Trang chủ   >   >    >  
Văn hóa học đường
Đã từng có một sự việc thế này: Nhà trường yêu cầu khoa phải tổ chức chấm lại bài thi hết môn học với lý do: sinh viên khiếu nại vì họ cho rằng giáo viên chấm bài không chính xác nên số người phải thi lại quá nhiều.

Lệnh trên truyền xuống là phải hai người chấm lại cho chính xác. Khoa đã cử hai người chấm, nhưng một người từ chối vì cho rằng một đồng nghiệp của mình, có học vị và chức danh rất cao, vừa chấm xong nên ông ấy không muốn làm việc đó (chấm lại). Chủ nhiệm khoa phải cử một Thạc sĩ thay thế. Sau khi các bài thi được dán giấy che kín điểm cũ, hai giáo viên khác đã chấm lại toàn bộ tập bài, một trong hai người này là Chủ nhiệm khoa. Kết quả cuối cùng: một nửa số bài có điểm chấm lần sau bằng điểm chấm lần đầu, còn một nửa số bài có điểm thấp hơn.

Còn dưới đây là một trích đoạn trong bài tập thực hành của sinh viên nộp cho giáo viên (thay cho bài thi ở lớp). Bài tập này được thực hiện ở nhà nên có rất nhiều thời gian để sinh viên làm việc cẩn thận và chu đáo, thế mà kết quả như thế này:

"Tl là 1b n’ tloại cơ bản of kiểu cl đc đtr bởi cách đvđ, bởi việc vạch ra gtrị rộng lớn of các kl trên cơ sở pt n’ htg lấy b p.vi ko giới hạn & trên cơ sở n’ tđ l2 & n’ dữ liệu đc kq’...”

Câu chuyện đòi chấm lại bài thi trên đây là của lớp học tại chức, còn đoạn trích này là của một sinh viên thuộc hệ chính quy.

Thưa quý độc giả! Nếu quý vị nhận được một lời nhắn của bạn bè viết trên giấy hay lời nhắn đó không phải của bạn bè mà là của một người trên, nghĩa là người đó lớn tuổi hơn quý vị một ít, nhưng được trình bày như đoạn trích này thì quý vị sẽ nghĩ gì?. Thế mà ở đây là bài làm của một sinh viên nộp cho thầy để thầy chấm và lấy điểm hết môn học.

Trường hợp trên là hành vi của cả một lớp học, mang tính tập thể hẳn hoi. Nhà trường đã can thiệp. Và khi biết là giáo viên chấm bài đúng, không có thiên vị hay trù úm gì cả, thì nhà trường đã thông báo cho cả lớp biết rằng việc kiện cáo đó là không có cơ sở, và... cho qua một cách nhẹ nhàng. Trường hợp sau, người nhận và chấm bài là tôi - người viết bài này - đã ghi điểm 1. Đó là điểm mà sinh viên phải thi lại môn học này.

Điều đáng nói là tại sao lại có tình trạng như vậy diễn ra trong trường ĐHKHXH&NV...?

Có mấy cách giải thích như sau:

Một là, vì sinh viên đi học phải nộp học phí nên họ có quyền đòi hỏi các thầy cô giáo phải chấm cho họ đủ điểm để đến ngày đến tháng họ có quyền nhận một tấm bằng cử nhân. Nếu khác đi (ở đây là nếu không đủ điểm mà bắt họ phải học lại và thi lại) thì họ có quyền kiện cáo. Tại sao khi sinh viên kiện cáo vô lý như vậy mà nhà trường vẫn dễ dàng bỏ qua?. Và đã là bài làm của họ thì thầy phải chấm điểm cho dù họ có trình bày kiểu gì đi chăng nữa?.

Khả năng thứ hai còn đáng buồn hơn: Sinh viên cảm thấy mình là người đã có kiến thức vững chắc rồi; nếu thầy giáo chấm cho họ thấp điểm thì chỉ có thầy sai, thầy không công bằng và có định kiến với họ. Vì thế họ cần đấu tranh vì sự công bằng và lẽ phải.

Và cuối cùng, đây là khả năng tồi tệ nhất: Từ sự kết hợp của các nhận thức trên, dẫn đến một quan niệm cực đoan: đó là quyền dân chủ trong nhà trường. Mọi người có quyền khiếu kiện trong bất luận hoàn cảnh nào. Sự bình đẳng (theo quan niệm của họ) là như vậy. Vì sự bình đẳng nên sinh viên có quyền cư xử với giáo viên như với bất cứ ai mà họ không cần ý thức về lịch sự và văn hóa ứng xử. Đáng tiếc rằng, trong quan hệ bạn bè cũng không ai lại gửi thư cho bạn mình bằng một dãy chữ viết tắt "tràn cung mây" như vậy. Tôi có cảm tưởng rằng ranh giới giữa những hành vi ứng xử này và việc hồn nhiên bước vào "động lắc" thật khó mà phân biệt được.

Rõ ràng hiện tượng này không được phép tồn tại trong một nhà trường danh giá như trường ĐHQKHXH&NV. Giải pháp thế nào xin mời quý vị độc giả (đặc biệt là sinh viên) cùng suy nghĩ và tìm kiếm.

 Hồng Đức - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: