Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Sinh viên cùng hành trình 30/4
Với những doanh nhân, lập trình viên, nhà kinh tế, tiểu thuyết gia… thế hệ 8X lớp trẻ đang khẳng định mình là lớp người tiên phong trong công cuộc đổi mới. Những kỳ tích họ đạt được có xuất phát điểm từ lòng yêu nước, tự hào về thế hệ cha anh. Họ không hề quên truyền thống lịch sử dân tộc. Họ chứng minh điều đó bằng chính hành động của mình…

Sinh viên Khoa Lịch sử - những người xuất phát đầu tiên

Sinh viên Khoa Lịch sử (ĐHKHXH&NV) luôn quan niệm “đua tri thức là hoạt động thiết thực nhất kỷ niệm những ngày lễ lớn”. Kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, họ đã thực hiện loạt chương trình tìm hiểu qua các cuộc thi.

8h tối ngày 6/4 hội trường quận uỷ Tây Hồ đông kín người. Cuộc thi “hành trình 30/4” sắp bắt đầu. Sinh viên Khoa Lịch sử hò hét náo nhiệt trấn an, cổ vũ tinh thần đội mình. “Đem chuông đi đánh xứ người” họ phải thi đấu với những bậc đàn anh đàn chị ở Quận đoàn Tây Hồ, Tổng cục chính trị. Những sinh viên trẻ rất tự tin bước qua ba vòng thi: dấu chân lịch sử, chiếc hộp bí mật và phần thi hùng biện xoay quanh nội dung chiến thắng 30/4 và tìm hiểu danh nhân Hồ Chí Minh. Với bài hùng biện xúc động, hào hùng đội tuyển Khoa Lịch sử đã giành thắng lợi.

10h45 ký túc xá Mễ Trì sắp đóng cổng, hớt hải chạy về phòng Dũng (K48 Lịch sử) vui mừng: “Vui vì chiến thắng, vì được giao lưu học hỏi, hơn nữa bọn mình còn được ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc”.

Thầy Nguyễn Quang Liệu, giám khảo cuộc thi nhận xét “Ban giám khảo rất hài lòng vì sinh viên qua bài hùng biện đã nhận ra được ý nghĩa của cuộc thi. Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh ngày nay phải luôn tự hào về truyền thống dân tộc, coi đó là điểm tựa để tiếp thu những tri thức tiên tiến của thời đại mới”.

Câu hỏi: “Số hiệu của chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập?- 390! Ai cũng trả lời được.

Tên của bốn chiến sĩ trên chiếc xe tăng? - câu hỏi đó trong chương trình “Nhà sử học trẻ với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh” do khoa tớ tổ chức không dễ trả lời đâu”- Bùi Thanh K49 Lịch sử khẳng định.

Ngày 9/4, liên chi đoàn, liên chi hội sinh viên đã tổ chức cuộc thi cho 9 đội của 9 lớp thuộc Khoa Lịch sử. Các lớp chất lượng cao, Sư phạm Lịch sử, và Lịch sử tổng hợp trải qua ba vòng đấu sôi nổi. Các câu hỏi đề cập đến hầu hết nội dung, góc cạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhóm cổ động viên có người bình luận: “Đây như chương trình Olympia cho sinh viên đại học”

Người khác phản bác “Đây là chương trình Seminar về lịch sử - cuộc thảo luận vượt khỏi phạm vi giảng đường của thầy trò Khoa Sử. Vì PGS. TS Ngô Đăng Tri, PGS.TS Phạm Xanh, TS. Nguyễn Văn Kim… trong ban cố vấn là người trực tiếp giảng dạy các lớp dự thi hôm nay”.

Băngrôn, khẩu hiệu, cờ hoa, những tiếng reo hò hâm nóng không khí hội trường tầng 8 nhà E. Không khí cũng lắng xuống mỗi lần nghe ban cố vấn cắt nghĩa giải thích về một sự kiện lịch sử.

“Học lịch sử không chỉ trong giáo trình, ở những giờ lên lớp, mà bổ ích và sinh động nhất là ở những cuộc thi như thế này” - Lan Anh (SV K49) nhận xét.

2. Hành trình tiếp lửa thế hệ

“Giờ học chính trị, đặc biệt là học lịch sử Đảng không hề khô khan”- sinh viên K49 Báo chí vẫn bảo nhau vậy. Không còn là kiểu học truyền thống thầy giảng đọc, sinh viên lắng nghe ghi chép mà có rất nhiều hoạt động ngoại khoá Xem phim lịch sử là hoạt động thường xuyên trong giờ lịch sử Đảng của lớp K49 Báo chí. Thầy Nguyễn Quang Liệu lặn lội tìm kiếm, giữ gìn cẩn trọng được những thước phim quý về chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thầy tổ chức chiếu phim ngay tại giảng đường. Gương mặt sinh viên nào cũng háo hức. Các cửa đóng kín, quạt được vặn nhỏ không gây tiếng ồn. Ba bộ phim: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Người Mỹ ở Việt Nam, Hồ Chí Minh - chân dung một con người được chiếu liên tiếp trong buổi sáng. Hàng trăm con mắt chăm chú đổ dồn về phía màn hình, trái tim mỗi người cũng rộn ràng theo tiếng kèn xung trận và bước hành quân của anh lính Cụ Hồ.

Những gương mặt háo hức trở nên trầm tư lúc nào không hay khi xem đến bộ phim “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”. Trái tim vĩ đại, trí tuệ vĩ đại của Người đã gây xúc động trong sâu thẳm tâm hồn mỗi sinh viên. Có những gương mặt khẽ cúi xuống bàn, có những giọt nước mắt lăn dài trên má…

Sau buổi chiếu phim, lớp phó Phan Văn Kiền quyết định “30/4 cả lớp về Nghệ An, không chỉ vì năm nay là năm du lịch Nghệ An mà về quê Bác là về quê hương cách mạng”.

Thầy Nguyễn Quang Liệu tâm sự trước cả lớp: “Hy vọng rằng những hình ảnh về những giây phút hào hùng của dân tộc mỗi sinh viên ý thức về chính mình, ý thức về trách nhiệm của mình đối với cuộc sống độc lập và tự do ngày hôm nay”.

Không chỉ tìm hiểu mà sinh viên còn được trực tiếp giao lưu với những người lính cụ Hồ năm xưa. Ngày 16/4, Hội trường nhà E (ĐHKHXH&NV) hầu như không còn một chỗ trống. Sinh viên được giao lưu với đại tá nhà văn Chu Lai, nhà báo Đức Hoàng.

Nhà văn Chu Lai từng là người lính đặc công chiến đấu ở ven thành Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà báo Đức Hoàng - người sang tận Mỹ thực hiện bộ phim “Chiến tranh Việt Nam, 30 năm nhìn lại”. Buổi giao lưu chính là cuộc đối thoại giữa hai thế hệ: những người lính năm xưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với thế hệ trẻ hôm nay những người đang ra sức xây dựng đất nước. “Tôi có những ấn tượng rất sâu sắc. Bộ phim “Chiến tranh Việt Nam, 30 năm nhìn lại” cho thấy những góc nhìn chân thực từ phía ta, phía Mỹ, phía Việt Nam cộng hoà về cuộc chiến tranh Việt Nam. Còn cuộc trò chuyện cởi mở thân mật với nhà văn Chu Lai cho tôi thấy hình ảnh người lính năm xưa và chất lính ấy vẫn còn đến ngày nay” - Lan sinh viên Quản lý Xã hội tâm sự.

Kể về những tháng ngày gian khổ chiến, những giây phút huy hoàng khi thấy xe tăng quân ta tiến lên cầu Sài Gòn, nhà văn Chu Lai nhắc nhở sinh viên: “Không nên tô hồng cũng không nên bôi đen chiến tranh, hãy nhìn chiến tranh bằng con mắt khách quan nhất. Chiến tranh thật sự trần trụi đau thương nhưng cũng lãng mạn và hào sảng khôn cùng”.

Với bất cứ hình thức nào, những cuộc thi kiến thức, những hoạt động ngoại khoá cho môn học, những buổi giao lưu trực tiếp… sinh viên đang hoà chung trong không khí cả nước kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất cả nước. Hơn nữa họ đang được tiếp lửa, tiếp nhận sức mạnh của thế hệ cha anh để đứng vững hơn trong nhiệm vụ xây dựng đất nước hôm nay.

 Nguyễn Hữu Bắc - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :