Sự kiện
Trang chủ   >  Sự kiện  >   Sự kiện  >  
Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV một chặng đường nhìn lại
Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) tuy được thành lập cách đây 10 năm nhưng trên thực tế đã kế thừa những thành quả, những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của đơn vị tiền thân là Bộ môn Thư viện học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây.

Trải qua chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của 33 năm (1973 - 2006) đào tạo và 10 năm (1996 - 2006) gần đây với tư cách là đơn vị đào tạo độc lập trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV, Khoa đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Giai đoạn từ năm 1973 - 1996:

 
Lĩnh vực đào tạo ngành thông tin - thư viện được bắt đầu từ năm 1973 tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1982, hệ đào tạo đại học chính quy được chuyển sang đào tạo tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, tuy chỉ đào tạo hệ tại chức, hệ văn bằng hai, nhưng Khoa vẫn là cơ sở duy nhất được Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục & Đào tạo) giao cho nhiệm vụ bồi dưỡng và kiểm tra kiến thức chuyên ngành để tuyển chọn thực tập sinh, nghiên cứu sinh gửi đi học tập ở nước ngoài. Giai đoạn 1973 - 1982, Khoa đã đào tạo được 6 khoá cử nhân chính quy với tổng số 251 sinh viên. Giai đoạn 1984 - 1995, việc đào tạo văn bằng hai tại Trung tâm Thông tin Tư liệu (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã được 3 khoá với tổng số 120 học viên. Hầu hết số sinh viên tốt nghiệp từ cái nôi đào tạo này đều đã trưởng thành trong chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý. Nhiều người trong số đó đã có học hàm, học vị và nhiều công trình có giá trị khoa học cao. Hiện nay, họ là những cán bộ chủ chốt, tâm huyết với nghề và đang làm việc tại các cơ quan, các cơ sở đào tạo ngành thông tin - thư viện lớn trên cả nước. Đội ngũ cán bộ giảng dạy tại đây là các nhà khoa học, nhà giáo giàu kinh nghiệm, có lòng yêu nghề, yêu trò với các tên tuổi như Cao Thị Bạch Mai, Phan Văn, Phạm Văn Rính, Dương Thị Bích Hồng, Phan Thị Đém, Nguyễn Tiến Hiển, Nguyễn Xuân Mạnh, Lê Thị Chính... Hầu hết họ là những người được đào tạo ở các trường có uy tín trong và ngoài nước. Nhiều giáo trình, sách tham khảo của ngành do họ viết đã được xuất bản trong thời gian này.

Giai đoạn 1996 đến nay:

Ngày 26/8/1996, Bộ môn Thông tin - Thư viện chính thức được thành lập trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN). Tiếp đó, sau một quá trình phấn đấu và trưởng thành vượt bậc, ngày 26/8/2004, Khoa Thông tin - Thư viện được thành lập trên cơ sở của Bộ môn Thông tin - Thư viện thuộc Khoa Lịch sử. Trải qua 10 năm phát triển, Khoa đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo. Khoa đã và đang đào tạo cho đất nước một đội ngũ cán bộ Thông tin -Thư viện có trình độ chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của sự nghiệp thông tin - thư viện Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ của Khoa chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ cơ hữu chỉ có 5 người, trong đó có 3 cán bộ giảng dạy (1 phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính và 2 cử nhân) cùng với 2 cán bộ văn phòng. Sau 10 năm, đến nay Khoa đã có 18 cán bộ giảng dạy trên tổng số 23 cán bộ cơ hữu (có 2 phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính; 2 tiến sĩ, giảng viên chính; 1 thạc sĩ, giảng viên chính; 10 thạc sĩ ; 3 người đang học cao học). Dự kiến đến năm 2007, 100% cán bộ của Khoa sẽ có trình độ sau đại học. Hàng năm, đội ngũ cán bộ giảng dạy đặc biệt là cán bộ trẻ thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, phương pháp sư phạm và tin học ở trong và ngoài nước. Nhiều cán bộ đã được đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt
Nam. Đội ngũ cán bộ của Khoa rất tâm huyết với nghề, luôn cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, biên soạn giáo trình, bài giảng và nghiên cứu khoa học. Khoa có 12/18 cán bộ giảng dạy đã soạn bài giảng theo phương pháp hiện đại và sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại thành thạo.

Với chức năng là đào tạo bậc đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học thông tin - thư viện theo hướng vừa phát triển lý luận cơ bản, vừa mang tính ứng dụng cao góp phần tạo nguồn nhân lực thông tin - thư viện chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hiện nay, Khoa đang đảm nhận các nhiệm vụ gồm: Đào tạo các lớp ngắn hạn nâng cao trình độ; Đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ ngành Thông tin - Thư viện; Đào tạo tin học cơ sở cho tất cả sinh viên các hệ trong toàn Trường ĐHKHXH&NV; Nghiên cứu lý luận và ứng dụng thông tin học, thư viện học vào một số lĩnh vực cụ thể nhằm phục vụ công tác đào tạo trong Nhà trường và tư vấn, dịch vụ cho xã hội về khoa học công nghệ thông tin - thư viện. Trong 10 năm qua, bên cạnh việc chú trọng mở rộng quy mô và loại hình đào tạo, Khoa còn rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa đã và đang đào tạo tổng số là 834 sinh viên chính quy, trong đó có 427 sinh viên đã tốt nghiệp. Tổng số sinh viên tại chức là 598, trong đó có 322 sinh viên đã tốt nghiệp. Năm học 2006-2007, Khoa đào tạo khoá cao học đầu tiên với 20 học viên chuyên ngành Thư viện học. Ngoài ra, Khoa đã liên kết đào tạo và cấp chứng chỉ cho nhiều lớp ngắn hạn nâng cao trình độ ở các cơ sở đào tạo, cơ quan thông tin - thư viện của các bộ, các ngành, các trường đại học, cao đẳng. Hầu hết số sinh viên đã tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành học, đã và đang phát huy tốt kiến thức của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Thông tin - Thư viện cả nước. Trước những tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông tới hoạt động nghề nghiệp, Khoa rất chú trọng đến đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo. Nhiều bài giảng được biên soạn lại để cập nhật kiến thức nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Trong chương trình đào tạo, sinh viên đã được đi kiến tập, thực tập tại các cơ quan thông tin - thu viện hiện đại nhất Việt Nam. Đến nay, 100% cán bộ giảng dạy lên lớp đã có bài giảng chi tiết hoặc giáo trình. 11 giáo trình đã được nghiệm thu và xuất bản, 8 môn học đã được ký hợp đồng soạn bài giảng điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang mô hình đào tạo tín chỉ.

Về công tác sinh viên,
để có nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin - thư viện phát triển toàn diện, Khoa đã đặc biệt quan tâm và đầu tư cho các hoạt động của sinh viên với các hoạt động như: thi tìm hiểu Luật bầu cử Quốc hội; thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; hội thi tiếng hát sinh viên; hiến máu nhân đạo; hoạt động tình nguyện mùa hè; hội chợ việc làm... Thông qua các hoạt động cụ thể, Khoa luôn chú trọng giáo dục cho sinh viên nâng cao ý thức chính trị, tình yêu quê hương đất nước, cộng đồng và nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa cũng tạo điều kiện để sinh viên có dịp giao lưu, học hỏi, tăng cường sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều sinh viên đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và 2 sinh viên đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt
Nam. Để tạo điều kiện cho sinh viên nhanh chóng tìm kiếm việc làm và nâng cao lòng yêu nghề, hàng năm, Khoa đều tổ chức Ngày hội giao lưu giữa sinh viên với các nhà tuyển dụng...

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, trong 10 năm qua, song song với nhiệm vụ đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên cũng được đặc biệt chú trọng và đầu tư. Trong 10 năm, Khoa đã tổ chức được 10 hội thảo khoa học cho sinh viên. Tổng số có 503 báo cáo khoa học của sinh viên được in trong 10 cuốn kỷ yếu. Sinh viên của Khoa đã đạt nhiều thành tích nghiên cứu khoa học: 1 giải nhì cấp Bộ, 10 giải nhất cấp Trường... Ngoài ra, Khoa đã được nhận 10 giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV về thành tích tập thể nghiên cứu khoa học của sinh viên, nhiều năm liên tục đạt giải nhất, giải nhì và giải ba toàn trường. Đặc biệt, năm 2005, sinh viên của Khoa đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về thành tích nghiên cứu khoa học, đạt giải nhì (không có giải nhất).

Để dạy tốt, không thể không nghiên cứu khoa học tốt, vì vậy, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa đã tham gia 1 đề tài cấp Nhà nước; chủ trì 2 đề tài cấp Bộ, 8 đề tài cấp ĐHQGHN, 10 đề tài cấp Trường. Nội dung đề tài chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, phục vụ thiết thực cho nội dung trong chương trình giảng dạy. Các đề tài đã được nghiệm thu đúng hạn, chất lượng được đánh giá tốt. Trong 10 năm, Khoa đã tổ chức thành công 8 hội thảo khoa học của cán bộ với quy mô trong nước và quốc tế, được Nhà trường và các nhà khoa học đánh giá cao. Chỉ tính từ năm 2001 đến 2006, Khoa đã tổ chức thành công 7 hội thảo khoa học lớn như: “Đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy và học tập của trò”; “Đảm bảo chất lượng đào tạo cán bộ thông tin - thư viện”; “Đổi mới phương pháp học tập của sinh viên”... Tập thể cán bộ của Khoa đã dịch xong cuốn: “Thư viện trong thế kỷ XXI - Những dịch vụ mới cho kỷ nguyên thông tin”. Ngoài ra, cán bộ giảng dạy của Khoa đã viết hàng chục bài đăng trong các tạp chí khoa học khác nhau và các báo cáo khoa học tham gia tại các hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Các bộ môn và chi đoàn cán bộ trong Khoa thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học chuyên môn...

Về lĩnh vực quan hệ, hợp tác quốc tế
của Khoa trong những năm qua đã có những khởi sắc và đạt hiệu quả. Khoảng 15 lượt cán bộ giảng dạy đã được đi học cao học, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, dự hội thảo khoa học tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều buổi thuyết giảng, nói chuyện chuyên đề của các nhà khoa học nước ngoài đã được tổ chức cho giảng viên và sinh viên. Khoa đã có hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo thông tin - thư viện ở nước ngoài như: Đại học Văn hoá Matxcơva, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Thư viện Quốc hội Mỹ; Trường Đại học Conel, Đại học Montreal (Canađa), Viện Công nghệ Châu Á (AIT - Thái Lan), Đại học Mahasarakham (Thái Lan); Đại học Victoria (New Zealand); Đại học Nam úc... Khoa thực hiện mục tiêu duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, trao đổi tài liệu, phát triển các hình thức phối hợp đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường tính chủ động trong hợp tác. Toàn bộ cán bộ giảng dạy của Khoa đều là thành viên chính thức của Hội Thông tin Tư liệu Khoa học & Công nghệ Việt
Nam và đã có đơn xin gia nhập Hội Thư viện Việt Nam. Khoa đã và đang hợp tác giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn nhiều khung chương trình đào tạo ở các cấp bậc đào tạo khác nhau cho nhiều cơ sở đào tạo trong nước. Uy tín của Khoa đối với các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước ngày càng được khẳng định.

Công tác phát triển cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ và học tập của sinh viên trong những năm qua cũng được Khoa quan tâm, đầu tư đúng mức. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất của Khoa đã có nhiều đổi mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa. Khoa đã được Nhà trường giao cho quản lý 4 phòng máy tính thực hành của sinh viên với trên 100 máy. Phòng tư liệu chuyên ngành có máy chủ và hệ thống máy tính tra cứu. Tư liệu chuyên ngành được xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý trên máy tính và phục vụ theo phương pháp hiện đại…

Ghi nhận những thành tích đáng kể của Khoa trong những năm qua, tập thể cán bộ và sinh viên đã nhận được 5 bằng khen và 12 giấy khen của các Bộ, các tổ chức xã hội và Nhà trường về thành tích trên mọi mặt hoạt động. Đó là bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hà Nội; Chủ tịch Hội sinh viên thành phố Hà Nội; Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV…

Định hướng phát triển của Khoa:

Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là đơn vị thành viên của Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Khoa Thông tin - Thư viện đã ý thức rất rõ trách nhiệm và sứ mạng của mình trong việc đảm bảo đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực thông tin - thư viện “vừa hồng vừa chuyên”, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có sức khoẻ và được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội về nghề nghiệp đang biến đổi nhanh chóng dưới sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông. Để làm được điều đó, từ nay đến năm 2010, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ III và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV lần thứ XXV, với khẩu hiệu hành động: Đổi mới - Hội nhập - Chất lượng cao, mỗi cán bộ của Khoa Thông tin - Thư viện cần nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ. Tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ giảng dạy đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Song song với công tác phát triển đội ngũ cán bộ về lượng và chất, tập trung ổn định và mở rộng quy mô và đa dạng hoá hình thức đào tạo một cách hợp lý đáp ứng nhu cầu về trình độ ngày càng cao của xã hội. Chú trọng đặc biệt đến nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc thực hiện tốt việc chuyển đổi chương trình đào tạo đại học và sau đại học sang mô hình đào tạo theo tín chỉ, lấy người học làm trung tâm. Xây dựng và thực hiện tốt lộ trình thực hiện việc chuyển đổi và biên soạn bài giảng điện tử và thí điểm soạn bài giảng đào tạo từ xa theo chương trình của mô hình đào tạo tín chỉ trên cơ sở lộ trình chuyển đổi đào tạo của Trường. Trước mắt, áp dụng chương trình đào tạo mới được biên soạn và đã được lãnh đạo trường phê duyệt. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy của thầy và học tập của trò. Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên và học viên. Chú trọng đến việc đảm bảo điều kiện nghiên cứu, học tập và nguồn tư liệu tham khảo phục vụ giảng dạy của thầy và học tập của trò. Tăng cường kỹ năng kiến thức thông tin cho sinh viên và học viên cao học. Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, gắn liền nội dung nghiên cứu khoa học của thầy và trò với nội dung đào tạo. Tăng cường hơn nữa công tác quan hệ quốc tế. Tăng cường trao đổi tài liệu khoa học, học thuật với các trường đại học, các cơ quan thông tin - thư viện của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Mở rộng và tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước.

Nâng cao vai trò lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể của Khoa như: Chi bộ, Công đoàn, Liên chi đoàn, Liên chi hội... tạo thành sức mạnh tổng hợp để động viên, khuyến khích cán bộ và sinh viên thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò, sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Khoa, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và của ĐHQGHN nói chung./.

 Bài: TS. Trần Thị Quý - Ảnh: Tư liệu và Việt Phú
VNUnews (Theo Bản tin ĐHQGHN, số 188, ra tháng 10/2006) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :