Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Đào tạo người làm báo: Sự kết hợp giữa lý thuyết với thực hành

Từ xem nhẹ vấn đề lý thuyết...

Bất cứ hành động có mục đích nào của con người đều phải dựa vào hai yếu tố: kinh nghiệm và lý thuyết.

Tôi hiểu kinh nghiệm là những gì đã trải qua và được ghi nhớ, và lý thuyết là sự đúc kết từ thực tiễn để tạo nên những vấn đề lý luận có giá trị hướng dẫn cho những hành động thực tiễn. Những vấn đề này là hiển nhiên và được nhiều người gọi là “chân lý phẳng” (điều mà ai cũng biết). Tuy vậy, trong hoạt động báo chí hiện nay, có người lại quá nhấn mạnh vấn đề lý luận, người khác thì coi trọng hoạt động thực tiễn và hầu như phủ định hoàn toàn những vấn đề có tính lý luận. Điều này không chỉ có ở nước ta, mà nhiều nơi khác trên thế giới cũng có tình trạng tương tự (1). Theo nhiều tài liệu khác nhau mà chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng trên các tạp chí chuyên ngành, mạng internet...thì rất nhiều người đã đến với nghề báo như một sự tình cờ, mà động cơ chỉ vì ...thích viết lách. Và họ đã nổi tiếng nhờ những đóng góp của họ cho một cơ quan báo chí nào đó. Rất nhiều trong số những người này thường không thừa nhận sự cần thiết của công tác đào tạo người làm báo theo trường quy. Đặc biệt là khi tiếp xúc với một số cán bộ ở các toà soạn báo và tạp chí, cũng thường gặp các hiện tượng tương tự(2) Riêng ở Việt Nam, việc phủ định vai trò của công tác nghiên cứu lý luận báo chí và đào tạo người làm báo qua trường lớp chính quy có vẻ nặng nề hơn(3)

Trước hết, hãy liếc nhìn vào lịch sử của quá trình xuất hiện và phát triển báo chí. Tất cả chúng ta đều biết, rằng tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ có từ năm 1865, và có lẽ những người làm ra tờ báo đó, từ ông Trương Vĩnh Ký đến các cộng sự của ông, phần lớn được đào tạo ở Pháp. Cho đến nay chưa có bằng chứng rằng một số người trong số họ đó học nghề làm bỏo một cách bài bản ở Pháp. Ngoài một số người Việt đứng ra thành lập báo, còn các thứ khác phục vụ cho sự xuất hiện của bỏo đều là của người Pháp (từ máy in, chữ chỡ, giấy để in cho đến cách thức viết ra bài báo và trình bày trang báo đều là hàng ngoại nhập). Trong suốt cả thời kì dài dằng dặc đó, ở nước ta chưa hề có một cuốn sách hướng dẫn cách làm báo mà tác giả là người Việt. Từ 1865 cho đến nửa đầu thế kỷ 20 cũng không có một cơ sở đào tạo người làm báo nào. Chỉ đến thời chống Pháp thì mới có lớp đào tạo người làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc. Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng cũng không có giáo trình. Như vậy là lịch sử đào tạo người làm báo ở Việt Nam là lịch sử truyền nghề trực tiếp, không cần đến giáo trình, cũng có nghĩa là không cần đến lý luận báo chí.

Mặt khác, từ trước tới nay, chúng ta vẫn xác định, rằng báo chí là công cụ tuyên truyền chứ không phải là công cụ để trao đổi thông tin. Lại nữa, một thời gian khá dài báo chí của ta sống được và hoạt động được là nhờ bao cấp. Cho đến nay, phần lớn các báo vẫn sống bằng tiền bao cấp của cơ quan chủ quản. Tình hình đó dẫn đến hiện tượng là không đòi hỏi nhiều ở phóng viên phải tạo ra những thông tin độc đáo và sắc sảo. Họ sẽ được coi là hoàn thành nhiệm vụ khi có tin, bài đầy đủ theo chỉ tiêu được giao và viết đúng theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan chủ quản. Khi xét duyệt trao giải cũng căn cứ trước hết để đánh giá chất lượng bài đăng là định hướng chính trị đúng đắn. Điều đó dẫn đến tình trạng là, các phóng viên hoặc không quan tâm đến nghiệp vụ, hoặc cố viết sao để được đăng hoặc phát sóng, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Lý do thứ ba dẫn đến tình trạng các báo không cần lý luận báo chí là: các Tổng biên tập, đặc biệt là báo ngành và báo địa phương thường là một cán bộ chính trị được điều đến để quản lý báo chí. Họ đã quen viết báo cáo tổng kết năm, quý, tháng rồi nên họ dễ dàng đồng tình với phóng viên viết bài theo kiểu báo cáo; thậm chí có người còn đòi phóng viên phải viết theo mô hình: thực trạng, nguyên nhân, giải pháp. Vì vậy, nếu một sinh viên mới ra trường muốn thay đổi cấu trúc tác phẩm một cách cố ý để tạo ấn tượng cho người đọc, có nhiều trường hợp đã không được chấp nhận. Trước tình hình đó, phóng viên trẻ phải tìm đọc báo cũ để “bắt chước” các cô, các chú cho hợp với “gu” của người lớn.

Tình trạng làm báo dựa trên Chủ nghĩa kinh nghiệm như đã nói trên đây, kéo dài hàng thế kỷ. Vì thế mà, nếu tự so sánh ta với ta thì, như trên phương tiện truyền thông vẫn nhận định: báo chí của ta đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng nếu so sánh với báo chí thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, rõ ràng chúng ta còn tụt hậu rất xa.

Thực trạng là như thế, và tôi cũng chỉ muốn trình bày ý kiến của riêng tôi như thế chứ không dám đề xuất một giải pháp để mong khắc phục. Vì thực tế là tôi không có khả năng tìm kiếm giải pháp. Có chăng, tôi chỉ nghĩ, rằng đến một lúc nào đó, những cơ quan có thẩm quyền sẽ tìm đến một cách thức nào đó để bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cho các nhà quản lý và lãnh đạo báo chí, trước hết là các Tổng biên tập báo tỉnh và báo ngành.

Đến sự bất cập trong công tác nghiên cứu

Hiện nay, các nước phát triển đã có những bước tiến về khoa học - công nghệ đến mức luôn luôn tạo sự ngạc nhiên cho công chúng trên toàn thế giới. Đã có không ít các nhà khoa học giải thích hiện tượng mỗi năm có đến hàng nghìn tôn giáo mới xuất hiện và hiện tượng tự sát tập thể vẫn diễn ra đâu đó trên trái đất này, trong đó có cả các nhà khoa học là do tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ quá nhanh, làm cho con người cảm thấy bé nhỏ và bất lực khi họ chưa kịp nắm bắt một công nghệ mới thì công nghệ đó đã bị thay thế bằng công nghệ mới hơn(4) Trong lúc đó, nước ta vẫn là quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô là chủ yếu. Còn tác nghiệp truyền thông đại chúng thì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Nguyên nhân của các hiện tượng nói trên chắc chắn có liên quan đến trình độ khoa học nói chung và nghiên cứu lý luận báo chí, nói riêng. Ở đây, tôi muốn nói về sự bất cập trong nghiên cứu, dẫn đến việc các cơ sở đào tạo công bố những giáo trình mâu thuẫn nhau, đôi khi phủ định nhau, hoàn toàn mang tính chất chủ quan chứ không dựa vào những căn cứ khoa học. Đáng lẽ ra, những công trình nghiên cứu về cùng chuyên ngành, một mặt phải bổ sung cho nhau, làm sâu sắc hơn bằng những phát hiện mới, tính hệ thống cao hơn, khoa học hơn... Trong trường hợp phát hiện các nhà chuyên môn khác có sai lầm khoa học thì phải phủ định triệt để bằng các chứng cứ có lý lẽ. Nhưng ở ta, số người tham gia nghiên cứu vốn đã quá ít ỏi, và hầu như không có tranh luận. Các nhà nghiên cứu thường trình bày ý kiến của riêng mình, nhiều khi những ý kiến đó không ăn nhập vào đâu mà chỉ có một ý nghĩa dễ nhận thấy là nói ngược với người nói trước đó. Điều nguy hại là những quan niệm khoa học đó lại trở thành giáo trình giảng dạy ở bậc đại học(5), làm cho sinh viên hoa mắt lên mà vẫn không hiểu “đầu cua tai nheo” gì cả.

Một vấn đề tưởng như hiển nhiên, đã được khẳng định ở hầu hết các quốc gia trên thế giới là văn học và báo chí là hai ngành khoa học khác nhau, nhưng nhiều tác giả ở nước ta vẫn kiên trì quan niệm cho rằng báo chí là một bộ phận của văn học, cho nên muốn viết báo hay phải dùng đến “chất văn” mới giải quyết được(6).

Trong đào tạo cần coi trọng và kết hợp cả lý thuyết và thực hành.

Như tôi đã trình bày ngay từ đầu, trong đầu đề của tiểu luận, là đào tạo người làm báo phải gắn kết giữa lý luận và thự tiễn. Nếu lý luận không có khả năng ứng dụng vào thự tiễn và lý luận không được rút ra từ thực tiễn để tạo lập lý thuyết thì đó chỉ là mớ lý thuyết suông, không có giá trị gì. Còn làm báo chỉ dựa hẳn vào thực hành thì cũng chẳng khác gì người mù đi đường nhờ vào trí nhớ, nếu bất ngờ phải rẽ sang hướng khác thì, hoặc phải dừng lại, hoặc sẽ đâm vào bụi cây ven đường. Thế mà hiện nay, khi lý luận của chúng ta còn thiếu hoặc chưa thật thuyết phục, dẫn đến tình trạng một số phóng viên “làm liều”. Một ví dụ cụ thể: không ít phóng viên khi cần thực hiện một cuộc phỏng vấn, vì thấy việc tìm gặp người cần phỏng vấn khó quá, đã nghĩ ra cách là tự đặt câu hỏi, rồi tự trả lời và đem đăng báo. Đối với các chính khách thì có vẻ tử tế hơn một chút, phóng viên đặt câu hỏi rồi lấy nội dung các bài phát biểu của họ ở đâu đó ghép lại làm câu trả lời(7). Điều đáng nói hơn cả là một vài giáo viên khi nghe sinh viên (là người đã hoặc đang làm báo) kể lại chuyện đó thì coi như là một thực tế khách quan, có thể chấp nhận được. Nếu chấp nhận được kiểu thực hành báo chí như vậy thì về lý luận có thể định nghĩa: phỏng vấn là thể loại báo chí mà tác phẩm đó do phóng viên tự đặt câu hỏi và tự trả lời rồi đem đăng báo? Tiếc rằng, tình trạng làm báo kểu này không phải là ít và cũng không chỉ ở thể loại phỏng vấn. Câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân từ đâu? Nếu đổ toàn bộ lỗi lầm cho đào tạo thì thật không công bằng, nhưng theo tôi, đào tạo phải chịu một phần trách nhiệm!

Cũng là vấn đề nghiên cứu lý luận phục vụ cho đào tạo nhưng ở một phương diện khác: quan niệm học thuật và phương pháp đào tạo.

Về quan niệm học thuật: Hiện nay giới nghiên cứu báo chí còn chưa thể thống nhất trong cách hiểu về nhiều khái niệm báo chí. Đây là một lỗ hổng khá lớn của lý luận báo chí Việt Nam - điều mà phần lớn các nước trên thế giới đã giải quyết xong từ hàng trăm năm trước. Chẳng hạn như cho đến nay mà có những cuốn giáo trình vẫn khẳng định, rằng “sổ tay phóng viên” là thể loại báo chí; thậm chí có những bài nghiên cứu khẳng định như đinh đóng cột: “Người tốt việc tốt là thể loại báo chí số một của nước ta(8)”. Trong khi đó có những thể loại như Thư từ trên báo được người Đức viết thành giáo trình từ thế kỷ 15 (9) nhưng ở nước ta vẫn còn người quan niệm rằng đó chỉ là hình thức thông tin chứ không phải là thể loại báo chí (10)v.v.. Các nhà nghiên cứu có những quan niệm khác nhau về học thuật là bình thường, nhưng những vấn đề quá rõ ràng theo kiểu “chân lý phẳng” lại được trình bày khác hẳn như một phát minh mới mà không thèm giải thích tại sao lại thế là điều không nên.

Về phương pháp đào tạo:

Từ chỗ bất cập trong nghiên cứu lý luận đẫn đến bất cập trong giảng dạy. Tôi hoàn toàn đồng tình với nhiều ý kiến đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành là trong đào tạo phải kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Có điều mà chúng ta cần phải khắc phục là khi giảng dạy phần lý luận cần bắt đầu từ các khái niệm. Chẳng hạn như cách nói và cách viết khá phổ biến hiện nay khi dạy cơ sở lý luận báo chí là “Chức năng, nhiệm vụ của báo chí” hay “Mục đích, yêu cầu của...” Học xong, nhiều sinh viên vẫn không hiểu chức năng, nhiệm vụ có phải là một không, chức năng là gì?...

Cũng tương tự như vậy, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng không nên phân chia thể loại báo chí vì chia thể loại chỉ gây nên sự khó hiểu chứ chẳng ích gì(11). Những ý kiến này cho rằng chỉ nên chia thành tin và bài. Có điều là nếu gọi tin, bài thì chỉ phân biệt được ngắn, dài thôi, ngoài ra không nhận thức thêm một dấu hiệu nào khác. Nếu chúng ta muốn phóng viên viết một bài về lễ hội Huế và một bài khác cũng về lễ hội Huế thì phóng viên sẽ hiểu như thế nào đây, mặc dù cả hai đều là “bài” cả? Và cuối cùng cũng phải giải thích thêm: bài thứ nhất viết về những gì đang diễn ra ở lễ hội, hãy viết sinh động và giàu cảm xúc, còn bài kia hãy viết về lịch sử của lễ hội, của Huế, về giá trị sâu xa của lễ hội và mối liên hệ giữa lễ hội với đời sống văn hoá, tinh thần và tâm linh của người Huế, để viết bài này anh phải nghiên cứu kỹ về lịch sử và lễ hội của Huế đấy. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã xác định đặc điểm của hai loại bài khác nhau mà thuật ngữ báo chí gọi là thể loại. Thế thì tại sao lại không nên phân định thể loại báo chí trong khi giảng dạy? Khi chúng ta bước vào quán ăn, một người gọi phở, người kia gọi bún. Bằng ký ức – kinh nghiệm, cô nhân viên sẽ nấu cho ta thứ ta cần. Nếu ta chỉ nói là cho tôi một tô thức ăn và một bát thức ăn thì có lẽ nhân viên giàu kinh nghiệm nhất cũng không hiểu chúng ta muốn ăn gì.

Vì thế, trong đào tạo, theo tôi, trước hết cần trang bị kiến thức về lý luận cho học viên. Lý luận này là kết quả của quá trình nghiên cứu thực tiễn, được nhà nghiên cứu “chưng cất”, chắt lọc công phu mà có được. Tiếp sau đó là thực hành, nghĩa là người học hãy cầm giấy bút và đi vào cuộc sống của nhân dân, tiếp xúc với họ để tìm kiếm vấn đề và tạo lập văn bản. Nếu học lý luận không tốt, tôi tin là người học không dễ gì phát hiện được sự kiện, vấn đề cần đưa lên báo hoặc nhất thiết phải đưa lên báo.

Ứng dụng lý thuyết đã được học vào công việc thực hành của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giáo viên là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong đào tạo. Lúc này, người học thể hiện bằng sản phẩm những gì đã học được, vì vậy, giáo viên có điều kiện phát hiện ưu điểm của họ để khuyến khích và định hướng cho họ phát triển, đồng thời giáo viên sẽ thấy được những khiếm khuyết của họ để giúp họ khắc phục. Giai đoạn này cũng chính là lúc mà giáo viên giúp học viên xác định được trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của một nhà báo tương lai. Xin nêu vài ví dụ cụ thể: Trong khi hướng dẫn thực hành, tôi đã đọc được bài của một sinh viên phàn nàn rằng sao sắp tết rồi mà buồn quá. Lý do của nỗi buồn mênh mông này là vì vài năm gần đây, do cấm pháo nên ngày tểt mất đi không khí vui nhộn vốn có của ngày lễ. Sự nuối tiếc cảnh pháo nổ ran trời chứng tỏ sinh viên này hầu như không ý thức được tác hại của pháo và tại sao chính phủ lại chủ trương cấm đốt pháo. Cũng tương tự như vậy, trong một trường hợp khác là chuyện một bác sĩ phẫu thuật bỏ sót gạc trong bụng một bệnh nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân đó. Nhiều sinh viên đã viết bài với thái độ giận dữ đến độ căm thù. Trong những trường hợp như vậy, giáo viên có điều kiện để hướng dẫn cho sinh viên ứng xử thế nào cho hợp tình, hợp lý trên các phương tiện truyền thông. Trường hợp cụ thể này, người có tội là một bác sĩ giỏi, đã có nhiều kinh nghiệm công tác, đây là lần đầu tiên mắc sai làm chết người. Báo chí không thể im lặng mà cần phải có thái độ phê phán. Có điều là, các phóng viên nên hiểu rằng, nếu làm dữ đội quá, người bác sĩ kia có thể mất việc, trong khi hàng nghìn người bệnh vẫn đang cần các bác sĩ giỏi. Còn nếu đó là sai lầm lần hai hay lần ba thì vấn đề lại khác hẳn.

Những bài thực hành như thế rất quan trọng, chúng không chỉ giúp cho người học làm báo trau dồi nghề nghiệp mà giáo viên còn giúp họ bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Một điều không đơn giản là, để thực hiện được yêu cầu này, giảng viên báo chí phải là một nhà nghiên cứu lý luận, đồng thời là một nhà báo có năng lực tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí. Cái khó của một nhà nghiên cứu và giảng dạy là không còn thời gian cho hoạt động thực hành báo chí, nhưng như vậy không có nghĩa là người giảng dạy không cần phải biết cách thực hành báo chí.

Tóm lại, để kết hợp hài hoà và có hiểu quả việc ứng dụng lý thuyết và thực hành trong đào tạo người làm báo, trước hết, rất cần đến những bộ giáo trình hoàn chỉnh và có tính khoa học cao, cùng với những công trình nghiên cứu thực tiễn báo chí để cập nhật thông tin khoa học, hỗ trợ cho giáo trình. Mặt khác, cần phân bổ thời gian hợp lý cho học lý thuyết và học thực hành. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo người làm báo đang tổ chức hàng trăm người trong một lớp học chuyên ngành. Đó chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng hiệu quả đào tạo thấp.



(1): Xem: Nội san VNTTX, số 6/1999.

(2): Xem thêm Đỗ Anh Đức: Đùng nói không với lý luận – phê bình báo chí, Nghề báo, số 10 /2005.

(3): Xem: Tạp chí “Người làm báo”, các số từ 1 – 12/1988 và 1989.

(4): Xem: báo Văn nghệ, số 40/2000.

(5): Xem thêm: Đào tạo báo chi, Nội san VNTTX, số 6/1999.

(6): Xem Văn Giá: Nhà văn – nhà báo, viết báo – viết văn, Nghề báo, số 20/2003. và Nội san Người làm báo Nhân Dân, quý 2/2002, số 28, tr.10.

(7): Xem: Nghệ thuật làm phỏng vấn, Người làm báo, số 3/2002.

(8): Xem: Tạp chí “Người làm báo”, số tháng 4/2004.

(9): Xem: Bùng nổ truyền thông, Nxb Văn hoá - thông tin, H., 1999.

(10): Xem thêm: Văn Giá: Nhà văn – nhà báo , viết báo – viết văn, Nghề báo, số 14/2003.

(11): Xem: Tạp chí Người làm báo, số 2,3,4,5/2004 và Nghề báo, số 11/2005.

 Trần Quang - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   |