Tôi được phân công giảng dạy về Vi sinh vật học - một chuyên ngành tôi chưa từng được học trong trường. Tôi tìm mua hai cuốn giáo trình - một bằng tiếng Nga (của Fedorov) và một bằng tiếng Trung (của Trần Hoa Quỳ). Thế là tôi bắt đầu đánh vật suốt ngày với hai cuốn sách đó. Có thể nói là tra từ điển từng chữ một và đoán dần ra ý nghĩa. Tôi sang Trường Y dự các giờ giảng ít nhiều có liên quan của các thầy Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịnh và cô Trần Thị Ân. Nhiều chữ tôi tự đặt ra mà ngày nay trở nên thông dụng. Ví dụ từ Actinomycete bên trường Y gọi là Nấm tia, nhưng nhóm này đâu phải nấm? Trung Quốc dịch là Phóng tuyến khuẩn - nghe không lọt tai. Vì khuẩn lạc của chúng có dạng phóng xạ đồng tâm nên tôi dịch là Xạ khuẩn. Nhiều từ khác tôi cũng tự nghĩ ra và thấy được chấp nhận.Tôi tham gia biên soạn phần Vi sinh vật học trong các Từ điển Sinh học và Từ điển bách khoa Việt Nam
Vì quá ít tuổi nên có nhiều chuyện rất vui. Một lần thầy Lê Khả Kế phân công tôi đi phụ trách buổi lao động của một lớp sinh viên. Một chị cán bộ đi học trong lớp đó nói rất to: “Hôm nay là lớp của chị chứ không phải là lớp của em”(!)
|
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, sinh viên. | Tôi viết giáo trình Vi sinh vật học cùng các bạn đồng nghiệp (về sau được Nhà xuất bản Giáo dục tái bản nhiều lần), dịch Sách hướng dẫn Thực hành Vi sinh vật học của Nga (được NXB Mir in bằng tiếng Việt tại Nga) và viết vô số sách tham khảo cho sinh viên. Thật vui vì các cuốn Phương pháp nghiên cứu Vi sinh vật học (tập I - III) được trích dẫn trong rất nhiều các luận văn tốt nghiệp đại học và trên đại học. Hiện nay tôi quyết định đưa giáo trình Vi sinh vật học lên mạng. Tôi động viên các bạn trẻ cùng tham gia viết và tôi chủ trì việc hiệu đính. Đây là chuyện rất thú vị, vì có thể có rất nhiều hình màu , lại có thể xin ý kiến độc giả rộng rãi trong và ngoài nước - chỗ nào sai, chỗ nào lạc hậu thì ta kịp thời sửa chữa, bổ sung. Chúng tôi định viết trên 1000 trang và mới xong phần I (500 trang). các bạn có thể tham khảo tại Website của Pháp: http://vietsciences.free.fr. Sau đó tôi được mời vào Hội đồng giáo sư bảo trợ cho mạng thông tin khoa học này. Tôi còn một ý định dang dở chưa hoàn thành được, đó là việc biên soạn cuốn Từ điển Anh - Việt Vi sinh vật học và Công nghệ sinh học. Phần tiếng Anh đã làm xong (lấy từ hàng chục cuốn từ điển ở nước ngoài), phần tiếng Việt làm mãi chưa xong vì có rất nhiều thuật ngữ chưa có ai dịch lần nào (!).
Tôi không có thuận lợi nhiều đồng nghiệp khác được đào tạo tại nước ngoài nhưng do cố gắng tự học nên tôi đã tham gia dịch và biên soạn được khá nhiều sách liên quan đến chuyên ngành Vi sinh vật học: Cơ sở sinh lý học vi sinh vật, Hóa học đất ngập nước, Tuyển tập Vi sinh vật học, Vi nấm, Enzym vi sinh vật,Những hiểu biết mới về enzim, Vi sinh vật học trồng trọt, Sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh vật diệt côn trùng, Khí sinh học, Công nghệ nuôi trồng nấm, Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, Tìm hiểu về Công nghệ sinh học, Công nghệ sinh học và phát triển, Truyện kể về các nhà sinh học xuất sắc...
Tôi quan niệm đã giảng dạy ở bậc đại học thì không thể tách rời với việc nghiên cứu khoa học. Sự gò bó về biên chế của một Bộ môn, dù rằng tôi là Chủ nhiệm bộ môn, cũng khó lòng thực hiện được đến nơi đến chốn các công trình nghiên cứu, tức là từ phát hiện đến tận ứng dụng. Tôi mạnh dạn đề nghị và được phép thành lập Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật học. Sau một thời gian hoạt động Phòng nghiên cứu này được Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ ký quyết định cho phép thành lập Trung tâm nghiên cứu Vi sinh vật học ứng dụng. Đồng chí Trần Vỹ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội lúc bấy giờ, rất ủng hộ quyết định này và cấp cho tôi trên 300m2 tại Khu tập thể Kim Giang. Tôi và đồng chí Vinh ở Phòng Quản trị của Trường phải xin đổi vào Khu Thượng Đình và lấy diện tích đó để phân nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của Trường. Vậy là chúng tôi có được 16 phòng thí nghiệm nhỏ tại nhà C ở Thượng Đình. Trung tâm nghiên cứu Vi sinh vật học ứng dụng đã tham gia vào hầu hết các nghiên cứu ứng dụng có liên quan đến vi sinh vật có ích, từ phân bón vi sinh vật đến thuốc trừ sâu vi sinh vật, từ thức ăn ủ men đến sinh khối giàu protein và vi tamin, từ sản xuất nước chấm đến men bánh mỳ, giấm, thạch dừa, giống nấm làm tương không sinh Aflatoxin...
Một kỷ niệm không thể nào quên đó là kết quả nghiên cứu một chủng nấm men có tác dụng ức chế Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Chuyện này thật là lạ về mặt khoa học nhưng là chuyện có thật. Vào lúc đó chúng ta đang mở chiến dịch đường 9 Nam Lào. Chiến sự vô cùng ác liệt, rất nhiều thương binh và dân công hỏa tuyến bị thương và nhiễm vi khuẩn mủ xanh. Nếu cắt lọc vết thương thì có nguy cơ nhiễm trùng máu và vì hồi ấy chúng ta chưa có trong tay thuốc kháng sinh nào ức chế vi khuẩn này cho nên các bác sĩ đành để cho các mỏm cụt xưng rất to và gây đau đớn khủng khiếp cho thương binh. Cục Quân y quyết định cử tôi và cô Vũ Minh Đức vào một bệnh viện dã chiến gần chiến trường. Chúng tôi đã nuôi nấm men này bằng nước luộc bí ngô có thêm đường và dùng dịch nuôi cấy để thấm vào bông đắp lên vết thương. Kết quả ngoài mong muốn, chỉ sau 2-3 ngày đã không thấy vi khuẩn này nữa trong khi cấy bệnh phẩm vào môi trường.Khi đó các thày thuốc có thể yên tâm cắt lọc vết thương và chuyển ra Viện Quân y 109 tại Vĩnh Yên. Tôi và bạn Phạm Văn Ty cùng sinh viên sau chiến dịch lại được lên Viện 109 tiếp tục nghiên cứu đề tài này. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu rất quan tâm và mời hẳn một nữ chuyên gia ở Viện nghiên cứu Chất kháng sinh từ Nga sang. Bà cũng rất thú vị về sự kiện này nhưng cho biết để khám phá ra bí quyết đó cần cả một Viện nghiên cứu của Nga. Tôi đề nghị gửi chủng này qua Nga nhưng không được chấp thuận. Khi đó điều kiện bảo quản chỉ là tủ lạnh cho nên tuy chủng nấm men này vẫn còn được lưu giữ cho đến nay nhưng hoạt tính kháng khuẩn đã hết hiệu nghiệm. Thực tế ác liệt ở Chiến trường làm chúng tôi vô cùng xúc động vì vậy ngoài nhiệm vụ chuyên môn chúng tôi đã làm mọi việc có thể làm được để phục vụ thương binh. Nhút nhát như cô Vũ Minh Đức mà đã dám hát tại từng lán thương binh nặng để động viên họ. Trong số này có một bạn trẻ nguyên là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp, cậu ta bị cụt cả hai bàn chân và đều nhiễm vi khuẩn mủ xanh. Sau này tôi có dịp về thăm cận ấy ở Cẩm Phả, thấy cận ấy đã lắp chân giả và có một trang trại hoa rất đẹp. Tôi đã giới thiệu để cậu ta có mặt trong một chương trình Người đương thời cùng với Giáo sư - Đại tá Nguyễn Văn Nhân, trưởng đoàn công tác của chúng tôi hồi ấy.
Do sự phát triển của 3 trung tâm khác nhau mà về sau Đại học Quốc gia Hà Nội có quyết định hợp nhất lại và thành lập Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học. Tôi đã xin được một dự án đầu tư chiều sâu với kinh phí 1 triệu đôla (rất tiếc là các cấp cắt bớt nhiều thiết bị trong bản dự trù nên chỉ triển khai được có 700 nghìn đôla). Nhờ có số thiết bị này công tác nghiên cứu Vi sinh vật học đã có một bước nhảy vọt về chất. Chúng tôi đã tiếp cận tới mức độ phân tử nhờ các thiết bị giải trình tự ADN và có điều kiện để phát hiện, đánh giá và lưu giữ các nguồn gen quý hiếm, đã bước đầu sản xuất được các enzim từ các vi sinh vật mang gen tái tổ hợp. Những cố găng đáng kể này đã được các nhà khoa học Nhật Bản ở Viện Nghiên cứu Quốc gia NITE chú ý. Một chương trình hợp tác giữa NITE và Đại học Quốc gia Hà Nội đã được ký kết. Hàng năm bên cạnh việc gửi sang Nhật các thực tập sinh cũng như tiếp nhận nhiều chuyên gia Nhật đến làm việc tại Phòng thí nghiệm của Trung tâm, chúng tôi đã làm được một việc quan trọng là thường xuyên công bố với quốc tế những loài vi sinh vật mới mang tên các địa danh của Việt Nam. Một sự hợp tác khác được ký kết, phía Nhật Bản tài trợ gần 700 nghìn đôla thiết bị để thiết lập một phân xưởng sản xuất chế phẩm vi sinh vật. Phân xưởng này sẽ được phép đặt tại cơ sở mới trên Hòa Lạc. Thiết bị đã về Việt Nam từ lâu, nhưng rất tiếc là thủ tục nhận Phòng thí nghiệm trên Hòa Lạc cứ bị hoãn đi, hoãn lại nhiều lần. vì nhận thấy không thể phát triển nền Công nghệ sinh học ở nước ta nếu không có đơn vị nghiên cứu chuyên ngành về vi sinh vật. Sau sự kiện Hội Vi sinh vật học Việt Nam được công nhận là thành viên của Liên hiệp Quốc tế các Hội Vi sinh vật học (IUMS) và Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật Việt Nam (VTCC) được làm thủ tục gia nhập Liên đoàn các Bảo tàng giống thế giới (WFCC), tôi với tư cách một nhà khoa học lâu năm đã mạnh dạn đề nghị trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ về việc xin bổ sung thiết bị để nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học thành Viện Vi sinh vật học Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận đề nghị này và giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhiều bộ có liên quan xem xét để báo cáo Thủ tướng về những quy hoạch cụ thể. Một tương lai mới rộng mở hơn cho tập thể chúng tôi.
|
GS.TS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại một kỳ họp của Quốc hội. | Tuy đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn cố hết mình kiến nghị với các cấp để tạo ra mọi điều kiện thuận cho thế hệ cán bộ trẻ rất thông minh và đầy sáng tạo có thể có một bước tiến bộ nhanh chóng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu để vừa có điều kiện phục vụ đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh với chất lượng cao, vừa có thể nghiên cứu ra các sản phẩm có thể phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chúng tôi cũng đã thoả thuận hợp tác với Vương quốc Bỉ trong việc mở các lớp tập huấn đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam để cho nhiều cán bộ trẻ có thể nâng cao trình độ mà không cần tốn nhiều kinh phí đi ra nước ngoài.
Ngoài công tác nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm tôi luôn luôn động viên các cán bộ trẻ bám sát với thực tiễn cuộc sống. Được bầu làm Chủ nhiệm Chương trình Tự nguyện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ hộ nông dân tôi đã góp phần mở ra được 2 trung tâm huấn luyện ngắn hạn nông dân (tại Ninh Bình, Sơn La) và giúp các bạn Lào mở được 1 trung tâm tương tự tại Viên Chăn. Tôi thường xuyên coi trọng công tác phổ biến khoa học cho đông đảo nhân dân. Các câu hỏi - đáp trên VTV2 và trên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã NXB Trẻ xuất bản thành 15 tập “Hỏi gì đáp nấy”, nhiều tập đã được tái bản tới 8-9 lần mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đông đảo quần chúng. Chúng tôi đã chuyển giao công nghệ cho Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (Huế) - nhà máy đầu tiên chuyển hóa được 90% rác thành hàng hóa. Đang chuẩn bị chuyển giao công nghệ này cho một nhà máy xử lý rác quy mô 1.000 tấn/ngày tại thành phố Hồ Chí Minh. Khoa học phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và thành tựu khoa học sẽ là nguồn bổ sung quỹ tiền lương hết sức ít ỏi ở từng đơn vị.
Nhà trường luôn luôn động viên và tạo điều kiện cho tôi tham gia các hoạt động xã hội. Tôi là đại biểu Quốc hội khóa X và khóa XI. 4 nhiệm kỳ là ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt nam, Tổng thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam... Tuy rất bận rộn và rất thiếu thời gian nhưng tôi lúc nào cũng lạc quan, yêu đời vì mình luôn gắn bó với các cán bộ trẻ, gắn bó với các thế hệ sinh viên và do đó có được một sức mạnh tập thể trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và triển khai các thành tựu khoa học, được nhân dân gọi là “người của công chúng”. Tôi cũng được Nhà trường tạo điều kiện cho đi khảo sát và tham dự nhiều hội thảo khoa học ở nước ngoài. Một kỷ niệm không thể nào quên là tôi đã từng được Cụ Quách Mạt Nhược mời cơm hai lần khi Cụ đang làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Vinh dự này thật hiếm có ngay cả đối với các học giả Trung Quốc.
Từng ấy điều nói trên gắn liền với 50 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tôi cảm thấy rất phấn khởi và và tự hào về thành tích chung của Nhà trường , trong đó có phần đóng góp nhỏ bé của mình. Tuy đã sắp sửa bước vào tuổi “Xưa nay hiếm” nhưng tôi thấy mình vẫn còn khá sung sức và vẫn còn đầy nhiệt tình để hỗ trợ các bạn trẻ trong đơn vị làm được ngày càng nhiều hơn những đóng góp đáng kể cho công tác đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ./.
|