Đại học Đông Dương là một cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực - tiền thân của ĐHQGHN ngày nay. Đây là tổ chức đào tạo đại học hiện đại đầu tiên, cái nôi khoa học của các nhà trí thức lớn nước ta thế kỷ XX.
Sự ra đời của một trường đại học bao giờ cũng đi kèm với nhu cầu tạo dựng một hệ thống cơ sở vật chất ngang tầm với chức năng nhiệm vụ của nó.
Đây là một trong những tiêu chí có tầm ảnh hưởng lớn để đánh giá một đại học, một nhân tố không thể thiếu góp phần quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo ở bậc đại học. Đầu tư cho đào tạo là đầu tư cho phát triển mang lại hiệu quả cao, là quốc sách hàng đầu của bất cứ quốc gia nào. Các trung tâm đại học có uy tín là niềm tự hào dân tộc, là nơi giao lưu văn hoá và quảng bá quốc gia của mình với bè bạn năm châu. Xuất phát từ các ý nghĩa nêu trên, dường như hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều có những trung tâm đại học danh giá. Ở Việt Nam, chúng ta tự hào với Văn Miếu cổ kính, trường đại học đầu tiên của Việt Nam ra đời từ rất sớm (1070), đã sản sinh ra biết bao các bậc hiền tài làm rạng danh đất Việt.
|
Một thông báo đấu thầu xây dựng toà nhà 19 Lê Thánh Tông - Hà Nội |
Suốt từ một trăm năm trước đây, các tầng lớp thanh niên từ Bắc chí Nam của nước ta luôn dành cho trường đại học Đông Dương và các giai đoạn phát triển của nó một tình cảm trân trọng, một mơ ước cao đẹp được vinh dự được ghi tên theo học ở đây. Về cơ sở vật chất của Nhà trường, tuy quy mô vóc dáng còn những hạn chế nhất định so với một đại học lớn, nhưng những đường nét kiến trúc, vị trí toạ lạc của cụm công trình 19 Lê Thánh Tông đã ghi được dấu ấn trân trọng và có vị trí xứng đáng với Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hệ thống cơ sở vật chất của Trường được xây dựng trên diện tích khoảng 2 hecta trong khuôn viên số 19 Lê Thánh Tông thuộc quận Hoàn Kiếm tại vị trí giao nhau giữa hai đại lộ Lý Thường Kiệt và Lê Thánh Tông. Cụm công trình này là một di tích văn hoá có giá trị lịch sử quan trọng. Đây là một trong những trường đại học hiện đại đầu tiên của xứ Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đã đào tạo ra những lớp trí thức mới góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Cũng tại nơi đây, ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công, ngày 15/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa khai giảng khoá học đầu tiên của trường Đại học Quốc gia Việt Nam - cơ sở kế tục của trường Đại học Đông Dương.
|
Một bản vẽ thiết kế của toà nhà 19 Lê Thánh Tông |
Cụm công trình 19 Lê Thánh Tông được thiết kế và xây dựng theo 2 giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn 1 gồm các hạng mục phía Đông - Bắc khuôn viên hiện do trường Đại học Dược đang quản lý sử dụng. Từ năm 1906 đến năm 1927, các khoá học đầu tiên của trường Đại học Đông Dương được giảng dạy ở khu vực này. Giai đoạn 2 gồm toà nhà chính và các hạng mục ở phía Đông và phía Đông - Nam được khởi công xây dựng vào năm 1924 và cơ bản hoàn thành vào năm 1927.
Cụm công trình 19 Lê Thánh Tông còn được coi là một di tích văn hoá có giá trị kiến trúc trường học thuộc loại quý hiếm trong kho tàng kiến trúc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. Đây là công trình mang phong cách kiến trúc thuần Pháp tân cổ điển. Công trình được thiết kế cho một trường đại học nhưng lại gắn kết với một đại lộ lớn, vỉa hè thoáng rộng, hai hàng cây cổ thụ xanh tươi tạo nên một đường phố đô thị hiện đại, văn minh. Mặt tiền công trình được thiết kế tạo điểm nhấn kiến trúc cho đại lộ có Nhà hát lớn thành phố, một tuyệt tác của nền kiến trúc văn hoá Việt Nam, các công sở, nhà hàng được bố trí hài hoà trên hai mặt phố. Từ đại lộ vào trường qua một sảnh lớn có kết cấu hoành tráng cao rộng, mang dáng hình một tháp chuông theo phong cách kiến trúc phục hưng châu Âu. Qua đại sảnh, trước mắt chúng ta bừng mở một không gian kiến trúc trường học với sân chơi giải trí, tứ bề những hàng cây cổ thụ tán lá xum xuê, tạo nên cảnh quan vừa mát mẻ vừa trang nghiêm rất mô phạm của một cơ sở học đường khác xa với môi trường phố xá sôi động bên ngoài. Các hạng mục công trình được bố trí hợp lý khép kín theo bốn mặt của khuôn viên. Tổng diện tích sàn xây dựng của cả khuôn viên khoảng 11.900m2, các khối nhà cao 2 đến 3 tầng, công năng sử dụng các toà nhà ở đây tương đối giản đơn, chủ yếu là giảng đường, phòng làm việc, phòng thí nghiệm và một số phòng dịch vụ phục vụ đào tạo. Hai giảng đường lớn trong toà nhà chính đã được sửa chữa nhiều lần không còn giữ được kiến trúc nội thất nguyên gốc vốn có của nó. Tháp đại sảnh, chi tiết kiến trúc mặt tiền toà nhà chính, điểm nhấn kiến trúc của toàn bộ công trình cũng bị hư hỏng xuống cấp khó nhận biết hết những giá trị ban đầu.
|
Bản vẽ mặt cắt giảng đường dốc |
Để gìn giữ và khôi phục lại các giá trị kiến trúc của cụm công trình nổi tiếng này, ĐHQGHN đã chủ trương tiến hành khảo sát, lập đề án nghiên cứu tu sửa lại các giá trị kiến trúc của công trình. Đại sứ quán Cộng hoà Pháp cũng rất quan tâm, ghi nhận chủ trương này và dự kiến sẽ đệ trình lên Tổng thống Jaques Chirac xem xét khả năng tài trợ một phần kinh phí cho Đề án.
|
Bản vẽ sảnh toà nhà lớn 19 Lê Thánh Tông |
Tu sửa, chỉnh trang lại cụm công trình 19 Lê Thánh Tông là việc làm có ý nghĩa quan trọng của ĐHQGHN cùng các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Đại học Đông Dương, tiền thân của ĐHQGHN ngày nay.
|