Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Cuối năm, sinh viên tính chuyện nợ nần!
Năm hết tết đến, sinh viên cuống cuồng lo thi cử, lo chuyện vé tầu xe… kịp về với mẹ. Tháng hết, năm hết với cánh cậu cử “sành đời”, cũng đồng nghĩa với “cái hạn” đang cận kề: kiếm tiền thanh toán nợ nần - nỗi lo cần kíp hơn lo chuyện thi cử, lo về quê!? … Cuối năm, trăm thứ nợ nần!

“Mày xem thế nào, “nghiên cứu” cho anh “ít” tiền. “Bác Dzim chiến” của chú mày gửi ở chỗ tao dễ chừng gần tháng rồi đấy.” “Dạ, anh thư thư cho em ít bữa đi. Nói để anh hiểu cho thằng em tội nghiệp, mấy hôm nay em chạy rạc cẳng xoay một món lẳng vào khoản học phí. Ngót triệu. 15 này hết hạn, em không “đóng thuế”, mấy bác Giám hiệu không cho thi thì em chết.” Dũng, cậu sinh viên trường XD gãi đến toạc cả da đầu, gầu bay ra tơi tả, nhăn nhó đến khất hẹn tiền lãi chiếc xe Jupiter cầm ở hiệu 5... Đội Cấn.

Với những cậu cử được coi là “sành”, cuối năm giật mình khi ngồi nhẩm tính số tiền “tích luỹ” ở hiệu cầm đồ, ở bạn bè… lên tới hàng chục triệu. Nhăn mặt vì số tiền nợ khổng lồ, và sau đó cau có buông thõng một câu trong tiếng thở dài não ruột: “ Đời thật là bạc”.

Dũng cỏ úa, cái tên gọi chẳng thể nào chệch và lẫn vào đâu được gắn chặt vào cậu sinh viên trường XD khi bước vào năm 2 của đời sinh viên. Nhập học năm đầu, không bỡ ngỡ, không rụt rè, Dũng cỏ úa nhăm nhe săm săm thẳng tiến tới các điểm hẹn của dân Đế chế. Thời gian Dũng “ngồi thiền” chơi Chế đạt đến độ kỷ lục: 5 ngày. Hắn cứ héo mòn dần thành cỏ úa.

Thoả mãn đến độ mụ mị trong thế giới ảo, rời khỏi ghế với bộ mặt hốc hác, tiền tươi thóc thật trả chủ quán thì ít, mà ký sổ thì nhiều. Say mê, mộng mị, Dũng đâu có một lần nghĩ rằng, bà chủ quán đã dành riêng cho Dũng một quyển sổ đặc kín vạch thời gian ngồi thiền chơi Chế. Cuối năm, tổng kết số tiền nợ, bà chủ phán với Dũng bằng một câu ngọt tựa mía Cao Bằng: “15 T, con thân yêu ạ” làm cho cả khu phố sinh viên phải giật mình, “bái phục”!

Rời quán game với lời khất hẹn: “Thư thư cho con vài ngày”, với chút danh dự và uy tín còn sót lại của thằng sinh viên năm 3, Dũng cỏ úa cũng vay mượn được đâu dăm ba triệu, quyết tâm kiếm tiền bằng… cờ bạc! Bi-a là nơi Dũng đầu tư vốn “làm ăn” đầu tiên. Thâu đêm bên bàn bi-a, Dũng lại lập kỷ lục mới về số đường đi bộ bằng hai chân quanh bàn trong ngày: không dưới chục km! Vina cứ hết điếu ra lại điếu vào, thỉnh thoảng sọc sọc cây điếu cầy trên môi đã thâm xỉn mầu khói thuốc. Những lỗ mười, lỗ tít như những vực thẳm sâu hun hút, cứ hút ngon lành “lưng vốn” của Dũng.

“Đời thật là bạc”, tiếp tục chửi đời trong men say ngoài quán rượu ốc. Khi đã tỉnh cơn say, Dũng lại lao vào hội “phỏm”, hội ba cây. Số vốn còn lại cũng theo từng lá bài chia tay vĩnh biệt cái túi khốn khổ của Dũng.

Về quê, lấy cớ công việc, Dũng xách con xe “Dzim chiến” của nhà. Vượt hơn 8 chục cây số từ Nam Định lên Hà Nội, Dũng cầm con xe không thương tiếc, ôm về ngót ngét trục triệu. ốp những điểm lô ấp ủ. Trượt! Lãi mẹ đẻ lãi con. Đến giờ, khi phải oằn mình cõng số tiền lãi 10 nghìn một ngày, con “Dzim chiến” của hắn đã ngang tầm với con “Zớt” (Jupiter) cáu cạnh

Đến khi khánh kiệt hoàn toàn, Dũng trở thành “chổm”. Đến trường lo tiền học phí chưa đóng. Về nhà, bà chủ hỏi tiền nhà: “ba tháng, mày chưa đưa cho u đồng nào”. Tiền nợ quán cơm. Tiền nợ còn nguyên ở quyển sổ gấp cẩn thận của bà chủ quán game… Dũng thật sự chìm vào nỗi lo nợ nần. Nỗi lo thi cử cuối năm chỉ là thứ yếu.

Danh sách hiệu Cầm đồ 5… Đội Cấn dài dằng dặc với nhiều tên tuổi “bất hủ, bất mãn”: Long “gạch”, Lâm “ba cây”, Hạnh “bất hạnh”, Tiến “sex”, Thảo “đầu giấy”, Hải “hình nhân”, Hoàng “lựu đạn”, Thắng “hài cốt”, Chương “điếm”… Chung chiến hào với họ còn có cả tên những cậu cử đọc lên đã thấy ngay sự hiền lành: Nguyễn Văn Quyết, Trần Duy Hưng, Nguyễn Hồng Quang, Lương Xuân Thuỷ; cá biệt, ông chủ hiệu còn “liếc” thấy tên của cô nữ sinh Lê Thị Minh Thanh, Ngô Bá Thành…

Cuối năm, ông chủ hiệu lần lượt điểm danh những số phận bi đát đó, ngóng chúng đến rước “hàng” (Dzim chiến, thần Zớt, CPU, thẻ sinh viên, CMT…) về. Một vài ngày nữa, nếu không thấy mặt, một: ông “xung vào công quỹ”, hai: ông sẽ truy theo địa chỉ đến cùng!

Dũng là một đại diện điển hình của cánh sinh viên “sành đời” con nhà bậc đại gia. Số tiền nợ đó, bố mẹ Dũng vẫn phải tươi cười đáp xe ra Hà Nội thanh toán sòng phẳng, để đón cậu quý tử về, nếu không muốn Dũng sa vào con đường lao lý, trộm cắp để trả nợ.

Đối với các cậu cử bình dân, năm hết tết đến cũng mang theo một số nỗi lo nợ nần, tuy nho nhỏ. Cũng tiền nhà, tiền cơm, một vài trường hợp cũng “dính” khoản học phí…Những khoản tiền tuy nhỏ, nhưng thời gian chạy đôn đáo đi vay mượn “lấp chỗ trống” cũng chiếm đến 2 phần 3 thời gian đầu tư cho thi cử.

Đôi điều lắng lại ngày cuối năm.

Ngày xưa, các cụ ta, đói trong ngày tháng giáp hạt. Ngày nay, giáp hạt, cánh sinh viên lo với một núi mớ bòng bong nợ nần quấn chặt tưởng không có đường gỡ.

Với những cậu cử được coi là “sành”, cuối năm giật mình khi ngồi nhẩm tính số tiền “tích luỹ” ở hiệu cầm đồ, ở bạn bè… lên tới hàng chục triệu. Nhăn mặt vì số tiền nợ khổng lồ, và sau đó cau có buông thõng một câu trong tiếng thở dài não ruột: “ Đời thật là bạc”.

Đời bạc do đâu? bắt đầu từ đâu? từ bao giờ? Các “con giời” nếu chịu khó ngồi ngẫm 5 phút sẽ tỏ: những buổi tụ tập đàn đúm bạn bè thâu đêm suốt sáng bên bàn rượu; những trận đế chế, hafline, MU… kéo dài bất tận theo nhịp chạy đều đặn của kim đồng hồ; những hội “phỏm”, ba cây, những đường cơ dài dằng dặc, đặc quánh khói thuốc…

 Văn Vũ - Số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan