Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Học cái mình cần
Thực dụng (hiểu theo nghĩa tích cực của từ này) là điều mà giáo dục cần hướng tới khi cung cấp nhân lực và đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của xã hội…

Giáo sư Jonathan Garnett (ĐH Middlesex - Anh) đã đề cập nhiều đến về hình thức đào tạo này tại Hội thảo quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại toàn cầu hóa vừa diễn ra tại Việt Nam. Ông cũng cho rằng, đây là một "làn sóng mới" trong học tập.

Lấy người học làm trung tâm

Trong bài tham luận của mình tại hội thảo, Giáo sư đã đưa ra một ví dụ sống động về tính hiệu quả của mô hình đào tạo mới này. “Bob là nhân viên tại Trung tâm tiếp nhận động vật hoang dã ở một sân bay của Vương quốc Anh. Công việc của anh không chỉ đơn thuần là tiếp nhận một "gói đồ" mà còn phải chăm sóc, bảo vệ các "hàng hoá đặc biệt", trước khi chuyển chúng tới đúng địa chỉ. Để đáp ứng nhu cầu công việc, anh cần có thêm kiến thức về loài cá sấu. Bob tới ĐH Middlsex và được phân tích các kỹ năng hiện có của mình, tìm hiểu những yêu cầu thực sự của công việc, từ đó xác định chứng chỉ mà anh cần có. Sau đó là kế hoạch cho chương trình học để đạt được (các) chứng chỉ này. Nhà trường, Bob và nơi anh làm việc đã cùng thiết kế một kế hoạch học tập phù hợp với lịch làm việc để anh có thể "vừa học vừa làm". Một phần thời gian Bob ở trường và một phần học "từ xa". Hợp đồng đào tạo được ký kết, theo đó trường Middlesex cung cấp những kiến thức mà doanh nghiệp cần trang bị cho nhân viên. Còn bản thân Bob được phát triển kỹ năng nghề để làm việc tốt hơn, đồng thời được cấp bằng nằm trong khung chuẩn, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai.”…

Với mô hình đào tạo linh hoạt như vậy, trường ĐH có nguồn thu, doanh nghiệp có nhân viên giỏi, còn người lao động thì được đi học mà công việc (lẫn thu nhập) không hề ảnh hưởng. Thời gian không ở trường, người học có thể áp dụng được ngay kiến thức vào thực tế công việc để có sự đối chứng. Chủ sử dụng lao động tham gia "giám sát" người học tại chỗ làm thông qua những tiến bộ trong công việc. Còn hình thức học phí: Có nơi doanh nghiệp chi 100%, lại tạo điều kiện về thời gian học và tham gia đánh giá quá trình học của học viên; Có nơi thì "cưa đôi" về tiền, người sử dụng lao động đảm bảo các chi phí hành chính, phần còn lại do học viên chi trả.

Thực dụng (hiểu theo nghĩa tích cực của từ này) là điều mà giáo dục cần hướng tới khi cung cấp nhân lực và đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của xã hội. Mỗi người học là một cá thể với nhu cầu khác nhau, nên nhà trường "tập" được cách linh hoạt hơn trong đào tạo, cũng là hình thức thể hiện của triết lý giáo dục "lấy người học làm trung tâm".

"Cầu" chất lượng nhân lực chứ không "cầu" bằng cấp

Trông người lại ngẫm đến ta, mô hình tưởng như dễ thực hiện này tại sao chưa thể xuất hiện tại Việt Nam, mặc dù trên thực tế, phong trào "tại chức", "văn bằng hai", "đào tạo hợp đồng cho doanh nghiệp" ... vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh.

Trước hết, phải xem xét tới yếu tố "cầu" - một chữ "cầu" xuất phát từ nhu cầu "học thực sự" chứ không phải các "trào lưu học" mang màu sắc phong trào, học theo "mốt", học để "giết thì giờ".

Trước tiên, là nhu cầu của nơi cử đi học. TS Lê Quang Minh, Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thẳng thắn: "Ở ta, nhu cầu chưa nhiều bằng "Tây". Họ "cầu" chất lượng nhân lực chứ không "cầu" bằng cấp. Giữa các công ty nước ngoài có sự cạnh tranh rất cao nên họ cần tay nghề trình độ cao. Thêm vào đó, việc cho nhân viên đi học cũng nằm trong chiến lược và chính sách của công ty nhằm "giữ chất xám" và "phát huy chất xám". Trong khi đó, tại Việt Nam, học tại chức là nhu cầu thật nhưng trên thực tế đã bị biến tướng. Hơn nữa, do công nghệ sản xuất còn thấp, các doanh nghiệp trong nước phần đông chưa có nhu cầu lao động trình độ cao mà cần nhiều lao động giản đơn. Đó là những nguyên do khiến "cầu" ở Việt Nam không phong phú".

Cũng phải xem xét tới khía cạnh: nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn xa. Khi không thấy lợi ích trước mắt của việc cử người đi học, thì doanh nghiệp chưa mặn mà, thậm chí còn ngăn cản (bởi lo ảnh hưởng tới công việc). Nói gì tới tạo điều kiện về thời gian và chi trả học phí!

Trong mô hình "học tại nơi làm", thoạt nhìn người học có phần "thụ động" bởi lẽ đi học cũng tương tự như thực hiện một nhiệm vụ công tác. Nhưng thực tế người học là trung tâm của quá trình đào tạo nên sự hợp tác của người học trong mô hình này là điều rất cần thiết. Bản thân người đi học, nếu có phải chịu đôi chút thiệt thòi trước mắt (thời gian, vất vả, thậm chí phải đóng một phần tiền) vẫn cần một nhận thức đúng đắn: học cho công việc, học cho tương lai, học cho chính mình. Tuy nhiên, rất nhiều khóa đào tạo cho công chức hiện vẫn gặp tình trạng: đông đủ buổi đầu, thưa thớt buổi sau, điểm danh lấy lệ, thi cử thì góp tiền "chạy thầy". Điều này có phần trách nhiệm ở người thiết kế chương trình, song người học thiếu nghiêm túc chính là đối tượng cần phê phán nhất. Thái độ học tập này khiến "học tại nơi làm" khó thành hiện thực, bởi chất lượng đào tạo không hiệu quả và doanh nghiệp tất nhiên không chấp nhận.

Về phía các trường Việt Nam, một trong những lý do khiến "học tại nơi làm" chưa tới được là trường chưa đáp ứng được các yêu cầu, trong đó có việc triển khai tín chỉ trong các trường ĐH chưa thuần thục (đa số trường ĐH Việt Nam hiện vẫn chỉ đào tạo niên chế). Yếu tố then chốt của mô hình "học tại nơi làm" là mỗi người học có một chương trình riêng xuất phát từ khả năng, điều kiện và nhu cầu riêng. Các trường ĐH Việt Nam chưa làm được điều này, nên các hình thức đào tạo thường thấy là kiểu "đại trà", khó đáp ứng được yêu cầu cụ thể của riêng từng doanh nghiệp.

Những yếu tố cơ bản trên dẫn tới vấn đề chất lượng bằng cấp. Một khi xuất phát từ nhu cầu không thật, và năng lực đào tạo của các trường không đáp ứng được nguyện vọng của người học, thì sự "biến tướng" của các mô hình đào tạo là điều không tránh khỏi.

Bằng cấp của các hình thức đào tạo tại chức, văn bằng 2... đôi khi lại được sử dụng vào những mục đích khác, không trong sáng. Uy tín của các loại hình đào tạo "phi chính quy" bị giảm sút trong xã hội sẽ "giết chết" nguồn "cầu" lẽ ra rất phong phú.

Việc kiểm định chất lượng trong các trường đang được gấp rút tiến hành tại Việt Nam, song nếu các vấn đề cơ bản về năng lực của nhà trường không đi trước một bước, thì ngành giáo dục khó có dịp nói tới "đào tạo theo nhu cầu". Bởi lẽ "nguồn cầu" sẽ tìm tới "nguồn cung" chất lượng hơn, đặc biệt khi WTO đã mở rộng cánh cửa cho các trường "Tây" tại đất "ta".

 Theo Thùy Hương
Tổ quốc - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   |