Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Nên hay không trả bài thi ở bậc đại học?
Có nên trả bài cho sinh viên ở bậc đại học hay không? Nhiều khi các thầy cũng muốn trả nhưng có trường nào làm như thế đâu? Thôi các em lên khoa mà thắc mắc. Ôi cái việc “trả bài” tưởng nho nhỏ mà khó tới vậy sao?

Cứ sau một mùa thi mỗi sinh viên lại có những tâm trạng khác nhau: người thì hồi hộp, băn khoan lo lắng… Đó là tâm lý chung của những người chờ điểm thi. Tại lớp Quản lý K47 - ĐHKHXH&NV tới giờ ra chơi mà không thấy ai ra như mọi khi, tất cả cùng ngồi lại vì biết hôm nay sẽ có kết quả thi môn chuyên ngành. Ôi cái giờ phút đó mới hồi hộp làm sao! Với tâm trạng đó bạn Hoàng Anh Sơn nói: "Tôi thấy bình thường vì ngay từ khi vào đại học tôi đã xác định học để lấy kiến thức chứ không vì điểm cao trong thi cử nên chẳng mấy khi tôi bận tâm tới kết quả".

Còn bạn Nguyễn Văn Tạo lại có quan điểm khác: “Tất nhiên học là để lấy kiến thức chứ không phải chỉ vì điểm cao nhưng khi ra trường để có thể xin được việc cần có tấm bằng khá trở lên mới hy vọng không bị thất nghiệp. Chính vì thế cần phải phấn đấu để lấy điểm cao, hơn nữa điểm cao cũng phản ánh kết quả học tập của mình là hiệu quả".

Với bạn Nguyễn Văn Lộc thì lại có những thắc mắc khác: "Trong lớp mình cũng chú ý nghe giảng, di học đều và ghi bài đầy đủ, hăng hái phát biểu và có những đóng góp xây dựng bài khiến các thầy cô không chỉ nhơ mặt mà còn nhớ cả họ tên. khi ôn thi cũng rất chăm chỉ và làm bài thi rất tốt. Ra khỏi phòng thi có cảm giác rất yên tâm, vậy mà khi nhận kết quả thi thì lại không như ý muốn của mình. Chẳng hiểu mình sai ở chỗ nào nữa, muốn kiểm tra lại và so sánh với các bạn điểm cao thì chẳng thể được vì ở đại học có bao giờ trả bài đâu”. Đúng là ở bậc đại học chưa bao giờ thấy các thầy, cô giáo trả bài và chữa cho sinh viên.

Xoay quanh chuyện điểm thi có rất nhiều quan điểm / ý kiến khác nhau, tuy nhiên những thắc mắc như ý kiến của bạn Lộc không phải là ít. Nhưng ai sẽ trả lời những thắc mắc đó khi tất cả các trường đại học hiện nay cũng đều có một quy trình đào tạo như nhau. Lên lớp nghe giảng và thi để trả bài rồi chuyển sang môn mới với thầy mới, trong khi chưa có kết quả môn cũ đã không được gặp thầy nữa. Muốn gặp thầy để thắc mắc về vấn đề chưa hiểu của bài thi thì chẳng thể gặp được thầy nữa, phần vì các thầy rất bận phần vì các thầy là những giảng viên của trường khác được mời giảng dạy.

Quá trình đào tạo ở bậc đại học hiện nay được áp dụng theo phương pháp cuốn chiếu: học song môn nào thi ngay môn đó, sinh viên được đánh giá bằng kết quả bài thi. Có thể nhiều nguyên nhân khác nhau mà dẫn đến kết quả thi chưa đánh giá đúng quy trình học tập của mỗi bạn sinh viên song việc trả lại bài thi sẽ có rất nhiều ưu điểm. Khi được xem lại kết quả thầy giáo sẽ sửa lại bài và sinh viên sẽ biết vì sao mình lại có điểm như thế và vì sao bạn mình lại được kết quả cao hơn… Còn bản thân mỗi người cũng hiểu hơn về đề thi và môn học vừa kết thúc. Những phần chưa hiểu và chưa làm được ở bài thi sẽ được các thầy, cô giáo giảng cho hiểu. Qua trình ấy thật tưởng chừng như đơn giản và có người còn cho là thừa vì không còn trẻ con như ngày xưa nữa. Nhưng sau mỗi một kỳ thi lại có những sinh viên phải thi lại mà không hiểu vì sao. Thắc mắc với trợ lý đào tạo thì nhận được câu trả lời đại khái là: Bài thi phải lưu lại mà bây giờ làm sao có thời gian tổ chức được một buổi cho thầy, cô giáo chữa môn đó... Cuối cùng thì cũng chỉ là "Con kiến đi kiện củ khoai". Tốt nhất là ngoan ngoãn đi thi lại để đỡ phải gặp rắc rối.

Còn về mặt trái của việc không trả lại bài thi thì sao? Sau khi ăn tết với bao nhiêu công việc khác nhau, một thời gian dài không động đến sách vở, trở lại trường là bước vào học môn mới. Khi được biết điểm môn cũ, có nhiều bạn không hiểu mình làm thế nào mà lại được kết quả thấp như thế. Thậm chí có bạn sinh viên còn chẳng nhớ nổi đề thi. Như vậy học song thì "Chữ thầy lại trả lại thầy".

Trong tâm trạng như bạn Lộc thì bạn Nguyễn Văn Hoàng cũng tâm sự "Mình làm bài xong có cảm giác rất tự tin vậy mà kết quả thì lại không như mong muốn. Nếu ở các trường kỹ thuật với môn toán thì 1+1 = 2 ai mà chẳng đoán được điểm ngay sau khi thi song, còn học trong trường đào tạo các ngành khoa học xã hội như ĐHKHXH&NV, ĐH Văn hóa, ĐH Công đoàn… thì đến lúc có kết quả mới biết.

Thiết nghĩ những thắc mắc của Lập và Hoàng cùng một số bạn khác cũng thật chính đáng. Tại sao ở phổ thông khi đi học được thầy cô trả bài và chữa lại bài kiểm tra ngay sau khi thi. Từ đó học sinh sẽ biết sai ở đâu để rút kinh nghiệm cho những môn kế tiếp. Còn ở đại học thì lại không còn quá trình ấy mà chưa có điểm môn cũ đã chuyển sang môn mới. Khi biết điểm kém muốn thắc mắc cũng chẳng biết hỏi ai vì chẳng còn cơ hội gặp lại thầy nữa. Và những thắc mắc của các bạn sinh viên dần tích thành "một câu hỏi lớn không lời đáp". Tình trạng ấy làm mất hứng thú và sự phấn đấu cho những môn kế tiếp làm ảnh hưởng tới quá trình học tập của không ít các bạn sinh viên. Có nhiều thầy, cô giáo trong khi giảng dạy cũng đã từng nói: Có nên trả bài cho sinh viên ở bậc đại học hay không? Nhiều khi các thầy cũng muốn trả nhưng có trường nào làm như thế đâu? Thôi các em lên khoa mà thắc mắc. Ôi cái việc "trả bài" tưởng nho nhỏ mà khó tới vậy sao?

 Nguyễn Thanh Xuân - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :