Học = Vô thức + Ý thức
Ngày 16/5/2002, Tạp chí Journal of Consciousness Studies công bố một công trình nghiên cứu của McFadden tại Đại học Surrey ở Anh chứng minh rằng cơ sở vật chất của tư duy là một trường điện từ của bộ não, trong đó khẳng định rằng hoạt động tư duy bao gồm vô thức và ý thức. Học là một hoạt động tư duy điển hình như vậy: Học = Vô thức + Ý thức.
Nhìn một cái cây, nhận thấy lá của nó màu xanh, đem lại cảm giác dịu dàng, dễ chịu, đó là vô thức. Thắc mắc tại sao lá của nó mầu xanh, đó là ý thức. Làm một phép toán nhân một con số có 4 chữ số với một số có 2 chữ số, cứ theo quy tắc mà làm ra đáp số, đó là vô thức. Thắc mắc tại sao quy tắc lại như thế, đó là ý thức. Nếu bỗng nhiên đem hỏi người lớn tại sao lại làm theo quy tắc đó, e rằng nhiều người sẽ lúng túng. Điều này chẳng có gì lạ, bởi vì xx hội không đòi hỏi mọi người phải giải thích quy tắc, mà chủ yếu chỉ đòi hỏi thành thạo áp dụng quy tắc. Trong trường hợp này, không cần nhiều tư duy ý thức, chỉ cần vô thức nhậy bén là đủ rồi. McFadden nhấn mạnh: Rất nhiều người thường đồng nhất tư duy với ý thức, thật là nhầm lẫn lớn. Thực tế phần lớn tư duy là vô thức, vô thức bao giờ cũng có trước, ý thức có sau, vô thức là cái phần bẩm sinh mà ai cũng có, nhưng vấn đề là nó có được đánh thức hay không. Ý thức là cái có sau, hình thành trong quá trình sống, phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh môi trường. Vô thức và ý thức liên quan mật thiết với nhau, thiếu một trong 2 vế đều dẫn tới tư duy què quặt.
|
|
Trẻ em tư duy chủ yếu bằng vô thức, lớn lên mới bổ sung dần dần ý thức. Vô thức có ngay từ khi lọt lòng, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ. Các bác sĩ thường khuyên các bà mẹ có thai nên nghe âm nhạc cổ điển dịu dàng, ngắm những bức tranh phong cảnh đẹp hoặc người đẹp... là hoàn toàn có lý: Thai nhi tiếp thu thông tin về thế giới qua người mẹ ngay từ khi đang ở trong bụng mẹ, thông qua hoạt động vô thức của não. Vô thức bám theo con người trong suốt cả cuộc đời, nhưng khi ý thức lấn át vô thức, làm cho tư duy mất cái hồn nhiên sinh động, thậm chí phản tự nhiên. Chỉ có sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa 2 loại tư duy này mới đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã học văn chương bắt đầu từ vô thức. Ông viết: “Những lời hát ru tràn đầy lục bát của mẹ nuôi thế giới tinh thần tôi lớn lên một cách vô thức”. Đó là cái mầm để sau này ông trở thành một nhà thơ, một nhà phê bình văn học nổi tiếng. Sigmund Freud coi vô thức là cái tiềm ẩn sâu xa quyết định mọi hoạt động của con người. Tất cả các nhà khoa học lớn cũng đều nhấn mạnh đến cái vô thức ẩn náu bên trong trực giác (intuition). Albert Einstein khẳng định: “Nhiệm vụ tối cao của nhà vật lý là khám phá ra những định luật cơ bản chi phối vũ trụ. Không có con đường suy luận logic để đi tới những khám phá đó; chỉ có trực giác nằm trong nhận thức bằng giao cảm (sympathetic understanding) mới có thể dẫn tới những khám phá đó”.
Vì thế nếu giáo dục không biết đánh thức cái năng lượng vô cùng to lớn tiềm ẩn đó trong con người thì bao nhiêu cố gắng nhồi nhét chữ nghĩa cũng sẽ vô dụng. Công việc đánh thức được người phương Đông gọi là Khai Tâm, sự nghiệp giáo dục chủ yếu là Khai Tâm? Nền giáo dục hiện đại quá chú trọng và quá vội vàng trong việc “Khai trí” (cung cấp thông tin) đến nỗi thường lãng quên nhiệm vụ Khai Tâm. “Toán học mới” thất bại vì quá vội vã Khai Trí: vội vã áp đặt vào trẻ em những kiến thức trừu tượng hình thức mà trước đây chỉ đến khi trở thành sinh viện đại học mới tiếp thu nổi, làm thui chột tư duy vô thức sinh động của các em. Hiện nay, sự vội vã đó đã bị phê phán. Bách khoa toàn thư Americana Encyclopedia viết: “Việc không chú ý tới cách học thuộc bài tỏ ra phản sư phạm: Chẳng hạn, ít nhất thì việc cần phải làm phép tính 1/2+2/3=? cũng quan trọng ngang với việc giải thích ý nghĩa của phép tính đó”. Vậy cái mới lạ nằm ngay trong đáy sâu của tầng vô thức của trẻ em chứ chẳng ở đâu khác. Hãy khai thác nó một cách triệt để, hãy đánh thức nó dạy, hãy làm cho trẻ em khao khát muốn biết cái mới lạ trong môn học, thay vì nhồi vào đầu các em một mớ chữ nghĩa mà các em chán ngấy. Một trong những người đi tiên phong trong việc đưa cái mới lạ theo hướng đánh thức người học là Joy Hakim.
