GS.TS Mai Trọng Nhuận bày tỏ sự cảm ơn tới UNITAR (Viện nghiên cứu và đào tạo Liên Hiệp Quốc), các nhà khoa học, chuyên gia trực tiếp và gián tiếp tham gia dự án TANGO, đồng thời đánh giá cao những kết quả ban đầu mà dự án đã thí điểm thực hiện thử nghiệm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy là những kết quả bước đầu nhưng dự án TANGO đã mang ý nghĩa khoa học cao. GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, để dự án tiếp tục phát triển và hoạt động hiệu quả, không chỉ dừng ở những mô hình giả định mà cần phải được triển khai trong những tình huống thực tế thiên tai ở Việt Nam, để tìm ra những điểm bất cập cần bổ sung, góp phần hạn chế, giảm nhẹ thiên tai.
Dự án TANGO đã thể hiện được phương châm “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”, có một vai trò quan trọng trong việc điều hành giúp đưa ra những quyết định chính xác trong việc giảm thiểu những tác động của thiên tai. GS.TS Mai Trọng Nhuận cũng cho biết, ĐHQGHN đang nỗ lực nhanh chóng tiến tới đạt trình độ quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thông qua việc mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng những ngành khoa học mũi nhọn, trong đó có môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong xu thế đó, Hội đồng ĐHQGHN đã quyết định thành lập Trung tâm Quốc tế về Biến đổi khí hậu.
|
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN cho rằng, việc tham gia vào dự án TANGO là một cơ may khi Việt Nam là một trong những quốc gia thiên tai xảy ra thường xuyên và xuất hiện với tấn suất ngày càng lớn.
Trước khi trình diễn giới thiệu về dự án TANGO được triển khai thử nghiệm thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, TS.Olivier Senaegas - Trưởng dự án TANGO, bày tỏ lòng cảm ơn tới Ban lãnh đạo ĐHQGHN đã tạo điều kiện giúp đỡ trong việc phối hợp hoạt động. TS.Olivier Senaegas cho biết, thông qua việc sử dụng các giải pháp ứng dụng thiết bị dịch vụ viễn thông, cung cấp các giải pháp đáng tin cậy trong trường hợp mạng lưới thông tin liên lạc sẵn có không hoạt động trong hoàn cảnh thiên tai, cũng như hỗ trợ hoạt động với các thiết bị xách tay tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, nhóm TANGO đã thu được những kết quả ban đầu làm cơ sở cho việc triển khai vào thực tế tại các vùng khác ở Việt Nam. Thông qua các hoạt động thực địa trong hai kịch bản giả định xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: những vùng dân cư quanh khu vực sông Hương bị ngập lụt do mực nước lũ đang dâng lên nhanh chóng; một cơn bão đổ bộ vào khu vực đập Hòa Duân và cửa Thuận An. Các kịch bản sẽ hoạt động tuân thủ các luật lệ, quy định của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia và khu vực, dưới sự phối hợp hoạt động của ĐHQGHN, chính quyền địa phương, UB quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn.
|
|
Từ các kịch bản giả định này, nhóm dự án TANGO tiến hành lập bản đồ vùng tổn thương, nhóm khoanh vùng thiên tai, xác định số người bị ảnh hưởng và tìm ra khu vực sơ tán dân tới nơi an toàn., theo dõi diễn biến tình hình sạt lở bờ biển…
Việc chọn tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi tiến hành thử nghiệm, theo TS.Olivier Senaegas, do đây là một trong những khu vực tần suất xuất hiện thiên tai lớn, bên cạnh đó Thừa Thiên Huế là tỉnh có cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai dự án tốt, đặc biệt là điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Dự án GMES (Hệ thống giám sát toàn cầu về Môi trường và An ninh) tại tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào việc chuẩn bị cho các hoạt động giảm thiểu các ảnh hưởng lũ lụt ở Đông Nam Á.
|
Mô hình cấu trúc hệ thống viễn thông của dự án TANGO. Hình minh họa của: UNITAR |
|