Phát biểu tại hội thảo, GS. Phan Huy Lê cho rằng thế hệ sau có rất nhiều điều có thể học được từ cuộc đời khoa học của GS. Hãn. Đó là một nhân cách lớn của một trí thức lớn, luôn hướng về tổ quốc với một tình cảm sâu sắc và luôn mong mỏi được cống hiến cho đất nước. Hoàng Xuân Hãn tiêu biểu cho một thế hệ trí thức dấn thân vì độc lập và thống nhất của đất nước. Tuy là Việt kiều sống ở Pháp nhưng cho đến lúc mất đi ông vẫn mang quốc tịch Việt Nam - một điều rất hiếm đối với các trí thức bấy giờ. Ông còn là một nhà khoa học chân chính, trung thực, coi trọng sự thật, mong muốn tìm ra sự thật cho dù sự thật đó đưa ra có gây nhiều phản bác, nghi ngờ của dư luận. Một điều nữa mà các giới khoa học hiện nay khâm phục GS. Hoàng Xuân Hãn là trong các nghiên cứu của mình, ông luôn đề cao vấn đề phương pháp tư duy, phương luận.
Ông từng tâm sự rằng di sản của ông cha ta để lại rất phong phú nhưng tiếc là chưa có nhiều công trình nghiên cứu xứng đáng để đưa những giá trị ấy ra công luận, ra thế giới chỉ vì phương pháp nghiên cứu còn quá lạc hậu. Đồng tình với ý kiến của GS. Phan Huy Lê, GS.TSKH Vũ Minh Giang và PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng hệ phương pháp nghiên cứu có tính liên ngành cao, không lý thuyết nhiều, coi trọng tư liệu đã khiến các công trình của GS. Hoàng Xuân Hãn có giá trị rất cao về mặt học thuật, trở thành mẫu mực cho thế hệ sau.
|
GS.NGND Phan Huy Lê tại hội thảo |
Tổng kết hội thảo, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nhận định: “Hoàng Xuân Hãn thuộc vào hàng những đấng bậc không cần đến sự vinh danh, phải nhờ qua các cuộc hội thảo khoa học to hay nhỏ mới trở thành nổi tiếng, mới phát hiện ra những giá trị tiềm tàng, to lớn trong sự nghiệp của ông... Những công trình nghiên cứu của ông có một sức sống và giá trị lâu bền đối với giới khoa học nước nhà, là kết tinh của thái độ, phẩm chất cụ thể của một người con nước Việt luôn mong mỏi và khát vọng được cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Tuy sống và làm việc trong thế kỷ XX nhưng thuộc vào những đấng bậc mà sức sống và năng lực truyền giao xuyên thế kỷ”.
Còn GS. Đinh Văn Đức thì cho rằng với tầm vóc và những đóng góp lớn của GS. Hoàng Xuân Hãn trên nhiều lĩnh vực thì ông xứng đáng được vinh danh như một trong những tên tuổi góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học hiện đại Việt Nam. Và tên ông xứng đáng được đặt tên cho một con đường lớn của thủ đô.
Đã 13 năm sau ngày GS. Hoàng Xuân Hãn qua đời, theo thư mục chưa đầy đủ thì đã có 75 bài viết liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông. Hội thảo lần này những nghiên cứu, đánh giá tiếp nối và sâu hơn về những giá trị kinh điển mà những công trình nghiên cứu khoa học mà ông để lại trên các lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá, giáo dục... Thế hệ sau học được gì từ những di sản quý mà ông để lại, những di sản ấy cần được nhìn nhận, đánh giá như thế nào cho đúng trong bối cảnh hiện nay? Đó là những câu hỏi mà cần nhiều hội thảo, nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa mới có thể đưa ra những lời giải đáp thoả đáng. Một hội thảo có quy mô nhỏ với khoảng 20 báo cáo nhưng sâu sắc ở những phân tích đánh giá sâu ở góc độ khoa học về giá trị của các công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn; ấm cúng bởi tình cảm ngưỡng mộ và yêu quý của đông đảo các đại biểu dành cho ông.
|
PGS.TS Phạm Gia Lâm - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu khai mạc hội thảo |
|