Sách giáo khoa của Joy Hakim
Ngày 18/3/2003 dưới đầu đề “A Radical Formula for Teaching Science” (Một phương pháp cơ bản để dạy học) nhật báo The Washington Post của Mỹ viết: “Joy Hakim đang phá vỡ tất cả các luật lệ. Sách giáo khoa lâu nay chỉ là những bản thống kê kiến thức buồn tẻ và nhàm chán, nhưng sách của Hakim lại như một loại truyện kể. Thông qua những câu chuyện lịch sử khoa học hấp dẫn, Hakim dạy cho học sinh hiểu khoa học, hiểu quá trình hình thành các tư tưởng khoa học và ảnh hưởng của các tư tưởng đó đối với thế giới”.
Tại sao sách giáo khoa kiểu của Hakim được dư luận công chúng hưởng ứng? Đơn giản vì nó sinh động hấp dẫn hơn hẳn những cuốn giáo khoa đang lưu hành. Hans Christian von Bayer, giáo sư Vật lý Trường cao đẳng William & May, nhận xét: “Sách giáo khoa hiện nay ở Mỹ do một số hội đồng sư phạm viết ra. Họ chẳng có tài gì về văn chương, giọng điệu chẳng có gì hấp dẫn, chẳng có chút gì gọi là văn phong, chẳng có chút sức mê hoặc (charm) nào cả. Họ chỉ đặc biệt chú trọng đến các chi tiết chuyên môn... Kết quả là trẻ em cố gắng học thuộc, cố nôn mửa (spew out) thông tin vào bài kiểm tra tuần sau, nhưng để rồi quên đi, quên hẳn, quên một cách tuyệt đối”. Hakim đã phá vỡ cái truyền thống coi khoa học như một bản thống kê các chi tiết kỹ thuật. Bà đã đặt khoa học đúng như khi nó xuất hiện trong lịch sử. Bà viết: “Bằng những câu chuyện phản ánh quá trình thay đổi tư tưởng và trí tuệ qua các thời đại, tôi sẽ cố gắng giúp học sinh hiểu khoa học. Tôi muốn các em nhỏ trở thành các thám tử, vì thế tôi muốn viết như thế nào để thu hút các em tới mức các em còn muốn học tiếp thêm nữa”.
Nếu cái khung sách giáo khoa hiện nay là một bản thống kê các chi tiết kỹ thuật chán ngấy thì cái khung sách của Hakim là lịch sử - lịch sử như một dòng chảy cuốn theo mọi sự kiện, trong đó khoa học không thể là một ngoại lệ. Để giới thiệu thuyết tương đối hẹp, bà đánh thức học sinh bằng cách kích thích trí tò mò của các em đối với hoàn cảnh ra đời của lý thuyết này. Bà viết: “Rõ ràng là chàng thanh niên Albert Einstein rất thông minh, nhưng thái độ học tập của anh thì có vẻ bất ổn: Anh không kiên trì làm bài ở nhà trường và thường vắng mặt trên lớp; có vẻ như anh chỉ chăm chú theo đuổi cái gì mà anh thích. Một thầy giáo đã gọi anh là con chó lười biếng, vì anh thường không làm tròn bổn phận được giao. Nhưng ông thầy đã nhầm. Anh chẳng lười tí nào. Bộ óc của anh suy nghĩ không ngừng; Suy nghĩ về một chùm ánh sáng. Suốt hơn 10 năm, câu hỏi “điều gì sẽ xẩy ra với tốc độ ánh sáng?” dường như không lúc nào rời khỏi đầu anh. Cuối cùng, năm 1905, Einstein đã trả lời được câu hỏi của chính mình về chùm sáng đó: ông đã phát minh ra một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại - Thuyết tương đối hẹp”.
Nhưng cụ thể Hakim đã phá vỡ cái gì?
Kiểu viết như thế không còn là sách giáo khoa theo quan điểm truyền thống nữa rồi. Sách của Hakim là truyện khoa học, nhưng vẫn cung cấp đầy đủ kiến thức kỹ thuật cho học sinh. Bà quan niệm giáo dục phải tạo ra những “món ăn khoái khẩu” cho học sinh, thay vì bắt học sinh ăn những món nhạt phèo mà các em không ăn nổi. Sách giáo khoa của Hakim hiện nay bán rất chạy. Học sinh thi nhau mua để đọc, vì nó hấp dẫn như một cuốn truyện lịch sử, thậm chí như một cuốn trinh thám. Nhiều học sinh phát biểu rằng các em có thể tự học vật lý qua cuốn sách của bà, rồi đến lớp các em được nghe giảng lại nên hiểu rất sâu sắc. Tâm lý chán học và sợ học biến mất. Vậy bí quyết của Hakim là gì? Câu trả lời đã rõ: Bà đã đánh trúng vào tâm lý khao khát cái mới lạ của học sinh. Tâm lý ấy bấy lâu nay vẫn “lơ mơ ngủ” trong đống chữ nghĩa thuần túy kỹ thuật chán ngấy. Hakim đã đánh thức nó dạy. Bà lay động vào cái vô thức tiềm ẩn trong tâm hồn các em, có thế thôi.
|