Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
“Research Experience for Undergraduates” – Cuốn sách đầu tay của bốn sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học
Cuốn sách viết bằng tiếng Anh “Research Experience for Undergraduates” (tạm dịch là “Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học”) là sản phẩm đầu tay của “bộ tứ” sinh viên chương trình cử nhân khoa học tài năng Toán học: Nguyễn Thọ Tùng, Lê Tiến Nam, Trần Nhật Tân (Khóa 54) và Trần Văn Độ (Khóa 55) dưới sự hướng dẫn của GS. Moshe Rosenfeld.

Lớp học REU – Lớp học dành cho những sinh viên yêu Toán:

Cuốn sách ra đời từ ý tưởng thành lập lớp học REU dành cho những sinh viên yêu toán. Cuối năm học 2011 – 2012, với sự ủng hộ của PGS.TS. Vũ Hoàng Linh, PGS.TS. Lê Minh Hà và Quỹ Giáo dục VEF, Ban Chủ nhiệm Khoa Toán-Cơ-Tin học đã tổ chức lớp học REU. GS. Moshe Rosenfeld (từng giảng dạy tại ĐH Washington Seattle, Mỹ từ năm 1984 – 2008, hiện nay là chuyên gia của ĐHKHTN) tham gia giảng dạy lớp học.

Lớp học được thành lập với mục đích giúp sinh viên đọc hiểu các bài báo toán học, tập đưa ra các ý tưởng, kết hợp nhiều hướng tiếp cận, từ đó có thể tìm ra kết quả mới. Đối tượng tham gia lớp học chủ yếu là sinh viên chương trình Cử nhân khoa học tài năng và chương trình tiên tiến khóa 53, 54, 55. Thay vì giảng bài, GS. Rosenfeld đưa ra một số bài toán mà giáo sư muốn giải quyết, trong đó có những vấn đề đã làm được và những vấn đề sinh viên có thể làm thêm. Đôi khi sinh viên cũng tự tìm được bài toán cho riêng mình thông qua đọc các bài báo mà giáo sư giao cho đọc. Có thời gian GS. Rosenfeld về nước, lớp học vẫn diễn ra thường xuyên, các thành viên tự tổ chức thảo luận, seminar, trao đổi trực tuyến hoặc qua email với giáo sư.

Dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của GS. Moshe Rosenfeld, sinh viên lớp học REU được làm quen với nghiên cứu khoa học, phát triển khả năng làm việc nhóm, học được cách đọc một báo cáo khoa học, tìm ý tưởng, viết bài báo, thuyết trình,… Đặc biệt, thông qua trao đổi, trình bày ý tưởng,… với  GS. Moshe Rosenfeld, qua thực hành viết bài báo, thuyết trình, khả năng giao tiếp cũng như sử dụng tiếng Anh chuyên ngành của sinh viên được nâng cao.

 

Một buổi thảo luận nhóm của các thành viên lớp học REU

Tham gia lớp học ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ ba, thứ tư, 4 bạn gồm Thọ Tùng, Tiến Nam, Nhật Tân và Trần Độ cũng là 4 thành viên đồng hành cùng lớp học REU tới khi tốt nghiệp và cùng với GS. Moshe Rosenfeld hoàn thành cuốn sách “Research Experience for Undergraduates”.

Cuốn sách “Research Experience for Undergraduates” 

“Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học” là một cuốn sách dài hơn 100 trang, tổng kết các bài toán từng được đưa ra thảo luận trong lớp học REU, trong đó có nhiều bài đã được đăng trên tạp chí toán học uy tín hoặc đạt giải cao trong các hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên như: 01 bài báo khoa học đã được đăng trên tạp chí ISI (Journal of Graph Theory), 01 bài báo gửi đăng tạp chí Geombinatorics, 01 báo cáo đạt giải Nhất hội nghị NCKHSV cấp Bộ, 02 báo cáo đạt giải Ba hội nghị NCKHSV cấp Khoa,... Các bài toán trong cuốn sách đề cập tới số học, hình học và tổ hợp – là những đề tài quen thuộc với học sinh THPT chuyên, sinh viên ngành Toán.

Nói về các thành viên lớp học REU cũng như sinh viên Khoa Toán nói chung, GS. Rosenfeld cho biết, sinh viên Việt Nam có tư duy toán học tốt, có khả năng giải quyết nhanh chóng các bài toán đơn lẻ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu Toán học ở mức độ cao hơn đòi hỏi sinh viên cần nhiều kỹ năng khác, trong đó phải kể đến kỹ năng làm việc nhóm vì Toán học cần cộng đồng để phát triển. Giáo sư hi vọng qua lớp học này có thể truyền đạt kinh nghiệm và phong cách nghiên cứu của ông tới các sinh viên. GS. Rosenfeld cũng chia sẻ quan niệm nghiên cứu của ông rằng, rất đơn giản để đặt ra một bài toán khó, nó xuất hiện rất nhiều trong Toán học, có những bài toán người Hy Lạp đặt ra cách đây 2.000 năm nhưng vẫn chưa có lời giải. Cái khó ở đây là cách tiếp cận với những bài toán mà đề bài dễ hiểu, nhưng lời giải lại không tầm thường. Phần lớn các bài toán đặt ra trong cuốn sách có liên quan tới nhà Toán học Paul Erdos – một nhà Toán học có nhiều bài viết nhất trong thế kỷ 20. 

 

Không khí thân mật giữa các thành viên nhóm REU và vợ chồng GS. Rosenfeld

Chia sẻ về khoảng thời gian làm việc nhóm, tham gia biên soạn cuốn sách cùng GS. Rosenfeld, Nhật Tân cho biết: vì học Chương trình Cử nhân khoa học tài năng và tiên tiến nên chúng em được học tập trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, được làm quen với việc viết và trình bày bài toán bằng tiếng Anh từ các thầy cô và một số giáo sư nước ngoài từ sớm. Em cảm thấy may mắn vì được tham gia nhóm REU. Ở đó, bản thân mỗi thành viên không chỉ đều nỗ lực để khẳng định mình, mà còn hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau. Các thành viên đều ý thức được lợi ích và nhiệm vụ của mỗi cá nhân cũng như tập thể, đều hiểu “các bài báo khoa học phần lớn là sản phẩm của sự hợp tác khoa học hơn là được làm bởi chỉ mỗi cá nhân”. Điều đó thể hiện ngay trong cuốn sách đầu tay của chúng em có nhiều bài viết là chung của 2 hoặc 3 bạn.

Thọ Tùng cũng cho biết, thật may mắn và thuận lợi khi chúng em được làm việc cùng với Thầy Moshe. Thầy là người đưa ra nhiều ý tưởng, hướng dẫn chúng em để có thể đi tới lời giải cuối cùng. Thầy cũng là người kiểm tra tính đúng sai các chứng minh của chúng em, chỉnh sửa tiếng Anh, chỉnh sửa cách trình bày các bài toán trong cuốn sách.

Cùng suy nghĩ đó, Tiến Nam cho biết, điều bổ ích nhất trong quá trình làm đề tài và viết sách mà em học được là lợi ích từ làm việc nhóm, sự trao đổi, chia sẻ và hợp tác của các thành viên trong nhóm thuộc các chuyên ngành khác nhau. Ví dụ, khi em gặp vướng mắc về Lý thuyết số thì em hỏi Thọ Tùng, hay trong quá trình nghiên cứu khi nảy sinh vấn đề về tổ hợp thì Tùng lại hỏi em. Một kinh nghiệm nữa mà em có được đó là phương pháp viết bài báo khoa học một cách hàn lâm.

Không chỉ có thành tích học tập tốt, hoàn thành cuốn sách Toán học đầu tay, cả 4 bạn đều tìm được học bổng sau đại học tại các trường đại học uy tín. Nguyễn Thọ Tùng sẽ tiếp tục làm tiến sĩ tại Đại học Chicago, bang Illinois (Hoa Kỳ) với chuyên ngành học dự kiến là Lý thuyết số và Hình học Đại số. Lê Tiến Nam đã nhận được học bổng tại Đại học Ecole Normal Superior Lyon (Cộng hòa Pháp). Tháng 10 tới, Trần Nhật Tân sẽ lên đường sang Nhật Bản học thạc sĩ tại Trường Đại học Hokkaido, Sapporo theo học bổng của Chính phủ (MEXT). Trần Văn Độ - thành viên nhỏ tuổi nhất “bộ tứ” tháng 12/2014 mới tốt nghiệp, nhưng hè này bạn được nhận học bổng đi thực tập hè ở Canada trong thời gian 03 tháng.

Tương lai đang rộng mở trước mắt các em. Chúc các em thành công!

Thành tích học tập đáng nể của “bộ tứ”

1. Nguyễn Thọ Tùng

- Lớp K54 Chương trình CNKHTN Toán

- Điểm tổng kết: 3.83

- Học bổng khuyến khích học tập năm 2009 – 2014;

- Học bổng Watanabe Kanda 2012 – 2013;

- Học bổng Chương trình trọng điểm về Toán của Bộ GD&ĐT 2011 – 2012;

- Giải Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường;

- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG năm 2012;

- Học bổng Honda Yes dành cho kĩ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2013.

2. Lê Tiến Nam

- Lớp K54 Chương trình CNKHTN Toán

- Điểm tổng kết: 3.05

- Giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường, giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN năm 2012-2013 với đề tài: "Forbidden subgraphs of the odd-distance graph";

- Giải Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012 - 2013 với đề tài: "Forbidden subgraphs of the odd-distance graph";

- Học bổng Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 – 2020  năm học 2012 – 2013;

- Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo 2013 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Bài báo "Forbidden subgraphs of the odd-distance graph" viết cùng GS. Moshe Rosenfeld được đăng ở tạp chí Journal of Graph Theory.

3. Trần Nhật Tân

- Lớp K54 Chương trình CNKHTN Toán

- Điểm tổng kết: 3.21

- Giải Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm 2013;

- Bằng khen của UB Dân số, gia đình và trẻ em Bộ Quốc phòng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng đạo đức 5 năm (2005 – 2010).

- Bài báo “Weighted Erdos-Mordell Inequality for Star-shaped Polygons” viết cùng GS. Moshe Rosenfeld đã gửi đến tạp chí Geombinatorics và đang chờ thông tin nhận đăng từ tạp chí.

4. Trần Độ

- Lớp K55 Chương trình CNKHTN Toán

- Điểm tổng kết: 3.76

- Giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường năm 2014

- Giải Nhì Olympic Toán học sinh viên quốc tế năm 2012

- Giải Nhì Olympic Toán học sinh viên toàn quốc (môn Đại số) năm 2012

- Giải Ba Olympic Toán học sinh viên toàn quốc (môn Giải tích) năm 2012

- Giải Nhất Olympic Toán học sinh viên toàn quốc (môn Giải tích) năm 2012

- Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG năm 2011.


 

 HQ - HUS Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   |