Thí sinh cần chú ý những gì?
* Khi điền các thông tin trên phiếu trắc nghiệm: Để chuẩn bị cho kỳ thi thử, thí sinh cần chuẩn bị bút chì đen (loại mềm 2B…6B), dụng cụ gọt bút chì, tẩy, bút mực hoặc bút bi (mực khác màu đỏ). Chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh.
Bài làm phải có 2 chữ ký của 2 cán bộ coi thi, khi nộp phiếu trả lời, thí sinh phải ký tên vào danh sách nộp bài.
Trên phiếu trả lời, thí sinh chỉ được dùng một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở các ô tròn. Chỉ tô bằng bút chì, không được tô bằng bút bi, bút mực. Phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô, không gạch chéo hoặc chỉ dùng ký hiệu đánh dấu.
Vì bài thi được chấm bằng máy nên các em thí sinh phải chú ý giữ phiếu trả lời của mình sạch sẽ, không để quăn mép, bị nhàu hoặc có vết gấp, vết rách… Ngoài những mục cần điền trên phiếu trả lời, để tránh bị coi là bài đánh dấu bài hoặc phạm quy, thí sinh cũng lưu ý không viết gì thêm.
*Trong quá trình làm bài thi:
- Làm đến câu trắc nghiệm nào thì dùng bút chì tô tròn ngay vào ô trên phiếu trả lời ứng với câu trắc nghiệm đó, tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề rồi mới điền vào phiếu vì thời gian có hạn.
- Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu trả lời.
- Dùng bút chì tô các ô tròn để khi bị nhầm hoặc muốn sửa thì có thể dễ dàng tẩy đi và chọn câu trả lời mới.
- Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu phải trùng với số thứ tự câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi, chú ý tránh trường hợp trả lời một câu lại tô vào ô trả lời của câu khác.
- Nếu tô 2 ô tròn trở lên trong một câu trắc nghiệm, máy chấm sẽ không tính điểm câu đó.
- Đừng mất thời gian quá nhiều cho một câu trắc nghiệm, nếu chưa trả lời được ngay, thí sinh có thể chuyển sang câu tiếp theo và sau đó quay lại làm nếu còn thời gian…
Các thí sinh lưu ý rằng điểm của kỳ thi thử trắc nghiệm sẽ không tính vào kết quả học tập của học sinh, các hội đồng coi thi có phòng thi riêng cho thí sinh tự do.
Toàn bộ quy trình tổ chức thi, đề thi sẽ được đảm bảo như đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT thật. Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm ngoại ngữ trong thời gian 60 phút với 50 câu hỏi.
Tất cả các trường THPH đều phải thành lập Ban chỉ đạo thi và các hội đồng coi thi nhưng không cần phải hoán đổi cán bộ, giám thị giữa các trường.
Đề thi sẽ đuợc Bộ GD&ĐT tiến hành in sao trong điều kiện bảo mật và đảm bảo an toàn như đối với đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Toàn bộ bài thi sẽ được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trực tiếp tổ chức chấm một cách khách quan.
Đối với thí sinh tự do có nguyện vọng thi thử trắc nghiệm, các hội đồng coi thi sẽ tổ chức những phòng thi riêng.
Câu hỏi được không ít bậc phụ huynh và học sinh đặt ra là: Vậy thì mục đích của các đợt thi thử trước đây và đợt 14/1 sắp tới là gì?
Về vấn đề này ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) trả lời: Việc thi thử nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, giúp giáo viên và học sinh nắm được quy trình, phương thức để tổ chức kỳ thi, để hạn chế đến mức tối thiểu những sai phạm trong kỳ thi thật. Thứ hai, với số lượng học sinh thi nhiều như vậy sẽ đánh giá được sự phù hợp của từng câu hỏi….
|