Cuộc đời và sự nghiệp khoa học, chính trị của tôi gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng và phát triển Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN). Trong những năm 1966 - 1968 tôi là học sinh lớp Toán đặc biệt (nay gọi là Khối THPT chuyên Toán - Tin) của trường. Những kỷ niệm đẹp khó quên của những năm tháng này tôi đã có dịp chia sẻ trong bài viết “Lớp toán đặc biệt A0 ngày ấy” nhân dịp Khối kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tháng 11/2005. Bởi vậy, bài viết này tôi muốn dành để ôn lại những kỷ niệm sâu sắc của hai chục năm công tác và trưởng thành tại trường, bắt đầu từ một giảng viên bình thường rồi trở thành Hiệu trưởng.
|
GS. Đào Trọng Thi (đứng thứ ba từ trái sang) cùng các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. | Năm 1968, tốt nghiệp xuất sắc lớp Toán đặc biệt, tôi được cử đi học đại học rồi được chuyển tiếp nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lômônôxốp. Sau 9 năm tu nghiệp với học vị Tiến sĩ toán học, năm 1978 tôi được phân công về trường ĐHTHHN làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Toán - Cơ. Thời kỳ này Nhà trường chủ trương xây dựng, phát triển một số chuyên ngành khoa học mới, hiện đại nên một nhà khoa học trẻ được đào tạo “bài bản” ở một trung tâm khoa học hàng đầu thế giới như tôi có ngay “đất dụng võ”: cơ hội thử thách trong cương vị của một “cán bộ khoa học đầu đàn”, chủ trì nhóm Hình học vi phân và tôpô, một chuyên ngành toán học mới khá “thời thượng” thuộc Bộ môn Hình học - Tôpô - Đại số do GS. Phạm Ngọc Thao làm Chủ nhiệm. Rồi cuối năm 1979, tôi lại được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn thay GS. Phạm Ngọc Thao đi làm thực tập sinh cao cấp ở Ba Lan. Giai đoạn này đánh dấu một thành công có tính đột phá trong sự trưởng thành về khoa học của tôi. Tôi đã đề xuất khái niệm toán học mới “đa biến tạp” như một loại mặt phân tầng suy rộng và sử dụng để giải quyết thành công bài toán Platô tương đối nhiều chiều. Tôi đã công bố kết quả đó trên một số tạp chí toán học quốc tế danh tiếng và trên cơ sở đó hoàn thành bản thảo luận án tiến sĩ khoa học. Cuối năm 1982, tôi được Chi bộ Khoa Toán - Cơ kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được lãnh đạo Bộ Đại học và Trường ĐHTHHN ủng hộ cho trở lại Matxcơva để bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học theo đề nghị của Bộ Đại học Liên Xô. Có lẽ việc bảo vệ thành công học vị tiến sĩ khoa học ở Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (1984) cũng như uy tín khoa học và sự công nhận của cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế sau này như việc được cử làm đại biểu Việt Nam dự Đại hội Toán học thế giới ở Mỹ (1985), được mời làm giáo sư thỉnh giảng của Viện Toán học Max - Planck nổi tiếng ở CHLB Đức (1988 - 1990), được phong chức danh giáo sư (1991), được cử làm Chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia ngành Toán học, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và Viện sĩ Viện Hàn lâm Thế giới thứ ba... cũng chỉ là hệ quả tốt đẹp được bắt nguồn, kết trái từ những thành quả khoa học có tính chất nền tảng nói trên.
|
GS. Đào Trọng Thi tại một hội thảo khoa học quốc tế. | Nếu con đường phấn đấu để trở thành một nhà toán học đầu ngành đối với tôi có vẻ “thuận buồm xuôi gió” thì trong hoạt động quản lý, lãnh đạo, tuy gặp nhiều thuận lợi nhưng tôi cũng phải đối mặt với không ít thách thức, cản trở. Nhưng chính hoàn cảnh đó đã tạo nên môi trường để rèn luyện, thử thách và cơ hội sớm trưởng thành.
Năm 1987 tôi được Bộ trưởng Bộ Đại học Nguyễn Đình Tứ bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Nâng cao trình độ (thường gọi là Khoa Sau đại học), một nhiệm vụ đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian cho hoạt động quản lý và là cơ hội tốt để rèn luyện tư duy, năng lực quản lý đại học. Đó là những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới đất nước. Đảng và Nhà nước chủ trương mở rộng dân chủ, công khai, phát huy quyền làm chủ của quần chúng tham gia quản lý, lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp, trước hết là ở các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp. Hưởng ứng chủ trương đó, Bộ Đại học lựa chọn Trường ĐHTHHN, một trường đại học trọng điểm đầu ngành, làm cơ sở thí điểm bầu Hiệu trưởng trường đại học. Phương thức được thử nghiệm là “phổ thông đầu phiếu”. Lần tranh cử lịch sử đó, do được số thư giới thiệu cao nên tôi cùng cố GS.Nguyễn An lọt vào vòng 2 và cố GS. Nguyễn An đã trúng cử Hiệu trưởng nhiệm kỳ 1988 - 1992. Việc Trường ĐHTHHN đi tiên phong thí điểm bầu Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ 4 năm là một sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đổi mới giáo dục nói riêng, mở đường cho việc áp dụng rộng rãi quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trong cả nước sau này.
Tháng 4/1992, trong cuộc “bầu” Hiệu trưởng Trường ĐHTHHN nhiệm kỳ 1992 - 1996, tôi đã nhận được số phiếu tín nhiệm cao và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng của trường. Nhiệm kỳ Hiệu trưởng này là cơ hội tốt để tôi thử thách, rèn luyện bản lĩnh, năng lực và trưởng thành trong công tác lãnh đạo, quản lý. Nhờ đó tôi có cơ hội tiếp tục thành đạt, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng (1996). Tôi đã học tập, tích luỹ và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, trong đó tâm đắc nhất là những bài học sau đây:
Thứ nhất là phải chăm lo gìn giữ sự đoàn kết nhất trí. Vào năm 1991, những sai phạm nổi cộm trong hoạt động sản xuất, dịch vụ của Nhà trường, đặc biệt là dịch vụ lắp ráp ti vi bị vỡ lở, rồi tiếp đến là vụ tiêu cực trong chấm phúc tra tuyển sinh đại học bị phát giác nhưng không được xử lý nghiêm túc, kịp thời đã làm bùng phát mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, lôi kéo cả các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, đã phá vỡ khối đoàn kết và sự ổn định mỏng manh, gây phương hại trầm trọng cho uy tín của Nhà trường. Thách thức đầu tiên đối với tôi khi bắt đầu nhiệm kỳ Hiệu trưởng là phải nhanh chóng khôi phục và củng cố sự ổn định của Nhà trường. Mất đoàn kết không phải là hiện tượng đơn lẻ của thời kỳ 1991 - 1992, mà đã từng được đánh giá là căn bệnh kinh niên, thậm chí có những ý kiến cực đoan còn khái quát thành “đặc trưng, truyền thống” của Trường ĐHTHHN. Ban đầu, mất đoàn kết thường bùng phát từ những bất đồng về nhận thức như những vụ việc liên quan đến “nhân văn giai phẩm” hoặc quan điểm về hồng và chuyên, nhưng sau này chủ yếu phát sinh từ quá trình xử lý các tiêu cực trong quản lý điều hành, nhất là trong các lĩnh vực tài chính và đào tạo. Bởi vậy, tôi xác định công việc đầu tiên cần ưu tiên làm ngay để khôi phục sự ổn định là củng cố, thiết lập sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo cũng như trong tập thể cán bộ công nhân viên Nhà trường. Các giải pháp mạnh, có tính đột phá được áp dụng là tạo dựng ngay một ban lãnh đạo và bộ máy quản lý mới, đoàn kết nhất trí với đội ngũ cán bộ chủ chốt gồm những nhân tố mới, không liên quan, dính líu đến hiện tượng mất đoàn kết, đồng thời trên tinh thần dân chủ, minh bạch kiên quyết giải quyết dứt điểm các sai phạm, tiêu cực. Thành công của các giải pháp này đã được khẳng định trong kết quả của Đại hội Đảng bộ và Đại hội cán bộ công nhân viên Nhà trường năm học 1992 - 1993, tạo nên khối đoàn kết nhất trí thực sự làm nền tảng vững chắc cho sự ổn định của Nhà trường.
Thứ hai là phải dũng cảm, mạnh dạn đổi mới. Khi sự ổn định đã được khôi phục thì thách thức có tính chất chiến lược là phải tìm kiếm con đường tiếp tục phát triển. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHTHHN đã khẳng định vị thế của một trường đại học trọng điểm, đầu ngành về khoa học cơ bản của cả nước trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Nhưng lĩnh vực khoa học cơ bản truyền thống đang có nguy cơ tụt hậu trầm trọng khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Bởi vậy Đảng uỷ và Ban Giám hiệu xác định chiến lược phát triển Nhà trường phải gắn với đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế. Theo định hướng đó, chúng ta đã đi đầu trong đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức tổ chức đào tạo, chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ, tích cực phát triển hợp tác quốc tế và đặc biệt là mạnh dạn điều chỉnh tổ chức, cơ cấu chuyên môn theo hướng đa ngành, liên ngành, thành lập thêm các ngành, chuyên ngành có tính chất ứng dụng, công nghệ và phục vụ xã hội. Đó là những tiền đề quan trọng để Trường ĐHTHHN trở thành hạt nhân trong công tác xây dựng và thực hiện thành công mô hình ĐHQGHN.
Thứ ba là phải hành động kiên quyết, bài bản và hiệu quả. Các mục tiêu, kế hoạch, dự định lớn lao, kể cả nhận thức về đoàn kết và những ý tưởng đổi mới sẽ chỉ là những khẩu hiệu suông hoặc mong ước hão huyền nếu chúng ta không hành động kiên quyết, bài bản và hiệu quả để biến chúng trở thành hiện thực. Có lẽ đây là căn bệnh trầm kha phổ biến trong xã hội ta chứ không riêng gì ngành giáo dục. Chúng ta có quá nhiều ý tưởng, dự kiến (thường là chung chung, hời hợt) nhưng lại ít quan tâm đầu tư trí tuệ, công sức để hoàn thiện chúng thành các đề án khả thi và đặc biệt là rất thiếu quyết tâm, kiên trì để hành động kiên quyết, bài bản và hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu đích thực. Điều đó được minh chứng thuyết phục nếu điểm lại những thất bại và thành công của giáo dục đại học nói chung và Trường ĐHTHHN nói riêng trong những năm đó.
Những bài học kinh nghiệm kể trên đã trở thành vốn quý và được phát huy hữu hiệu trong quá trình xây dựng và phát triển ĐHQGHN cũng như các cơ sở đại học thành viên được tách ra từ cái nôi ĐHTHHN. Viết lại những kỷ niệm sâu sắc này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm gắn bó thân thiết với Trường ĐHTHHN - nơi đã rèn luyện, bồi dưỡng và tạo cơ hội cho tôi vươn lên thành một nhà khoa học đầu ngành và một nhà lãnh đạo đại học thành đạt. Tôi cũng muốn thổ lộ niềm tự hào và vinh dự được gánh trọng trách là vị Hiệu trưởng thứ tư và cũng là cuối cùng của Nhà trường. Trường ĐHTHHN không mất đi mà đã hoà nhập và trở thành hạt nhân nòng cốt của ĐHQGHN, một trung tâm đại học có tầm vóc cao hơn, bề thế hơn, có vị thế quan trọng hơn và có lịch sử phát triển vừa tròn một thế kỷ.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường ĐHTHHN, với tư cách là một cựu học sinh chuyên Toán, một nguyên cán bộ giảng dạy và nguyên Hiệu trưởng, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đơn vị kế thừa xứng đáng nhất Trường ĐHTHHN, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa để giữ vững vị trí tiên phong trong các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN và xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.
|
GS. Đào Trọng Thi thay mặt ĐHQGHN đón nhận Huân chương sao vàng từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương. |
|