Có lẽ trong lúc này, hàng trăm ngàn thí sinh đang trong tâm trạng rất đau khổ buồn bã, chán nản, tự ti, không còn tự tin vào bản thân. Nhiều thí sinh đã cảm thấy tương lai mù mịt, cô đơn và nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Trong nhiều năm gần đây đã có những cái chết không đáng có do thí sinh bế tắc trong việc lựa chọn con đường đi sau khi trượt đại học.
Song đại học không phải là con đường duy nhất dẫn các bạn tới tương lai tốt đẹp. Ngay cả khi bạn muốn tiếp tục học trong năm học này bạn vẫn có tới 4 con đường để lựa chọn.
1. Đăng ký học vào các trường trung học chuyên nghiệp: Tất cả các trường trung học chuyên nghiệp đều tuyển học sinh đã tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT hoặc tương đương. Hình thức tuyển sinh sẽ xét một trong ba hình thức sau: xét điểm học bạ lớp 12; xét kết quả thi tốt nghiệp lớp 12; xét kết quả thi ĐH, CĐ, THCN khác; các hình thức này, điểm xét tuyển các môn không có môn nào bị điểm liệt (điểm 0).
Học sinh học hệ THCN sẽ học trong hai năm. Ngoài ra, một số trường còn có các khóa không chính quy, có các lớp sáng, chiều, tối cho cả khóa chính quy và không chính quy.
Bằng tốt nghiệp THCN được cấp theo chuyên ngành đào tạo, thuộc hệ thống văn bằng quốc gia, có thể học liên thông lên CĐ, ĐH. Học sinh được hoãn nghĩa vụ quân sự, được xét giảm học phí, xét cấp học bổng...
Như vậy, những trường này đầu vào rất dễ, ra trường dễ kiếm được việc làm do thị trường lao động hiện nay cần nhiều thợ hơn là thầy. Thời gian học ngắn, chi phí học ở các trường này thấp, chỉ bằng 1/3 so với học đại học. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể thi liên thông lên hệ cao đẳng, đại học của các trường khác hoặc đi làm, có đủ tiền và kinh nghiệm để học liên thông lên cao, biến “giấc mơ đại học” thành hiện thực. Tuy đây là cách “đi vòng” nhưng khá vững chắc.
Tuy nhiên, để được học một trường trung cấp tốt bạn cũng cần chọn lựa kỹ càng. Có 5 vấn đề bạn cần quan tâm: cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo có tốt hay không, trình độ đội ngũ giáo viên, mức độ danh tiếng của trường đó, văn bằng có thể liên thông được với các bậc học cao hơn hay không, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu...
Những điều này bạn có thể đến trực tiếp tại trường hoặc thông qua các cựu sinh viên của trường để biết. Đào tạo nhiều nhưng vấn đề có việc làm vẫn tùy thuộc vào từng cá nhân, nhất là kết quả học tập.
2. Học đại học từ xa: Hiện nay đã có một số trường mở chương trình này, ví dụ như Đại học Mở bán công TPHCM, Đại học Dân lập Bình Dương, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM...
Trong thời gian học từ xa, bạn có thể học thêm ngoại ngữ, vi tính, các kỹ năng khác để tự trang bị tốt năng lực lao động cho mình.
3. Chọn học một nghề phù hợp với sở trường, tính cách, hoàn cảnh gia đình bạn. Hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang thiếu rất nhiều thợ giỏi. Nếu bạn học tốt, ra trường sẽ rất dễ kiếm việc làm. Khi đã trở thành thợ lành nghề, bạn sẽ có cơ hội có thu nhập cao không kém so với những người tốt nghiệp đại học.
Hàng năm, ASEAN vẫn tổ chức các cuộc thi tay nghề giỏi, có nghĩa thợ lành nghề rất đáng quý và cũng được vinh danh.
4. Ôn thi lại vào năm sau: Hiện nay đây là con đường được nhiều thí sinh lựa chọn nhất và cũng có nhiều người thành công. Muốn được như vậy đầu tiên bạn cần tránh tâm lý tự ti và chuẩn bị cho mình sự kiên nhẫn, nghị lực và quyết tâm cao.
Bạn nên tự rút kinh nghiệm và học hỏi các bạn đã đỗ đại học xem nguyên nhân tại sao mình chưa thành công. Từ đó xem xét phương pháp học, nếu thấy không hiệu quả thì cần thay đổi.
Trong năm ôn thi lại bạn nên tập trung vào một mục tiêu chính của mình, không nên phân tán tư tưởng và sức lực cho những việc khác.
|