Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Dấu ấn tình nguyện
Mỗi năm đến hè lại là mỗi đợt ra quân tình nguyện tưng bừng của những người trẻ tuổi. Và đó dường như đã trở thành một phần không thể thiếu của mùa hè. Mỗi chiến dịch là mỗi dấu ấn kỷ niệm mà trong ký ức của mỗi người không bao giờ phai...

Câu chuyện 1: Mặc áo xanh tình nguyện đồng nghĩa với việc bị mua đắt.

Lần ấy, Khoa Báo chí trường ĐHKHXH&NV được phân công lên giúp bà con huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Cả đoàn toàn những sinh viên năm nhất, đứa nào cũng hào hứng lên đường. Đến nơi bà con tiếp đón cực kỳ nồng hậu. Cả đợt tình nguyện không có điều gì rủi ro xảy ra, duy chỉ có một điều làm dân tình nguyện nhà mình "méo mặt".

Số là bà con cứ đinh ninh rằng “cái bọn này" giàu lắm, thế nên dân mình đi chợ được các bà, các chị cứ gọi là "chăm sóc" nhiệt tình luôn. Hôm đầu tiên đi chợ, Hương đã “nhăn như bị” khi thấy cái gì ở đây cũng đắt quá trời quá đất luôn. Mặc cả thì nhận được những cái bĩu môi: "Gớm các cô mà cũng tính toán thiệt hơn thế…" đến nước này thì đành chịu. Cuối cùng cả đoàn truyền tai nhau một kinh nghiệm "xương máu": đứa nào đi chợ thì cấm không được mặc áo tình nguyện.

Nấu ăn được SVTN chia nhau trực luân phiên.

Một tuần sau thấy "tụi nhỏ" làm việc hăng say nhiệt tình quá, các bà, các cô bảo nhau thôi đừng bán đắt cho tụi nó nữa kẻo tội chúng. Dần dần không những đám sinh viên tình nguyện được mua đồ đúng giá mà còn rẻ hơn mọi người nữa. Đám sinh viên năm thứ nhất rút ra được một bài học: Muốn giúp đỡ và khiến cho dân tin thì phải làm cho dân hiểu mình đã.

Câu chuyện thứ 2: Cô ơi, em yêu cô.

Suốt cả năm học vừa rồi, bạn bè cứ gặp Oanh (K48 Báo, ĐHKHXH&NV) lại thi nhau gào lên điệp khúc: "Lúc yêu em cũng là khi người đi rất xa, tôi không hay trái tim em tôi giá lạnh. Tiếng yêu tôi trao em bằng muôn lời ca, mà em như chẳng nghe nên tình tôi cứ mang, theo trong thầm kín...". Cô nàng chỉ còn biết đỏ mặt ngượng ngùng pha lẫn với tức tối.

Đợt tình nguyện hè vừa rồi, chương trình hoạt động chính của đoàn là phổ cập tiếng Anh bậc tiểu học và lập đài truyền thanh ở từng xóm. Oanh dạy một lớp gồm toàn học sinh cấp II từ lớp 6 đến lớp 9. Trong lớp của Oanh có một cậu học sinh lớp 9 cực kỳ lười học và nghịch ngợm. Thế nhưng không hiểu sao ở bất cứ lớp nào Oanh dạy cũng có mặt cậu ta. Không hiểu từ đâu mà cậu ta biết Oanh thích mèo, thế là một hôm tan buổi sinh hoạt xóm thấy cậu ta thập thò ôm con mèo chạy theo... tặng cô. Hôm sau thấy một đứa học sinh mách: "Cô ơi con mèo hôm qua anh T. cho cô là của anh ấy ăn trộm đấy”(!!!). đến nước này thì Oanh chỉ biết kêu trời thôi.

Dạ thưa cô...

Cuối đợt tình nguyện, trong chương trình nhịp cầu âm nhạc của đài truyền thanh xóm, thấy cái giọng thánh thót của đứa bạn vang lên (có vẻ như đang phải kìm nén một trận cười thì phải): "Bài hát "Vì sao trong lòng tôi" với tiếng hát của Ưng Hoàng Phúc là quà tặng của bạn N.A.T gửi tới cô giáo Oanh, với lời nhắn: Cô ơi, em yêu cô". Sự kiện này gây chấn động cả đội tình nguyện và đến bây giờ nó đã trở thành một giai thoại của đám sinh viên tình nguyện Khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV.

Câu chuyện thứ 3: Chị ơi em sợ lạc ạ.

Đội sinh viên tình nguyện Học viện Bưu chính Viễn thông được phân công "chấn giữ" ở bến xe Hà Đông trong chiến dịch tiếp sức mùa thi 2004. Tổ tình nguyện toàn là con gái, nàng nào cũng thuộc loại "tiểu thư khuê các", quyết tâm làm cuộc cách mạng để bố mẹ thay đổi cái nhìn về mình.

Cái nắng oi bức của trưa mùa hè cộng với sự hỗn tạp của bến xe càng khiến các nàng mệt mỏi. Một "thằng bé" cao lớn nhưng bộ mặt ngơ ngác tiến tới lễ phép: "Chị ơi cho em hỏi đường đến Ký túc xá Mễ Trì đi đằng nào ạ?” Các chị SVTN năm nhất hăm hở: “Em cứ đi thẳng, đến đường Lương Thế Vinh bên tay trái thì rẽ vào là tới thôi." "Nhưng mà em sợ lạc lắm...". Nhìn mặt "thằng bé" thấy tội tội, một nàng quyết định nhanh chóng: “Thôi được! Em lên đây chị chở đến Ký túc xá Mễ Trì” (cả đội hoan hô nhiệt liệt vì tinh thần tình nguyện).

Tạm biệt! Chúng tôi đến cơ sở đây.

Hùng hục đưa được “thằng bé” đến nơi, đang định dẫn “nó” vào đăng ký phòng thì thấy "nó" cười toe: "Em học năm thứ 3 trường ĐHKHXH&NV. Chị lên phòng em chơi". "Trời đất ơi, tui chỉ muốn rút guốc gõ cho nó một cái" - T.Ngọc kể lại giọng đầy giận dữ. Nhưng bù lại T.Ngọc đã kiếm cho mình một gia sư tin cậy và một ông anh tốt. Cô còn được mặc sức trả thù cái vụ "lần đầu gặp gỡ".

Câu chuyện thứ 4... câu chuyện thứ "n"... những câu chuyện không bao giờ kết thúc sau mỗi đợt tình nguyện hè. Mỗi một câu chuyện là mỗi dấu ấn kỷ niệm mà dân tình nguyện chẳng bao giờ quên. Và những kỷ niệm đó đã trở thành động lực thúc đẩy những người trẻ tuổi tiếp tục đem sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình vượt qua mọi khó khăn vất vả làm nên những mùa hè xanh tình nguyện.

Kết thúc một ngày làm việc là những tiết mục văn nghệ tự biên tự tạo và tự diễn... tự thưởng thức.

 Tố Nga - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :