Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Học nhóm thời tín chỉ
Việc học nhóm từ lâu giúp sinh viên có thêm kỹ năng làm việc, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi kiến thức với bạn bè. HIện nay hầu hết các trường đại học đều thực hiện đào tạo theo tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, chủ động tìm tòi và học nhóm để tăng thêm hiệu quả học tập. nhưng cũng từ đó mà sinh ra hai thái cực đối lập nhau, kẻ thì khi nào cũng miệt mài làm bài tập cho cả nhóm, người thì không bao giờ nhòm đến câu hỏi thảo luận nhóm nhưng điểm vẫn cao "ngất ngưởng".

 

Kẻ gồng mình vì bài tập nhóm

Là một trưởng nhóm, nhưng khi nào T. Tâm (sinh viên K51, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG HN) cũng phải lủi thủi sớm tối lên thư viện để giải quyết "núi" bài tập của cả nhóm. Mang tiếng bài tập nhóm, nhưng chẳng thấy khi nào nhóm Tâm chịu nộp bài thảo luận cho nhóm trưởng. Cô bạn tâm sự: "Cũng không hiểu nổi các bạn. Mình phân công công việc rõ ràng cho từng bạn, yêu cầu mỗi người phải có một bài cá nhân để nộp lại cho mình tổng hợp, nhưng đến thời gian quy định thì chẳng thấy ai nộp. Với nhiều lý do khác nhau, nào bạn bảo quên, bạn thì nghỉ học... Và cuối cùng thì mình phải tự làm lấy". Tâm cho biết, có nhiều lúc phải cố gắng giải quyết nhiều bài tập hóc búa mà không có bạn để trao đổi, Tâm cũng thấy nản, nhưng "mình cố gắng là để cho cả nhóm, cho bản thân mình nữa, mình không muốn giống như các bạn, vô trách nhiệm để kết quả học tập kém đi". Giống như Tâm, Linh (sinh viên K52, Trường ĐH Bách khoa) là một thành viên gương mẫu, nhưng cũng vì thế mà Linh phải "gánh" trách nhiệm soạn bài cho cả nhóm. Nhóm Linh hầu hết là con nhà giàu, khi nào cũng vạch ra đủ kế hoạch đi chơi, dã ngoại, pinic… và yêu cầu mọi thành viên phải "góp mặt", "chi viện" đầy đủ. Nhưng đến khi có bài tập thảo luận thì thấy cả bọn "out", chỉ có mình Linh là kiên trì chuẩn bị bài chu đáo. Linh chia sẻ: "Đã nhiều lần mình có nhắc nhở các bạn phải có trách nhiệm với bài tập chung, với công việc tập thể, nhưng dần dà cũng thành quen. Lên lớp các bạn đều đùn đẩy cho mình, vì có mỗi mình là chuẩn bị kỹ nhất". Lý do mà Tâm và Linh không thể nhắc nhở nhiều đối với những người khác vì "ngại làm mất lòng các bạn", thế là đành nhận phần bài tập về mình.

Rong chơi nhưng điểm vẫn cao

Trong khi nhiều bạn phải cật lực chuẩn bị bài tập nhóm thì Thương (sinh viên Trường ĐHKHXH&NV)  vẫn nhởn nhơ vui chơi, không quan tâm đến phần công việc mà nhóm trưởng giao. Nhiều khi các thành viên trong nhóm có nhắc nhở, Thương chỉ ậm ừ. Khi các thành viên khác nộp bài thì cô bạn không có bài, hứa sẽ làm trong những lần sau. Và nhiều lần như thế, Thương không làm cũng chẳng ai nói gì. Không phải chuẩn bị bài, không phải đứng dậy thuyết trình trước lớp, vì đã có các bạn khác làm hộ, nhưng điểm thảo luận Thương cũng không thua kém gì các bạn khác. Chính vì thế Thương càng dửng dưng trước những bài tập thảo luận nhóm, vì theo Thương "làm gì nhiều cho mệt, đến khi làm không tốt lại mất lòng bè bạn, thà để mọi người tự lo lấy. Với điểm số như vậy, mình không bao giờ kêu ca gì cả". Từ đó, thói quen không thảo luận hình thành trong Thương.

 

Mặc dù phải bận rộn chuẩn bị bài tập cho cả nhóm, nhưng cả Tâm và Linh đều không cảm thấy công sức mình đổ ra là vô ích, bởi vì mỗi lần đứng lên thảo luận thì đều được thầy cô cộng thêm điểm. Nhưng điều quan trọng hơn mà những con ong chăm chỉ nhận được không chỉ là sự ghi nhận của bạn bè, là số điểm đạt được, mà quan trọng hơn là Tâm và Linh đã học được nhiều từ những lần mày mò đó. Linh cười chia sẻ với tôi: "Mình có quá trình miệt mài thì cũng có nhiều ưu thế hơn những người khác. Cái gì cũng có cái giá của nó mà. Bây giờ không chỉ sách chuyên ngành, mà nhiều tác phẩm nổi tiếng ở các lĩnh vực khác mình cũng hiểu rõ. Sự mày mò mang lại cho mình nhiều bài học không chỉ về kiến thức học đường mà đặc biệt hơn là mở rộng vốn hiểu biết cho mình. Tuy nhiên, mình cũng muốn cả nhóm có những buổi thảo luận thực sự, để mình có thể chia sẻ những gì mình học được, chứ không phải là cách học đối phó. Điều quan trọng là ta học được những gì chứ không phải là ta học bằng cách nào".

 

 Trần Thị Kim Dung - K51 Khoa Báo chí - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 206, năm 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :