Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Naguib Mahfouz và tinh thần khoan dung hồi giáo
Naguib Mahfouz được mệnh danh là nhà tiểu thuyết tiếng Arập nổi tiếng nhất trong nền văn học Ai Cập nói riêng và văn học tiếng Arập nói chung.

Với 34 tiểu thuyết, 30 vở kịch và 13 tuyển tập truyện ngắn, và hàng trăm truyện ngắn, ông đã chứng tỏ sức sáng tạo không mệt mỏi của một nhà văn lớn.

Ông không chỉ là người có công xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại cho văn học Ai Cập mà đã trở thành một đại văn hào trong số ít những đại văn hào của thế giới. Như Edward Said, tác giả của cuốn Đông phương học đã nhận xét trên London Review of Book thì ông không chỉ là một Hugo và một Dickens, mà còn là một Galsworthy, một Mann, một Zola và một Jules Romain cộng lại.

Để có được thành quả đó, ông đã đấu tranh vì tinh thần khoan dung Hồi giáo, bằng ngòi bút và bằng cả mạng sống của mình. Cuộc chiến thành Thebes, Tân Cairo, Phép màu, Thung lũng Midag, Sự khởi đầu và kết thúc, Bọn trẻ ở Gebelawi, Kẻ trộm và lũ khuyển, và Đêm trường trong Nghìn lẻ một đêm, Khan al- Khalili, Phố Midaq là những tác phẩm tiêu biểu nhất về tinh thần khoan dung tôn giáo đó.

1. Naguib Mahfouz (1911- 2006) - cuộc đời và sự nghiệp

Ngày 30 tháng 8 năm 2006, khi Naguib Mahfouz lặng lẽ qua đời tại Cairo, nền văn học thế giới đã mất đi một cây bút thiên tài. Với hàng chục tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, và một số lượng đồ sộ các bài báo nghiên cứu trên các tạp chí văn học và tạp chí khoa học, Naguib Mahfouz được mệnh danh là nhà tiểu thuyết tiếng Arập nổi tiếng nhất trong văn học Arập và được các học giả phương Tây nghiên cứu nhiều nhất.

(Ảnh từ Internet)

Năm 1939, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên và đến nay, ông đã sáng tác tổng cộng là 34 tiểu thuyết, 30 vở kịch và 13 tuyển tập truyện ngắn, và hàng trăm truyện ngắn. Với sức sáng tác không biết mệt mỏi, ngay cả khi đã già, mỗi năm ông vẫn xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới.

Trong mỗi tác phẩm của Naguib Mahfouz, người đọc đều tìm thấy bản thân mình. Các nhân vật của Naguib Mahfouz thân quen đến nỗi chúng trở thành những cái tên để người ta gọi nhau trong cuộc sống thường nhật. Và đó là những cái tên điển hình cho tính cách của người Ai Cập. Điểm độc đáo trong các tác phẩm của Naguib Mahfouz là trong khi nét địa phương của Cairo được thể hiện rất đặc sắc, thì những giá trị văn hoá chung của nhân loại cũng được thể hiện không kém phần nổi trội. Chính vì thế, các tác phẩm của ông không những được yêu thích ở Ai Cập suốt nhiều thế hệ độc giả, mà ở khắp các nước Arập và các nước trên thế giới. Edward Said, tác giả của cuốn Đông phương học đã nhận xét trên London Review of Books rằng ông không chỉ là một Hugo và một Dickens, mà còn là một Galsworthy, một Mann, một Zola và một Jules Romain cộng lại. Nhưng trên hết như ông tự nhận xét, ông là người con của sông Nile, sinh ra ở một khu phố nghèo ở Cairo, là bạn của những người bình dân nghèo khổ.

a. Người có công xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại cho văn học Ai Cập

Vào thế kỷ 17 và 18, tiểu thuyết đã xuất hiện và phát triển trong văn học phương Tây, nhưng trong văn học tiếng Arập thì tiểu thuyết vẫn chưa có đất phát triển. Năm 1913, khi Muhammad Hussein Haykal viết truyện "Zaynab" thì ngay lập tức, nó được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của thế giới Arập nói chung và của Ai Cập nói riêng. Bằng giọng văn lãng mạn, “Zaynab” kể về số phận cô gái tên là Zayna, nạn nhân của những định kiến xã hội.

Sau Muhammad Hussein Haykal, một loạt nhà văn Ai Cập như Taha Hussein, Abbas Al-Aqqad, Ibrahim Al-Mazini và Tawfiq Al-Hakim đã hào hứng thử nghiệm thể loại văn học mới này. Tuy nhiên, chưa có một ai khẳng định được sự tồn tại và phát triển thực sự của tiểu thuyết trên văn đàn Ai Cập thời bấy giờ. Và đó là sứ mệnh của thiên tài văn học Naguib Mahfouz.

Năm 1939-44, Naguib Mahfouz đã xuất bản bộ ba tiểu thuyết về lịch sử Ai Cập. “Cuộc chiến thành Thebes”, cuốn cuối cùng trong bộ ba tiểu thuyết đó, chịu ảnh hưởng phong cách lãng mạn của nhà văn Anh Sir Walter Scott, và điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với các tiểu thuyết gia Ai Cập sau đó. “Cuộc chiến thành Thebes” kể chuyện nhân dân Ai Cập đã chiến đấu với những kẻ ngoại xâm Hyksos. Câu chuyện khiến độc giả phải suy ngẫm về tình hình chính trị đất nước bấy giờ, khi người Anh đang duy trì quyền lực ở Ai Cập.

Năm 1945, tác phẩm “Tân Cairo” ra đời. Đây thực sự là phát đại bác đón chào sự trưởng thành của tiểu thuyết tiếng Arập. Khác với “Cuộc chiến thành Thebes” kể chuyện xưa để nhắc chuyện nay, “Tân Cairo” là một cuốn tiểu thuyết dài về hiện trạng của xã hội đương thời.

Năm 1948, tiểu thuyết “Phép màu” được xuất bản, và đây là tiểu thuyết đầu tiên mà Mahfouz áp dụng thuyết phân tích tâm lý của Freud trong bút pháp của mình.

Năm 1956- 57, tài năng tiểu thuyết của nhà văn đã đạt mức hoàn thiện khi bộ ba tiểu thuyết “Cairo”, “Thung lũng Midag”, và “Khởi đầu và kết thúc” ra mắt bạn đọc. Trong số đó, “Thung lũng Midag”, “Khởi đầu và kết thúc”, và tập 1 của bộ ba tiểu thuyết “Cairo” (Con đường hoàng cung) đã được dịch ra tiếng Anh.

Những tiểu thuyết này, đặc biệt là bộ ba tiểu thuyết “Cairo”, đã áp dụng chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên để lột tả một xã hội đô thị Ai Cập mới, với những căn bệnh chính trị xã hội trầm kha đang tồn tại. Với giọng văn lạnh lùng thản nhiên, nhà văn đã miêu tả đời sống chính trị, xã hội, tôn giáo và trí thức Ai Cập giữa hai cuộc thế chiến. Cả một thời kỳ biến động đã được tái hiện hoàn chỉnh trong một bức tranh khổ lớn, và bức tranh đó được coi là tác phẩm tiểu thuyết kinh điển cho Ai Cập.

Sự vận dụng chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên trong các tiểu thuyết của Mahfouz đã đạt đến mức thăng hoa ở bộ ba “Cairo” trong những năm 1956- 57 đến mức suốt hai năm sau, ông đã không thể vượt qua chính mình và vắng bóng ở văn đàn hai năm sau đó.

Năm 1959, khi cuốn tiểu thuyết “Khu phố tôi” (được dịch ra tiếng Anh dưới tiêu đề “Bọn trẻ ở Gebelawi”) được đăng trên các số báo Kim Tự Tháp (Al-Ahram), độc giả đã bị bất ngờ trước một phong cách hoàn toàn mới của Mahfouz. “Bọn trẻ ở Gebelawi” đã trở thành một tiểu thuyết vô tiền khoáng hậu về lịch sử nhân loại từ khởi thuỷ cho đến hiện tại.

Năm 1982, tiểu thuyết "Kẻ trộm và lũ khuyển" ra đời, một lần nữa, nền văn học thế giới và Ai Cập đã phải kinh ngạc trước tài năng thay đổi phong cách độc đáo của Mahfouz. Sự chuyển đổi bút pháp này được ví như sự chuyển đổi từ Dickens hoặc Balzac tới Graham Greene hoặc William Golding.

Giờ đây, ông không còn là nhân chứng của một xã hội với nhiều mảng màu khác nhau, mà rút vào nội tâm của con người, phân tích phản ứng nội tâm của cá nhân trước những thay đổi xã hội. Từ phương pháp ấn tượng, ông chuyển sang phương pháp hồi cố, kết nối những chuỗi sự việc có liên quan với nhau không phụ thuộc vào trật tự thời gian bằng cách sử dụng ngôn ngữ đầy tính biểu đạt.

Trải qua những thử nghiệm về phong cách tiểu thuyết và thử nghiệm nào cũng thành công, Mahfouz xứng đáng là người đã Arập hoá nghệ thuật tiểu thuyết.

Là người khai mở thể loại tiểu thuyết ở Ai Cập và Arập hoá nó, Mahfouz cũng là người làm sống lại nghệ thuật văn chương truyền thống Arập theo phong cách “Nghìn lẻ một đêm”. Phong cách đó được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm sau này của ông: “Truyền thuyết về những người khốn khổ”, và “Đêm trường trong Nghìn lẻ một đêm”. Dấu ấn cá nhân của Mahfouz trong hai tác phẩm này sâu đậm đến nỗi có nhà phê bình nghệ thuật đã phát biểu rằng các thế hệ tiểu thuyết gia Ai Cập và thế giới Arập sẽ tìm kiếm vô vọng một phong cách cá nhân riêng cho họ, và không ai trong số họ có thể đủ tài để nói cho hết được cái hay trong cách vận dụng bút pháp và nội dung của “Nghìn lẻ một đêm” như Mahfouz.

b. Cây đại thụ của nền tiểu thuyết Arập và đại văn hào trong số ít đại văn hào thế giới

Với những cống hiến to lớn cho văn học, Naguib Mahfouz đã nhận được rất nhiều danh hiệu và giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 1970, ông giành giải thưởng văn học quốc gia của Ai Cập, năm 1972 được trao danh hiệu “Cổ cồn của nước Cộng hoà Arập Ai Cập”, giải thưởng cao quý nhất cho đóng góp của các trí thức đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Năm 1988, Naguib Mahfouz đã được trao giải thưởng Nobel văn học. Trong lễ công bố giải thưởng, Hội đồng giải thưởng đã nhận xét rằng “thông qua những tác phẩm khi thì tràn trề những cảm xúc mong manh, khi thì thực tế đến lạnh lùng, khi thì mơ màng bay bổng, Mahfouz đã xây dựng nền tiểu thuyết Arập để cho toàn nhân loại học tập và tiếp thu”.

2. Naguib Mahfouz- nhà văn của tư tưởng khoan dung Hồi giáo

Naguib Mahfouz từng tự hào phát biểu rằng: Tôi là người con của một cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa hai nền văn minh. Đó là nền văn minh 7.000 năm của các vị Pharaoh và nền văn minh Hồi giáo 1.400 năm tuổi. Và cả cuộc đời viết văn của ông đã chứng minh cho điều đó. Ông ca ngợi không biết mệt mỏi những giá trị của hai nền văn minh đó: nền văn minh Pharaoh và nền văn minh Hồi giáo. Nếu như sự nghiệp viết văn của ông có thể chia làm hai chặng đường thì chặng thứ nhất gắn với những bộ tiểu thuyết sử mang tầm vóc của các công trình lớn thời kỳ Pharaoh, và chặng thứ hai là những tác phẩm mang màu sắc Hồi giáo.

Từ mỗi tác phẩm của ông toát lên tinh thần khoan dung Hồi giáo. Mahfouz từng khiêm tốn và hài hước tự nhận mình là một nhà văn hạng bốn hạng năm, nhưng độc giả và các nhà phê bình văn học trên toàn thế giới đều gọi ông là một Balzac của Ai Cập. Hầu như tất cả các tác phẩm của ông đều xoay quanh Cairo, với những ngõ nhỏ quanh co, ở đó có những cuộc đời bình thường đan xen nhau, và chuyện đời của những nhân vật bình thường đó trôi đi thật lặng lẽ, bên tiếng chuông đền thờ đều đều mỗi ngày. Cairo đã trở thành điển hình qua ngòi bút của Naguib Mahfouz, cũng như London qua ngòi bút của Dickens, hay Paris qua ngòi bút của Zola, hay St. Petersburg qua ngòi bút của Dostoyevsky.

Tác phẩm Khan al- Khalili1 (1945) phân tích cuộc sống của một gia đình Cairo. Khi chiến tranh xảy ra, họ buộc phải chuyển ra ngoại ô thành phố. Thế là hồi ức và hiện tại luôn đan xen nhau, giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện. Câu chuyện kết thúc bằng một tấn bi kịch gia đình. Không có một chữ, một dòng nào thể hiện sự xót thương của nhà văn trước sự tha hoá của một gia đình Hồi giáo. Truyện được kể bằng giọng văn đều đều, thản nhiên và vô cảm. Thành công của câu chuyện là nó đã khiến người đọc cảm nhận được nỗi đau sâu sắc do chiến tranh gây ra cho một gia đình.

Tinh thần khoan dung Hồi giáo không chỉ được thể hiện qua số phận những nạn nhân chiến tranh và những biến động xã hội nói chung mà còn được nói nhiều nhất ở những nhân vật nữ. Trong tiểu thuyết của Mahfouz, phụ nữ thường là nhân vật chính. Chính ở những người phụ nữ bình thường nhất và bị dồn xuống đáy xã hội mới là những người mạnh mẽ nhất và thông thái nhất. Trong mỗi tác phẩm của ông, hình tượng người mẹ và những người phụ nữ khác đã dệt lên một tấm lưới tình thương, tình yêu neo giữ những người đàn ông mải giành giật, đua tranh.

Tác phẩm “Phép màu” (1948) là một tiểu thuyết tâm lí. Cũng như những cuốn tiểu thuyết khác, câu hỏi về nhân định và thiên định lại được đặt ra, nhưng chẳng có lời giải đáp. Điểm nút cao trào của tiểu thuyết là khi tình mẫu tử và các nghĩa vụ gia đình của người phụ nữ xung đột gay gắt. Người phụ nữ bị rơi vào khủng hoảng, đối mặt với nỗi hổ thẹn lớn, nhưng không có ai bị kết tội.

Một phụ nữ bị chồng bỏ rơi và phải nuôi con một mình. Người con ấy sống trong tình thương yêu của mẹ và lớn lên là một thanh niên bình thường. Anh ta không có gì nổi bật ở trường học phổ thông và trường đại học và cũng chỉ kiếm được một chỗ làm thường thường. Rồi anh ta cưới vợ. Vợ anh ta là một người không chung thuỷ. Chị ta dan díu với một người đàn ông khác, có thai và chết vì sẩy thai. Những thất bại trong cuộc sống khiến anh ta chán nản. Và lần đầu tiên trong đời, anh ta đã lớn tiếng cãi mẹ. Và người phụ nữ trong câu truyện chết vì một cơn đau tim kịch phát.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Phố Midaq” (1947) là một người phụ nữ xuất thân từ giai cấp bình dân. Cô có một tình yêu đẹp với một người thợ cắt tóc. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và Cairo tràn ngập những người lính Anh. Người phụ nữ bị những người lính Anh giàu có và hào nhoáng lôi cuốn. Cuối cùng người phụ nữ đó trở thành một kỹ nữ nổi tiếng của cuộc sống đêm và người thợ cắt tóc, người yêu cô năm xưa thì mãi mãi đau khổ vì mất người yêu.

Nhân vật chính trong tác phẩm “Khởi đầu và kết thúc” (1956) là nàng Nefisa. Nefisa là con gái thứ hai trong một gia đình có bốn người con. Trên nàng là người anh trai cả và dưới nàng là hai em trai. Cả gia đình sống ở mức trung lưu nhờ vào đồng lương của người cha là viên chức nhà nước bậc trung. Cuộc sống của gia đình bắt đầu xuống dốc khi người cha qua đời vì một cơn đau tim đột ngột. Người anh trai cả đã quen lêu lổng, không nghề nghiệp. Hai người em trai còn nhỏ đang tuổi đi học. Bà mẹ chỉ quen việc nội trợ trong nhà. Gánh nặng gia đình phút chốc đè lên vai Nefisa. Hasan, Husein và Hassani, ba người con trai, ba vẻ đẹp khác nhau, và khi ba anh em đi với nhau, họ là ba thiếu niên thật tuấn tú, rạng rỡ. Nefisa không đẹp. Nàng có một cái tật không giấu được. Nàng bị gù. Và vì nàng gù, nên cha nàng không cho nàng đi học. Dường như Nefisa sinh ra là để gánh chịu điều bất hạnh. Cha chết. Gia đình mất chỗ dựa. Không nhan sắc. Không tiền. Không nghề nghiệp. Nefisa cuối cùng chỉ còn một cách là trở thành kỹ nữ để kiếm tiền nuôi gia đình.

Tiểu thuyết Khởi đầu và kết thúc bắt đầu bằng cái chết của người đàn ông, người cha, người chủ gia đình và kết thúc bằng cái chết của người con gái. Cuối cùng thì Nefisa chọn cái chết trong dòng nước lạnh sông Nile, khi đêm đã khuya, để không ai nhận ra nàng. Nàng chết khi gia đình đã thoát khỏi cơn túng quẫn, khi hai em đã học hành thành tài. Nàng chết để không ai biết bí mật ghê gớm về nàng, để ai cũng tưởng nàng đã đi làm may để nuôi gia đình. Nàng mượn nước sông Nile để rửa sạch tội lỗi to lớn hoặc để che giấu một nỗi nhục lớn.

Có thể nói rằng Nefisa đã bước ra từ tác phẩm Khởi đầu và kết thúc và hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người Ai Cập. Người ta gọi những phụ nữ nạn nhân của các định kiến xã hội và tôn giáo là Nefisa. Nefisa đã chết vì những định kiến đó. Nàng đã không thể tự tha thứ cho mình, và nàng đã chết trước khi đối mặt với lời kết tội của xã hội. Có biết bao Nefisa như thế trong xã hội?

Cuộc đấu tranh vì tinh thần khoan dung Hồi giáo

Không chỉ viết các tác phẩm tràn đầy tinh thần nhân văn Hồi giáo, bản thân Naguib Mahfouz còn đấu tranh không mệt mỏi vì tư tưởng tự do và nhân văn cho Hồi giáo. Có thể nói không ngoa rằng ông là một chiến sĩ đấu tranh để Hồi giáo thực sự là một tôn giáo nhân văn và tự do. Đã có lúc, ông đã đổ máu vì cuộc đấu tranh đó.

Khi “Những vần thơ của quỉ sa tăng” của Salman Rushdie xuất bản năm 1989, Mahfouz đã lên tiếng bênh vực tác giả. Ông phản đối mạnh mẽ lời kêu gọi của những người Hồi giáo quá khích là phải giết Salman Rushdie. Ông cho rằng trừng phạt một nhà văn bằng cái chết là vi phạm những nguyên tắc cuả Hồi giáo và ông khẳng định rằng sự tự do ngôn luận cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Ông nói:

"Tôi phản đối việc kết án tử hình Salman Rushdie2 bởi vì đây là một bản án xúc phạm các quan hệ quốc tế và Hồi giáo. Tôi tin rằng những tội lỗi do Khomeini gây ra cho Hồi giáo và các tín đồ Hồi giáo cũng không ít hơn những lỗi lầm của nhà văn Salman Rushdie. Tôi cho rằng tự do ngôn luận phải được xem là thiêng liêng và tư tưởng chỉ có thể được sửa sai bằng tư tưởng. Tôi cũng ủng hộ việc tẩy chay cuốn sách của Salman Rushdie như là một phương tiện duy trì ổn định xã hội hiện có, với điều kiện là nó không được lợi dụng như một cái cớ để kìm nén tư tưởng”.

Năm 1994, một nhân vật quá khích Hồi giáo đã tấn công Naguib Mahfouz, đâm ông trọng thương. Nhát dao đâm ở cổ đã khiến ông bị liệt nửa người và không thể cầm bút để viết. Người này sau đó đã thú nhận rằng anh ta đã muốn ám sát Naguib Mahfouz vì cho rằng ông đã phỉ báng Thượng đế Allah trong tác phẩm “Bọn trẻ ở Gebelawi"3, sáng tác theo phong cách truyện ngụ ngôn về nhân vật chính là nhà tiên tri Muhammad. Trong tác phẩm đó, Thượng đế Allah, Adam, Moses, Jesus và Muhammad được khắc hoạ giống như những người bình thường bằng xương bằng thịt, có sinh ra và có chết đi. Theo các nhà phê bình nghệ thuật thì Mahfouz đã lấy hình tượng của các nhà tiên tri tôn giáo, từ Jesus, Moses đến Muhammad để xây dựng một chuỗi các nhân vật của cuốn tiểu thuyết. Các nhân vật này được xâu với nhau trong mối quan hệ ông, cha, con và cháu.

Hồi giáo vốn không cho phép bất kỳ một sự sáng tạo văn chương nào có liên quan đến nhà tiên tri Muhammad, trừ một bản tiểu sử có nội dung đơn giản. Không chỉ xây dựng hư cấu các hình tượng nhân vật văn học dựa trên các nhà tiên tri, tác phẩm “Bọn trẻ ở Gebelawi” còn khiến các học giả bảo thủ Hồi giáo thêm phẫn nộ bởi nhân vật cuối cùng. Những học giả Hồi giáo bảo thủ đã kết tội Naguib Mahfouz là phản bội đạo Hồi vì trong Bọn trẻ ở Gebelawi, ông đã khắc hoạ một nhân vật là con trai của dòng họ đại diện cho khoa học. Đó là người con trai cuối cùng trong sợi dây huyết thống nối dài, đại diện cho khoa học phát triển. Các nhà Hồi giáo bảo thủ kết tội rằng với nhân vật trẻ tuổi cuối cùng này, tác giả đã ám chỉ rằng chỉ có khoa học mới là nhà tiên tri cuối cùng và như thế tác giả đã phạm tội phỉ báng Thượng đế Allah và lời dạy của Người rằng Muhammad mới là nhà tiên tri sau cùng của Người.

Kể từ sau lần bị ám sát hụt năm 1994 đến nay đã 12 năm và suốt 12 năm qua, Naguib Mahfouz vẫn không lùi bước trong cuộc đấu tranh vì Hồi giáo khoan dung và tự do. Ông vẫn đều đặn viết văn mỗi ngày và trong mỗi tác phẩm của ông, người đọc lại thấy một niềm tin vào một xã hội tốt đẹp hơn, khi con người đối xử với nhau khoan dung hơn và tư tưởng tự do được khải hoàn. Ngày 16/8/2006 vừa qua, hai tuần trước khi ông qua đời, trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Al- Ahram (Kim Tự Tháp), ông đã nói:

Nền văn minh Hồi giáo có ảnh hưởng lớn nhất đối với Ai Cập. Sự công bằng và bình đẳng là những phẩm chất cơ bản của Hồi giáo. Hồi giáo không phân biệt con người dựa vào màu da, dân tộc hay của cải. Tất cả các tín đồ đều bình đẳng trước Thượng đế Allah. Ai Cập đã tiếp nhận Hồi giáo, đó là Hồi giáo khoan dung, không cực đoan và hiền hoà.

3. Kết luận

Thế giới sẽ mãi nhớ đến Naguib Mahfouz, nhà văn lớn đã dùng ngòi bút vì Hồi giáo khoan dung. Trên trang web chính thức của Đảng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập (vốn là một đảng đã từng kết tội ông phỉ báng Hồi giáo và treo án tử hình đối với nhà văn) có một bài trang trọng dành cho nhà văn khi ông qua đời:

Với sự ra đi của nhà tiểu thuyết Ai Cập mang tầm quốc tế Naguib Mahfouz, nền tiểu thuyết tiếng Arập đã mất đi một cột trụ quan trọng nhất. Và chúng tôi cũng thấy không hề quá nếu nói rằng nền tiểu thuyết Arập đã mất đi người cha già. Trong 70 năm sự nghiệp, ông đã đưa tiểu thuyết Arập sánh vai các nền tiểu thuyết quốc tế khác và đã nuôi dưỡng một nền tiểu thuyết Arập trưởng thành và hoàn thiện Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi áp dụng chính sách dùng bút để trả lời cây bút, và giọng nói phải được đáp trả bằng giọng nói, và nếu dùng súng để trả lời ngòi bút thì tức là xúc phạm người Hồi giáo, xúc phạm Hồi giáo và xúc phạm các quốc gia Hồi giáo, chứ không phải là làm lợi cho Hồi giáo Naguib Mahfouz là một nhà văn vĩ đại và chúng tôi cầu nguyện cho ông ấy. Xin Thượng đế Allah phù hộ cho ông.

Cuối cùng thì cuộc đấu tranh vì Hồi giáo khoan dung của Naguib Mahfouz đã thắng lợi. Nhưng cuộc đấu tranh đó chưa dừng lại. Các tác phẩm của ông sẽ tiếp tục mang thông điệp khoan dung đến nhiều độc giả hơn. Thế giới hiện đã có 50 bài báo khoa học, 85 công trình nghiên cứu quốc tế lớn về Naguib Mahfouz và những công trình này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn giá trị các tác phẩm của Naguib Mahfouz.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/articles/mahfouz/index.html (trang web chính thức của quỹ giải thưởng quốc tế Nobel), Anders Hallengren, The Arabic Renaissance and the Rise of the Egyptian Novel

2. Laila Lalami, Naguib Mahfouz: An Appreciation, The Nation, New York, 18/9/06

3. Mohamed Salmawy, Mon Egypte, Dialogues of Naguib Mahfouz, Al Ahram, 16/8/06

4. Robert D. McFadden, Obituary: Naguib Mahfouz, Egyptian novelist, 94, The New York Times, August 30, 2006

5. Samia Mehrez, Naguib Mahfouz: From Regional Fame to Global Recognition, Syracuse, UP, 1993

6. Works of Naguib Mahfouz in English Translation, http://library.aucegypt.edu/ (Trang web chính thức của trường đại học The American University in Cairo).


 



Chú thích

1 Khan al Khalili là chợ cổ ở trung tâm thành phố Cairo, có rất nhiều ngóc ngách bên trong và mỗi ngách nhỏ trong chợ là một phố.

2 Năm 1989, Ayatollah Ruhollah Khomeini tuyên bố bản án tôn giáo (tử hình) đối với nhà văn Anh Salman Rushdie vì tội đã báng bổ Hồi giáo và Thượng đế Allah trong tác phẩm “Những vần thơ của Quỷ Sa tăng”.

3 Tác phẩm “Những đứa trẻ ở khu phố chúng ta” của tác giả đoạt giải thưởng Nobel văn học Naguib Mahfouz (được phát hành ở các nước khác với cái tên “Những đứa trẻ ở Gebelawi”) được tờ Thời báo Kim Tự Tháp phát hành nhiều kỳ liên tục. Nhưng sau đó, tác phẩm bị chỉ trích gay gắt vì có nội dung báng bổ Hồi giáo. Tuy không có một văn bản chính thức nào công nhận rằng tác phẩm có nội dung phỉ báng Hồi giáo, nó vẫn bị cấm phát hành đến mấy thập kỷ. Lo ngại trước làn sóng phản đối Naguib Mahfouz do các tín đồ Hồi giáo bảo thủ và quá khích phát động, Chính phủ đã có kế hoạch bảo vệ Naguib Mahfouz, song nhà văn đã từ chối.

 ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Ảnh lấy từ Internet - (Tham luận tại hội thảo)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   |