Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
“Không thày đố mày làm nên”*
Ngày 20/5/2005, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ đợt tháng 5 năm 2005. Bản tin ĐHQGHN xin trích đăng bài phát biểu nói lên tình cảm, suy nghĩ của anh Đào Duy Hiệp (Khoa Văn học- ĐH KHXH&NV) tại buổi lễ này...

Hôm nay là một ngày vào hè đáng nhớ trên chặng đường lao động khoa học, nghiên cứu và giảng dạy của các tân tiến sĩ của các trường đại học và khoa trực thuộc của ĐHQGHN. Mỗi tiến sĩ ở một lĩnh vực khoa học khác nhau, mang những nét đặc thù riêng, không giống nhau. Nhưng mỗi khoa học chân chính, nghiêm túc đều đòi hỏi sự lao động cần cù, say mê và sáng tạo. Để có được thành công ngày hôm nay đã có bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu thời gian bên ngọn đèn khuya đã trôi vào quá khứ. Con đường đến với ngôi đền khoa học chông gai như thế nào chắc mỗi nhà khoa học ngồi đây, nhất là 16 tân tiến sĩ hôm nay đều đã trải nghiệm.

Trên con đường lao động khoa học đó, mỗi chúng ta đều đã nhận được những lời động viên, khuyến khích, những sự giúp đỡ thiết thực và cả những linh động cho phép về thời gian, trước hết của lãnh đạo các đơn vị/cơ quan để chúng ta có thể hoàn thành và bảo vệ thành công luận án của mình trước Hội đồng Nhà nước.

Hôm nay là một ngày vào hè đáng nhớ bởi nó khép lại một quá khứ và mở ra một tương lai. Buổi lễ nhận bằng tiến sĩ hôm nay là cột mốc đánh dấu hành trình khoa học đó. Con đường khoa học say mê đang còn ở phía trước mỗi người…

Là những thầy, cô giáo đã nhiều năm đứng trên bục giảng dạy, giờ đây khi đã là những tiến sĩ được đào tạo ở một nơi có uy tín lớn về khoa học như ĐHQGHN, chắc chắn công việc giảng dạy, đào tạo chuyên môn cho các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh càng đòi hỏi ở mỗi chúng ta nhiều nỗ lực, phấn đấu hơn. Và chính sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng đòi hỏi ở chúng ta điều đó.

Nghiên cứu và dạy học đã có từ cổ xưa. Mỗi thời đại có nội dung của mình. Và mỗi lớp thầy, cô lại có một lớp thầy, cô trước đó. Cổ nhân đã dạy rằng: "Không thày đố mày làm nên". Câu nói thâm thúy ấy cho đến hôm nay vẫn còn tính thời sự. "Làm nên" ở đây không chỉ là công danh, đôi khi chỉ là làm người tốt - một người biết nhớ ơn. Ta biết ơn những người thầy đã dạy ta, những người bạn đã giúp ta; chúng ta truyền lại cho học trò của mình lòng biết ơn đó. Như thế, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã "làm nên".

Dạy học là một nghề và là cả một nghiệp say mê. Cái nghiệp đó sẽ theo ta suốt đời. Nó thường trực đến nỗi cái nắng, tiếng ve và màu phượng vĩ chói chang ngoài kia đã đủ gợi cho chúng ta nhớ đến sân trường, lớp học, những bài giảng văn cuối kỳ, những tập bài chấm thi, những khóa luận đang chờ sửa lần cuối để trao lại cho sinh viên tiếp tục hoàn thành chuẩn bị bảo vệ và cả mùa thi nóng bỏng, sôi động đang đến gần...

Tất cả đang đến gần và đang ở phía trước trong giảng dạy và nghiên cứu.

Một lần nữa, cho phép tôi được thay mặt các tân tiến sĩ gửi đến Ban Giám đốc, Khoa Sau Đại học ĐHQGHN lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất mà trong đó có cả ý nghĩa thâm thúy, sâu xa từ câu nói của cổ nhân.

 Đào Duy Hiệp - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :