ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Anh - Mỹ Trường ĐHNN giai đoạn 2000-2005, nhìn từ khía cạnh đào tạo(*)
(Trích báo cáo của Khoa Ngôn ngữ & Văn hoá Anh - Mỹ, trường ĐHNN tại Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm trường ĐHNN)

5 năm qua (2000-2005), cùng với các thành tích chung của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Mỹ (NN&VH Anh - Mỹ) có những nỗ lực vượt bậc để đạt được những thành tích đáng khích lệ trong nhiều hoạt động khác nhau như công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng, công tác sinh viên, công tác Đảng và đoàn thể..., đặc biệt là các thành tích trong công tác đào tạo.

1- Quy mô và kết quả đào tạo không ngừng tăng

Nhiệm vụ được giao: đào tạo cử nhân Anh văn ngành sư phạm và ngành phiên dịch hệ chính quy bốn năm, hệ cử nhân chất lượng cao, hệ cử tuyển, đào tạo ngoại ngữ văn bằng hai cho các khoa Nga, Pháp, Trung v.v..., chứng chỉ sư phạm, thạc sĩ khoa học Ngữ văn đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ và theo hai chuyên ngành Lý luận ngôn ngữ và Phương pháp giảng dạy, ngoài ra còn đào tạo cử nhân cao đẳng sư phạm hệ ba năm, văn bằng hai, hệ đại học vừa học vừa làm...

Cùng với sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của nhà trường, quy mô và chất lượng đào tạo của Khoa NN&VH Anh - Mỹ cũng không ngừng tăng cao với 119 người năm 2000 đến 149 người năm 2005, giảng dạy trong 11 tổ bộ môn. Số sinh viên hàng năm cũng tăng, từ tổng số sinh viên ngành tiếng Anh học ở Khoa năm 2000 là khoảng 1.570 sinh viên lên 2.007 sinh viên năm học 2004 - 2005.

Trong 5 năm học qua, Khoa đã đào tạo được hơn 2.000 cử nhân các hệ sư phạm và phiên dịch. Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt 92 - 98%, có năm tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% trong đó có 5 - 10% đạt loại giỏi, 40 - 50% đạt loại khá, hầu hết sinh viên ra trường làm việc đúng chuyên môn và phát huy tốt khả năng ở địa phương và các cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, Khoa còn đảm nhiệm đào tạo hàng ngàn sinh viên các hệ tại chức, văn bằng II và chuyên tu. Ngoài ra, Khoa cũng đào tạo được hàng trăm sinh viên cao đẳng, phục vụ cho nhu cầu dạy ngoại ngữ ở các trường THPT và THCS của các địa phương.

Với số lượng sinh viên chính quy hàng năm ngày càng tăng và số lượng cán bộ tăng không đáp ứng được mức tăng của yêu cầu đào tạo, giáo viên của Khoa NN&VH Anh - Mỹ luôn phải đảm nhiệm một khối lượng giờ dạy chính quy tương đối lớn. Bình quân giờ dạy của giáo viên trong Khoa hàng năm vượt mức chuẩn khoảng từ 15-20%, cá biệt có nhiều giáo viên các tổ thực hành tiếng phải dạy đến 395 giờ/năm, vượt gần 50% giờ chuẩn, bên cạnh việc đảm nhiệm các công tác khác về đào tạo như coi chấm thi, hướng dẫn khóa luận, niên luận v.v...

Ảnh: Đỗ Thiện Hòa

2- Liên tục phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo

Tuy phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều như vậy nhưng giáo viên Khoa NN&VH Anh - Mỹ vẫn không ngừng tìm tòi để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhận thức được rằng chất lượng đào tạo là vấn đề cốt lõi trong phát triển, Khoa đã không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy. Là khoa đi đầu trong công tác đào tạo với chất lượng cao, Khoa đã tích cực thực hiện phương pháp lấy người học làm trung tâm. Khoa đã và đang thực hiện thành công xuất sắc các hợp đồng, đề tài đổi mới phương pháp giảng dạy ở hầu hết các môn thực hành và các môn lý thuyết: Môn Lý thuyết tiếng (2002), Văn học I, môn Đọc, Viết, Nói ở các học phần 1, 2, 3 và 4 (2003-2004). Năm học 2005-2006 tiếp tục thực hiện hợp đồng đổi mới môn Nghe (các HF1, 2, 3, và 4), Dịch, Văn học II, Tiếng Anh chuyên ngành v.v... Đổi mới công tác thực tập sư phạm và đặc biệt là đổi mới công tác thực tập hệ phiên dịch.

Việc đổi mới đã tập trung vào cải tiến các hoạt động dạy học của giáo viên nhằm đạt hiệu quả cao trong việc giúp sinh viên rèn luyện và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để tiến tới đạt chuẩn. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng nhằm nâng cao tính độc lập và tự chủ của sinh viên trong học tập, giúp xây dựng và bồi dưỡng khả năng học tập và nghiên cứu độc lập cho sinh viên, giúp sinh viên hình thành và phát triển những phẩm chất trí tuệ cần thiết cho công việc sau này như khả năng hợp tác, khả năng lãnh đạo, khả năng lao động với ý thức kỷ luật cao, tác phong lao động chuyên nghiệp. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng tăng cường đưa các phương tiện hỗ trợ dạy học tiên tiến và khai thác những tiện ích của công nghệ thông tin vào quá trình dạy học, nhằm đạt hiệu quả tối đa cho giờ học.

3- Đa dạng hoá loại hình đào tạo: Đào tạo hệ cử nhân sư phạm và cử nhân phiên dịch chất lượng cao

Một nét mới trong công tác đào tạo của Khoa và cũng thể hiện việc sáng tạo, đi đầu trong việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo từ năm học 2001-2002 để thực hiện chủ trương của nhà trường và của ĐHQGHN, Khoa đã chính thức đảm nhiệm đào tạo hệ cử nhân tiếng Anh chất lượng cao. Hiện Khoa đã có 4 lớp CLC hệ sư phạm (mỗi lớp 20 sinh viên) và bắt đầu từ năm 2003, được sự đồng ý của nhà trường, Khoa đã mở lớp cử nhân phiên dịch chất lượng cao (hiện có 2 lớp, 15 sinh viên/lớp). Với tư tưởng chủ đạo là lấy người học làm trung tâm, hệ đào tạo này đã thực sự hoạt động có hiệu quả, triển khai và áp dụng được nhiều phương pháp và kỹ thuật giảng dạy tiên tiến, mang lại hiệu quả rõ rệt, thể hiện ở kết quả học tập của sinh viên, ở tính năng động, chủ động và tích cực của các sinh viên hệ này. Kết quả hoạt động của hệ chất lượng cao cho thấy nhiều phương pháp và cách thức tổ chức giảng dạy của hệ này khi sử dụng làm mô hình áp dụng cho hệ đại trà sẽ hứa hẹn có thể giúp nâng cao chất lượng đào tạo của hệ này lên.

4- Công tác xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình

Một khâu quan trọng của công tác đào tạo là xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình. Chương trình môn học được xây dựng khoa học và hiệu quả, giáo trình được biên soạn công phu, kỹ lưỡng và phù hợp cũng là những yếu tố đảm bảo cho chất lượng đào tạo. Với nhận thức đó khoa đã xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ các chương trình môn học trong khung chương trình. Đã biên soạn, tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng được 54 bộ giáo trình, đưa vào sử dụng cho tất cả các môn học, đảm bảo môn học nào cũng có đầy đủ bộ giáo trình chính và các giáo trình bổ trợ. Ngay cả nhóm chất lượng cao, tuy mới được triển khai từ năm 2001 nhưng cũng đã xây dựng được đầy đủ các chương trình môn học và các bộ giáo trình cho môn Thực hành tiếng. Khoa cũng liên tục thực hiện rà soát và đổi mới, cập nhật và bổ sung giáo trình nhằm giúp cho công tác đào tạo đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Các bộ môn thực hành tiếng đã nghiên cứu lựa chọn được một bộ giáo trình mới, hiện đại, hoàn chỉnh, đảm bảo tính liên thông từ năm thứ nhất đến năm thứ tư và sẽ đưa vào sử dụng từ năm học 2005-2006.

5- Xác định chuẩn kiến thức và năng lực tiếng cho cử nhân tiếng Anh hệ sư phạm

Trong những năm học qua, Khoa cũng đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu để xác định được mức chuẩn năng lực và kiến thức tiếng Anh cho cử nhân hệ sư phạm, và từ đó xác định mức chuẩn cho sinh viên hệ phiên dịch. Bên cạnh mức chuẩn đầu ra của sinh viên, Khoa cũng đã xác định được mức chuẩn cụ thể cho các năm học như: Hết năm thứ nhất: Chuẩn ALTE đạt trình độ 2: Bước đầu biết sử dụng; Bậc Cambridge tương đương: PET, Bậc CEFRL tương đương: B1;... đến hết năm thứ ba và thứ tư: Chuẩn ALTE đã trình độ 4: Sử dụng khá, Bậc Cambridge tương đương: CAE, Bậc CEFRL tương đương: C1.

Để đạt được mức chuẩn trên Khoa NN&VH Anh - Mỹ cũng đã nghiên cứu và thống nhất được một lộ trình để phấn đấu đạt đến mức chuẩn đó trong một thời gian sớm nhất, trong đó sẽ tiến hành cải tiến, đổi mới công tác đào tạo một cách toàn diện phương pháp, chương trình, giáo trình tới kiểm tra đánh giá.

6- Không ngừng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ

Trong công tác đào tạo, yếu tố con người giữ một vai trò then chốt. Chính vì vậy Khoa NN&VH Anh - Mỹ đã xây dựng được một chiến lược bồi dưỡng đội ngũ. Khoa luôn động viên, tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ đi học các khoá cao học trong và ngoài nước. Từ con số hơn 40 thạc sĩ năm 2000, hiện nay Khoa đã có 65 thạc sĩ và dự kiến đến hết năm 2005 Khoa sẽ có thêm 1 tiến sĩ và 7 thạc sĩ, nâng tỉ lệ tiến sĩ và thạc sĩ trong Khoa lên hơn 53%. Khoa cũng phấn đấu đến năm 2010 sẽ có 100% số giảng viên có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Khoa cũng liên tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do các chuyên gia trong và ngoài nước đảm nhiệm. Sinh hoạt tổ bộ môn càng ngày càng được cải tiến và nâng cao chất lượng để cán bộ giảng dạy có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức mới để cùng nhau nâng cao kết quả đào tạo trong bộ môn.

Với thành tích trong đào tạo nói trên, cùng với thành tích trong các mặt hoạt động khác mà Khoa NN&VH Anh - Mỹ trong những năm qua đã liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và tập thể lao động xuất sắc, có 2 tổ bộ môn đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giám đốc ĐHQGHN, nhiều giảng viên đạt danh hiệu cán bộ giảng dạy giỏi cấp cơ sở và cấp ĐHQGHN.

Để có được những kết quả đó, bên cạnh nỗ lực lớn lao của tập thể giảng viên và cán bộ trong Khoa còn sự hỗ trợ to lớn của Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường và các phòng ban, trung tâm cũng như sự cộng tác chặt chẽ của các tổ bộ môn, các khoa đào tạo khác. Chúng tôi mong mỏi tiếp tục nhận được sự ủng hộ và trợ giúp của Đảng ủy, Ban giám hiệu và các phòng ban, trung tâm và tổ bộ môn, các khoa đào tạo khác trong trường để chúng tôi có thể không ngừng nâng cao được hiệu quả và chất lượng đào tạo của mình, góp phần giữ vững vị thế của nhà trường trong đào tạo ngoại ngữ trên cả nước.

 Khoa NN&VH Anh, ĐHNN - ĐHQGHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :