Hội nghị nhằm cung cấp cho các cán bộ, giảng viên ĐHQGHN những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ (SHTT), quy trình đăng ký SHTT tại Việt Nam, qua đó thảo luận các giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT và thúc đẩy đăng ký SHTT tại các trường đại học. Tới dự buổi khai mạc có PGS. TS Phạm Trọng Quát - Phó Giám đốc ĐHQGHN, TS. Tạ Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Pusgpendra Rai - Trưởng Văn phòng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WSO) tại Singapore.
PGS. TS Phạm Trọng Quát - Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: đẩy mạnh NCKH và CN mang tính ứng dụng cao phục vụ thực tiễn xã hội là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển của ĐHQGHN. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp và chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra như: phấn đấu công bố trên 175 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế, có ít nhất 3 bằng sáng chế được đăng ký và đưa vào sử dụng. Theo Phó Giám đốc, các baten (các phát minh sáng chế được chính thức cấp bằng sở hữu trí tuệ) của ĐHQGHN hiện còn quá ít so với tiềm năng của đội ngũ cán bộ khoa học. Trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh các đăng ký sáng chế khoa học như: lựa chọn các đề tài có định hướng nghiên cứu tốt, có sản phẩm đầu ra là các giải pháp hữu ích, các sáng kiến và triển vọng triển khai ứng dụng trong thực tế để đầu tư; đầu tư từ đầu vào những công trình nghiên cứu có sản phầm đầu ra là các sáng chế, các baten; có giải pháp động viên khuyến khích và khen thưởng các tập thể, các cá nhân có sáng chế được cấp bằng…
|
|
PGS.TS Phạm Trọng Quát cho rằng việc mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ ĐHQGHN về SHTT và quyền SHTT là hoạt động thiết thực nhằm tạo nền tảng nhận thức quan trọng cho việc thúc đẩy đăng ký phát minh SHTT trong ĐHQGHN.
Tại hội nghị, TS. Tạ Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khẳng định tầm quan trọng của SHTT trong việc thúc đẩy các nghiên cứu khoa học có chất lượng, đưa khoa học phục vụ thực tiễn cuộc sống góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật và cơ quan thực thi đăng ký SHTT nhưng hệ thống này chưa được vận hành thật sự hiệu quả, chưa có nhiều sáng chế có giá trị to lớn cho xã hội. Kiến thức về SHTT, các quy trình đăng ký SHTT trong xã hội cũng còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Cục SHTT và các đại học đã bắt tay nhau triển khai nhiều hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu về SHTT và đạt được những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Hội nghị tập huấn lần này là dịp để kiến thức và kinh nghiệm triển khai SHTT tại các trường đại học trên thế giới được chia sẻ cùng các cán bộ khoa học của ĐHQGHN.
Hội nghị tập huấn diễn ra trong cả ngày với việc thuyết trình và thảo luận xung quanh các nội dung cụ thể:
- Chính sách và pháp luật của Việt Nam về bảo hộ kết quả nghiên cứu và triển khai.
- Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo: xây dựng mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp.
- Giải pháp tăng cường hoạt động sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đăng ký sáng chế tại ĐHQGHN.
- Sử dụng thông tin sáng chế phục vụ nghiên cứu và triển khai trong các trường đại học.
|