Theo dòng lịch sử
Trang chủ   >  Theo dòng lịch sử  >    >  
Hướng tới mô hình đại học UniWood
Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mô hình đại học 2.0 đã được phát triển. Đó là mô hình học tập có tương tác dựa trên công nghệ web 2.0. Đặc trưng tích cực của mô hình được so sánh tương tự như hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh Hollywood: luôn luôn sản xuất, phát hành và thay đổi nội dung, sản phẩm của mình, thu hút người học bởi sự phong phú, hấp dẫn của tài nguyên. Dựa trên điều này, một số học giả đã gắn cho Đại học 2.0 cái tên UniWood. Phóng viên đã có dịp ghi lại những ý kiến chính của GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN - về mô hình đại học này.

Mô hình đại học 2.0
Trong xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức, các trường đại học là các trung tâm sản xuất tri thức và giảng dạy như là các nhà máy hoặc công nghiệp tri thức (Knowledge Factory or Industry). Vì vậy, các trường đại học phải hoạt động như một phần của xã hội, phải thay đổi phù hợp nhu cầu của người dạy, người học, người sử dụng cùng sự phát triển của công nghệ. Với sự thâm nhập sâu sắc của ICT, các xu hướng dạy và học mới đang được khám phá, các trường đại học đều muốn chuyển đổi phương thức hoạt động của công nghiệp tri thức. Về thực chất, các mô hình quen biết như mô hình đại học nghiên cứu (Research University), đại học số hóa (Digital University), đại học sáng nghiệp (Entrepreneurial University) đã chứa đựng rất nhiều đặc tính của mô hình công nghiệp tri thức. Mặc dù các mô hình đại học này đều đang tự mình thực hiện cả hai chức năng sáng tạo tri thức, sở hữu và chuyển giao tri thức, nhưng đang thiếu khả năng và do đó hiệu quả chuyển giao tài nguyên tri thức cho sự phát triển rất hạn chế. Để hoàn thành vai trò của mình, các đại học này cần được vận hành theo kiểu doanh nghiệp với chiến lược sử dụng hệ thống tài nguyên của doanh nghiệp. Một số mô hình khác như Công viên khoa học (Science Park), Công viên tri thức (Knowledge Park) cũng đã ra đời và hoạt động rất hiệu quả trong việc kết hợp cả các nghiên cứu cơ bản và thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ. Mô hình Công ty đại học (Corporate University) là một thực thể giáo dục đại học được thiết lập để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược gắn kết mục tiêu học tập, phát triển tri thức và chất xám chung của cả cá nhân và tổ chức, gắn kết quá trình đào tạo với nhu cầu tri thức của công ty. Mô hình này phát triển rất hiệu quả ở Mỹ và Nhật Bản. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Để có thể hướng cả cộng đồng tham gia vào quá trình sáng tạo và đổi mới, trong xã hội tri thức, chỉ có mô hình đại học 2.0 mới đáp ứng được yêu cầu.
Trong rất nhiều tài liệu, người ta đã thống nhất định nghĩa mô hình đại học 2.0 là mô hình đại học nghiên cứu và sáng nghiệp tích hợp và ứng dụng công nghệ Web 2.0 trong tất cả các hoạt động của nhà trường, đối với tất cả các đối tượng liên quan. Môi trường học thuật dựa trên Web 2.0 tạo cơ hội cho giảng viên, người học, người sử dụng và các bên liên quan trao đổi, hợp tác với nhau 24/7. Trong xã hội tri thức, đại học 2.0 có vai trò phát triển khả năng để cạnh tranh trong thị trường toàn cầu hóa. Đại học 2.0 tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào việc phát triển tri thức với những trợ giúp của các phương thức và công cụ ICT mới, thúc đẩy phát triển tri thức của cá nhân, của cộng đồng và xã hội.. Không gian ảo của đại học 2.0 cũng là điểm kết nối tự nhiên thế giới học thuật với doanh nghiệp. Đây là nhịp cầu vững chắc tích hợp chặt chẽ các hoạt động của đại học và doanh nghiệp thông qua cơ chế Cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn (Community of Practice), trong đó mọi người cùng chia sẻ mối quan tâm, các khó khăn hoặc sự đam mê của mình, trực tiếp làm sâu sắc thêm tri thức và sự tinh thông của họ nhờ có trao đổi, tương tác với tất cả những gì đang xảy ra.
Mô hình đại học 2.0 - Giảng viên dẫn dắt học tập, sinh viên học tập có tương tác, nguồn học liệu mở được bổ sung rất phong phú
Lấy người học làm trung tâm
Đại học 2.0 phát triển dựa vào ưu thế của e-Learning 2.0 - có rất nhiều tài nguyên học liệu số và kiểu môi trường tương tác, thảo luận, phản hồi; tạo điều kiện cho người học cá nhân hóa quá trình học tập, cho phép họ tự quyết định nội dung, thời gian và địa điểm học tập. Sinh viên có thể chọn môn học hoặc từng học phần của môn học và tổ hợp chúng theo nhiều cách khác nhau, theo mục tiêu riêng. Hơn thế nữa, đại học 2.0 tăng cường được động cơ học tập thông qua hợp tác và cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo và sáng nghiệp. Tính mục đích của việc học tập tăng lên, nên thực sự người học sẽ tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. So sánh đại học truyền thống với đại học 2.0 thấy có các đặc điểm khác nhau như sau:
Đại học 2.0 có các đặc trưng sau:
- Được quyết định bởi cộng đồng: mọi người cùng xây dựng tài nguyên và chia sẻ ý tưởng để tạo ra nhiều thông tin.
- Người sử dụng tạo ra giá trị gia tăng: tạo điều kiện cho người sử dụng làm gia tăng tài nguyên sẵn có bằng việc bổ sung các tài nguyên mới.
- Tạo ra phương thức mới để tiếp cận và tương tác với tri thức: người học được khuyến khích học tập liên tục và xây dựng các mạng lưới học tập của mình, sử dụng các phương thức học tập có tương tác khác nhau như Wikipedia, Facebook, Notemesh…
- Người học chuyển từ khách hàng thành người sử dụng chủ động: tham gia quá trình với tư cách vừa là người quản trị, vừa là người tạo ra tài nguyên học liệu.
- Hoàn thiện không ngừng: cung cấp các công cụ để nhận ý kiến phản hồi từ người sử dụng.
- Dữ liệu có lợi thế cạnh tranh: tất cả cộng đồng đều có thể tham gia như người học của trường.
- Hệ thống truy cập và chiết xuất mở: đại học 2.0 khuyến khích người học phát hành nội dung số để chia sẻ với tất cả cộng đồng.
- Thực hiện dịch vụ trên các thiết bị cá nhân, độc lập.
- Thiết lập văn hóa hợp tác: chấp nhận tài nguyên dùng chung, việc sử dụng lại tài nguyên được khuyến khích và cho phép.
Sự ngộ nhận cần triệt tiêu
Bất cập lớn nhất của mô hình đại học 2.0 chính là sự ngộ nhận. Nhiều giảng viên và người học quan niệm rằng: kiến thức là thông tin và kiến thức có thể tìm thấy trên mạng. Vấn đề không phải ở chỗ người học lười biếng hay không có hứng thú học tập mà chính là ở chỗ họ chỉ biết cắt (copy), chép (paste) như một cái máy, rồi tự tin trình bày các thông tin cắt, chép đó như là “kiến thức” của bản thân. Có một học giả đã mô tả bất cập của mô hình đại học 2.0 với một ví dụ rằng: có một người học có thể vì say mê với nhiều loại kiến thức nên chạy hết chỗ này đến chỗ khác để tìm kiếm mà không biết điểm dừng. Cũng như một cậu bé nhặt vỏ sò ở trên bờ biển, lúc đầu cậu nhặt rất say mê và được rất nhiều, nhưng đến khi thấy những cái khác đẹp hơn cậu phải bỏ một số cái đã nhặt được để nhặt lên cái khác, đến một lúc cậu ta chẳng biết phải chọn cái nào nữa đành vứt bỏ tất cả và trở về với bàn tay trắng. Đại học 2.0 cũng vậy, người học rất dễ ngộ nhận là tự thu thập thông tin để có kiến thức. Đó là tiềm ẩn của nguy cơ có cái bụng đầy, nhưng cái đầu rỗng.
Để khắc phục thực trạng trên, tại nhiều nước đã phát triển xu hướng dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến (blended learning). Theo cách này, có thể phân chia khối lượng học tập của môn học cho một phần đào tạo trực tiếp và một phần đào tạo trực tuyến. Thông qua đào tạo trực tiếp, người học sẽ được hướng dẫn cách thu thập thông tin, phân tích, hệ thống và phát triển các thông tin đó thành kiến thức; được hướng dẫn cách áp dụng kiến thức đó và rèn luyện để phát triển tư duy, tầm nhìn. Theo cách này, đại học 2.0 rất phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ mà ĐHQGHN đang tiếp cận và sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình tự học của sinh viên. Ngoài các giờ học trực tiếp, các giờ tự học hoặc khối lượng kiến thức tự học có thể thực hiện thông qua hình thức e-learning. Ở một số trường đại học, thậm chí người ta còn quy định rõ mỗi học kỳ có một tuần áp dụng e-learning.
Đại học 2.0 và Hollywood
Cũng như xưởng phim, đại học 2.0 luôn sản xuất thêm nội dung mới, tài nguyên mới theo các ý tưởng mới, công nghệ mới rồi phát hành, cung cấp và chia sẻ tài nguyên đó với cộng đồng. Tài nguyên số ở đây không chỉ giới hạn là các tài liệu đọc mà phổ biến phải sử dụng phim ảnh, video, không phải cung cấp các sự kiện, các kiến thức đơn lẻ... Vậy nên, đại học 2.0 là một trường quay, ở đó sinh viên cùng với giảng viên vừa viết kịch bản, vừa dựng phim, tham gia đóng phim và cùng nhau chia sẻ các tác phẩm. Cuối cùng, giảng đường đại học 2.0 cũng như các rạp chiếu phim với các phương tiện trình chiếu hiện đại. Các chỗ ngồi được bố trí linh hoạt, phù hợp với hoạt động nhóm, với sự trao đổi, chia sẻ… Học và dạy thông qua dự án, tạo dựng một câu chuyện phim với sự sáng tạo, trí tưởng tượng, sự khám phá, hấp dẫn thu hút người học như đi xem phim. Do đó, đại học 2.0 còn được gọi là UniWood.
Có thể lấy ví dụ mô hình đại học 2.0 ở Trường Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore (University 2.0@NTU). Trong giai đoạn 2000-2005, trường này đã đưa toàn bộ tài liệu học tập của gần 3.000 môn học lên mạng phục vụ cho việc học tập của 22.000 sinh viên với tần suất sử dụng khoảng 500.000 trang thông tin/ngày. Giai đoạn 2006-2012, NTU đã đưa lên mạng được 35.076 phim video với tổng độ dài khoảng 216 năm. Không gian học tập vô cùng hiện đại, sống động.
Cảnh đêm của khu giảng đường ở Đại học Công nghệ Nanyang. Nguồn: GS. Daniel Tan, Centre for Excellence for Learning & Teaching
Để hướng đến một UniWood, trước hết các trường đại học, thông qua con đường hành chính của mình, phải tổ chức số hóa giáo trình, bài giảng các môn học, đưa từng phần lên mạng để phục vụ quá trình học tập. Đây là giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu. Tiếp theo phải tạo môi trường và công cụ thuận lợi để có thể đa dạng hóa phương thức phát triển tài nguyên số với sự tham gia của giảng viên, sinh viên và cộng đồng, đồng thời triển khai các hoạt động e-learning 1.0 thông qua hệ thống quản lý tài nguyên. Giai đoạn e-learning 2.0 được phát triển tiếp theo để tổ chức học tập có tương tác, thông qua các dự án khám phá tri thức với học liệu mở. Cuối cùng là giai đoạn có thể học tập khắp nơi, lưu động với đầy đủ nội hàm của UniWood. Có thể khái quát hoá đây là giai đoạn chuyển từ quá trình e-learning (Learning everywhere) thành we-learning (Learning everywhere With everybody). Và ĐHQGHN đang hết sức quan tâm đến lộ trình xây dựng mô hình đại học này.

 Việt Hà (ghi) - Bản tin số 262-263 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :