Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Hẹn hò chốn giảng đường
Những người lạ vào lớp được sự “dẫn dắt” của một người nào đó trong lớp, thường “nhảy dù” vào cuối lớp. Có trường hợp người lạ vào lớp là sinh viên (trong hoặc ngoài trường) mà cũng có thể là một ai đó không rõ tốt xấu, ngay thẳng.

Đưa nhau... vào lớp học

Một lớp học đông thì có tới hàng trăm, mà ít thì cũng có tới 7-8 chục. Thầy giáo mỗi tuần chỉ tới lớp một lần, ngoài ban cán sự lớp và một vài gương mặt tiêu biểu còn có thể nhớ mặt gọi tên. Và việc sinh viên tự do đưa bạn, hẹn bạn tới lớp dần dần đã trở thành chuyện cơm bữa.

Dung (Văn - ĐHKHXH&NV) nói: “Thỉnh thoảng có những buổi giảng hay, hoặc có những vấn đề hấp dẫn mình vẫn thường rủ bạn tới nghe”. Đó là những trường hợp rủ bạn tới trường với mục đích là giao lưu, mang tính tìm hiểu, trao đổi học tập. Chuyện này thì rất hiếm.

Toàn (ĐHNN) thì nói: "Mình đưa thằng bạn cùng quê mới lên chơi tới lớp cho nó nếm mùi sinh viên, tiện thể cho nó xem mặt cô bạn gái đang tấn công". Còn Nhung (ĐHNN) rủ bạn vào lớp cùng vì lý do đơn giản là "để nói chuyện, vì thầy điểm danh không nghỉ được”.

Hiền (ĐHTN) kể: “nh và anh ấy ở xa nhau, anh ấy tới nhà trọ chơi, mình lại sắp phải lên lớp, chẳng nhẽ để anh ấy ngồi nhà một mình".

Anh Tuấn (Xã hội học - ĐHKHXH&NV): "Người yêu học bên Gia Lâm, mỗi lần sang chơi phải mất nhiều thời gian, lần đầu vào lớp ngồi thấy "ngài ngại" bởi nhiều ánh mắt soi mình. Lúc ra khỏi lớp còn sợ bị "oánh". Giờ thì vô tư như vào lớp của mình".

Tôi - "người lạ" trong lớp

Tôi "nhảy dù" vào lớp một đứa bạn ở ĐHNN. Vừa vào lớp tôi gặp phải hơn chục con mắt "soi" mình. Trong giờ học hôm đó mọi cử chỉ, lời nói của tôi đều bị để ý, tôi chẳng dám mở miệng, hay quay ngang quay ngửa. không thể kể hết có bao nhiêu ánh mắt nhìn tôi, soi tôi như một kẻ có tội, như vừa mới vi phạm một quyền sở hữu tập thể. Tôi thấy mình lúc đó đã trở thành một trung tâm chú ý của không ít cặp mắt tò mò trong lớp. Ngồi trong lớp học, tôi cứ mong mỏi làm sao cho hết tiết đó để “rút”...

Người xung quanh sẽ nghĩ...

Những người lạ vào lớp được sự "dẫn dắt" của một người nào đó trong lớp, thường "nhảy dù" vào cuối lớp. Nói chuyện cười đùa, đá chân, nắm tay, đọc báo… hàng ngàn việc có thể làm ngoài "vùng" chú ý của thầy giáo lại dễ dàng "tia" cả lớp.

Những người dễ tính và có thể thông cảm coi là chuyện bình thường và "việc của ai người ấy làm, không ảnh hưởng tới người khác là được”, Hồng (ĐHVH) nói.

Với những người không thích giao lưu, không và chưa có người yêu thì không ít ấm ức. Lan (ĐHKHXH&NV) nói: "Thật bực mình khi có một người lạ ngồi trong lớp, lại còn toe toe nói chuyện. Có lần thầy giáo cho cả lớp ngừng học vì hai người ở cuối lớp nói chuyện, truy ra đó là một người trong lớp và bạn của họ. Kết quả là bạn đó “được” lên văn phòng khoa uống nước và viết bản kiểm điểm". Liên (ĐHTN) kể lại câu chuyện của mình: "Có lần đang trong giờ học bỗng có một mảnh giấy từ dưới đưa lên viết: Mình là bạn của K. rất muốn làm quen với bạn. Như thế lớp học thành quán chat rồi".

Thu Hà (ĐHNN) nhấn mạnh: "Họ mang người yêu tới lớp chủ yếu để khoe mẽ, chứ chẳng có mục đích gì khác. Thú thật ai cũng cảm thấy oai hơn khi có một người tới lớp tìm mình, hay dẫn theo một người tới lớp".

Đưa một nửa tới lớp vừa có thể tâm sự, vừa có mặt, lại vừa có thể cho bàn dân thiên hạ thấy mình cũng là một trung tâm của vũ trụ. Và không chỉ dẫn một lần mà dẫn nhiều lần, không chỉ dẫn một người mà còn dẫn nhiều người đến lớp. Và cứ thế ngày này qua ngày khác, chuyện đưa bạn vào lớp, chuyện có người lạ trong giảng đường đã thành chuyện bình thường đối với sinh viên. Những chuyện kể ra chẳng có gì đáng nói.

Vẫn biết bên cạnh mục đích cao cả là tới lớp để học thì còn nhiều mục đích "cao cả" khác, nhưng nó cần phải diễn ra ở tuỳ từng nơi, từng chỗ. Hãy chứng tỏ mình bằng cách khác.

 Mạc Trung Tuyển - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :