PGS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ đã đại diện cho 2 đơn vị ký kết văn bản hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Công nghệ Vũ trụ.
Chứng kiến lễ ký kết có GS. TS Nguyễn Hữu Đức – Phó giám đốc ĐHQGHN, Hiệu trưởng Trường ĐHCN và TS. Phạm Văn Quý – Phó Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý của một số đơn vị họat động trong lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam như Học viện Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, các viện nghiên cứu của Viện KHCNVN.
|
|
Với việc ký kết thỏa thuận này, Trường ĐHCN và Viện CN Vũ trụ đã góp phần hiện thực hóa “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/06/2006. Các mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2020, Việt Nam có thể làm chủ được một số công nghệ như công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất,... và đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, nâng cấp và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư trong giai đoạn trước, đồng thời đưa các ứng dụng của CNHK-VT vào phục vụ rộng rãi và thường xuyên cho nhu cầu của các ngành sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế,... Mở rộng và thương mại hoá các sản phẩm ứng dụng CNHK-VT.
Trên thế giới, Công nghệ Hàng không và công nghệ vũ trụ (CNHK-VT) là những ngành Công nghệ cao được đánh giá như là biểu tượng và khả năng cạnh tranh công nghệ cao của mỗi Quốc gia. Sự phát triển của CNHK-VTVT có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiên cứu phát triển các ngành công nghệ cao và là kết quả tích hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành công nghệ cao khác.
Tháng 9/2007, Đại học Công nghệ đã phê duyệt chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ vũ trụ thuộc ngành đào tạo kỹ sư cơ học kỹ thuật. Một số trường Đại học ở Việt Nam đã có Khoa Hàng không vũ trụ tuy nhiên đến nay cũng chưa có trường Đại học nào chính thức đào tạo chuyên ngành Công nghệ Hàng không - Vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vũ trụ, như lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh.
Hợp tác giữa Trường đại học và Viện nghiên cứu nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển công nghệ hàng không-vũ trụ của Việt Nam. Theo mô hình này, nhà trường sẽ phối hợp xây dựng bộ môn Công nghệ Hàng không - Vũ trụ trực thuộc Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hoá của Trường và là Bộ môn phối thuộc của Viện Công nghệ Vũ trụ; Bộ môn được Viện hỗ trợ, cho phép sử dụng trang thiết bị và cơ sở vật chất của Viện để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học do Trường giao với đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu được huy động từ cả hai cơ quan. Trường ĐH Công nghệ sẽ đào tạo sinh viên 3 năm đầu. Khi bắt đầu học chuyên ngành, các sinh viên sẽ đến Viện Công nghệ Vũ trụ học tập, nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận do các nhà khoa học của Viện trực tiếp hướng dẫn.
Trước mắt, bộ môn được giao chịu trách nhiệm đào tạo hai chuyên ngành chính trong chương trình đào tạo kỹ sư Cơ học kỹ thuật là: Công nghệ vũ trụ và Cơ điện tử.
Sự hợp tác giữa Viện Công nghệ vũ trụ - viện nghiên cứu đầu ngành của nhà nước về công nghệ vũ trụ và Đại học Công nghệ, một trường Đại học uy tín trong đào tạo các ngành công nghệ cao của Quốc gia đánh dấu bước phát triển mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ vũ trụ của Việt Nam.
Mô hình hợp tác “Trường – Viện” của ĐHQGHN là một mô hình mang tính đột phá để tận dụng các cơ sở vật chất của đôi bên nhằm đạt mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo mô hình này, các nhà khoa học đang trong biên chế của viện nghiên cứu sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ như Chủ nhiệm Khoa, Bộ môn, phòng thí nghiệm ở trường đại học.
|
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc ĐHQGHN, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Ban giám hiệu |
|