Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Một tư liệu quý về Trường Đại học Quốc gia đầu tiên
Một ngày cuối tháng 12/2001, GS. Trần Quốc Vượng có trao cho GS. Đào Trọng Thi - Giám đốc ĐHQGHN một bản thảo. Đó là bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam, ngày 15/11/1945. Ban quản trị mạng ĐHQGHN xin đăng lại toàn văn tư liệu quý này để bạn đọc được biết.

LỜI PHÁT BIẾU CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN HUYÊN TẠI BUỔI LỄ KHAI GIẢNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA VIỆT NAM, NGÀY 15/11/1945

(Hồ sơ lưu trữ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, hồ sơ Nguyễn Văn Huyên, cặp P14, bản thảo viết bút máy và bút chì, 10 trang)

Thưa Cụ Chủ tịch,
Thưa các ngài,
Thưa các bạn,

Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt Nam ta. Vậy trước khi trình bày cùng các ngài những phương sách của Trường đại học, tôi xin thay mặt toàn Ban Đại học cảm ơn Cụ Hồ Chủ tịch đã không quản thì giờ vàng ngọc tới chủ tọa ngày lễ của chúng tôi. Tôi lại không quên cảm tạ liệt quý vị đại diện cho các phái bộ cường quốc đồng minh ở Hà Nội và các anh em đồng bào các giới tới chứng minh lễ khai giảng đại học này.

Lễ khai giảng ngày 15/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ toạ

Các ngài tới đây làm tăng vẻ long trọng của một buổi lễ mà thường ra chỉ là một buổi họp thân mật của các giáo sư và các bạn sinh viên.

Nhưng buổi lễ hôm nay anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc tranh đấu bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này.

Thưa các ngài,

GS. Nguyễn Văn Huyên

Vì cảm thấy sự quan trọng của nền đại học tôi muốn nhân cuộc hội họp hôm nay trình với các ngài một đôi lời về công việc của chúng tôi.

Trường Đại học Quốc gia này mở ra trong những trường hợp rất khó khăn. Thế giới vừa vùi được ngọn binh lửa mới có hơn một tháng thì cuộc binh đao sát hại lại bùng nổ lên ở trên cả một dải đất rộng và phì nhiêu nhất ở phương Nam nước này. Dựa vào những lý thuyết bất công và giả dối, thực dân Pháp đã đi ngược đường với sự chiến đấu chung cho tự do của nhân loại. Sự xâm lăng ấy còn đương tiếp tục một cách mãnh liệt mà chúng tôi được thượng lệnh xây đắp ngay nền tảng Đại học Quốc gia.

Tuy khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của tất cả mọi người, chúng tôi đã không sai hẹn.

Về các bạn sinh viên thì ai nấy đều lặng lẽ hiểu biết trách nhiệm của mình và đã tiếp tục ghi tên vào các ban, cùng dự các kỳ thi lên lớp hoặc tốt nghiệp, một cách sốt sắng và có hiệu quả tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (người thứ 2 từ trái sang) và GS Vũ Đình Hòe (người đầu tiên bên trái) tại lễ khai giảng ngày 15/11/1945

Thế là không kể những anh em sinh viên cùng thanh niên trí thức hiện nay còn ở trong hàng ngũ quân đội, hoặc ở những cơ quan chiến đấu khác, không kể những anh em Nam Bộ hoặc còn đương tranh đấu trên chiến trường, hoặc còn đương tham dự công việc hành chính, những anh em Trung Bộ còn bị đường sá cản trở, những anh em lân bang Cao Miên, Ai Lao đương bị thực dân Pháp uy hiếp chia rẽ, chưa kịp tới giúp sức cùng anh em có mặt ở đây.

Dầu sao với số sinh viên đã ghi tên theo học các ban, chúng tôi cũng nhận thấy rằng Trường Đại học đã mở ra trên một cơ sở khả quan. Nhưng chúng tôi cũng mong rằng trước sự hoà bình mà vì công lý thiêng liêng sẽ trở lại ở đất nước này, số sinh viên ấy sẽ tăng thêm nhiều lên để xứng đáng với số quốc dân hiếu học và với địa vị của Việt Nam trong nền văn minh Đông Á.

Trường Đại học Quốc gia Việt Nam năm 1945

Về vấn đề giáo sư, chúng tôi có trách nhiệm là lập hẳn một ngạch mới vì nền tảng của Pháp thuộc để lại đã quá mỏng yếu. Trong sự lựa chọn giáo sư là những vị có nhiệm vụ tối cao dẫn đạo cho các bạn thanh niên tri thức tân tiến nước nhà trong thời gian lịch sử  quan trọng này, chúng tôi đã căn cứ không những là chỉ về bằng cấp, mà cả vì kinh nghiệm. Chúng tôi đã chú trọng tới những nhà chuyên môn có trực tiếp thẳng với đời sống của dân tộc, tới tất cả những ngành hoạt động trong nước như bác sĩ, bác học, kỹ sư.

Tất cả mọi người đã giúp tôi trong công việc khó khăn lựa chọn này. Ai nấy đều một lòng hy sinh để cho nền đại học được mau có kết quả. Ngoài những bực chuyên môn chúng tôi đã được những nhân vật trong giới ngoại giao, trong giới chính trị, trong các giới văn hoá giúp.

Vâng, trong toàn giáo sư mới này chúng tôi có những bực đã từng chiến đấu cho đất nước, có những vị nhiều kinh nghiệm trên đường đời, có những nhân sĩ đã từng du học lâu năm ở ngoại bang.

Vì thế mà trong các bang đại học chúng tôi có đủ nhân tài tham gia vào công cuộc kiến thiết: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có. Ai nấy đều một lòng hăng hái, không ngại nhiều công lắm việc, mà đem tài năng, kinh nghiệm xây đắp nền văn hoá mới cho quốc gia, cố tâm tìm những phương sách thích hợp với công việc đào tạo nhân tài, không câu nệ quá ở cổ tục, không nhắm mắt đi liều trên con đường mới xẻ.

Muốn cho công cuộc xây đắp đại học có một cơ sở vững vàng, chúng tôi đã được phép Chính phủ cho lập một Hội đồng quản trị gồm các giáo sư có kinh nghiệm và những bậc có quan tâm tới đại học.

Hội đồng ấy có nhiệm vụ là tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền đại học và quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường đại học các nước tân tiến Âu - Mỹ. Quỹ này được Chính phủ trợ cấp hàng năm, và chúng tôi mong rằng nhiều bậc hảo tâm trong nước sẽ giúp sức hoặc bằng tiền mặt, hoặc bằng nhà cửa ruộng đất để nền đại học được phát triển mau chóng.

Quỹ ấy phải có nhiều người giúp vì những phòng thí nghiệm và những thư viện của chúng tôi còn phải mở mang nhiều lắm, nhất là trong mấy năm chiến tranh những điều đã phát minh ra rất nhiều và rất quan trọng cho văn minh hiện đại.

Nói tóm lại, Trường Đại học Việt Nam sau bao năm bị hạn chế cần phải cấp bách tiến một bước dài.

Hiện thời trường Đại học ngay niên khoá này có năm ban là Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị Xã hội và Mỹ thuật.

Ban Y khoa thì có Y học, Dược học và Nha học; Ban Khoa  học thì có đủ các khoa Toán, Lý, Hoá và Thiên nhiên học; Ban Mỹ thuật thì có Hội họa và Điêu khắc học. Cả ba ban này hiện thời vẫn theo quy tắc cũ. Nhưng nội trong niên khoá này sẽ triệu tập một hội đồng để tìm phương sách để cải tổ lại cho hợp với những sự tiến bộ của nhân loại.

Trong hai ban mới mẻ là Chính trị Xã hội và Văn khoa thì Ban Chính trị Xã hội dùng để thay cho Ban Luật học cũ vì khuôn khổ ấy không thích hợp với sự nhu cầu của mọi ngành xã hội cách tân này. Niên khoá 1945 - 1946, Ban Chính trị Xã hội có hai lớp, một lớp đặc biệt dành cho những sinh viên đã học qua hai năm Luật khoa rồi; một lớp thường thì mở chung cho tất cả những thanh niên có bằng tốt nghiệp trung học muốn chuyên về mọi ngành chính trị và hành chính. Lớp này học làm hai năm: năm đầu sẽ dạy những khái niệm đại quan về dân luật, hiến pháp, công pháp và kinh tế. Những sinh viên tốt nghiệp năm đầu sẽ được học một năm thứ hai chuyên môn hoặc về kinh tế hành chính, hoặc về công pháp và ngoại giao, hoặc về tư pháp. Sau này sinh viên tốt nghiệp về chuyên khoa nào sẽ có thể tạm áp dụng được trong mọi ngành hoạt động của quốc gia như hành chính, ngoại giao, tư pháp, thương mại, luật sư...

Còn ban Văn khoa thì hoàn toàn mới. Mục đích của ban này là phần thì để đào tạo lấy một số giáo sư cho nền trung học, phần thì để gây lấy trong anh em thanh niên một căn bản vững bền để có thể tham gia được vào những công cuộc khảo cứu và phát triển trong mọi ngành triết lý, xã hội, văn chương, sử ký, địa dư là một phần những công cuộc lớn lao kiến thiết văn hoá của toàn thể nhân loại văn minh hiện đại.

Nên cần cấp trong một thời hạn hai năm chúng tôi sẽ mở mười khoa là hai Khoa Triết lý, một Khoa Xã hội và Nhân chủng, bốn Khoa Văn chương, hai Khoa Sử ký và một Khoa Địa dư. Những khoa ấy sẽ xếp làm bốn chuyên khoa để tiện hướng dẫn sinh viên về những ngành hoạt động đặc biệt của tinh thần là triết lý, sử ký, địa dư, văn học Việt Nam và văn học Trung Hoa.

Thêm nữa, vì nhận xét rằng trong thế giới đại đồng hiện nay không một nước nào dầu lớn hay nhỏ, là có thể sống tách biệt được, nên Trường Đại học sẽ chú trọng đặc biệt ngay trong niên khoá 1 1945-1946 tới những sinh ngữ có quan trọng cho văn hóa, như tiếng Trung Hoa, tiếng Anh - Mỹ, tiếng Nga.

Ngoài ra còn sự quan tâm của bộ Kinh tế và Giao thông Trường Cao đẳng chuyên môn Thú y, Canh nông và Công chính đều cũng khai giảng ngày hôm nay.

Thưa Cụ Chủ tịch,

Thưa các ngài,

Đó là tóm tắt những phương sách của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngay năm đầu của nền dân chủ cộng hoà.

Trước sự hợp tác của các giáo sư, trước sự sốt sắng của các bạn sinh viên, trước lòng ái quốc và sự hy sinh của tất cả mọi người, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước cổng trường Đại học ngày 15/11/1945

Và cũng vì tin tưởng rằng nền đại học là một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia, anh em chúng tôi cùng hội họp ở đây hôm nay, trước sự khuyến khích long trọng của liệt vị quý khách, chúng tôi cảm thấy cùng có một trách nhiệm luyện tập tinh thần cho một số khả quan đại chúng chọn ở một tầng lớp dân chúng, không kỳ là trai hay gái, là quý hay tiện, là giàu hay nghèo để giúp vào công cuộc xây dựng nền văn hoá mới cho nước Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy cùng có trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để dẫn đạo cho quần chúng, những bực quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ, của một nền văn minh Đông phương, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự biết phẩm bình mọi lực lượng của văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những điều hiểu biết của mình, để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kỳ trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hoá trên nền hoà bình, công lý, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau.

Vì thế chúng tôi sẽ hành lễ khai giảng đại học này một cách giản dị và trang nghiêm để tất cả anh chị em hiểu rõ nhiệm vụ và cùng cố gắng./.

 VNUnet
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :