Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Đêm thu tháng mười
Những cơn gió thu len lỏi qua từng con phố cuốn theo những chiếc lá vàng còn vương lại trên vỉa hè. Hà Nội đêm tháng 10...

Phía cuối con phố nhỏ dài hun hút, chỉ còn tiếng bác lao công quét sột soạt và một cụ già đứng lặng trên đường phố. Lại một mùa thu nữa sắp đi qua đất trời Hà Nội.

Hình như Hà Nội đang chuyển mùa, tôi đã cảm nhận được điều này từ mấy ngày trước khi đi qua những con phố. Từ khoảng chiều tối, những cơn gió mùa mang hơi lạnh buốt người tràn về từng ngõ ngách trong lòng thành phố. Nhưng Thu còn lưu luyến, chưa muốn rời xa Hà Nội. Bởi thế, mỗi ngày khi đi ngang trên đường Hoàng Diệu, người ta vẫn có thể nhìn ngắm những chiếc lá theo nhau rời cành rơi xuống nhuộm vàng cổng Bắc thành. Mỗi ngày tha thẩn bên Hồ Tây, trông ra những vạt sen bát ngát tưởng đã tàn mà vẫn còn lưu lại chút hương thơm kỳ lạ. Rồi thì cùng nhau ngồi trên bờ mà thưởng một be "Thu ẩm hoàng hoa tửu" giữa mênh mông trời đất thật không gì thú cho bằng. Nhưng những khoảnh khắc được sống bằng tất cả tâm hồn với thu Hà Nội như thế bây giờ hiếm hoi lắm.

Buổi sáng, có tiếng rao bán cốm Vòng vọng lại từ đầu phố, mẹ tất tả chạy lại mua làm quà tráng miệng cho cả nhà. Bố tôi mặt đăm chiêu rồi khẽ đọc hai câu thơ,

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may…"

(Nguyễn Đình Thi)

Bố đắm mình trong thu Hà Nội bằng cốm Vòng và thơ nhưng nét mặt không vui. Thu Hà Nội bây giờ ồn ào quá. Nó không còn có được cái khí thu nhuần nhị của Hà Nội như cách đây chục năm về trước. Ra đường phố ban ngày, nếu ai có ý định đứng ngắm nhìn Hà Nội mùa thu thì chỉ có mà mờ mắt vì nạn tắc đường, vì xe cộ tấp nập. Hơi thu xao xác bây giờ có lẽ chỉ là những làn khói xăng mù mịt, những làn bụi bốc tung lên mỗi khi có xe chạy qua. Người Hà Nội bây giờ thưởng tiết thu theo cách của riêng mình: đeo khẩu trang kín mặt để tránh bụi và phóng xe thật nhanh qua các con phố ồn ào để về nhà. Chẳng còn ai chia sẻ với nhau một cảm nhận về thu, người nào cũng mải miết với công việc, tiền bạc.

Đêm nay Hà Nội se se lạnh. Thu sắp đi hẳn mất rồi. Bố tôi không ngủ. Dường như bố tôi đang đi tìm lại một không gian thu Hà Nội giống như ngày xưa. Mà bây giờ, chỉ ban đêm, Hà Nội mới giữ lại được.

Một cơn gió chợt ùa lại làm tôi khẽ run lên. Trong tiếng gió, văng vẳng đâu đây một âm thanh từ một người chơi đàn vĩ cầm. Những nốt nhạc Phú Quang ngọt ngào và êm dịu như đêm thu Hà Nội. Tôi choàng dậy, lặng đi cạnh hơi ấm của bố bên sân gác nhỏ lộng gió.

Gần nửa đêm, những con phố nhỏ trước mặt đã thưa thớt người qua lại lắm rồi. Có lẽ giờ này, mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Hàng đèn chiếu trên phố như sáng hơn, lung linh hơn qua những vòm cây.

Đêm sâu hơn, những cơn gió lạnh hơn và con đường cũng vắng hơn. Tiếng vĩ cầm bây giờ trong trẻo và sâu lắng hơn bao giờ hết. Phía dưới đường, có tiếng sột soạt của chổi tre, bác lao công làm đêm đang quét đường. Ban ngày, lá rơi nhiều, mỗi nhát chổi của bác lại khiến đám lá khô chuyển động với tiếng xao xác lạ tai. Một cơn gió thổi qua, lá lại rơi tung trên khắp vỉa hè. Bác dừng lại, có tiếng nhạc lan trong gió. Bác đang thưởng thức bản nhạc hay cũng đang tìm về với khoảnh khắc êm dịu cuối cùng của đêm thu Hà Nội. Phía cuối phố, một bóng người từ từ tiến lại đến gần chỗ bác lao công. Trông bóng người có vẻ trầm ngâm, khuôn mặt khắc khổ, chắc tuổi cũng đã cao. Ông cụ cúi đầu nhặt một chiếc lá vàng rồi nở một nụ cười mãn nguyện. Nhưng ngay sau đó là một ánh mắt đầy tâm trạng nuối tiếc, ông cụ đưa đôi mắt nhìn xa xăm như tìm lại những gì đã mất.

Bố tôi đứng lên, tiến lại gần chỗ ông cụ và bác lao công. Họ nói chuyện, cười rồi thở dài. Tôi vẫn ngồi yên lặng nghe nhịp thời gian trôi chầm chậm. Tiếng đàn vĩ cầm đã dứt, không gian càng lặng lẽ hơn. Tôi thấy Hà Nội đêm đẹp hơn bao giờ hết. Con phố trước mặt tôi bỗng trải dài như vô tận. Những hàng cây theo nhau hun hút không biết tới đâu. Đầu tháng, trời không trăng sao nhưng không gợn mây và cao vời vợi. Sương xuống nhiều làm mờ đi cả những ánh đèn đường. Hà Nội đêm thu đẹp và vẻ đẹp ấy mãi mãi tồn tại vĩnh hằng như hồn thiêng đất kinh kỳ. Có lẽ, chính trong đêm thu lặng thế này, người ta trở nên hiểu nhau, dễ đồng cảm với nhau hơn. Người ta có thể bỏ đi mọi bộn bề, toan tính thường nhật để tận hưởng vẻ đẹp đêm thu vạn kỷ. Thu Hà Nội đẹp khắc khoải bởi tồn tại trong nó là trái tim yêu thương của những người con đất Hà Thành, dù có đi đâu về đâu vẫn hướng về những khoảnh khắc thu nơi mọi người cùng hướng về nhau.

Vẫn ngước mắt lên bầu trời cao thăm thẳm, tôi chợt nhớ về người bạn cùng học thủa nhỏ của mình. Bây giờ, đang một mình giữa trời Âu, cậu ấy có còn nhớ đến những đêm thu Hà Nội quê hương mà mới năm nào cả hai còn ghi dấu.

Hình như đêm đã bớt lạnh và những cơn gió đã thôi khắc khoải…

Có tiếng bố khẽ mở cửa vào nhà và từ từ bước lên phòng, bố thở dài. Phía dưới kia đường, bác lao công đang tất tả khua những nhát chổi. Cần phải trả lại một con phố sạch trơn trước khi mọi người thức giấc, bác càng mau tay hơn. Bóng ông cụ cũng đã xa dần sau những hàng cây. Từ xa xa, những người bán hàng rong đang đạp vội xe qua các ngóc ngách.

Một lát nữa thôi, khi Hà Nội tỉnh giấc, tất cả sẽ chỉ còn là sự ồn ã, bụi bặm thường nhật. Mỗi người sẽ lại mải miết với công việc của mình. Hà Nội ban ngày là Hà Nội công nghiệp. Mà ở đó, con người không được phép sống và đắm mình với những cảm xúc tâm hồn. Chẳng ai quan tâm xem người khác nghĩ gì. Và khi mùa thu đến hay đi, đó đơn giản là một sự thay đổi thời tiết, thế thôi. Không còn những cơn gió heo may trong không gian phố sâu hun hút thì cũng vẫn là mùa thu vậy mà.

Bây giờ, chỉ có đêm, Hà Nội mới thực sự có thu. Đêm thu tĩnh lặng, đẹp và sâu lắng như chính tâm hồn Hà Nội.

Những chiếc lá cuối cùng đã theo gió lìa cành. Hà Nội lại chuẩn bị bước sang một mùa đông giá buốt. Những đêm thu tĩnh lặng cuối cùng sắp rời xa.

 Trúc Linh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :