Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Nghiên cứu Việt nam học: “chiêng càng to, tiếng càng lớn”
Nhân dịp Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba diễn ra ở Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Ðinh Văn Ðức, chuyên gia về Ngôn ngữ và Văn hoá ngôn ngữ của ÐHQGHN xung quanh một số vấn đề đang đặt ra cho việc nghiên cứu và giảng dạy Việt

Thưa giáo sư, “Việt Nam học” là một thuật ngữ vẫn còn mới ở ta và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Xin ông cho biết ý kiến riêng của mình?

GS.TS Ðinh Văn Ðức: Thật ra, tôi chưa phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp về Việt Nam học. Do địa hạt chuyên môn của tôi có liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá Việt nên tôi mới có dịp tham gia vào lĩnh vực Việt Nam học. Tuy nhiên từ chỗ đứng của mình, tôi cũng có quan sát được một số điều về vấn đề này. ÐHQGHN vừa có và sắp có 2 sự kiện liên quan đến lĩnh vực Việt Nam học, đó là: Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam vừa mới diễn ra, Hội nghị Quốc tế về Việt Nam học lần thứ III sẽ khai mạc tại Hà Nội đầu tháng 12 này và Khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài của Trường ÐHKHXH&NV vừa mới được đổi tên thành Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Ðiều đó cho thấy khởi đầu của Việt Nam học là để nghiên cứu, giới thiệu ra nước ngoài, đến với các bạn bè quốc tế. Trên thế giới cũng vậy, các lĩnh vực kiểu như Việt Nam học thường hướng ngoại nhiều hơn hướng nội vì người bản địa thì đã có những chuyên ngành riêng dành cho họ rồi chẳng hạn như văn, sử, ngữ, triết, xã hội học, tâm lý, nhân học...). Tuy nhiên gần đây, ở nước ta, tại các trường đại học và nay ở cả các viện nghiên cứu xuất hiện phong trào mở ngành Việt Nam học đào tạo cho cả người bản địa. Có lẽ đây là một suy nghĩ theo hướng tìm tòi cái mới nhằm nghiên cứu và phát hiện thêm chính mình. Nếu như vậy thì cũng nên ủng hộ, dù có khác với thông lệ của nhân văn học Quốc tế.

Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội) Ảnh: BT

Tôi quan niệm rằng, Việt Nam học là khoa học về Việt Nam (Vietnamese Studies). Ðã là khoa học thì phải có đối tượng và có phương pháp nghiên cứu. Trong nghiên cứu Việt Nam học ở nước ta, chúng ta mới đặt vấn đề chứ chưa nhận diện thật sự được đối tượng, còn phương pháp ư? Lại phải nhận diện được đối tượng thì mới có phương pháp và các kỹ năng nghiên cứu. Việt Nam học hiện nay, ở bước khởi đầu, ta mới chỉ là “Góp gạo thổi cơm chung”, hô hào tập hợp liên ngành. Ðể cho Việt Nam học có hình hài và cá tính khoa học thì còn cả một chặng đường dài với nhiều chuyện phải lo toan. Không nên dễ dãi và đơn giản bởi chúng ta cần phải có lộ trình và phải có sự đầu tư.

Vậy theo giáo sư thì lộ trình nào để nước ta có thể phát triển Việt Nam học sớm có hiệu quả?

GS.TS Ðinh Văn Ðức: Xuất phát điểm của ta thấp, nhưng không được tự ti mà phải cố gắng. Cách làm ban đầu bao giờ cũng theo kiểu du kích nhưng mục tiêu phải là chính quy và chuyên nghiệp. Vậy thì phải học, học cách nghiên cứu, cách giảng dạy, nhất là từ kinh nghiệm của quốc tế. Tôi đã có dịp đi, tiếp xúc nhiều và thấy rằng quốc tế người ta cũng không thông minh về đầu óc hơn người Việt, nhưng quả thật họ có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu hơn, nhất là nghiên cứu chuyên sâu. Phương pháp và kỹ năng của họ chỉnh chu hơn. Vì thế nên không hề ngạc nhiên là các bài nghiên cứu về Việt Nam học của người ta được đăng nhiều trên các tạp chí quốc tế, được nhiều người đọc và biết đến. Một tình trạng chung ở ta hiện nay là nghiên cứu chưa sâu và chưa kỹ nên chất lượng chưa cao. Lại có những chuyện lạ đời, thường phải nghiên cứu rồi mới mang kết quả ra giảng dạy, nhưng ở ta thì ngược lại. Việt Nam học được mở dạy tràn lan nhưng chưa nghiên cứu được bao nhiêu. Tôi có xem chương trình và bài giảng về Việt Nam học ở một vài cơ sở đào tạo thì thấy còn dễ dãi quá, cứ như “Góp gạo thổi cơm chung”, mỗi thứ một chút, nhưng gạo không ngon và vo cũng chưa sạch. Vả lại mình cũng có thói quen là hay dạy cái mình có chứ chưa phải cái người khác cần? Dạy Việt Nam học cho người Việt là tìm hiểu chính mình thì phải đặt ra những câu hỏi sâu sắc. Một lần làm xêmina ở nước ngoài, sinh viên hỏi tôi một câu lớn thì tôi trả lời ngay được: “Tại sao trong quá khứ, người Việt thắng những nước lớn trong chiến tranh giữ nước?”, nhưng khi một em khác hỏi tôi câu nhỏ thì tôi phải khất, về nhà tìm sách đọc và hỏi han các đồng nghiệp Việt Nam rồi mới trả lời được câu này: “Tại sao người mỗi nước đều quen và cho là món ăn của mình ngon hơn, thích hơn của nước khác, nhưng khi em sang Việt Nam em thấy ai cũng thích món ăn Việt và ăn rất nhiều, em chưa thấy ai chê cả?”. Một điều đáng chú ý trong lộ trình phát triển ngành Việt Nam học là nên có trọng tâm, có các tiêu điểm để ưu tiên, không nên “gì cũng làm”.

Vậy ông đã tham gia nghiên cứu và phổ biến Việt Nam học như thế nào?

GS.TS Ðinh Văn Ðức: Như đã nói, tôi chưa phải là người nghiên cứu Việt Nam học chuyên nghiệp. Tôi chỉ nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học trong phạm vi chuyên môn của tôi tức là từ Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, rồi qua đó mà tham gia vào sự nghiệp này. Trong các nghiên cứu đã công bố và đang tiếp tục thực hiện thì định hướng của tôi hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn tiếng Việt, làm rõ đặc trưng của ngôn ngữ này trong địa hạt mà tôi chuyên sâu, cốt sao nhận diện được quy tắc giao tiếp và cốt cách của tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Ðó cũng là văn ngôn từ. Và phải giới thiệu cái đó với cả thế giới. Tôi may mắn cũng có đôi dịp được mời tham gia giảng dạy Việt Nam học về mảng ngôn ngữ và văn hoá ngôn ngữ Việt Nam ở các trường đại học quốc tế. Những dịp đó giúp mình vừa giới thiệu được về Việt Nam, vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và triển khai các vấn đề. Nghiên cứu thì phải có trao đổi, có phản biện thì mới khá lên được, còn chỉ thích khen thì học thuật sẽ hạn chế. Gần đây tôi rất thích giới sử học nước ta tổ chức Hội thảo lớn về Vương triều Nguyễn với phương châm: “Khách quan, trung thực, công bằng”. Tuy có chậm, nhưng phải như vậy thì Việt Nam học trong địa hạt này mới tiến lên được. Trong ngành nghiên cứu Việt Nam học thì vẫn nên theo nguyên tắc: “Một cây làm chẳng nên non”. Ai có khả năng nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam đều có thể có đóng góp cho Việt Nam học bên cạnh những người nghiên cứu chuyên nghiệp...

Bia Tiến sĩ - Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: BT

Theo ý kiến giáo sư thì quốc tế người ta quan tâm nhiều đến những vấn đề gì khi nghiên cứu về Việt Nam học ngày nay?

GS.TS Ðinh Văn Ðức: Bác Hồ đã căn dặn rằng: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng càng to thì tiếng càng lớn”. Biểu ngôn này thật sâu sắc. Cứ thử hỏi Việt Nam không có được cái cương vị hôm nay thì cũng không ai mặn mà gì nghiên cứu về Việt Nam. Bạn bè quốc tế và cả các đối thủ cũ cũng nghiên cứu về Việt Nam là để giải thích nhiều câu hỏi về quá khứ và định sách cho tương lai. Tôi biết là có nhiều kế hoạch nghiên cứu về Việt Nam không thuần tuý mang tính học thuật mà theo đơn đặt hàng để góp phần hoạch định chính sách của các quốc gia. Tuy nhiên giới Việt Nam học không chỉ nghiên cứu những chuyện lớn mà đôi khi cả những đề tài nhỏ nữa. Chẳng hạn, mới đây tôi được bạn bè hỏi và nhờ tìm người hướng dẫn cho 2 nghiên cứu sinh nước ngoài về 2 đề tài rất khác nhau về “Vai trò của các hoạn quan trong các vương triều phong kiến Việt Nam” và “Vai trò và cơ chế hoạt động của các đầu nậu sách trong thị trường in ấn và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay”. Ðiều đó cho thấy, rõ ràng người ta sẽ quan tâm nghiên cứu đến cái gì người ta cần. Tuy vậy, trách nhiệm của giới Việt Nam học nước ta là phải giới thiệu được có hệ thống nhiều lĩnh vực, nhiều địa hạt của chúng ta, những cái mà thực tiễn đất nước đang đòi hỏi...

Có ý kiến cho rằng ÐHQGHN phải trở thành một thánh địa của Việt Nam học. Giáo sư nghĩ thế nào về điều đó?

GS.TS Ðinh Văn Ðức: Tôi cũng hy vọng như vậy. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên mơ mộng trên cơ sở thực tế, nếu không thì sẽ thành lạc quan tếu. Việt Nam học ở nước ta bây giờ mới là bước khởi đầu, thánh địa còn ở xa dù đang hướng tới nó mà đi. Vả lại, thánh xưa nay là do người khác phong chứ không phải tự mình phong cho mình bao giờ. Những người yêu bóng đá ở ta cũng luôn mơ ngày nào sân Mỹ Ðình trở thành một thánh địa của túc cầu khu vực. Tuy vậy, cần nhớ rằng phải có trình độ bóng đá như nước Anh, hay Tây Ban Nha thì sân Wembley và Nou Camp mới trở thành thánh địa. Còn nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam bây giờ là làm thật nhiều việc để mong sao thắng được Singapore rồi tiến lên thắng được Thái Lan. Hy vọng là quyền của chúng ta, nhưng cũng nên nhớ tới triết lý của người Hy Lạp: Hy vọng là phần còn sót lại trong cái hộp Pan-đo-rơ sau khi một vị thần đã gieo nhầm tai vạ xuống hạ giới. Tuy còn sót lại nhưng hy vọng đã phát triển nhanh làm cho con người tự tin mà phát triển. Việt Nam học ở nước ta cũng vậy thôi! Chúng ta đang hy vọng để tiếp tục đi tới...

 >> Bùi Tuấn (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :