"Các trường phải làm sao cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh tự do thi như thật. Chúng ta sẽ tổ chức một kỳ thi thử nghiêm túc để học sinh biết rằng họ phải làm gì trong những kỳ thi thật tiếp theo…" – TS. Nguyễn An Ninh, Cục trưởng cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã khẳng định như vậy về kỳ thi thử trắc nghiệm khách quan môn ngoại ngữ trên toàn quốc vào ngày 14/1 tới đây. Nếu như ở đợt thi trước, Bộ đưa ra nhiều mức độ đề khác nhau để thử khả năng thích ứng của học sinh thì tại kỳ thi lần này, tất cả học sinh năm cuối bậc THPT sẽ thi chung đề giống như thi tốt nghiệp hay thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sẽ có 3 dạng thức đề ngoại ngữ riêng cho 3 đối tượng học sinh thuộc chương trình hệ 3 năm, hệ 7 năm và hệ phân ban. Mức độ khó của đề thi tương đương với mức thi tốt nghiệp THPH. Không lần lượt theo từng trường, từng địa phương như ở đợt thi trước, sáng ngày 14/1 này kỳ thi sẽ diễn ra đồng loạt trên toàn quốc. Hội đồng coi thi tại các trường THPT sẽ được tổ chức giống như thi tốt nghiệp. Cách sắp xếp thí sinh của từng Hội đồng sẽ thực hiện theo quy định mới: sắp xếp riêng theo từng ngoại ngữ, từng chương trình (hệ 3 năm, 7 năm và phân ban) chứ không trộn lẫn như trước kia. Bộ GD&ĐT là nơi tập hợp bài thi và tổ chức chấm chung. Đây cũng là lần đầu tiên Cục khảo thí cho ra mắt hệ thống máy chấm thi với 8 máy đặt tại 6 địa điểm: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Thí sinh tự do là đối tượng được đặc biệt chú ý vì họ không có cơ hội luyện tập dạng bài trắc nghiệm, ít được cọ xát với các dạng thức bài kiểm tra, thi thử. Ở đợt này, thí sinh tự do sẽ được đăng ký tham gia thi với số lượng không hạn chế. Họ có thể tìm đến bất kỳ một trường THPT nào để đăng ký với một khoản lệ phí dự thi nhỏ chừng vài ngàn đồng…
Gian lận trường thi, liệu còn tiếp diễn…?
Thực tế của đợt thi trước đã chứng tỏ một điều: Mặc dù khâu chuẩn bị rất công phu, khâu tổ chức khá nghiêm túc nhưng vẫn xảy ra hiện tượng học sinh trao đổi mã đề, qua đó có thể móc nối trao đổi bài với nhau dễ dàng. Báo chí thời gian qua đã không ít lần đề cập và đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT rất lưu tâm. Trả lời câu hỏi của dư luận: “Cục khảo thí có biện pháp nào để hạn chế hiện tượng học sinh móc nối, gian lận. Liệu có tăng số lượng mã đề để đảm bảo mỗi thí sinh trong phòng thi có một đề riêng như kiến nghị của nhiều thầy cô giáo…?", TS. Nguyễn An Ninh cho biết: "Trong đợt thi thử 14/1 này chúng tôi sẽ áp dụng phương án đề thi khác với đợt trước và đến khi thi thật sẽ lại có phương án mới tuy nhiên chưa nhất thiết mỗi thí sinh phải có một đề riêng…”. Lý giải về điều này, một số chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đã khẳng định: Nếu mỗi thí sinh có một mã đề riêng thì sẽ kéo theo nhiều rắc rối trong khâu in sao, xếp đề và cả chấm bài. Quá nhiều mã đề sẽ rất phức tạp khi khi tiến hành công tác chấm thi bằng tay trong trường hợp một số lượng không nhỏ phiếu trả lời bị máy chấm loại ra do không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật (chẳng hạn phiếu trắc nghiệm của thí sinh bị một hoặc vài nếp gấp…).
|
Đông đảo phụ huynh học sinh khi được nhóm phóng viên chúng tôi hỏi đều có chung một suy nghĩ: “Bất cứ một sự thay đổi nào trong hình thức thi và đánh giá chất lượng học sinh ban đầu cũng gặp phải không ít khó khăn nhưng chúng tôi vẫn có thể yên tâm, tin tưởng rằng, Bộ GD&ĐT sẽ có những biện pháp cụ thể, khả thi để ngăn ngừa cơ hội gian lận của những thí sinh có ý thức kém, để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc của một kỳ thi…".
Góc nói học sinh:
* Vương Thu Huyền (lớp 12A Toán, Khối THPT chuyên Toán – Tin, ĐHKHTN):
Với một số môn học, thi trắc nghiệm là một hình thức rất hay để có thể đánh giá khách quan khả năng và kiến thức của học sinh. Bạn bè em, nhiều người quan niệm rằng đây là một kỳ thi thử nên không quan trọng lắm, với em sáng 14/1 em cũng đến lớp như để tham gia một môn thi học kỳ bình thường dưới một hình thức thi mới. Trong quá trình học, thi trắc nghiệm ngoại ngữ, có thể đã một số lần chúng em được làm quen, nhưng trắc nghiệm bằng phiếu và chấm bằng máy như đợt này khiến ai cũng háo hức. Chắc chắn Hội đồng thi ở trường em sẽ tổ chức kỳ thi này một cách nghiêm túc, hiệu quả.
* Việt Long (Phòng 107 nhà B1, KTX Mễ Trì): Em không chuẩn bị gì cho buổi thi hôm sắp tới bởi ngoại ngữ là môn học mà chúng em có ý thức phải đầu tư học một cách nghiêm túc ngay từ khi bước chân vào trường. Em nghĩ rằng không chỉ riêng môn ngoại ngữ mà nhiều môn học khác cũng có thể áp dụng thi trắc nghiệm khách quan, khi ấy kết quả sẽ phản ánh rất trung thực trình độ của từng người và hạn chế hiện tượng tiêu cực về điểm. Thi trắc nghiệm thách thức chúng em không thể học tủ để đi thi mà bắt buộc phải học theo hệ thống, học đồng đều các mảng kiến thức, thầy cô chấm cũng đỡ vất vả hơn… Cá nhân em rất ủng hộ hình thức thi này và mong muốn từ thử nghiệm sẽ được áp dụng vào thực tiễn…
|