chặng đua, không có em nào bỏ giữa chừng. Đặc biệt, những em có sức học không khá lắm đã rất cố gắng quyết tranh phần thắng.
Trả lời phỏng vấn các nhà báo về cuộc đua xe đạp của trường, thầy giáo hiệu trưởng đã nói: “Sự giao lưu giữa các học sinh vẫn còn rất ít. Qua những cuộc thi như thế này, tự các em sẽ học hỏi được cách thức hoạt động tập thể.”, “Có khá nhiều những học sinh vẫn được bố mẹ đưa đến trường. Cuộc đua này cũng hàm chứa mong muốn của chúng tôi, rằng sẽ có thêm nhiều học sinh nữa có thể tự đến trường bằng xe đạp”. Còn thầy hiệu phó, ngay sau cuộc đua đã bày tỏ: “Có những em học sinh lần đầu tiên hoàn thành chặng đua sau nhiều lần tham gia, và như vậy chắc các em sẽ lần đầu tiên được tận hưởng cảm giác chiến thắng”.
Tôi muốn đi sâu tìm hiểu để làm rõ những hiệu quả mà cuộc đua đã đem lại cho các em từ những quan điểm trên và từ các bài viết của các em học sinh.
Dưới đây là bài viết của 5 em đã tham gia cuộc đua. Đạp xe trên những chặng đường đồi núi, leo dốc rất là vất vả. Đối với bất cứ em học sinh nào cũng là chặng đua đầy gian lao, khác hẳn với lộ trình các em đi hàng ngày. Nhưng từ bài viết của các em đều toát lên cảm nghĩ chung, đó là: “Cuộc đua đã trở thành một kỷ niệm đẹp”.
(Học sinh A) “Trước ngày thi đấu, em đã cược với một anh khóa trên, quyết tâm đoạt chức vô địch...Kết quả là anh khóa trên giành giải nhất còn em được giải ba....Nhưng em quyết không dừng lại ở đây. Sang năm nhất định em sẽ vô địch, sẽ vượt kỷ lục của đàn anh. Cuộc thi này mỗi năm chỉ tổ chức một lần nên em nghĩ tham gia cuộc thi là một điều rất hay không chỉ đối với em mà còn đối với tất cả các bạn trong trường”.
---.> Ta có thể cảm nhận được tinh thần hăng hái của em học sinh quyết theo đuổi mục tiêu là không thua kém các đàn anh. Dường như trước mắt tôi đang hiện lên hình ảnh cậu học sinh nhỏ đang cược với một anh lớp trên trước ngày diễn ra cuộc đua. Câu cuối cùng “tham gia cuộc thi là một điều rất hay...” có lẽ cũng chính là điều mà các em trải nghiệm được khi tham gia hoạt động này.
(Học sinh B) “ ở cuộc đua xe đạp cuối cùng của thời học sinh, em đã đi hết đường đua một cách rất vui vẻ. Hôm đó, em đã nghĩ rằng ở cuộc thi cuối cùng này mình sẽ chạy từ từ thôi, nhưng khi vào cuộc trong em bỗng nảy sinh hai tâm trạng, vừa muốn chạy chậm lại vừa không muốn thua cuộc, và cuối cùng em đã đạp nhanh.....Cuộc đua lần này có sự góp mặt của đông đảo những người dân, em nghĩ rằng có lẽ trường Johoku của chúng em đã được biết tới nhiều hơn....Tham gia cuộc đua tuy mệt nhưng đó thực sự là một ngày hội để lại rất nhiều kỷ niệm”.
---.> Bài viết này khiến tôi cảm thấy em đã tham gia cuộc thi trong tâm trạng rất thoải mái. Bài viết thể hiện được rằng thông qua cuộc đua mà em học sinh đã có tình cảm mến yêu đối với ngôi trường của mình và mong mỏi nhiều người khác sẽ biết đến ngôi trường của em.
(Học sinh C) “ ...Nửa đầu chặng không phải là thi đấu nên em vừa nói chuyện với bạn vừa đạp xe, vì vậy cuối cùng em đã ở một vị trí…rất không giống ai. Nhưng em cảm thấy rất mãn nguyện vì đã có thể tham gia một cách vui vẻ cuộc đua cuối cùng này.”
(Học sinh D) “....Chặng đua đã có một đoạn lên dốc cao rất vất vả nhưng bù lại cũng có đoạn xuống dốc, khi đó em cảm thấy gió mát thật dễ chịu.....Bữa trưa, chúng em vừa nói chuyện với bạn và các anh chị vừa ăn, cảm thấy rất thoải mái. Số thành tích của em là 35, hơi kém một chút, sang năm em muốn giành được vị trí cao hơn”.
---.> Các em vừa cảm nhận thiên nhiên, vừa giao lưu được với bạn bè, và cũng đặt ra mục tiêu cho năm sau.
(Học sinh E) “Lúc đầu em vừa ngắm cảnh vừa đạp rất thong thả, nhưng từ giữa chừng cuộc đua trở nên quyết liệt hơn, khi đang dừng lại chờ tín hiệu đèn giao thông thì bạn số 2 đã theo kịp và mấy lần định vượt. Cuối cuộc đua em thấy rất mệt và đã nghĩ “có lẽ không giành giải nhất cũng được, chắc năm nay mình không về nhất được đâu”, nhưng các anh chị phóng viên đến rất đông và động viên rằng nếu cố gắng em sẽ về nhất, nên em thực sự rất vui”.
---.>Tôi nghĩ rằng những trải nghiệm khi vượt qua giây phút nản lòng lúc khó khăn và đi tới đích sẽ trở thành cảm giác chiến thắng đối với em học sinh tháng 4 tới sẽ ra trường để trở thành một công dân thực thụ này.
4. Kết luận
Khi trình bày đề tài này, tôi cũng nhận ra một điều rằng: ở tất cả các trường học của Nhật Bản, những ngày hội như thế này được tiếp nối từ giai đoạn giáo dục mầm non cho đến giai đoạn giáo dục phổ thông, và được các bậc phụ huynh cũng như địa phương tiếp nhận một cách tự nhiên.
Sự giao lưu giữa các em học sinh, mục tiêu kết quả năm sau sẽ tốt hơn, cảm giác chiến thắng khi mình đã cố gắng làm đến cùng cho dù khó khăn vất vả,...Những điều này chắc không phải là dễ hiểu đối với người lớn chúng ta nếu chỉ nghe kể lại, mà có lẽ chỉ có thể cảm nhận được sau những trải nghiệm thực tế. Tôi nghĩ rằng qua những hoạt động như vậy, các em sẽ có được sự tự tin, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào về ngôi trường của mình. Và chính những điều đó sẽ đem đến cho các em khao khát đi tới tương lai.
ITO Ariko - Giáo viên Anh văn, Trường trung học Johoku, tỉnh Ibaraki
|