ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Trường ĐH Giáo dục: Đào tạo những nhà giáo dục chất lượng cao
Ngày 3/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường ĐH Giáo dục (ĐHGD) trên cơ sở phát triển từ Khoa Sư phạm, ĐHQGHN, nâng tổng số trường đại học trực thuộc ĐHQGHN lên 6 trường. Mục tiêu của ĐHGD là phấn đấu trở thành một trung tập đào tạo những nhà giáo dục chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế. Nhân sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với Bản tin ĐHQGHN.

 

 

 

Xin PGS cho biết đặc trưng cơ bản của Trường ÐH Giáo dục?

Trường ÐH Giáo dục và các trường ÐHSP khác có một điểm chung là cùng đào tạo giáo viên, song Trường ÐH Giáo dục đào tạo giáo viên theo mô hình mở (3+1) trong một đại học đa ngành, đa lĩnh vực là ÐHQGHN. Theo mô hình này, 3 năm đầu giáo sinh học chung với sinh viên các trường ÐHKHTN, ÐHKHXH&NV và ÐH Công nghệ - các trường thành viên của ÐHQGHN. Tại đây sinh viên được đào tạo kiến thức các ngành chuyên môn như sinh viên các môn khoa học cơ bản khác. Năm cuối, giáo sinh trở về Khoa Sư phạm để được trang bị các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, thực tập sư phạm, làm khoá luận hoặc thi tốt nghiệp. Với phương thức đào tạo chú trọng năng lực nghiên cứu chuyên môn như vậy, sau khi tốt nghiệp giáo sinh có thể giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, làm việc tại các viện nghiên cứu chứ không chỉ dạy tại các trường THPT.

Như vậy, đây là mô hình đào tạo giáo viên chất lượng cao?

Không phải chỉ là chất lượng cao, mà còn tiếp cận chuẩn nghề nghiệp quốc tế. Khoa Sư phạm, mà nay là Trường ÐHGD được ÐH Khảo thí Quốc tế Cambridge (Cambridge Univesity – International Examminations) trực tiếp huấn luyện và chuyển giao chương trình, công nghệ, uỷ quyền mở các lớp huấn luyện giáo viên và chuyên gia đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Khoa đã áp dụng bộ chuẩn này để đào tạo giáo sinh trong Khoa và tập huấn cho giáo viên các trường THPT chuyên trong phạm vi cả nước (Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh).

Vậy quan niệm của ÐHGD về một hình mẫu người giáo viên trong thế kỉ 21 là gì?

Trong kỷ nguyên thông tin, kỉ nguyên của kinh tế tri thức, khi người mù chữ không phải là người không biết đọc, biết viết, mà là người không biết tự học, tự nghiên cứu suốt đời, thì người giáo viên trước hết phải là chuyên gia về việc học.

Ðể thực hiện được sứ mạng của mình, trước hết người giáo viên phải biết người học học như thế nào để rồi sau đó dạy cho họ theo cách phù hợp. Khi người giáo viên không còn độc quyền trong cung cấp thông tin, thì vai trò chủ đạo của thầy là người hướng dẫn, người hỗ trợ người học cách khai thác thông tin và xử lí thông tin để biến thành tri thức của bản thân. Ngoài ra, người giáo viên phải là nhà giáo dục với một nhân cách trong sáng làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Như trên PGS đã nói, Trường ÐHGD và các trường ÐHSP khác chỉ có một điểm chung đều đào tạo giáo viên, vậy ÐHGD còn có những chức năng, nhiệm vụ gì khác.

Ngoài chức năng đào tạo giáo viên theo mô hình mở trong một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ÐH giáo dục còn có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khoa học giáo dục, như chuyên gia về hướng nghiệp, tư vấn học đường, sức khoẻ tâm thần, quản lí giáo dục …, triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng về nghiệp vụ sư phạm đại học, cho cán bộ quản lý về quản lý - lãnh đạo trường đại học, cao đẳng.

Chuyên gia về hướng nghiệp là một khái niệm rất lạ ở Việt Nam?

Ở Việt Nam chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên gia về hướng nghiệp và ÐHGD là đơn vị tiên phong đào tạo. Từ trước tới nay, do không làm tốt hướng nghiệp nên việc phân luồng, phân ban ở phổ thông cũng như việc chọn ngành còn rất lộn xộn trong mỗi kỳ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và THCN.

Ở các trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay có vẻ như chưa có các chuyên gia về tư vấn học đường hay sức khỏe tâm thần?

Ðó cũng là điều thôi thúc chúng tôi mở mã ngành đào tạo chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Trường ÐHGD cũng đã tiên phong đào tạo ngay từ đầu các chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các chuyên gia về tham vấn học đường, tư vấn tâm lý. Căn cứ trên kết quả nghiên cứu về thực trạng giáo dục sức khoẻ tâm thần, chúng tôi đã cùng các chuyên gia Hoa Kỳ, Úc thiết kế chương trình đào tạo “Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên”. Chúng ta rất quan tâm đến phát triển trí lực cho học sinh, nhưng lại chưa chú trọng đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em. Trong các nhà trường ở Việt Nam không có những chuyên gia giúp phát hiện sớm những vấn đề về tâm thần của học sinh, để giúp cho các em tránh được từ xa những tác động và hệ quả tiêu cực, đồng thời tìm ra hướng thuận lợi nhất cho sự phát triển của các em...

Ðể đào tạo ra những “ông thầy” toàn diện như vậy, Trường ÐHGD có tham khảo và phối hợp với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu quốc tế nào không?

Từ trước đến nay chúng ta thường chỉ có một chương trình đào tạo giáo viên THPT thống nhất trong các trường ÐHSP. Trường ÐHGD đã triển khai xây dựng những chương trình dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ÐT với các cấp độ sâu, rộng khác nhau với mục đích gắn kiến thức học với việc áp dụng thực tiễn. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu quốc tế. Chẳng hạn, về phương pháp giảng dạy các bộ môn, chúng tôi hợp tác với các chuyên gia Mỹ (ÐH Sanfoe, ÐH Fulenton), Viện đào tạo giáo viên Monteplier của Pháp, Trois Riviere Quebec của Canada. Hiện nay chúng tôi đã có đủ khả năng hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu nước ngoài trong vấn đề triển khai đào tạo giáo viên ở Việt Nam dưới sự tham gia giảng dạy trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài.

Khai thác triệt để mọi nguồn lực

Trở lại với sự kiện Khoa Sư phạm được chuyển thành Trường ÐHGD, chắc hẳn gặp phải nhiều khó khăn?

Với mô hình mới như Trường ÐHGD thuộc ÐHQGHN, không dễ có sự thống nhất ý kiến, đó là khó khăn thứ nhất.

Thứ hai, Trường ÐHGD ra đời muộn so với 5 trường thành viên khác của ÐHQGHN nên đất đai, cơ sở hạ tầng cũng hạn chế do không phát triển ở khu vực hiện tại là Cầu Giấy và Thanh Xuân nữa mà địa điểm mới tại Hoà Lạc chưa hoàn tất.

Thứ ba, để có đội ngũ đáp ứng yêu cầu khá đặc biệt của Trường ÐHGD là vấn đề dạy công xây dựng và phát triển.

PGS cho biết cụ thể hơn?

Trường ÐHGD là đơn vị thể hiện tính liên thông rõ nhất của ÐHQGHN, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong ÐHQGHN để đào tạo ra một “sản phẩm giáo dục”. Các sinh viên theo chuyên ngành sư phạm toán, lý, hóa, sinh… được học 3 năm đầu ở Trường ÐHKHTN, còn năm cuối về Khoa Sư phạm để học khoa học nghiệp vụ sư phạm và các khoa học giáo dục khác. Trong 3 năm đầu, sinh viên được học chương trình giống với sinh viên khối cử nhân khoa học, nhưng bổ sung thêm một số chương trình được giảng dạy ở phổ thông. Ðây là mô hình 3+1 được bắt đầu triển khai năm 2008. Trước đó, chúng tôi đã thí điểm mô hình mô hình đan xen, tăng chương trình giảng dạy sư phạm theo từng năm.

Vậy thế mạnh của mô hình 3+1 là gì?

Thứ nhất, với mô hình này, chúng tôi tiến đến sự liên thông tuyệt đối. Ban đầu, các em sinh viên theo học khoa học cơ bản, nhưng nếu năm thứ hai có những sinh viên nào nhận thấy có năng khiếu về sư phạm, tình cảm với nghề có khả năng dạy hay những lý do hết sức đời thường như cơ hội tìm việc…, các em có thể quyết định chuyển sang học sư phạm, và ngược lại. Ðiều này sẽ tạo sự chủ động cao cho người học.

Ngoài ra, hiện nay sinh viên sư phạm không phải đóng học phí. Nhưng có một số không nhỏ sinh viên sư phạm khi ra trường không theo nghề dạy học mà chuyển sang làm công việc khác, đặc biệt là sinh viên sư phạm ngoại ngữ khi ra trường thường theo đuổi công việc dịch thuật, hay các công ty nước ngoài… với mức thu nhập cao. Ðây thực sự là một sự lãng phí lớn kinh phí Nhà nước đầu tư cho các em theo học nghề sư phạm. Chúng tôi đã tiến hành một điều tra diện hẹp và chưa công bố: tỷ lệ sinh viên học sư phạm làm đúng nghề chỉ chiếm khoảng 30%. Với mô hình 3+1, chúng tôi đang đề xuất Nhà nước cho sinh viên vay tín dụng, khi ra trường, những sinh viên nào tiếp tục theo nghề sư phạm sẽ được miễn trả nợ. Như vậy, sẽ giảm được gánh nặng cho Nhà nước.

Mặt khác, khi ÐHQGHN chuyển sang đào tạo theo phương thức tín chỉ thì mô hình 3+1 sẽ thể hiện sự thích hợp cao nhất. Học sinh chỉ cần tích đủ tín chỉ (chẳng hạn, bên ngành sư phạm có 21 modul và 65 tín chỉ) sẽ nhận bằng cử nhân sư phạm, tạo điều kiện cho sinh viên vừa có thể nhận bằng cử nhân sư phạm, vừa có bằng khoa học cơ bản.

Trong trường hợp sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân khoa học, liệu có quy chế nào để họ trở thành giáo viên?

Với mô hình 4+1, sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa học cơ bản, sinh viên có thể học thêm một năm nghiệp vụ sư phạm và nhận văn bằng cử nhân sư phạm ngành học tương ứng. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các khóa học cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Với việc giảng dạy theo phương pháp sư phạm hiện đại, Khoa Sư phạm (nay là ÐHGD) đã khẳng định được thương hiệu khi rất nhiều sinh viên ở các cơ sở đào tạo khác nhau đến theo học.

Thế còn trong nghiên cứu khoa học thì sao, thưa PGS?

ÐHQGHN là đại học nghiên cứu. Chính vì vậy, là một trường thành viên của ÐHQGHN, Trường ÐHGD đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu khoa học, tỷ lệ đào tạo sau đại học trong tương lai sẽ nhiều hơn tỷ lệ đào tạo đại học. Bên cạnh đó, chúng tôi phát triển các hướng nghiên cứu mới cùng với sự hợp tác quốc tế.

Vậy theo PGS, đâu là yếu tố quyết định đến việc xây dựng ÐHGD trở thành đại học nghiên cứu?

Trước hết chúng tôi xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đầu ngành để tiến hành các hướng nghiên cứu mũi nhọn. Một trong những điểm mạnh của ÐHGD trong suốt 10 năm qua chính là xây dựng một văn hóa riêng, biết lắng nghe, học hỏi, chia sẻ, hợp tác. Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trong đào tạo là biện pháp sống còn. Hiện nay, Trường ÐHGD đã hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học ở Nhật, Mỹ, Canada, Úc, Pháp… và các nước trong khu vực.

Xin cảm ơn PGS!

 Bùi Tuấn - Đức Phường - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :