Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Học lấy một phép ứng xử văn hoá trong văn chương
Chúng ta ai cũng từng đọc Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, từng lẩy Kiều, bói Kiều thậm chí nảy ý định tập Kiều. Nhưng có lẽ phổ quát hơn cả vẫn là “sự cất giữ riêng tư Truyện Kiều” trong đáy sâu thẳm tâm linh, để luôn tự mình được trăn trở, chiêm nghiệm Kiều...

Và cho dù chẳng cuộc đời nào giống cuộc đời nào, và không phải cuộc đời nào cũng đầy vui sướng, hạnh phúc, thì "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao", "lòng tốt vẫn còn đây".

Bởi vậy, ta không khỏi giật mình trước sự đọc Kiều, yêu Kiều, hiểu Kiều tràn ngập một tình thương mến con người và cuộc đời, một tinh thần tri âm, tri kỷ của Lưu Trọng Lư, như ông viết trong Di cảo (từ 1933-1990): “Tôi không thể nhớ được tôi đã đọc và bao nhiêu nước mắt tôi đã đổ ra..." "vì Truyện Kiều là một sự không cùng" (tr.12,13, sách Nhật ký đọc Kiều. Lưu Trọng Lư. NXB Nhà văn, 1995).

Vì thế, cả cuốn sách "Nhật ký đọc Kiều" mang dáng dấp một cõi lòng riêng tư, sự từng trải riêng của cuộc đời ông trước một kiệt tác thi ca cổ điển của thi hào mà ông rất yêu: Nàng Kiều. Chính bởi vậy, tất yếu ông phải tìm đến một hình thái văn chương cũng hoàn hảo như sự thành thực của ông. Ông đã viết như là nhật ký. Và có thể, khi ông đi tới tận cùng cõi văn chương Truyện Kiều bằng chính sự thành thực tận cùng của cõi lòng ông, thì chúng ta - những kẻ hậu sinh - đã nhân đó mà học được ở ông một phép xử thế với văn chương một cách đầy văn hoá...

Tập sách mở đầu bằng một bài viết cách đây đã hơn 60 năm, đăng trên tờ Phụ nữ thời đàm số 13, ngày 10/12/1933, nhan đề Mấy lời chiêu tuyết cho Vương Thuý Kiều (góp vào cuộc tranh luận về Truyện Kiều). Khi ấy Lưu Trọng Lư mới 21 tuổi, một thi sĩ đầu xanh tuổi trẻ sáng giá của trào lưu Thơ mới đầy lãng mạn và bồng bột (ông sinh 1912 ở Quảng Bình). Trên tờ Phụ nữ thời đàm ông lớn tiếng bênh vực Kiều (đang bị muôn vàn lời ong tiếng ve báo chí hồi bấy giờ cho là "phường trăng gió”, đồ đàn bà hư hỏng, trắc nết). Thi sĩ trẻ Lưu Trọng Lư “cả gan” đối lập, cho Kiều là kẻ vô tội, là hình ảnh rất linh hoạt, rất hoàn toàn của vũ trụ, rất phong phú, rất dồi dào, rất đẹp đẽ. ở trong Kiều cái gì cũng vượt quá bậc tầm thường, từ cái nhan sắc, chí tuệ đến cái tài đức, cái tính tình. Và khi người ta bảo Kiều là một người nhẹ dạ, cả tin, nông nổi, thì thi sĩ Lưu Trọng Lư vẫn nhất mực cho Kiều là "kẻ có một mối từ tâm lớn"...

Ta có thể thấy rằng ngay từ buổi ban đầu chạm mặt Truyện Kiều, như một tác phẩm cổ điển mẫu mực của thi ca Việt Nam, và Kiều như một thân phận đàn bà ba đào, ghềnh thác, đáng cảm thương nhất về người phụ nữ Việt Nam xưa, thì thi sĩ Thơ mới Lưu Trọng Lư đã có ngay một cách tiếp cận đúng về văn hoá ứng xử, với một cử chỉ mỹ học chính xác: chiêu tuyết cho nhân vật Kiều. Và cũng chính cuốn sách Nhật ký đọc Kiềun làm ta trọng thị ông hơn nữa, bởi ông đã "thuỷ chung như nhất" với cách ứng xử ấy với Truyện Kiều trong suốt đời ông, cho đến khi nhắm mắt.

Là một thi sĩ hơn ai hết, chỉ vì hơn ai hết, Lưu Trọng Lư thành thực (nhận xét của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam). Lưu Trọng Lư không thực thi phép ứng xử của ông với Truyện Kiều và nàng Kiều bằng một thái độ duy lý tranh biện lạnh lùng, mà trước hết, với thái độ tri âm tri kỷ của một tấm lòng thành. Như thế, ông đã đích thực gặp được Nguyễn Du - như một thi nhân với một thi nhân.

Đi suốt chiều dài cuốn sách 150 trang, trở lại thế giới Truyện Kiều cùng ông, đọc lại cùng ông những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du mà ông đặc biệt yêu thích, rồi cùng ông cảm thấu, suy tư, hồi cố, kể cả cùng với ông rưng lệ và thăng hoa nữa (khi đang đọc phác thảo một kịch bản văn hoá chưa kịp đặt tên của ông, gồm 7 cảnh, với nàng Kiều là nhân vật chính) neo chặt một trọng lực tình yêu của ông, đến mức cuối phác thảo kịch, ông đã gần như kêu lên, đầy mến yêu và thán phục:

Liễu xanh! Liễu xanh ngàn liễu xanh

Trời đất sáng trưng lòng thiếu nữ

Nghìn thu vang dội khúc chung tình.

thì ta sẽ phải vỡ lẽ rằng: Muốn hiểu, yêu và đi đến... cõi của một tác phẩm văn chương đích thực, điều cốt yếu đầu tiên là phải... có lòng. Không có lòng, không có tình, lạnh lẽo dửng dưng, dễ gì thấu suốt được biết bao nhiêu lệ của Tố Như đã chảy quanh thân Kiều (Tố Hữu), và dễ gì như Lưu Trọng Lư, chỉ mãi mãi thấy Kiều đẹp “dẫu đầm đáy nước chẳng nhoà nét gương", và cả cuộc đời Kiều dẫu 15 năm lưu lạc giang hồ vẫn cứ là "lịch sử của một giọt nước mắt trong sáng".

Cũng chỉ có ông, một thi sĩ thành thật đến ngơ ngác giữa cuộc đời, như “Con nai vàng ngơ ngác - đạp trên lá vàng khô", mới đi được vào giữa những trang Kiều như thâm nhập vào đáy thế giới riêng của Nguyễn Du, để thấy Truyện Kiều, ngoài tính chất là bản cáo trạng tội ác của bọn quan lại, sai nha phong kiến, còn là một quyển kinh về tình thương. Tình thương cha, tình thương mẹ, thương chị em ruột thịt, thương người... như thể thương thân của nàng Kiều, đã in dấu ấn rất rõ tình thương mênh mông... của thi hào Nguyễn Du với thân phận những người đàn bà.

Phát hiện tình thương cao cả của nàng Kiều, thi sĩ Lưu Trọng Lư đã phát hiện ra cái lòng nhân gốc của Nguyễn Du mà theo ông đó cũng là chữ nhân của dân tộc Việt Nam. Với tất cả những phát hiện lớn, những cảm hiểu ấy của thi sĩ Lưu Trọng Lư trong hơn 60 năm ngẫm Kiều đã khiến ông tìm ra một lối đọc Kiều gượng nhẹ. Theo ông - Nguyễn Du đã viết Kiều tế nhị đến như thế, bởi nghệ thuật trong thơ trước hết là vấn đề tế nhị, mà tế nhị chính là sở trường của Nguyễn Du. Lưu Trọng Lư đã lấy cái tế nhị của lòng mình, của chính nghệ thuật Thơ mới để hiểu cho đến ngọn ngành cái tế nhị nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Ông viết như chính lòng ông rằng, có lẽ Nguyễn Du đã nhiều nước mắt khóc cho cuộc đời này, nên mới chắt lọc được giọt nước mắt trong trẻo nhất là Truyện Kiều và cùng lúc, Nguyễn Du đã đạt đến cái cuối cùng của thi ca là tế nhị. Theo Lưu Trọng Lư, thì "cái tế nhị này đến bao giờ thì ta chẳng biết, nó bay lúc nào ta chẳng hay... chỉ biết: người đọc đụng mạnh là nó sẽ tan!"

Quả là Truyện Kiều đã vượt ngưỡng thời gian và không gian để trở thành một tác phẩm không cùng về giới hạn văn chương. Thi sĩ Lưu Trọng Lư là một trong số ít người đã chạm được đến đáy của cái không cùng đó, chỉ vì ông đã chiêm bái, cảm hiểu một thi sĩ bằng con mắt và tấm lòng một thi sĩ. Ông đã hiểu thơ bằng thơ và đã đau cho Kiều bằng chính những nỗi đau nhân tình của mình.

Sự cố nhỏ trong lúc chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII tháng 4/2005. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trượt chân ngã và được rất nhiều bạn đồng nghiệp "nhiệt tình nâng đỡ". Ảnh: Bùi Tuấn

Học từ ông một phép ứng xử văn hoá với văn chương ta đã và sẽ còn cảm giác áy náy vì thế hệ hậu sinh hôm nay ít kẻ thích hiểu nàng Kiều như một thân phận văn chương, như một tâm sự lớn của thi sĩ Nguyễn Du... mà lắm khi, thật đáng buồn vì người ta chỉ hiểu Kiều như một "gái lầu xanh" và bừa bãi dùng tên của nàng Kiều để chỉ nghề “bán phấn mua hương“ thời hiện đại...

Vậy nên, ta vẫn phải một lần nữa khâm phục thi sĩ Thơ mới Lưu Trọng Lư bởi phép ứng xử văn hoá, tinh thần tri âm của ông với tác phẩm văn chương, điều mà hôm nay sao cứ rơi rụng trong văn chương thời hiện đại, bạc phai dần dần giữa những người nghiên cứu và những nhà nghệ sĩ sáng tạo.

 Nguyễn Thị Minh Thái - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2003
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :