1. “Toàn diện và hiện đại”
Muốn đánh giá một nền giáo dục phải dựa trên nhiều tiêu chí như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, kỹ năng cuộc sống… Và sinh viên nào cũng muốn được hưởng một môi trường giáo dục mà ở đó các tiêu chí trên đều được hoàn thiện. Trước tiên về cơ sở vật chất, vấn đề mà sinh viên phàn nàn nhiều nhất chính là phương tiện học tập mà trong đó chủ yếu là giáo trình. Có thể nhận thấy rõ ràng rằng giáo trình ở bậc đại học đã quá cũ, không bắt kịp với nhu cầu của thực tế. Ngay cả các môn ít thay đổi như triết, chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng… cũng nên có sự sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh trên thế giới hơn. Còn các môn mà tốc độ phát triển trên thế giới chóng mặt thì chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ với những mớ lý thuyết khô khan, những giáo trình dày cộp, những kiến thức từ đời ông cha để lại.
Song song với việc đó là việc đổi mới hệ thống lớp học, phòng thí nghiệm, cùng các đồ dùng học tập mới khác như đài, băng, đĩa… Trang (ĐHNN) phàn nàn: “Tuy trường tôi là một trường đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ nhưng thực sự chất lượng đồ dùng học tập còn kém. Đài thì hỏng, nút thì cái có cái không, băng nghe thì cứ như mưa rào trong lớp học vậy”. Việc áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào trong lớp học cũng rất hạn chế. Ngay trong giờ tin học cũng không làm thoả mãn như cầu của sinh viên. Thanh (ĐHSPHN) tâm sự: “Máy tính gì mà chạy như rùa, trong đó quá nửa là hỏng hóc, cập nhật thì chậm chạp, giờ vẫn còn bao máy xài Window 98. Đã thế giáo trình học thì không có, toàn dựa vào tài liệu photo của thầy cô, mà cũng chỉ quanh quẩn mỗi việc gõ Word với Excel. Chán quá!”. Như vậy với hệ thống giáo dục như hiện nay làm sao trang bị đủ kỹ năng cho sinh viên khi ra trường được. Họ sẽ là những cử nhân chỉ biết đến lý thuyết mà trong đó thực hành và kiến thức, kỹ năng sống thì ít ỏi. Thế nên mới càng ra tăng tình trạng sinh viên thất nghiệp khi ra trường vì không trang bị đủ những tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đòi hỏi.
|
Sinh viên ĐHNN - ĐHQGHN |
2.“Chuyên nghiệp và thực tế”
Mỗi người ở những chuyên ngành khác nhau sẽ được hưởng một môi trường giáo dục khác nhau. Và điều đó là do những yêu cầu đối với mỗi ngành nghề riêng biệt. Cũng chính do đặc điểm riêng biệt của mỗi ngành nghề mà cách thức đào tạo cũng như phương thức tiếp cận của mỗi trường phải khác nhau. “Nền giáo dục của chúng ta đã có rất nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa bắt kịp được với thế giới. Tình trạng dạy chay vẫn còn hết sức phổ biến, sinh viên thì thụ động, khả năng tự học kém. Giá như sinh viên có nhiều đề thi dạng mở hơn, cách tiếp cận vấn đề đa dạng và phong phú hơn thì sinh viên chúng ta sẽ chủ động và năng động hơn. Các môn chuyên ngành nên được đầu tư hơn, tăng các giờ thực hành và thời gian thực tập để rèn luyện bản kĩnh và kinh nghiệm cho sinh viên. Đồng thời việc sinh viên tự ý thức được tầm quan trọng của việc tự học cũng nâng cao khả năng học tập rất nhiều”- Mỹ Trang (ĐH Thương Mại) chia sẻ một vài tâm sự.
|
Sinh viên tham gia "Diễn đàn quốc hội trẻ" |
Để có thể có được một môi trường giáo dục như các bạn sinh viên mong muốn thì còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, sinh viên của chúng ta vẫn còn có sức ì rất lớn trong việc chủ động đưa ra ý kiến cũng như tìm tòi học tập. Môi trường học ở đại học là tự học vì vậy sinh viên chúng ta cũng cần có những thay đổi trong thái độ tiếp nhận cũng như kĩ năng làm việc. Chỉ khi ấy, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của một nền giáo dục năng động và chuyên nghiệp, chúng ta mới có thể cải thiện được tình hình trì trệ trong giáo dục như hiện nay.
|