ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Nên mở mã ngành bảo hiểm tiền gửi trong trường đại học
Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã được triển khai ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, với mục đích bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo ổn định hoạt động ngân hàng, thúc đẩy huy động vốn cho đầu tư phát triển bền vững.

Tính ưu việt của chính sách BHTG được thừa nhận và có tác dụng to lớn ở một số nền kinh tế, song cũng có nhiều ý kiến khác nhau về định hướng phát triển của nó. Thời gian qua, hoạt động BHTG đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển tài chính vi mô ở Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực “chuyên nghiệp” trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu. Vậy nên chăng, cần thiết phải mở mã ngành đào tạo lĩnh vực này trong trường đại học. Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc Chi nhánh BHTG Việt Nam khu vực Hà Nội cho biết:

Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính nhà nước được Chính phủ giao triển khai chính sách BHTG ở Việt Nam trong thời gian qua. Hoạt động BHTG ở Việt Nam được xem là một trong các giải pháp chính sách nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Xin TS có thể cho biết BHTGVN bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền thông qua những hoạt động nào?

Ngài Massanosi Tanabe, Phó thống đốc BHTG Nhật Bản và TS. Nguyễn Thị Kim Oanh trao đổi về định hướng phát triển chính sách BHTG ở Nhật Bản, Tokyo, tháng 11/2008

BHTGVN bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền thông qua hai loại hoạt động chính: Kiểm tra, giám sát để kiểm soát và phòng ngừa rủi ro xẩy ra trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG; Hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia BHTG có khó khăn về thanh khoản, chi trả tiền bảo hiểm và theo dõi sau chi trả để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trên mức chi trả theo quy định của Luật Phá sản. Tính đến tháng 3/ 2009, BHTGVN đã chi trả cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại 37 tổ chức có huy động tiền gửi bị chấm dứt hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

Có thể nói, hoạt động BHTG ở Việt Nam trong những năm qua đã góp phần tích cực thúc đẩy ổn định hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho huy động vốn nhàn rỗi qua hệ thống ngân hàng, thúc đẩy phát triển tài chính vi mô ở Việt Nam.

Đóng vai trò quan trọng như vậy, thế nhưng có vẻ như việc nghiên cứu và đào tạo về BHTG ở nước ta còn khá mới mẻ, thưa TS?

Năm 1997, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban trù bị triển khai hoạt động BHTG, tập trung nguồn lực nghiên cứu để có thể sớm triển khai hoạt động này. Việc nghiên cứu được diễn ra theo hình thức tổ chức đi khảo sát các nước có hoạt động BHTG, tìm hiểu về tình hình triển khai hoạt động này trên thế giới, ứng dụng các kinh nghiệm của thế giới một cách có chọn lọc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Cùng với các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách BHTG, nhiều cá nhân và tổ chức cũng quan tâm, nghiên cứu hoạt động này. Các nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá vai trò, tầm quan trọng, chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHTG, loại tiền gửi cần được bảo hiểm, rủi ro trong hoạt động BHTG, giải pháp phát triển… Các nghiên cứu này đã làm nổi bật sự cần thiết khách quan triển khai hoạt động BHTG ở nước ta, tính đúng đắn và hợp lý của các yếu tố trong chính sách BHTG được triển khai trong giai đoạn vừa qua, như mô hình tổ chức, phí đồng hạng trong giai đoạn đầu, cách tính phí hợp lý, đối tượng tham gia BHTG là bắt buộc, các hỗ trợ có chọn lọc của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đủ thấp để kiểm soát rủi ro trong hoạt động BHTG và đủ cao để kích thích huy động vốn...

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh

Vậy nên chăng cần đưa chương trình đào tạo về BHTG giảng dạy trong các trường đại học?

Đúng vậy. Công tác nghiên cứu và đào tạo về hoạt động BHTG ở Việt Nam còn ở một mức độ nhất định, mới đáp ứng phần nào nhu cầu triển khai hoạt động BHTG trong những năm đầu. Kiến thức về BHTG chưa được triển khai đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu ở các trường đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo cán bộ cho hoạt động BHTG đang được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai theo hình thức tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ theo từng chuyên đề đáp ứng đòi hỏi của công việc đang triển khai. Vì vậy, tính hệ thống, chuyên nghiệp chưa cao và đối tượng được đào tạo cũng hạn chế. Để triển khai có hiệu quả và khẳng định vai trò của hoạt động BHTG trong nền kinh tế đang đà phát triển, cần có định hướng và chiến lược nghiên cứu ở mức cao hơn, công tác đào tạo cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Điều đó nói lên rằng, chúng ta đang “cháy” nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho hoạt động BHTG?

Đối với người gửi tiền, hạn mức chi trả BHTG là mục tiêu quan tâm đầu tiên của họ và là biểu thị rõ nét mức độ bảo vệ đối với họ. Kinh nghiệm về hoảng loạn của người gửi tiền xẩy ra ở nhiều nước và ở Việt Nam (tại Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Ninh Bình và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam trước đây) cho thấy, mức độ phổ cập thông tin về chính sách BHTG đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và củng cố niềm tin của người gửi tiền. Điều đó đặt ra vấn đề cần có chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức về hoạt động BHTG. Nhân lực làm công tác BHTG, nhân lực có hoạt động liên quan trực tiếp tới BHTG, nhân lực triển khai hoạt động ngân hàng cần được đào tạo kiến thức cơ bản về BHTG. Họ sẽ là nguồn nhân lực truyền tải và phổ cập thông tin về chính sách BHTG tới cộng đồng.

Hơn nữa, hoạt động BHTG nếu được quan tâm và phát triển đáp ứng vai trò và tầm quan trọng trong nền kinh tế sẽ tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng. Đặc biệt trong điều kiện nước ta, để đáp ứng yêu cầu kiểm soát rủi ro ngân hàng, nhân lực cho hoạt động kiểm soát hoạt động ngân hàng được đòi hỏi nhiều hơn nữa về số lượng và cần được đào tạo thường xuyên, có tính chuyên nghiệp cao hơn. Kinh nghiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết một nhân lực đã được đào tạo về chuyên ngành kiểm tra ngân hàng mới được tuyển dụng cần được tiếp tục đào tạo từ 3 đến 5 năm qua thực tế mới làm được công tác kiểm tra có hiệu quả. FDIC đã sử dụng đội ngũ nhân lực lớn để triển khai nhiệm vụ của mình. Khi thành lập năm 1934, FDIC có 846 nhân sự, số liệu cuối năm 2007 và năm 2008 là 4.532 người và 5.034 người (FDIC, 2008).

Theo TS, nếu chúng ta triển khai nghiên cứu và đào tạo về BHTG thì cần ưu tiên nghiên cứu vấn đề nào?

Theo tôi, có bốn vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu: Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc điều chỉnh hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi. Thứ hai, nghiên cứu áp dụng phí BHTG không đồng hạng. Thứ ba, nghiên cứu triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ khách hàng. Cuối cùng, tổ chức BHTG tham gia xử lý hiệu quả ngân hàng có vấn đề.

Tổ chức BHTG tham gia xử lý ngân hàng có vấn đề, TS có thể cho biết rõ hơn được không?

Sự liên kết kinh tế càng chặt chẽ thì tác động và phản ứng dây chuyền càng dễ xảy ra. Để đối phó với khủng hoảng, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã sử dụng thành công công cụ chính sách BHTG giải quyết ngân hàng có vấn đề.

Giải quyết ngân hàng có vấn đề một cách có hệ thống như ở Mỹ cần có những qui định cụ thể về: đối tác có trách nhiệm tham gia, nguồn tài chính, cơ sở pháp lý, trình tự và thủ tục giải quyết, cơ chế giải quyết rủi ro… Đây là những vấn đề lớn và có nhiều thách thức đối với một nền kinh tế đang phát triển, trong quá trình chuyển đổi, như Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về vấn đề này rất cần thiết được nghiên cứu và có định hướng chuẩn bị để vận dụng trong tương lai.

Xin cảm ơn TS!

 Quang Anh (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :