1. Chỉ nghe người giỏi hơn
Cái này thì chắc không cần nói nhiều, ai cũng biết. Con người ta thường thích học hỏi ở người nào mà họ phục. Nhưng phải luôn có ý thức học từ cả những người kém hơn vì ai chẳng có cái hay của họ. Mà suy rộng ra, là học từ tất cả mọi hiện tượng sự vật quanh ta, con ong con kiến còn có cái phải học cơ mà. Sống trong một thế giới thông tin, cứ có thông tin chìa ra trước mắt là mình phải nắm lấy (xem bài „Chúng ta đang sống trong một Thế giới của thông tin“)
Tôi xin kể một câu chuyện về một người tôi quen, mà tôi vẫn coi là một trong nhưng người thầy của tôi. Có đợt tôi giúp anh ấy một phần nhỏ mang tính chuyên môn trong chuyện làm ăn. Lúc đó công việc của anh đang lên như diều. Do nhu cầu công việc và cũng thân tình lắm vì anh dậy tôi rất nhiều điều, tôi hay ăn cơm cùng với anh. Anh ăn rất mặn. Tôi một lần góp ý „anh tuổi này không nên ăn mặn nữa“. Tự dưng anh thừ người ra một lúc, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao.
Độ mấy ngày sau, một lần tâm sự, anh mới thổ lộ rằng hôm nọ nghe tôi khuyên làm anh giật mình ghê lắm „đúng là đến tầm tuổi tứ tuần rồi, không nên ăn mặn nữa thật“. Lúc nghe anh nói lại, tôi mới chợt hiểu thái độ lạ lùng của anh khi nghe câu nói hoàn toàn nghĩa đen của tôi, mà anh thì lại hiểu theo nghĩa bóng, anh đã khai thác được một thông tin gì đấy ẩn sau câu nói ngây thơ của tôi...lúc đó anh sắp có mấy vụ làm ăn lớn...
Thế mà, chỉ 3 tháng sau cái ngày tôi nói câu ấy, anh gần như phá sản do vướng phải mấy quả lừa, mà chung quy cũng vì anh quá bạo tay. Vậy đấy, một sự tình cờ buột miệng ra không nghĩ gì, mà lại là một điềm báo chăng, anh biết điều đó, nhưng sự ngoan cố của anh đã làm anh phải trả giá, như đã trả giá 1 lần hơn chục năm về trước...
Chúng ta nếu không để ý, vẫn luôn bỏ qua những cơ hội học hỏi, thu nhận thông tin hoàn toàn ngẫu nhiên như vậy, mà đôi khi vì thế ta phải trả giá đắt.
2. Không nghe người nói mà chưa làm được
Một lỗi thường gặp nữa, là thường ta không nghe những người nói khi mà họ không hoặc chưa làm được cái điều họ nói. Vẫn nghe đâu đó „xiiiií, ông đã làm được chưa mà cứ lên mặt dạy tôi?“
Nhưng nghĩ lại xem, đa số các thấy giáo dạy chúng ta thường dạy những điều mà họ đâu chắc làm được, vậy sao ta vẫn học. Ví dụ ngành kiến trúc đi, ở nước ngoài nhé (ở Việt Nam thì khác), các giáo sư thường không phải những người đi làm kiến trúc chuyên nghiệp, nhiều ông viết sách và dạy rất hay, nhưng chưa bao giờ thiết kế một ngôi nhà nhỏ cả. Nếu như ở VN, thì khối thầy đã bị các học sinh bỉ bai là gớm ông này chẳng biết thiết kế, chỉ được cái bốc phét. Hay chuyện các cô giáo cấp một vẫn ra rả „Các em phải khiêm tốn thật thà dũng cảm“, nhưng các cô thì thế nào, chẳng nhẽ vì các cô không làm được nên ta không học.
Để tôi kể một câu chuyện của một cô bạn của tôi. Số là, cách đây độ vài năm, cô ấy có được nói chuyện với một người bạn chỉ hơn vài tuổi và được khuyên một số phương hướng phát triển. Nhưng cậu ta cũng chỉ còn trẻ, chưa làm được gì, nên cô bạn của tôi cũng không ấn tượng lắm và dần quên mất nhưng lời cậu ấy nói. Gần đây, một lần đi phiên dịch cho đoàn khách Trung Quốc, cô ấy có gặp một người chức khá to, Cục trưởng gì đấy. Ông ta rất quý người phiên dịch trẻ này, nên buổi cuối cùng, có ngồi nói chuyện rất thân tình và khuyên cô với rất nhiều thứ tâm huyết. Cô bạn tôi khi trở về sau chuyến công tác, rất xúc động và hưng phấn với nhưng điều đó, cảm giác phải bắt tay vào làm gì đó ngay. Nhưng sau một vài ngày chấn tĩnh, cô ấy mới tâm sự với tôi rằng, hoá ra là mình đã bỏ phí cả một thời gian dài từ ngày cậu bạn kia khuyên, đơn giản vì cậu ta chưa làm được, còn ông Cục trưởng thì rõ ràng có trọng lượng hơn.
3. Không học cái mình chưa thích, chưa cần, chưa hợp
Cái này là lỗi hay gặp nhất mà ít người để ý. Mà nghe có vẻ hợp lý phết, cái gì mình không thích, không hợp, không cần thì học làm gì, nhưng mà, phải chăng nó không phải là KHÔNG, mà là CHƯA thì sao.
Giống như chuyện giả tưởng, một con người lúc trưởng thành nhờ máy thời gian mà quay về nói chuyện với chính mình lúc còn trẻ, nếu người trưởng thành khuyên người trẻ tuổi về nhưng điều đã rút ra được sau bao năm lăn lộn, chắc chắn sẽ có những điều mà người trẻ tuổi không đồng ý, với cái lý luận, cái này tôi không cần, không thích, không hợp, hay là, mỗi người đều có một con đường riêng, không phải là con đường tôi chọn, nên tôi không nghe. Vậy con người AQ trẻ tuổi này sẽ nghĩ gì nếu biết đây chính là mình của nhiều năm về sau nhỉ.
Ta không thể đoán chắc được ta sẽ đi theo con đường nào trong tương lai, càng không biết cái gì mình sẽ cần, sẽ thích, sẽ hợp. Vì thế, nếu có điều kiện, thì phải học tối đa nhưng cái mình có DUYÊN gặp trên đường đời. Chứ để đến lúc cần,lúc thích, lúc hợp e rằng có quá muộn không???
Sẽ có người nói, thế thì gặp điều gì cũng cố mà nhồi vào đầu à? Tất nhiên, không thể học tất cả những gì mình có thể gặp, mà nên biết dùng linh cảm và kinh nghiệm để chọn lựa những cái ưu tiên để học trước, giống như chuyện chọn sách, đòi hỏi cả một nghệ thuật. Chẳng hạn, tôi học kiến trúc, thì tất cả các vấn đề liên quan như kinh tế, kết cấu, tâm lý, phong thuỷ, bốc phét, thuật ngoại giao xử thế... đều nên cố gắng học tối đa; nhưng việc sửa xe máy thì có thể là hâm nếu cố gắng học (tất nhiên nếu có điều kiện thuận lợi và do sơ thích thì cũng nên biết qua chút, có khi cũng có lợi, nhưng nếu có những việc cần ưu tiên hơn thì gác nó lại là hợp lý)...
Tóm lại, như tôi đã nói từ đầu, thế giới xung quanh là một tập hợp thông tin, nhờ Duyên mà nó xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp trước nhân sinh quan của ta theo rất nhiều con đường (pathway). Ta nên tìm cách nhận ra, chọn lựa và nắm bắt thu nhận sao cho hiệu quả và bổ ích nhất, đặc biệt không nên câu nệ pathway dù rằng vẫn có những pathway ưu tiên như đọc sách.
|