Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Gặp gỡ cựu cán bộ Đoàn: Tình yêu Đoàn vẫn nguyên vẹn trong tôi
Nhiệt tình, cởi mở và chân thành, đó là những gì chúng tôi cảm nhận được sau buổi nói chuyện với ThS. Đinh Việt Hải - cán bộ giảng dạy Khoa Khoa học Quản lý, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV; nguyên Phó bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHKHXH&NV khóa 2.

PV: Cơ duyên nào đã dẫn thầy đến với phong trào đoàn? Kỷ niệm đầu tiên mà thầy nhớ nhất kể từ khi tham gia công tác Đoàn trong Trường là gì?

ThS. Đinh Việt Hải: Năm học 1993-1994, khi ấy đang học năm cuối đại học, tôi là Uỷ viên BCH LCĐ Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV. Năm đó, có một suất học bổng khuyến khích học tập, tôi được Khoa giới thiệu lên Đoàn trường để xét, cứ nghĩ mười mươi là được nhưng trượt. Bù lại, tôi được nhận 1 bức thư của đồng chí Phó bí thư Đoàn Trường lúc ấy (nay là ThS. Nguyễn Quang Liệu, giảng viên Khoa Lịch sử), đại ý bức thư giải thích lý do vì sao tôi không được chọn nhận học bổng và động viên tôi tiếp tục học tập, công tác để đón nhận những cơ hội sau. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ và nhớ về bức thư ấy bởi nó cho tôi một hình ảnh thật đáng quý về công tác, tổ chức và người cán bộ Đoàn. Mấy tháng sau đó (6/1994), tôi tốt nghiệp, được giữ lại làm cán bộ tại Khoa Triết học nhưng địa chỉ duy nhất ngoài Khoa mà tôi lui tới là Văn phòng Đoàn trường. Yêu Đoàn, quý Đoàn, thành người của Đoàn từ ngày đó cho tới bây giờ với tôi điều ấy vẫn không thay đổi.

PV: Trong thời gian làm thủ lĩnh đoàn, điều gì để lại trong thầy nhiều ấn tượng nhất?

ThS. Đinh Việt Hải: Năm 1995, Ban Thường vụ lâm thời Đoàn TN của Trường ĐHKHXH&NV có anh Đinh Hường (nay là PGS.TS Đinh Hường, Chủ nhiệm Khoa Báo chí) là Bí thư, anh Nguyễn Quang Liệu là Phó bí thư và tôi. Tôi tham gia Thường vụ Đoàn trường từ đó cho đến tháng 12/2001 mới nghỉ. Đó là khoảng thời gian để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Còn nhớ chuyện năm 1999, khi anh Nguyễn Kim Sơn (nay là PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường) vừa được tín nhiệm bầu là Bí thư Đoàn trường và tôi là 1 trong 2 phó bí thư. Ngay trong cuộc nói chuyện đầu tiên của chúng tôi vấn đề được đặt ra trước tiên là sau anh Sơn, ai sẽ là Bí thư Đoàn trường? Đó là một kỷ niệm đầy ý nghĩa bởi chắc bạn và những người hoạt động phong trào Đoàn bây giờ cũng cảm nhận được đó là chuyện cán bộ bao giờ cũng là điều kiện sống còn đối với phong trào. Rồi những kỷ niệm khó quên khác như kỷ niệm với thầy Đỗ Hữu Thành - Khoa Lịch sử, cùng làm kỷ yếu khoa học sinh viên của Trường tham gia Festival Khoa học sinh viên thủ đô Hà Nội lần thứ I hay với thầy Đỗ Anh Đức - Khoa Báo chí, cùng tham gia chiến dịch tình nguyện hè đầu tiên vào năm 1997 tại Hòa Lạc. Và nhiều nhiều nữa...

Có một sự kiện tôi muốn chia sẻ với các bạn đó là cuộc mít tinh của sinh viên Nhà trường vào đầu tháng 10/2001 để phản đối dự thảo Đạo luật nhân quyền cho Việt Nam của Hạ viện Hoa Kỳ. Khi đó, mọi người đều biết, tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, người Mỹ chân chính ở Hoa Kỳ, đều phản đối dự thảo Đạo luật này. BCH Đoàn TN trường khi đó được Đảng ủy chỉ đạo tổ chức cuộc mít tinh của sinh viên Nhà trường phản đối dự thảo Đạo luật nói trên. Câu hỏi lớn nhất đối với chúng tôi lúc bấy giờ là thái độ của sinh viên chúng ta ra sao khi nhận được thông tin về việc này? Liệu có cần phải quy định bắt buộc tham gia theo kiểu phân bổ thành phần cho từng liên chi đoàn hay không? Làm thế nào để sinh viên chúng ta nhận ra trách nhiệm của mình và cùng bày tỏ thái độ? Cuối cùng, chúng tôi lựa chọn phương án không bắt buộc, không phân bổ mà tập trung thông tin tới từng lớp sinh viên để ai tham gia thì đúng thời gian ấy tới hội trường ký túc xá Mễ Trì. Các chi đoàn không phải lập danh sách. Tóm lại là không có thủ tục hành chính nào cả. Lúc ấy, nhiều ý kiến e ngại là phiêu lưu, mạo hiểm và sẽ lèo tèo vài người như chợ chiều mà thôi, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào đoàn viên sinh viên của Trường sẽ có hành động đúng. Cuộc mít tinh diễn ra, hội trường Mễ Trì lúc ấy có 825 chỗ ngồi đều kín cả, kín cả lối đi bên trong hội trường, kín cả hàng lang bên ngoài và xuống cả sân đầu nhà C1, ước chừng cũng khoảng 1.500 sinh viên. Cuộc mít tinh diễn ra trong khoảng gần một giờ rưỡi nhưng khi kết thúc, rất nhiều sinh viên vẫn ở lại cùng trao đổi với nhau về chủ đề của nó. Tôi quan sát họ và hiểu ra rằng, nếu hoạt động của Đoàn tổ chức mà biết dựa trên sự tôn trọng tinh thần tự giác của đoàn viên, biết thông tin đầy đủ tới đoàn viên thì chắc chắn hoạt động đó sẽ thành công.

PV: Thầy đánh giá thế nào về thế hệ đoàn viên trẻ ngày nay của Trường ĐHKHXH&NV?

ThS. Đinh Việt Hải: Dù đã “trưởng thành Đoàn” và bận rộn khá nhiều công việc nhưng tôi vẫn rất quan tâm tới các hoạt động phong trào của Đoàn. Ngày nay, các bạn mạnh hơn chúng tôi rất nhiều vì các bạn được học tập và sinh sống trong môi trường xã hội tốt hơn, đầy ắp thông tin và có nhiều cơ hội tiếp cận xã hội để rèn luyện kỹ năng sống. Các bạn có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và vì thế phải cạnh tranh. Trước tiên, bạn phải tự cạnh tranh với chính bản thân mình. “Học hay chơi? Tháng này tiết kiệm chi tiêu phải ít hay nhiều hơn tháng trước? Việc này ta làm phải hiệu quả hơn việc trước hay không?”. Kế đến là cạnh tranh với bạn bè trong học tập, vui chơi, trong kiếm việc làm thêm, trong tìm cơ hội làm việc. Không cạnh tranh và cạnh tranh lành mạnh chúng ta khó mà phát triển được. Thực chất đó là câu chuyện thi đua đấy thôi. Thế nhưng trước ta thi đua thì nặng về thi đua tập thể, nhẹ về thi đua cá nhân, bởi tâm lý “ngại hơn người”. Giờ gọi là cạnh tranh nhưng lại nặng về cá nhân mà nhẹ về tập thể. Âu cũng dễ giải thích vì thị trường đang phát triển rất mạnh. Cái tôi chân chính thì thật tuyệt với đúng không? Nhưng nó chỉ chân chính khi nó có trong mình cả cái chúng ta nữa. Có đủ như thế mới đích thực là tuổi trẻ. Mới là con người của xã hội phát triển bởi xã hội càng phát triển thì mỗi người lại càng không thể làm việc, tồn tại một mình...

PV: Thầy có thông điệp gì gửi gắm để phong trào Đoàn TN phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới?

ThS. Đinh Việt Hải: Theo tôi, để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả thì tổ chức Đoàn TN cần phải đáp ứng được 5 vấn đề chính. Thứ nhất, phải có đội ngũ cán bộ “yêu Đoàn” tức là yêu tuổi trẻ, yêu cái mới, yêu hoạt động do Đoàn tổ chức và yêu cả tổ chức Đoàn. Tình yêu này phải bắt đầu từ những người có trách nhiệm cao nhất cho tới từng uỷ viên BCH chi đoàn. Thứ hai, phải có hình ảnh của Đoàn trường tươi sáng, hấp dẫn để đoàn viên nhìn vào luôn có động lực, có tình yêu với nó. Muốn có hình ảnh phải xây dựng. Muốn xây dựng phải có phong trào, phong trào hiểu theo nghĩa là do đoàn viên lựa chọn và chính đoàn viên thực hiện. Thứ ba, tổ chức Đoàn và hoạt động Đoàn là của thanh niên, có được nhờ sự tự nguyện, sự tận tâm của mỗi thành viên. Có nghĩa là không có chỗ cho sự ích kỷ. Có nghĩa là phải tôn vinh tinh thần tập thể làm giá trị hàng đầu của tổ chức. Không có những thành viên luôn vì tập thể thì không thể có tổ chức Đoàn đích thực. Thứ tư, phải luôn sáng tạo, bởi khoảng 3 năm trở lại đây, theo tôi, giá trị xã hội nói chung và của tầng lớp thanh niên sinh viên nói riêng, có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, có thêm nhiều “yếu tố lạ”. Lạ không hẳn là xấu nhưng chúng ta cũng nên chững lại một chút để nhìn nhận cho thấu đáo để tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. Cuối cùng theo tôi, Đoàn muốn phát triển thì hệ thống chính trị trong Nhà trường phải cùng chung tay xây đắp, nhất là ở những giai đoạn xã hội có nhiều bước chuyển đổi. Trong tương lai, khi chúng ta áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ thì công tác Đoàn TN chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa. Đoàn của chúng ta cần phải bám sát hơn sự chỉ đạo của Đảng ủy nhà trường, sự phối hợp với Chi ủy các khoa và tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để có kinh phí cho các hoạt động...

PV: Xin cảm ơn thầy!

 Fan Kiền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 193, ra tháng 3/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :