Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy và Đại học Quốc gia Hà Nội bây giờ đã thật sự là ngôi nhà của tôi. Ở đó, tôi đã đi qua thời hoà bình ngắn ngủi, những năm tháng chiến tranh hào hùng đáng nhớ, những ngày nghèo khổ, cơ hàn, rồi những năm đổi thay chóng mặt của thời đổi mới. Trường xưa đi qua bao gian khó, nhưng đúng là:“Trường tôi một dạ nhiệt thành. Đói no chẳng quản, rách lành chẳng nao…”.
Từ ngôi trường này đã có bao nhiêu thầy giáo và sinh viên giỏi giang đã làm nên sự nghiệp vẻ vang. Vào những ngày này, ở xa đất nước, tôi hướng về Trường, trước tiên nhớ tới với lòng biết ơn là các thầy giáo và anh chị em sinh viên là liệt sĩ. Họ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng đời mình cho các thế hệ sau được hưởng hoà bình, an vui, làm khoa học và đào tạo. Nhớ đến các anh chị đã mất trên đường, lòng tôi luôn vấn vương câu thơ xưa: “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?”. Rồi nhớ một câu thơ khác: “Những người trung nghĩa xưa nay. Mang thân cứu nước có ngày minh danh”… Tên tuổi của họ đã rực sáng. Tôi muốn ĐHQGHN có một đài kỷ niệm họ vào dịp này và trong lễ kỷ niệm nên có một buổi trang trọng cho thế hệ trẻ thắp nến và đọc tên các liệt sĩ của trường ta.
Tôi cũng nhớ đến các thầy giáo tài năng trong học thuật và rất mực đáng kính trọng về nhân cách và nhiệt tình trong đào tạo và lo các việc chung khác, nhờ đó mà ta có cương vị, uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN hôm nay. Một thế hệ các thầy giáo đã không quản nghèo khó, vừa nuôi gà, chăn vịt, vừa trồng khoai sắn, hái củi trên lưng mà vẫn làm khoa học và đào tạo nhiệt thành. Lớp học trò thủa ấy cũng noi gương thầy mà thành đạt. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ.
Hôm nay chúng ta có một ĐHQGHN khang trang, tuy chưa giàu có nhưng đã trưởng thành. Xử lý những vấn đề của hiện tại quả thật là khó. Một nhà văn nổi tiếng đã viết: “Quá khứ bao giờ cũng có cái vẻ diệu kỳ và thơ mộng của nó, nhưng hiểu được hiện tại mới là điều khó hơn nhiều”. Chúng ta đã bị hẫng hụt mất một thế hệ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu đúng vào lúc cần thiết. Bài học về thiếu chăm chút xây dựng đội ngũ đã để lại hậu quả. Chúng ta chưa tập trung và chưa làm được nhiều việc cho việc phát triển các khu vực mũi nhọn trong khoa học và công nghệ. Khoa học xã hội - nhân văn còn lạc hậu và bảo thủ, thiếu thông tin và thiếu tiếp cận quốc tế. Cách thức giảng dạy của chúng ta nhìn chung còn quá kinh viện, xa rời thực tế cuộc sống và không cập nhật trong rất nhiều địa hạt. Nghiên cứu khoa học còn ăn xổi và chưa góp phần đáng kể vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Tác phong nông nghiệp, lối sống và quản lý kiểu làng xã còn nặng nề, quan liêu trong hành chính có mặt ở mọi nơi, mọi cấp.
Chúng ta không bi quan và không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng phải thấy rõ mình và phải gắng thay đổi trong cách nghĩ, cách làm liên tục. Một trong những cơ sở để chúng ta tin tưởng, theo tôi, là ĐHQGHN có được một nền dân chủ tốt hơn trong số các trường đại học. Vụ mất đoàn kết kéo dài cách đây hơn 30 năm ở Trường ĐHTHHN đã để lại một bài học rất lớn về dân chủ mà từ ngày ấy ở chúng ta không một ai dám vượt qua ranh giới an toàn để dẫn đến sự độc đoán. Thế hệ càng về sau càng được hưởng tinh thần cởi mở và đối thoại. Lãnh đạo ĐHQGHN hiện nay vẫn tiếp tục tinh thần đó khiến cho không khí chung trong trường hoà thuận và đây là một tài sản quý cần gìn giữ và phát huy.
Chúng ta mong muốn và ao ước thầy, trò ĐHQGHN, nhất là thế hệ trẻ sớm có nhiều đóng góp xuất sắc, những thành quả có chất lượng cao để chúng ta làm được nhiều việc hữu ích cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, ĐHQGHN đàng hoàng hơn, sớm ngang tầm với các đại học lớn, trước mắt là các đại học trong khu vực.
Paris, tháng 4/2006
|