Có một cái gì đó không diễn tả được bằng lời. Và tôi biết dẫu tôi có viết gì chăng nữa thì cũng không đủ, không diễn đạt hết được những tình cảm tôi dành cho Chú. Nhưng có thể cứ viết và như vậy lòng sẽ vơi đi ?!
Tôi có may mắn được làm việc bên cạnh Giáo sư từ những ngày đầu thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 10 năm đã trôi qua, với tôi Giáo sư không chỉ là thủ trưởng, là đồng nghiệp mà còn là người Chú, người cha nhân từ. Suốt một đêm và hai ngày túc trực bên Chú trong bệnh viện, tôi đã chứng kiến hàng mấy chục lượt người vào với Chú, có cả những ông bà lão chống gậy, những con người đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi. Con gái tôi đã khóc rất nhiều bên Chú, tôi cũng không biết làm thế nào để bù đắp lại nỗi mất mát quá to lớn này cho cháu bởi tôi biết cháu đã coi Chú như người ruột thịt của nó. Ngày sinh nhật ông cháu đã đi tìm để mua cho ông một chiếc đĩa có bài hát “Bà tôi” mà ông thích. Khi ông ốm nằm viện cháu quanh quẩn bên ông không chịu về vì sợ ông nằm một mình buồn.
Cách đây 7 năm con gái tôi bị một căn bệnh lạ, khi ấy Chú đã tìm đến các bác sĩ đầu ngành giỏi để chữa chạy cho cháu và trong suốt 7 năm sau này, dù công việc của một nhà khoa học vô cùng bận rộn Chú vẫn luôn quan tâm, phòng của cháu bây giờ bày những con thú xinh xắn, những món quà nho nhỏ ông tặng cho cháu mà cháu rất thích. Ông cũng thường xuyên gọi điện động viên cháu, dành cho cháu tình yêu thương của một người ông nhân từ. Khi Chú mất rồi mỗi người trong chúng tôi đều nhận ra rằng Chú đã quan tâm đến tất cả mọi người, từ chị lao công, anh em bảo vệ đến từng người trong cơ quan,… Mỗi người đều đựoc Chú quan tâm theo một cách khác nhau. Biết bao kỷ niệm, biết bao câu chuyện về sự tận tâm tận lực với công việc, lòng nhân ái, bao dung của Chú chúng tôi ôn lại trong nước mắt… Tạo hoá đã sinh ra mỗi con người một tính cách nhưng một nhân cách lớn như Giáo sư Nguyễn Văn Đạo thật hiếm hoi. Một nhà khoa học tầm cỡ như Chú được biết bao người nể trọng, công việc bộn bề… vẫn luôn tinh tế và tận tần quan tâm đến những buồn vui của nhân viên.
Tôi có dịp vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và được Chú dẫn đi thăm quan Đại học RMIT, thăm Viện Cơ học Ứng dụng rồi về căn nhà nằm trong ngõ nhỏ nơi đêm nào cũng sáng ánh đèn đến 4,5 giờ sáng của Chú. Ngôi nhà nhỏ khiêm nhường quanh năm không đóng cửa mà chỉ nhờ một ông cụ hàng xóm “thỉnh thoảng nhìn giúp” làm chúng tôi hôm ấy rất ngạc nhiên.
Những năm tháng phải cật lực làm việc suốt đêm ngày để vượt qua giai đoạn đầu mới thành lập ĐHQGHN đầy khó khăn, chúng tôi đã làm việc với một tinh thần quên mình, không một chút nề hà, không một gợn đắn đo cũng bởi ngọn lửa tâm huyết, những trăn trở quyết liệt của người thuyền trưởng đã tác động mãnh mẽ đến chúng tôi.
Chú đã đi xa về cõi cõi ngàn thu, chúng tôi - những cán bộ khi mới về ĐHQGHN những năm 1994, 1995 còn là “hội trẻ tuổi” nay cũng đã ba, bốn chục tuổi - vĩnh viễn không còn được nhìn thấy Chú, được nghe Chú nói, Chú mắng mỏ dẫu chỉ vì một lỗi sai văn bản, một con dấu đóng không chuẩn…
Giờ đây, nhìn ra xung quanh tôi thấy rất nhiều người đã ở bên Chú suốt mấy ngày qua, tôi thấy nỗi đau buồn trào dâng trên khoé mắt từng người và cảm nhận rất rõ rằng, mọi người đã dành cho Chú những tình cảm thật đặc biệt và trong số ấy có tôi, không chỉ nể trọng, kính mến, xót xa và cả biết ơn vô cùng bởi Chú đã cứu sống con tôi – con của một cán bộ bình thường. Tôi cũng thấy mọi người cùng bắt tay vào lo tang lễ cho Chú chu đáo với tất cả tấm lòng.
Tình cảm đặc biệt mà mọi người dành cho Chú mấy ai có được và tôi cứ quẩn quanh nghĩ rằng ngay cả khi mất đi rồi Chú vẫn cho tôi một bài học rằng hãy cố gắng sống cho nhân ái, chân tình….
|