ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
GS.TSKH Nguyễn Phú Thuỳ: “Sinh viên cần phải chăm chỉ học tập, năng động, ham học hỏi hơn và có sự say mê nghiên cứu”
Tổng kết phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2003-2004 do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động, 2 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐHQGHN đã được nhận giải Nhất, các giáo viên tham gia hướng dẫn khoa học cho các công trình này đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo khen thưởng. Phóng viên Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi mới GS.TSKH Nguyễn Phú Thuỳ - một giáo viên hướng dẫn khoa học được khen thưởng đợt này hiện đang công tác tại Bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN.

 
PV: Thưa Giáo sư, xin Giáo sư cho biết đôi điều về công trình mà hai học viên của ông đã thực hiện dưới sự hướng dẫn của ông và ThS. Chử Đức Trình?

GS. NPT: ThS. Chử Đức Trình và tôi đã cùng hướng dẫn hai sinh viên Bùi Thanh Tùng và Chu Thị Phương Dung thực hiện đề tài “ứng dụng linh kiện MEMS để xây dựng hệ đo huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ bệnh nhân từ xa” từ  tháng 7/2003 đến tháng 5/2004.

Đây là hai trong nhiều sinh viên của Khoa Công nghệ  (nay là Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN) có điểm trung bình học tập trên 7,0 nên được Phòng Đào tạo của Khoa chọn cho làm đề tài nghiên cứu khoa học từ rất sớm (từ học kỳ II năm thứ ba). Các em được chọn một trong số các đề tài do các thầy gợi ý nên làm việc rất hào hứng và nhiệt tình ngay từ đầu. Đề tài nghiên cứu khoa học này sau một thời gian thực hiện đã được chuyển thành đề tài cho khoá luận tốt nghiệp đại học do đó mà cả hai em đã bảo vệ khoá luận tốt nghiệp một cách rất tự tin với kết quả cao.

Cách tổ chức của Khoa (nay là Trường Đại học Công nghệ) cho sinh viên nghiên cứu khoa học như vậy cũng là hợp lý, đạt được nhiều mục đích cùng một lúc vừa xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, vừa nâng cao chất lượng đào tạo.

PV: Thưa Giáo sư, cho tới nay Giáo sư đã hướng dẫn được bao nhiêu học viên nghiên cứu khoa học? Khi hai bạn Dung và Tùng được nhận giải thưởng sinh viên NCKH do Bộ Giáo dục & Đào tạo trao tặng, Giáo sư có suy nghĩ gì?

GS. NPT:  Cho đến nay, tôi đã có 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đã hướng dẫn khoảng 20 luận án thạc sĩ và khoảng 40 khoá luận tốt nghiệp đại học, hiện đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh, 3 cao học và một số sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp. Phần lớn các sinh viên làm khoá luận với tôi đều được vào làm tại phòng thí nghiệm từ rất sớm, một số trong đó có tham dự giải sinh viên nghiên cứu khoa học và đã được giải.

Trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động lần này, hai sinh viên của tôi được nhận giải nhất nên tôi rất mừng cho các em. Có thể nói đó là một cái mốc trong chặng đường nghiên cứu khoa học của các em bởi vì người đóng vai trò chính trong sự thành công của đề tài này chính là bản thân sinh viên. Tôi cũng thấy rất tự hào vì đã đóng góp được đôi chút cho phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Công nghệ, mặc dù tôi mới chuyển công tác từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên về đây từ tháng 9/2002.

PV: Như Giáo sư đã nói, người đóng vai trò chính trong sự thành công của đề tài nghiên cứu khoa học chính là bản thân sinh viên. Song tôi lại nghĩ, người thầy cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong thành công của đề tài, đó là định hướng cho sinh viên để họ thực hiện tốt đề tài, có đúng không ạ?

GS. NPT: Sinh viên có nhiệt tình, có một số kiến thức nhất định được trang bị qua các môn lý thuyết và thực hành sau hai, ba năm học đầu tiên, tuy nhiên sinh viên khó có thể tự làm nghiên cứu khoa học được, nhất là đối với các đề tài thực nghiệm. Cái cốt lõi ở đây là các em phải có được sự định hướng tốt và được đưa vào đội ngũ nghiên cứu của một đơn vị nhất định.

Giáo viên hướng dẫn có vai trò chỉ ra hướng đi và cách thức tiến hành công tác nghiên cứu khoa học để công trình đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu sinh viên không chịu khó nghiên cứu, học hỏi thì dù thầy có cố gắng đến đâu cũng không thể có được một công trình chất lượng theo đúng nghĩa của nó. Hơn nữa, giáo viên hướng dẫn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sinh viên vào đội ngũ nghiên cứu khoa học của bộ môn hoặc phòng thí nghiệm của  mình để sinh viên có điều kiện làm quen với cách phối hợp nghiên cứu trong quá trình  thực hiện công trình nghiên cứu khoa học.

