Ông hào hứng kể về việc Việt Nam sắp có những tiến sĩ báo chí đầu tiên được đào tạo hoàn toàn trong nước. Ông hiện là một trong những thành viên của hội đồng chấm luận án tiến sĩ ngành này.
Báo chí đối với lịch sử giáo dục & đào tạo nước nhà không phải là một ngành mới nhưng sự phát triển của ngành chưa có sự bứt phá mạnh mẽ như những ngành xã hội khác. Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo tiên phong trong đào tạo nhân lực ngành này với mấy chục năm kinh nghiệm nhưng lứa tiến sĩ báo chí đầu tiên cũng chỉ sắp “ra lò”. Khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV được thành lập năm 1990 nhưng năm 1991 mới bắt tay vào đào tạo lớp cử nhân đầu tiên. Năm 1997, chương trình đào tạo thạc sĩ báo chí của Khoa được thông qua và bắt đầu triển khai thực hiện. Nhằm đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, cùng bắt nhịp nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, năm 2005, Khoa Báo chí bắt đầu chiêu sinh đào tạo tiến sĩ. Cho đến nay, trung bình mỗi năm, Khoa tuyển sinh 200 sinh viên, 20 – 25 học viên cao học và 2 – 3 nghiên cứu sinh.
|
PV báo Thanh niên Káp Thành Long (áo tím) là một trong những "sản phẩm đào tạo" của Khoa Báo chí (Ảnh: Bùi Tuấn) |
Đáp lại nỗi băn khoăn của tôi về số lượng đội ngũ giảng viên liệu có đáp ứng được thực tiễn của nhu cầu đào tạo, Chủ nhiệm khoa Đinh Văn Hường hồ hởi: Hiện có 20 giảng viên đều có trình độ thạc sĩ trở lên là cán bộ cơ hữu của Khoa. Trong số này có 4 PGS, 4 TS đang trực tiếp giảng dạy; lực lượng trẻ chiếm 50 – 60% đội ngũ cán bộ của Khoa. Khoa Báo chí là một trong số ít khoa của trường không bị hẫng hụt về đội ngũ giảng viên kế cận và không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Cùng với đó, Khoa còn là nơi tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ đông đảo các nhà báo có uy tín hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí. Các nhà báo nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo ở các cấp bậc và các loại hình đào tạo. Các nhà báo cũng chính là một trong những cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên ngành báo chí trong việc thực tập, thực tế, xin việc và học hỏi kinh nghiệm làm nghề. Thế hệ nối tiếp thế hệ tạo nên những vòng quay liên tiếp của cuộc luân hành của những người làm nghề.
Trong 6, 7 năm gần đây, tài liệu, giáo trình của khoa phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng thực tiễn nhu cầu đào tạo của Khoa. Từ con số 0 ban đầu khi thành lập đến nay Khoa đã có một khối lượng giáo trình, tài liệu tương đối hoàn chỉnh với tổng số hơn 150 đầu sách về báo chí học. Một năm rưỡi một lần, Khoa liên tục cập nhật và điều chỉnh thêm một số nội dung mới, đáp ứng các yêu cầu của đổi mới. Hiện tại, Khoa đang tích cực chuyển đổi chương trình đào tạo theo niên chế sang chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ theo chỉ đạo của ĐHQGHN và đáp ứng yêu cầu chung của thời cuộc.
|
Sinh viên báo chí trong giờ thực hành (Ảnh chỉ có tính chất minh họa; Bùi Tuấn) |
Nâng cao chất lượng đào tạo là một nhiệm vụ thường xuyên của tất cả thầy và trò Khoa Báo chí. Thực tiễn đào tạo báo chí cho thấy, báo chí là một ngành đặc thù đòi hỏi sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Để sinh viên báo chí có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc khi ra trường đòi hỏi một trang thiết bị phù hợp cho quá trình thực hành nghề: máy ảnh đối với báo in, báo ảnh; camera, trường quay, bàn dựng đối với sinh viên truyền hình; máy ghi âm, phòng thu đối với báo phát thanh; phòng mạng đối với báo điện tử… Hiện tại, Khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV đang sở hữu một studio tương đối đồng bộ và hiện đại phục vụ có hiệu quả trong việc đào tạo nhân lực cho ngành truyền hình. Đối với Khoa tuy không đào tạo chuyên ngành cụ thể nhưng sinh viên Khoa Báo chí có thể tác nghiệp ở mọi môi trường cơ quan báo chí. Lý giải về việc thích ứng trong công việc của sinh viên báo chí Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Đinh Văn Hường cho rằng do sinh viên vào khoa đã được sàng lọc tương đối kỹ càng do điểm chuẩn hàng năm của Khoa luôn ở top đầu của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Cùng với đó, trong môi trường ĐHQGHN – một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, sinh viên có điều kiện tốt để tiếp nhận một phông văn hóa nền tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc chú trọng đào tạo cho sinh viên phương pháp luận và kỹ năng tư duy, sinh viên sẽ có nền tảng để phát triển bền vững và phát huy được tính sáng tạo, thích ứng cao trong quá trình hành nghề.
Hiện cả nước có rất ít cơ sở đào tạo báo chí nhưng mỗi cơ sở được “gọi tên” với một màu sắc tương đối rõ nét. Trong khi Học viện Báo chí & Tuyên truyền có một chương tình đào tạo chuyên sâu cho từng chuyên ngành báo chí thì Khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV lại được nhắc đến với một “bản sắc” khác - bản sắc của việc đào tạo toàn diện, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành.
|
PV thể thao bao giờ cũng được giành một vị trí đặc biệt (Ảnh: BT) |
Chia tay PGS.TS Đinh Văn Hường nhưng tôi vẫn in sâu trong tâm trí lời tâm sự của ông: “Cá nhân tôi cho rằng đặc thù nghề nghiệp báo chí cần có năng khiếu. Bản thân tôi thấy việc tuyển sinh đầu vào bậc đại học với môn năng khiếu cho chương trình đào tạo cử nhân báo chí là một việc rất đáng được khuyến khích. Đồng thời với khối kiến thức cơ bản được học ở bậc phổ thông, cộng thêm năng khiếu của mỗi cá nhân, qua quá trình đào tạo, sinh viên sẽ có “sức bật”, sự trưởng thành và khả năng cống hiên nhiều hơn cho nền báo chí nước nhà”...
Với những trăn trở, suy tư về nghề (báo chí), về ngành (giáo dục & đào tạo) như thế, tôi thầm nghĩ trong một tương lai không xa, thầy và trò Khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV sẽ có những bước tiến dài, tô đậm bản sắc đào tạo ngày càng rõ nét, ấn tượng,…
|