Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Thương nhớ GS.VS Nguyễn Văn Đạo
Đang ở Hà Tĩnh, tối ngày 9-12 tôi được GS. Vũ Minh Giang báo tin GS. Nguyễn Văn Đạo bị tai nạn giao thông rất nặng và đang cấp cứu ở bệnh viện. Tôi cố gắng thu xếp công việc để kịp ra Hà Nội thăm anh. Nhưng rất tiếc là không kịp, anh đã ra đi lúc 9 giờ kém 10 phút ngày 11 mà đến chiều hôm đó, tôi mới ra đến Hà Nội.

Tôi vội cùng vợ tôi đến thăm chị Chi, vợ anh Đạo, tại nhà riêng. Thật quá bất ngờ và đột ngột. Chỉ tuần trước, tôi còn gặp anh và hỏi vui: bao giờ ông cho tôi đi thử máy bay du lịch đây, ý nói kiểu máy bay nhỏ mà anh cùng các bạn đồng nghiệp đang chế tạo. Chị Chi đưa tôi cùng nhà tôi vào thăm phòng làm việc của anh. Trên bàn làm việc, một bài viết đang dang dở với chiếc bút trên bản thảo cùng các loại từ điển, tài liệu tra cứu bày đầy bàn. Tôi đau xót và bàng hoàng, không thể nào nghĩ rằng anh Nguyễn Văn Đạo có thể ra đi đột ngột đến thế giữa lúc sức khoẻ và trí tuệ đang sung mãn, đang nung nấu nhiều hoài bão và đang thực hiện nhiều đề tài khoa học. Một tai nạn giao thông đã vô tình cướp đi của đất nước một nhà khoa học tài ba, một nhà giáo dục và nhà tổ chức, quản lý khoa học lỗi lạc.

Tôi và anh Nguyễn Văn Đạo cùng một thế hệ, nhưng thuộc những chuyên môn rất khác nhau: anh Đạo chuyên về Toán Cơ, tôi chuyên về Sử học. Vì vậy, trước đây chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng khi anh Đạo được cử làm Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1994, thì chúng tôi có cơ hội gặp nhau và làm việc với nhau nhiều hơn.

Tôi có khá nhiều bạn về khoa học tự nhiên, riêng anh Nguyễn Văn Đạo, tôi rất quý anh không chỉ về trình độ và cống hiến trong chuyên môn của anh mà trước hết về con người cùng nhân cách của anh. Anh có tầm hiểu biết khá rộng, thích tìm đọc thêm sách về văn học, lịch sử và văn hoá. Đặc biệt anh là nhà khoa học giàu tâm huyết, rất sáng tạo và kiên định, có tư duy cởi mở, chuộng tìm tòi, khám phá, dám chịu trách nhiệm và ủng hộ "cái mới" trong khoa học, một con người trung thực, thẳng thắn.

Anh có công lớn trong việc xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội vào những năm tháng khó khăn nhất của trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa lĩnh vực, chất lượng cao này của đất nước. Anh đã vận động và có khi phải đấu tranh không đơn giản để giành quyền tự chủ cao cho nhà trường, đã thiết kế xây dựng cơ sở ban đầu mang tính định hướng cho sự phát triển của Đại học Quốc gia, một mô hình đại học còn rất mới mẻ trong hệ thống giáo dục đại học của nước ta.

GS. Nguyễn Văn Đạo (thứ 3 từ phải sang) tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 1, năm 1998. Ảnh: Bùi Tuấn

Riêng đối với khoa học xã hội - nhân văn, anh biết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và rất kiên quyết ủng hộ những sáng kiến, những đề xuất mới mẻ. Tôi có nhiều dịp trao đổi với anh về sự phát triển của sử học và các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Anh chăm chú nghe và đặt nhiều câu hỏi khá sắc sảo, nhất là những vấn đề liên quan đến vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một nhà toán học và cơ học nhưng anh nhận thức đúng đắn rằng hiểu biết về văn hoá, về yêu cầu xã hội và tính nhân văn mới là nền tảng phát triển bền vững của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như nền đại học Việt Nam nói chung. Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với anh trong việc xây dựng và phát triển ngành Việt Nam học. Trên cơ sở Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội do tôi làm Giám đốc, tôi đề nghị nên mở rộng quan hệ giao lưu và hợp tác quốc tế để đưa ngành Việt Nam học lên vị thế mới trên phạm vi thế giới, tạo ra một thế mạnh cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Chỉ sau mấy lần trao đổi rất ngắn gọn, anh nắm bắt được ngay ý tưởng này và quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Với tổ chức mới này, chúng tôi đề nghị tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam học với sự cộng tác chặt chẽ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày 15-17/7/1998 với sự tham dự của trên 600 nhà khoa học trong đó có gần 300 nhà Việt Nam học quốc tế đến từ 26 nước trên thế giới. Đây là cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên về Việt Nam học do Việt Nam tổ chức tại thủ đô nước Việt Nam, qui tụ được các nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất và bao gồm nhiều thế hệ các nhà Việt Nam học của các trường đại học, các trung tâm, các viện nghiên cứu của hầu hết các nước có tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học, kể cả các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Thành công của hội thảo được dư luận trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Trong thành công đó, GS. Nguyễn Văn Đạo với cương vị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cho Ban tổ chức chúng tôi, cùng chúng tôi trực tiếp giải quyết rất nhiều khó khăn về các thủ tục, về xử lý các mối quan hệ đối nội, đối ngoại nhiều khi khá phức tạp trong bối cảnh của khoa học xã hội và nhân văn lúc bấy giời. Có lúc anh cùng tôi phải đến gặp những đồng chí lãnh đạo cao cấp của những ngành liên quan để trực tiếp trình bày và tháo gỡ các vướng mắc của hội thảo. Anh sẵn sàng cùng tôi chịu trách nhiệm về những vấn đề nhân sự và nội dung đặt ra trong hội thảo. Anh tâm sự với tôi, đã thấy đúng, thấy cần thì phải dám làm và dám chịu trách nhiệm. Quyết đoán cũng là một tính cách Nguyễn Văn Đạo. Những ngày gần đến hội thảo, anh Nguyễn Văn Đạo càng giành nhiều thời gian và sự quan tâm cho Ban tổ chức, có lúc đêm khuya, anh đến thăm hỏi Ban thư ký về các công việc dồn dập đang phải hoàn thành rất khẩn trương. Tôi ít thấy một nhà khoa học tự nhiên nào lại dám chia xẻ khó khăn và dám chịu trách nhiệm đến cùng để thực hiện một ý tưởng về khoa học xã hội như vậy.

Gần nửa thế kỷ lao động và hoạt động khoa học không biết mệt mỏi. không bao giờ chùn bước, GS.VS Nguyễn Văn Đạo là một trong số ít nhà khoa học đã kết hợp thành công giữa nhiệm vụ quản lý khoa học với công tác nghiên cứu khoa học, dù bận rộn đến đâu cũng không bao giờ xa rời các công trình chuyên môn, vẫn luôn luôn giữ niềm đam mê và dành thời gian, trí tuệ cho lao động sáng tạo khoa học.

GS.VS Nguyễn Văn Đạo là một chuyên gia hàng đầu về Toán Cơ, một nhà khoa học, một nhà giáo dục tài năng, tâm huyết, giàu nghị lực và sáng tạo, một nhân cách cao đẹp.

 GS. Phan Huy Lê - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   |