Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Khoá học mới có mở cánh cửa mới cho sinh viên cũ?
...Đương khi bế tắc thì có thông tin về một khoá đào tạo ngắn hạn (6 tháng) Biên kịch và Lý luận phê bình điện ảnh do Khoa Văn học trực tiếp mở dành cho những sinh viên mới tốt nghiệp. Lại lỉnh kỉnh ba lô, lại nhen nhóm hy vọng, chúng tôi lên tàu nhằm hướng thủ đô…

Cử nhân văn chương ra trường… lận đận

Bốn năm cần mẫn trên giảng đường, ngoài những môn học đại cương như Triết, Xã hội học, Dân tộc học, Báo chí truyền thông,… sinh viên Khoa Văn còn được học khoảng 2000 tiết học cơ sở và chuyên ngành Văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, trong đó bao gồm các nền văn học lớn từ Pháp, Nga, Anh, Mỹ Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha đến ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam á và văn học Việt Nam từ dân gian đến hiện đại, ngôn ngữ từ những vấn đề nguyên lý chung đến thực hành Tiếng Việt, phong cách Tiếng Việt. Khối kiến thức tổng hợp đồ sộ ấy tự lúc nào đã rèn cho sinh viên một thói quen làm việc khuôn mẫu, kinh viện. Những môn như ngoại ngữ, tin học và các kiến thức xã hội khác vốn là những chìa khoá để dễ dàng hội nhập cuộc sống và công việc lại vô tình bị đa phần sinh viên coi nhẹ. Điều đó làm cho cử nhân Văn chương khi ra trường trở nên ngơ ngác trước những vận động quá nhanh của xã hội và những yêu cầu rất đa dạng của nhà tuyển dụng. Anh Nguyễn Chí Dũng (phòng nhân sự công ty bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG) đã nói chân thành sau khi phỏng vấn một ứng viên: "Những kiến thức về văn học bạn có thật quý, nhưng nó xa thực tế quá và không hợp với công ty chúng tôi…". Hạn chế về kinh nghiệm giao tiếp, kém cỏi ngoại ngữ, chậm tính toán khiến cử nhân Văn chương rất khó kiếm được một việc làm trái nghề thu nhập tàm tạm vì cơ may được làm việc đúng chuyên môn chỉ mỉm cười với rất ít người. Ngay sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Minh Anh đã nộp hồ sơ tuyển dụng PR ở công ty FPT. Bước vào thi tuyển cô thật sự tự tin khi làm hoàn hảo bài kiểm tra kiến thức chuyên ngành. Nhưng đến bài trắc nghiệm IQ, SMART và thi tiếng Anh thì cô đành phải chào thua, ngậm ngùi đi tìm nơi khác. Không chỉ có Minh Anh mà rất đông bạn bè của cô sau một thời gian vật lộn với hai chữ "kiếm việc" mới rút ra một thực tế thật chua chát: "Chính tâm lý ỉ nại vào giáo trình và bài giảng đã làm cho cái danh của chúng mình ngày một mất giá…". Ngay đến gần hai chục cử nhân loại giỏi thuộc hệ đào tạo chất lượng cao của Khoa Văn học vừa mới tốt nghiệp cũng đang lao đao tìm việc làm để có thêm chi phí đi học cao học và chờ thời cơ. Về vấn đề này GS.VS Phan Cự Đệ cũng thừa nhận: sinh viên hệ đào tạo cử nhân chất lượng cao chỉ khác biệt trong đào tạo, còn sau khi tốt nghiệp, bước vào thị trường lao động, họ cũng gặp phải khó khăn tương tự như những sinh viên bình thường khác.

Đâu là hành trang cho một chuyên ngành mới…?

Những sinh viên Khoa Văn có nhu cầu tham gia khoá đào tạo biên kịch và lý luận phê bình điện ảnh đều khẳng định rằng: họ đã có một lưng vốn kha khá để đến với chuyên ngành này. Họ đã được học các môn liên quan đến nghệ thuật như mỹ học, phương pháp và các trào lưu văn học, nghệ thuật học, xã hội học nghệ thuật. Trong quá trình tìm hiểu văn học sử, họ còn có cơ hội được nghiên cứu về rất nhiều nhà văn thế giới và Việt Nam đã được xếp hạng: L.Tônxtôi, V.Huygô, H.Banzắc, Sêchxpia, Tháckơrê, Xécvangtét, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… Trong những tác giả ấy phần lớn đã có tác phẩm được chuyển thể điện ảnh, thậm chí một số được coi là mẫu mực trong nền điện ảnh thế giới. PGS.TS Hà Văn Đức - Chủ nhiệm Khoa Văn học cho biết: “Thời gian gần đây, khuynh hướng đa các môn học gần gũi hơn với cuộc sống đang được tăng cường trong khung chương trình đào tạo của Khoa mà biên kịch và lý luận phê bình điện ảnh cũng được coi như một môn học mới. Chúng tôi muốn đào tạo những nhà biên kịch hay, phê bình lý luận điện ảnh chuyên nghiệp bằng các khoá học ngắn hạn sau đó là dài hạn…". Khi đặt vấn đề: Phải chăng làm như vậy là "dẫm chân" lên công việc mà hiện tại trường ĐHSK-ĐA đang làm, ông Đức lại có ý kiến khác: “…Tôi cho rằng, trong xu thế đào tạo như hiện nay, chúng ta cần khai thác hết mọi khả năng có thể, nhất là phải làm mới ngay đối tượng đào tạo. Bấy lâu người ta vẫn kêu ca nhiều về thực trạng của điện ảnh trong nước mà một trong những khâu yếu nhất là biên kịch. Ngay lý luận và phê bình điện ảnh cũng chưa đủ mạnh. Không nên giữ mãi một thói quen cũ, nếu có thêm một trung tâm đào tạo mới ngoài việc phá vỡ thế độc quyền còn là cơ hội để phát huy thế mạnh ở một trung tâm khoa học xã hội lớn như ĐHKHXH&NV. Khi mở ngành nghệ thuật học tại khoa chúng tôi chỉ chọn lĩnh vực sở trường. Biên kịch và lý luận phê bình điện ảnh chắc chắn sẽ là lĩnh vực mà sinh viên Văn phát huy tốt…".

Trong đề án chuẩn bị cho việc mở khoá đào tạo đầu tiên vào tháng 9 tới đây Khoa Văn học đã vận động sự hợp tác, giúp đỡ của nhiều tổ chức như Hội điện ảnh Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh, chương trình văn hoá giáo dục, nghệ thuật quỹ Ford, các giáo sư điện ảnh nước ngoài. Những học viên được tuyển chọn tham gia khoá học sẽ không phải đóng bất cứ một khoản học phí nào. Họ sẽ được trang bị một hệ thống kiến thức cơ bản về điện ảnh như: lý luận điện ảnh, lịch sử điện ảnh thế giới và Việt Nam, những trường phái điện ảnh lớn trên thế giới, những đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Ngoài ra, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tạo điều kiện cho họ tiếp xúc và tìm hiểu các bước, các công đoạn, các khâu hình thành một bộ phim hoàn chỉnh. Khoá học mở ra đúng vào lúc cử nhân văn chương đang thực sự “khát” việc làm, nhiều người trong chúng tôi tự hỏi: “Liệu đây có phải là một hướng đi mới cho mình khi mà những hạn chế về tin học, ngoại ngữ và cả những kỹ năng làm việc vẫn chưa cải thiện được... ?”

 Đỗ Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :