I. Lịch sử hình thành và phát triển bộ môn
Ngay từ những năm đầu thành lập, Bộ môn Lý luận văn học đã có những cán bộ giảng dạy tài năng: Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức. Sang những năm sáu mươi của thế kỷ XX, đội ngũ những người giảng dạy lý luận văn học được bổ sung dần: Phan Ngọc, Lê Anh Trà, Bùi Ngọc Trác, Đỗ Văn Khang, Lưu Khắc Thịnh, Đinh Xuân Dũng. Đến những năm bảy mươi lại có thêm Phạm Quang Long, Nguyễn Văn Nam, Lý Hoài Thu, Phạm Thành Hưng, Trần Khánh Thành, Đoàn Đức Phương, và gần đây nhất, năm 2003, có thêm Diêu Lan Phương. Từ năm 1956 đến năm 1987, bộ phận lý luận văn học cùng sinh hoạt chuyên môn trong bộ môn Lý luận và Văn học Việt Nam hiện đại do các GS Lê Đình Kỵ, PGS Bùi Ngọc Trác, GS Hà Minh Đức kế tiếp làm Chủ nhiệm bộ môn. Từ năm 1988, bộ phận lý luận văn học được tách ra thành bộ môn riêng: Bộ môn Lý luận văn học do GS Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm bộ môn. Hiện nay bộ môn có 9 thành viên đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu: GS Hà Minh Đức, PGS. TSKH Đỗ Văn Khang, PGS. TS Phạm Quang Long, PGS. TS Lý Hoài Thu, PGS. TS Trần Khánh Thành, TS Nguyễn Văn Nam, TS Đoàn Đức Phương, TS Phạm Thành Hưng, ThS Diêu Lan Phương, do TS Đoàn Đức Phương làm Chủ nhiệm bộ môn.
II. Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học
1. Công tác đào tạo đại học
Bộ môn hiện đảm nhiệm giảng dạy cho tất cả các loại hình đào tạo của Nhà trường: chính quy, tại chức, chuyên tu, văn bằng 2 v.v…, giảng dạy cho các lớp trong khoa, một số khoa trong trường và một số khoa ở các trường bạn. Các giáo trình đang giảng dạy gồm có:
- Cơ sở lý luận văn học gồm 4 phần: Những nguyên lý chung về văn học; Tác phẩm văn học; Loại thể văn học; Phương pháp sáng tác văn học.
- Mỹ học gồm 3 phần: Lịch sử mỹ học; Mỹ học đại cương; Các phạm trù mỹ học.
- Nghiệp vụ gồm 2 phần: Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy văn học; Nghiệp vụ báo chí và sáng tác.
- Các giáo trình khác: Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Báo chí truyền thông đại cương; Ký văn học và ký báo chí; Tâm lý học sáng tạo văn học; Xã hội học nghệ thuật; Thi pháp học; Những vấn đề lý luận thi pháp tác giả; Những vấn đề kịch bản văn học.
Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy trực tiếp, bộ môn còn tham gia công việc hướng dẫn niên luận, hướng dẫn, phản biện khóa luận tốt nghiệp với khối lượng khá lớn, tham gia quản lý sinh viên, hướng dẫn tham quan khoa học và thực tập thực tế.
2. Đào tạo sau đại học
Từ năm 1980 đến nay, Bộ môn đã tham gia đào tạo sau đại học theo chuyên ngành Lý thuyết và lịch sử văn học, mã số 5 04 01, hiện nay là chuyên ngành Lý luận văn học, mã số 62 22 34 04. Từ năm 1992 đến nay, Bộ môn tham gia đào tạo Tiến sĩ và Thạc sĩ. Trong 26 năm qua, cán bộ thuộc Bộ môn Lý luận văn học đã tham gia hướng dẫn thành công 49 luận văn Thạc sĩ và 20 luận án Tiến sĩ. 4 cán bộ giảng dạy trong tổ bộ môn cũng từng làm nghiên cứu sinh và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại bộ môn.
Hiện nay Bộ môn Lý luận văn học đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh và 14 học viên cao học. Năm học 2006 - 2007 có thêm 7 học viên cao học đăng ký làm luận văn tại Bộ môn Lý luận văn học.
3. Công tác biên soạn giáo trình
Từ những năm sáu mươi, các giáo trình lý luận văn học đã nhanh chóng được biên soạn và xuất bản như Nguyên lý lý luận văn học của Nguyễn Lương Ngọc, Tác phẩm văn học, Loại thể văn học của Hà Minh Đức, Phương pháp sáng tác văn học của Lê Đình Kỵ. Trong những năm tám mươi, theo chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, các cán bộ của hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm cùng hợp tác biên soạn giáo trình. Bộ giáo trình Cơ sở lý luận văn học gồm 4 phần được in thành 3 tập. Ba tập giáo trình này có sự tham gia của các cán bộ tổ lý luận: GS Hà Minh Đức, GS Lê Đình Kỵ, PGS Bùi Ngọc Trác.
Năm 1993, Bộ môn tổ chức biên soạn cuốn giáo trình Lý luận văn học do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, phục vụ đông đảo học sinh, sinh viên trong cả nước. Cuốn giáo trình này được biên soạn với một đội ngũ tác giả đông đảo: Hà Minh Đức (chủ biên), Đỗ Văn Khang, Phạm Quang Long, Phạm Thành Hưng, Trần Khánh Thành, Lý Hoài Thu, Nguyễn Văn Nam, Đoàn Đức Phương. Đến nay, giáo trình này đã tái bản lần thứ 11 và hiện đã được chỉnh sửa để in mới trong năm tới. Bên cạnh giáo trình Lý luận văn học, cán bộ trong bộ môn còn tham gia dịch và biên soạn nhiều giáo trình về mỹ học, nghệ thuật học. Đáng ghi nhận là các cuốn Lịch sử mỹ học, Mỹ học đại cương, Nghệ thuật học của PGS. TSKH Đỗ Văn Khang. Song song với hệ thống giáo trình cơ sở, hệ thống giáo trình chuyên đề cũng được biên soạn rất phong phú: Tìm hiểu thơ Hồ Chủ Tịch (Hoàng Xuân Nhị); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Thơ Tố Hữu (Lê Đình Kỵ); Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, C. Mác - Ăngghen - Lênin bàn về văn học nghệ thuật, Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh (Hà Minh Đức); Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám (Lý Hoài Thu); Thi pháp thơ Huy Cận (Trần Khánh Thành); Nguyễn Bính hành trình sáng tạo thi ca (Đoàn Đức Phương) v.v…
4. Công tác nghiên cứu khoa học
Công tác nghiên cứu khoa học, một mặt được thể hiện qua các giáo trình cơ sở và chuyên đề, mặt khác còn được thể hiện qua hàng trăm công trình khoa học công bố trong và ngoài nước. Những công trình khoa học được đúc kết qua các chuyên luận, tiểu luận của Bộ môn đã có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nghiên cứu văn học nói chung và lý luận phê bình văn học nói riêng trong nửa thế kỷ qua. Đặc biệt, những công trình nghiên cứu của GS Lê Đình Kỵ, GS Hà Minh Đức có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đã được tặng giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong năm mươi năm qua, Bộ môn Lý luận văn học đã tham gia và chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia và cấp trường, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển văn học hiện đại.
III. Bộ môn Lý luận văn học trên hành trình đi tới
Hiện nay Bộ môn đảm nhận một khối lượng công việc khá lớn, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, vừa tham gia quản lý vừa làm chuyên môn.
1. GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, đảm nhận nhiều chuyên đề đào tạo đại học và sau đại học.
2. PGS. TSKH Đỗ Văn Khang tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn giảng dạy trực tiếp các giáo trình Mỹ học đại cương, Nghệ thuật học và chuyên đề sau đại học.
3. PGS. TS Phạm Quang Long, hiện là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, tuy tập trung nhiều thời gian cho công tác quản lý, nhưng vẫn dành thời gian thích đáng để giảng dạy chuyên đề sau đại học, quan tâm nghiên cứu Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam và Phê bình văn học.
4. PGS. TS Lý Hoài Thu giảng dạy phần Loại thể văn học và các chuyên đề Xuân Diệu và thi pháp Thơ mới, Phong cách sáng tạo nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, Những vấn đề kịch bản văn học.
5. PGS. TS Trần Khánh Thành, hiện là Phó chủ nhiệm Khoa Sau đại học, tuy bận công tác quản lý vẫn đảm nhận giảng dạy các phần Nguyên lý chung, Phương pháp giảng dạy văn học và các chuyên đề Tâm lý học sáng tạo văn học, Những vấn đề lý luận thi pháp tác giả.
6. TS Nguyễn Văn Nam giảng dạy các phần Phương pháp sáng tác, Các phạm trù mỹ học và chuyên đề Thi pháp học.
7. TS Đoàn Đức Phương, Phó chủ nhiệm Khoa Văn học, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, đảm nhận giảng dạy các phần Tác phẩm văn học, Xã hội học nghệ thuật, Phương pháp giảng dạy văn học và các chuyên đề Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
8. TS Phạm Thành Hưng đảm nhận giảng dạy các phần Nguyên lý chung, Báo chí truyền thông đại cương, Nghiệp vụ báo chí và sáng tác.
9. ThS Diêu Lan Phương đảm nhận giảng dạy các phần Nguyên lý chung, Mỹ học đại cương.
Trong những năm tới, Bộ môn sẽ tiến hành biên soạn lại các giáo trình cơ sở, biên soạn thêm các giáo trình chuyên đề, hiện đại hóa nội dung bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy, bổ sung thêm đội ngũ cán bộ để đáp ứng những nhu cầu mới của thời kỳ mới. Trong bước trưởng thành của Khoa Văn học, Bộ môn Lý luận văn học cũng sẽ có tầm phát triển tương xứng, khẳng định rõ vai trò của một đơn vị đào tạo đầu ngành trong Đại học Quốc gia, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của sự nghiệp giáo dục đại học và sự nghiệp phát triển văn học nước nhà.
Danh sách cán bộ đã công tác tại Bộ môn: GS Hoàng Xuân Nhị, GVC Lưu Khắc Thịnh, GS Nguyễn Lương Ngọc, PGS. TS Đinh Xuân Dũng, GS Lê Đình Kỵ, GS Hà Minh Đức, GS Lê Anh Trà, PGS. TS Phạm Quang Long, PGS Phan Ngọc, PGS. TS Trần Khánh Thành, PGS Bùi Ngọc Trác
Danh sách cán bộ đang công tác tại Bộ môn: TS Đoàn Đức Phương, TS Phạm Thành Hưng, PGS. TS Lý Hoài Thu, ThS Diêu Lan Phương, TS Nguyễn Văn Nam
|