Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tôi tình nguyện làm một cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử
Nhân dịp Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - ĐHQGHN, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV giai đoạn 1996 - 2004.

PV: Thưa ông, nhân dịp Khoa Lịch sử chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, với cương vị là một cán bộ đã từng công tác lâu năm tại khoa, nguyên là chủ nhiệm khoa giai đoạn 1996 - 2005, ông có thể nói đôi điều về quá trình công tác của mình, những đóng góp của bản thân đối với Khoa?

PGS. Nguyễn Quang Ngọc: Tôi vốn là sinh viên khoá 14 (1969-1973) Khoa Lịch sử, nhưng vào đầu tháng 9 năm 1972, mới học hết năm thứ 3 và bắt đầu bước vào năm thứ tư được ít ngày, thì tại khu sơ tán (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), tôi được tham gia đoàn quân “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Lúc ấy các bạn của tôi, cả kẻ đi, người ở đều sôi sục một khí thế “lên đường”, vì cũng trong thời gian này, nếu ai không có cái may mắn được nhập ngũ như chúng tôi, thì cũng được đi “tuyên truyền hoả tuyến”. Mấy anh, chị bạn chưa từng nói chuyện trước đám đông, thế mà bây giờ say sưa giảng giải đến tận ngọn nguồn truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, truyền thống anh hùng bất khuất, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” cho hàng trăm sĩ quan, chiến sĩ trên chiến hào Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tôi khắc sâu trong trái tim mình hình ảnh những chuyến ra đi của bạn bè vào cái thời khắc kẻ thù định bắt chúng ta “quay lại thời kỳ đồ đá” mà tự hào về Khoa, mà yêu Khoa đến cháy lòng.

PGS. Nguyễn Quang Ngọc (hàng thứ nhất, đứng thứ nhất từ trái sang) cùng cán bộ Khoa Sử và Trường ĐHKHXH&NV trong chuyến làm việc tại Trung Quốc.

Năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được về học tiếp chuyên ngành Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại khoá 18 (1973- 1977), rồi được tuyển vào công tác tại Khoa từ tháng 5/1978 và trải qua hầu hết các công việc từ Thư ký bộ môn, Phó chủ nhiệm bộ môn, Chủ nhiệm bộ môn, Phó chủ nhiệm khoa và Chủ nhiệm khoa. Tôi cũng học qua gần hết các chương trình đào tạo của Khoa, từ bậc cử nhân cho đến phó tiến sĩ (tiến sĩ). Mãi đến năm 2004, sau khi Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN thành lập, tôi được cử sang phụ trách viện, nhưng vẫn mong được tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu ở Khoa Lịch sử.

Trước sau tôi vẫn nghĩ, môi trường cống hiến và trưởng thành với tư cách là một nhà khoa học, một nhà giáo như tôi, thì ở bộ môn và khoa (nhất là Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại và Khoa Lịch sử) là tốt nhất. Khoa Lịch sử ngay từ những ngày đầu thành lập đã được định hướng xây dựng thành một đơn vị nghiên cứu và đào tạo Sử học đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu sách vở kết hợp với điều tra khảo sát thực tế, đào tạo trong nhà trường, trên giảng đường, kết hợp với học hỏi ngoài xã hội. Một nửa thế kỷ qua, con đường phát triển của Khoa Lịch sử không khỏi có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng trên đại thể vẫn là con đường thênh thang, thẳng tiến. Các thế hệ lãnh đạo Khoa Lịch sử có thể có nhiều cách tổ chức và lãnh đạo Khoa khác nhau, nhưng tất cả đều chung một thái độ coi trọng chuyên môn, học thuật; giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; đề cao học tập lý luận, lý thuyết, phương pháp với việc vận dụng giải quyết những vấn đề cụ thể nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống; chú trọng đầu tư cho chuyên sâu, chuyên ngành nhưng không quên đặt trong mối quan hệ tổng thể và liên ngành.

Tôi được bầu làm Chủ nhiệm khoa vào đầu tháng 4/1996, khi đó do nhu cầu xây dựng mới của ĐHQGHN và Trường ĐHKHXH&NV mà Khoa Lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị chia nhỏ và cắt vụn. Sinh viên do bị hấp dẫn bởi nhiều khoa và ngành học mới mà có chiều hướng quay lưng lại với Khoa Lịch sử... May mà được tập thể các thầy cô giáo trung kiên và tâm huyết ủng hộ, chúng tôi đã từng bước khắc phục tình trạng sa sút này. Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa vào tháng 11/1996 phải được coi là cái mốc quan trọng đánh dấu Khoa Lịch sử thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và trở lại quỹ đạo của sự phát triển. Năm 2000, Khoa Lịch sử được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Vinh quang này thuộc về tất cả các thế hệ thầy và trò Khoa Lịch sử, nhưng công đầu là thuộc về thế hệ khai sáng - thế hệ mà ngay từ ngày mới thành lập Khoa đã xác định cho Khoa một con đường đi đúng đắn và chuẩn mực.

Trong hai nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm khoa, bản thân tôi và các cộng sự nếu như được coi là có đóng góp thì cũng chỉ là đưa được Khoa trở lại vị trí vốn có của nó; giữ vững và phát huy được thế mạnh của Khoa trong điều kiện phức tạp của cơ chế thị trường.

PV: Hiện nay, ông có giảng dạy và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học ở Khoa Lịch sử không? Ông thấy có điều gì được và điều gì chưa được trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngành Lịch sử? Một vài gợi ý để phát triển ngành đào tạo này?

PGS. Nguyễn Quang Ngọc tại lớp quản lý và hoà giải ở thôn làng tại xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

PGS. Nguyễn Quang Ngọc:
Tôi tình nguyện làm một cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử cho đến khi nào sinh viên không muốn nghe tôi giảng và Khoa cũng không cần đến tôi nữa. Trước đây, cứ vào đầu năm học tôi phải dạy cùng một lúc có đến 3, 4 lớp. Bây giờ thì chỉ dạy 1, 2 lớp, nhưng vẫn phải dạy từ hệ đào tạo cử nhân đến tiến sĩ. Hàng năm tôi vẫn hướng dẫn một vài khoá luận tốt nghiệp đại học, một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và giúp cho một số sinh viên làm đề tài khoa học, trong đó có một số người đã đọat giải cao của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tôi cũng vừa tổ chức hoàn thành đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách “Lịch sử Việt Nam” (4 tập), được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc. Đề tài này vẫn đặt trong Trường ĐHKHXH&NV và Khoa Lịch sử. Bây giờ sang phụ trách Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, phải bao quát nhiều mảng chuyên môn rộng hơn, nhưng tôi vẫn tìm đến Sử học và Khoa Lịch sử như là chỗ dựa của mình.

Khoa Lịch sử đã làm được rất nhiều việc, nhưng xem ra cũng còn nhiều việc cần phải tập trung làm. Về đội ngũ, hẳn là không tránh khỏi những hụt hẫng trong thời buổi chuyển giao, nhưng không thể không lo ngại: ở một vài bộ môn không biết đến bao giờ mới có thể bù đắp được khoảng trống ấy. Về cơ cấu các ngành học, môn học chuyển đổi còn chậm; một số môn học như Lịch sử kinh tế, Địa lý học lịch sử…, tuy có thực lực nhưng thiếu quyết tâm xây dựng; một số phương pháp nghiên cứu mới dường như chưa được cập nhật… Tôi hy vọng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập này sẽ là cơ hội tốt để Khoa Lịch sử nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã đi qua, để chuẩn bị cho chặng đường mới phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm hơn. Dù mai này, Khoa Lịch sử chọn mô hình phát triển nào thì nghiên cứu khoa học và đào tạo (đại học, sau đại học) vẫn phải được đặt ngang nhau, bổ sung cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau…

PV: Ngày lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của Khoa đang đến gần, ông có muốn tâm sự, chia sẻ điều gì với đồng nghiệp và sinh viên của Khoa?

Cán bộ Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV

PGS. Nguyễn Quang Ngọc:
Tôi mong và tin lễ kỷ niệm 50 năm sẽ đánh dấu một chặng đường phát triển mới của Khoa Lịch sử. Sự có mặt của tất cả các thế hệ cán bộ giảng dạy, sinh viên, tất cả các công chức, công nhân viên, tất cả những người từng yêu thương và gắn bó với Khoa Lịch sử trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại này là hết sức có ý nghĩa. Nhân dịp này, tôi xin được gửi đến tất cả các thầy, các cô, các anh, các chị, các bạn, cùng các em sinh viên và tất cả các thành viên của đại gia đình Khoa Lịch sử lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, may mắn và thành công. Mong cho Khoa Lịch sử thân yêu của chúng ta ngày càng hùng mạnh và trường tồn cùng lịch sử.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Lưu Nguyễn (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   |