PV: Từ góc độ của một giáo viên hướng dẫn khoa học, Giáo sư đánh giá thế nào về phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học hiện nay, khi mà một giáo viên phải hướng dẫn vài ba sinh viên/học viên thực hiện đề tài cùng một lúc?

GS. NPT:  Mấy năm gần đây Khoa Công nghệ (nay là trường Đại học Công nghệ) có nề nếp khá tốt cho phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học. Bộ phận sau đại học của Phòng Đào tạo trước kia, nay là Phòng Sau đại học và Nghiên cứu khoa học, có một lịch trình gồm nhiều bước cho việc này và thực thi lịch trình đó khá nghiêm túc. Các thầy trong Trường đều rất bận giảng dạy, nhưng nhiều thầy nhận các sinh viên để hướng dẫn nghiên cứu khoa học, có thầy nhận tới 5, 6 em. Do đó, các hội nghị khoa học sinh viên tổ chức vào tháng 5 hàng năm luôn luôn sôi nổi. Theo tôi, phong trào như vậy là tốt, cả về cách tổ chức của Trường lẫn về mặt nhiệt tình của thầy và trò.

Để đảm bảo hướng dẫn được nhiều sinh viên như vậy, trong một nhóm nghiên cứu, chúng tôi phải có một đội ngũ gồm nhiều tầng lớp để thực hiện nhiệm vụ chung. Thầy trưởng nhóm nghiên cứu khoa học có thể có một vài nghiên cứu sinh, dưới nghiên cứu sinh là học viên cao học, mỗi học viên cao học có thể có nhiều sinh viên đại học cùng làm. Đội ngũ nghiên cứu khoa học này làm thành một hình kim tự tháp. Người nọ giúp người kia để mỗi người đều tiến bộ, đều đạt mục đích của mình và làm cho hướng nghiên cứu đạt được kết quả. Với cách làm đó một giáo viên có thể hướng dẫn nhiều sinh viên/học viên nghiên cứu nhiều vấn đề khác nhau cùng một lúc.

PV: Theo Giáo sư, cần có những điều kiện/giải pháp gì để phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng được nhân rộng và chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng cao?

GS. NPT: Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội rất quan tâm đến phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học và có hình thức tổ chức và tuyên dương khen thưởng thích đáng. Như vậy là rất tốt. Gần đây, Ban Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội có chủ trương tích hợp việc đào tạo sau đại học (hướng dẫn các luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ) với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia. Đây là cách làm đúng để phối hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo. Với các trường đại học, mục đích tối thượng là đào tạo, nghiên cứu khoa học cần phải phục vụ cho đào tạo các cấp với chất lượng cao hơn.

Với sinh viên thì muốn tham gia nghiên cứu khoa học, điều trước hết là phải có kết quả học tập tốt trong các học kỳ. Như ở đơn vị tôi, sinh viên có điểm trung bình chung trên 7,0 mới được tham gia nghiên cứu khoa học như trường hợp hai em Dung và Tùng. Chỉ những sinh viên học tập tốt mới có đủ sức vừa học tập vừa tham gia các công trình nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai, năm thứ ba đại học.

Thiết nghĩ, để phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học được nhân rộng và có hiệu quả cao hơn, các cấp lãnh đạo và các thầy cô giáo nên dành thời gian hơn nữa cho việc bồi dưỡng các sinh viên trong việc tập sự nghiên cứu thông qua các phong trào nghiên cứu khoa học của vinh viên. Nhà trường cũng cần có thêm những biện pháp thích hợp để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học như: hỗ trợ một phần kinh phí để sinh viên thực hiện đề tài, khen thưởng động viên kịp thời, có chế độ đặc biệt cho các em được giải cao... Và nhân tố chính của phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học chính là bản thân các sinh viên. Các em cần phải chăm chỉ học tập, năng động, ham học hỏi hơn và có sự say mê nghiên cứu để những công trình mà họ đảm nhiệm đạt được kết quả. Các em cũng cần lưu ý rằng đây không phải là một phong trào bề nổi mang tính hình thức, mà mang lại sự tiến bộ thực sự cho các em: một khi sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường thì khi bước chân vào cuộc sống họ sẽ ít bị bỡ ngỡ hơn trong công việc.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

 LƯU MAI (thực hiện)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :