Tham dự buổi hội thảo có PGS.TS Lâm Bá Nam - Phó hiệu trưởng Nhà trường, đại diện Viện sử học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cùng đông đảo các thầy cô giáo và sinh viên Khoa Lịch sử.
Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Văn Kim đã điểm lại chặng đường 50 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Lịch sử. Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, cùng với những thành tích về đào tạo, Khoa Lịch sử đã từng bước trưởng thành về cả đội ngũ và trình độ nghiên cứu. Ngay sau khi được thành lập, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của các giáo sư đầu ngành Lịch sử, các thầy giáo và cộng tác viên tích cức, Khoa đã biên soạn thành công một số giáo trình và công trình chuyên khảo. Chỉ tính riêng trong hơn một thập kỷ qua, đội ngũ các nhà khoa học trong Khoa đã được giao chủ trì 13 đề tài khoa học cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp Bộ, cấp ĐHQG. Nhiều đề tài đã được xuất bản thành sách phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học như: Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (KX 07-05 do GS Phan Huy Lê chủ nhiệm), Thiết chế chính trị xã hội nông thôn Việt Nam (KS 08-09, GS Phan Đại Doãn), Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh (GS.TS Phùng Hữu Phú)… Trong khoảng 20 năm trở lại đây, từ việc tập trung vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, khung hướng nghiên cứu của Khoa dần chuyển trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội và văn hóa như thiết chế làng xã, xã hội nông thôn, kinh tế nông nghiệp, nhân học xã hội và các vần đề về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc, có sự kết hợp giữa nghiên cứu chuyên ngành và khu vực học. Bản báo cáo nhấn mạnh đến 5 định hướng nghiên cứu khoa học của Khoa trong giai đoạn tiếp theo là: Đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu về vùng đất phương Nam (vùng Trung Bộ và Nam Bộ); Nghiêncứu về môi trường kinh tế biển, truyền thống khai thác biển và ý thức về biển của dân tộc ta trong lịch sử; Nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn vấn đề giao lưu và tiếp xúc văn háo của các nền văn hóa, trung tâm văn hóa Việt Nam; Tập trung nghiên cứu về đô thị và xã hội thành thị; Con đường phát triển đặc thù của Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận cho các báo cáo tham luận: 50 năm xây dựng đội ngũ Khoa Lịch sử (PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế), Đào tạo sau đại học của Khoa Lịch sử (PGS.TS Hoàng Hồng), Phương pháp tiếp cận liên ngành và sự cần thiết xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành ở Khoa Lịch sử (PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc)…
|